Những ngôi nhà sàn cổ dưới chân núi Khau A
Nghĩa Đô từ lâu được biết đến là một vùng đất cổ, nơi có những phong tục tập quán cổ truyền. Cuộc sống nơi đây hấp dẫn lòng người không chỉ ở khung cảnh thanh bình, yên ả mà còn bởi thung lũng này là nơi quần tụ của những ngôi nhà sàn cổ kính.
Đặt chân đến đầu xã Nghĩa Đô, đứng từ trên mỏm đất cao, phóng tầm mắt ra xa, bản làng hiện ra trước mắt chúng tôi tuyệt đẹp.
Dáng núi Khau A, Khau Rịa và Khau Choong sừng sững bao quanh Nghĩa Đô, những vệt nắng xuyên chiếu xuống dòng Nậm Luông đang chảy róc rách quanh những bản làng Tày. Một khung cảnh bình yên và thơ mộng đến lạ.
Đó cũng chính là không gian cho sự xuất hiện của những ngôi nhà sàn cổ vững chãi từ bao đời nay ở Nghĩa Đô.
Nghệ nhân người Tày Ma Thanh Sợi ở bản Rịa hào hứng và tự hào giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất và con người vùng Nghĩa Đô từ cổ xưa. Ông Sợi cho biết, trước đây Nghĩa Đô có tên là Mường Luông, nơi đây hoang vu bởi rừng rậm và thú dữ.
Về sau, có một số người Tày từ Hà Giang phát đường tìm lối sang đây định cư sinh sống, rồi dần dần lập thành bản Tày. “Ngay từ thuở xưa đó, người Tày Nghĩa Đô đã có phong tục làm nhà sàn rồi”, ông Sợi cho biết.
Hiện nay, ở vùng đất Nghĩa Đô còn tới khoảng 50 ngôi nhà sàn cổ có niên đại trên 50 năm, nằm rải rác ở các bản Thâm Luông, Thâm Mạ, bản Đáp, bản Ràng, bản Rịa.
Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, phong tục dựng nhà sàn của người Tày chỉ có ở vùng này, không lẫn với bất cứ vùng nào. Do vậy, có thể nói những căn nhà sàn cổ hiện còn lại ở Nghĩa Đô đều ghi dấu những tập quán của đồng bào nơi đây.
Sự độc đáo của phong tục in sâu vào từng nếp lá, từng họa tiết, từng chiếc cột và cách thiết kế căn nhà.
Video đang HOT
Theo lời kể của các bậc cao niên trong các bản, những ngôi ngà sàn cổ đều được dựng bằng những loại gỗ quý từ những cây gỗ to trên rừng sâu.
Để chuần bị đủ các nguyên vật liệu như cột, ván, sàn, cọ… người dân phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm.
Ông Nguyễn Văn Sư, chủ nhân ngôi nhà sàn cổ trên 50 năm ở bản Thâm Luông cho biết ngôi nhà sàn của tổ tiên để lại xưa kia được làm từ gỗ của một cây gỗ lim duy nhất trên rừng sâu. Phải mất đến 5 tháng, gia đình ông mới chặt, mang gỗ về nhà được.
Nhìn những cột nhà đã đen tịm màu thời gian chúng tôi cảm nhận được sự vững chãi bền lâu của ngôi nhà.
Người Tày Nghĩa Đô thường dựng nhà sàn ở sườn núi hoặc lưng đồi, ít khi dựng ở bãi đất thấp. Bởi theo quan niệm của họ, ở trên cao sẽ thoáng mát, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh được lụt lội và lưng tựa vào núi vững chắc. Còn hướng nhà thường chọn nhìn ra suối. Bởi suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Chính vì vậy, những căn nhà sàn cổ ở Nghĩa Đô hiện nay có địa thế hết sức đẹp, vững chãi, sơn thủy hữu tình.
Nghệ thuật bài trí trong nhà sàn cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng cho văn hóa Tày vùng Nghĩa Đô. Nhà sàn của người Tày Nghĩa Đô thường đặt 3 bếp. Trong đó, một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình.
Bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng.
Bên cạnh đó, người Tày cũng thờ ma bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp nhưng về vách phía sau gọi là “sỏi lội”.
“Có thời điểm, khách đến xem nhà sàn rồi hỏi mua, có người trả vài trăm triệu một căn nhà nhưng chúng tôi nhất quyết không bán vì nó như báu vật mà tổ tiên để lại”, ông Hoàng Văn Sứ – bản Đáp tâm sự.
Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc được sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên.
“Dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, nhân dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình ở các bản Tày Nghĩa Đô vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền cho thế hệ sau”, ông Nguyễn Văn Quay – chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết.
Và đó cũng chính là lý do vì sao, ở Nghĩa Đô cho đến nay vẫn còn đó những căn nhà sàn cổ vững chãi bên dòng suối Nậm Luông.
Ông Nguyễn Văn Quay cũng cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, người dân Tày Nghĩa Đô gìn giữ những ngôi nhà sàn cổ như những báu vật của cả vùng. Đồng thời, coi đây là không gian văn hóa để địa phương phát triển du lịch làng bản, gắn với hành trình du lịch về cội nguồn”.
"Tháp Eiffel" trên "Cao nguyên trắng"
Núi Cô tiên nằm trên địa phận xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Nếu leo bộ từ phía Bắc theo vòng cung núi đá điệp trùng xuôi về hướng Nam, qua địa phận Quan Thần Sán, du khách sẽ gặp một quả núi đơn lẻ, cao ngất trời.
Từ nơi này nhìn về phía Nam, du khách sẽ gặp sự trầm tĩnh, cổ kính của dinh thự Hoàng A Tưởng; sự ồn ào, nhộn nhịp của khu chợ Bắc Hà và những thảm lúa, nương ngô, vườn mận... Nhìn ra xa, bạn sẽ gặp vùng đất thuộc các xã mà nghe tên đã thấy đầy cuốn hút như: Thải Giàng Phố (Dốc mặt trời lên), Bản Phố (Bản lưng chừng dốc), Hoàng Thu Phố (Lối đất đỏ), Cốc Ly (Gốc Lý).
Núi Cô tiên sừng sững giữa đất trời.
Người dân ở đây kể rằng: Ngày ấy, có hai cha con nhà nọ đi chợ Bắc Hà về đến chốn này thì người con gái bị cảm nặng. Người cha loay hoay đủ mọi phương cách nhưng không cứu được con. Đau buồn, tuyệt vọng, ông đành chặt cây lấy cành lá đắp thi thể con rồi chạy xuống một bản gần đấy xin mấy nén nhang để thắp cho vong hồn con.
Sau khi nghe ông lão kể lại sự tình, bà con dân bản bảo nhau, người góp công, người góp của, cùng nhau theo ông lão lên núi làm ma. Khi mọi người tới chỗ người con gái xấu số thắp nhang thì lạ thay, cô gái tỉnh dậy, nói năng hoạt bát như người vừa qua một giấc ngủ.
Kỳ lạ hơn khi người con gái kể đã gặp Quan Âm Bồ Tát, Phật Bà dặn dò cô việc thờ phụng ở chốn dương gian rồi dẫn cô trở về cõi trần. Mọi người bàng hoàng ngước lên trời liền bắt gặp đám mây ngũ sắc tụ ngay trên đỉnh đầu. Thấy đây là điềm lành và để tạ ơn Quan Âm Bồ Tát cứu mạng cho con gái, người cha cùng dân bản đã thuê người đục am trên vách đá cao, rồi tạc tượng Quan Âm Bồ Tát để thờ.
Dưới chân Núi Cô tiên là những bản làng trù phú.
Theo dòng huyền thoại đó, hằng năm, cứ đến ngày 19/9, dân bản lại mang oản, vải đỏ tới đây để cầu Quan Âm Bồ Tát xin điều lành, xoá điều dữ. Bản người Mông nằm nép ngay dưới vách đá được mang tên Quán Dín Ngài (nơi thờ Quan Âm).
Ngay dưới chân vách đá thờ là những thửa ruộng bậc thang xếp liền nhau, vụ nào cũng cho những bông lúa vít cong, mang ấm no đến mọi nhà. Và một điều khác biệt nữa là trong tín ngưỡng người Mông ít chịu ảnh hưởng của các dân tộc khác, việc thờ cúng chủ yếu là thờ trong nhà; thờ cúng cộng đồng thường chỉ là những gốc cây to, hòn đá hình thù khác lạ, trong rừng cấm... Việc thờ Phật Bà Quan Âm trên núi Cô Tiên chứng tỏ sự giao thoa văn hoá của dân tộc Mông ở đây với các dân tộc khác đã có những ảnh hưởng nhất định.
Bắc Hà đang thời mở cửa, cùng với hoa thơm, quả ngọt, khí hậu mát lành, bản sắc văn hoá dân tộc thì núi Cô Tiên - "Tháp Eiffel" thiên tạo cùng những huyền thoại đang gọi mời du khách tới thăm "Cao nguyên trắng".
Tả Van đắm say lòng người Theo con đường uốn lượn, gập ghềnh dưới chân núi, tại điểm dừng chân, một không gian bản làng thơ mộng mở ra trước mắt tôi... Đến Tả Van có nghĩa là bạn đã rời xa sự sầm uất, nhộn nhịp của phố núi Sa Pa để hòa vào không gian hoàn toàn khác. Tĩnh lặng, hoang sơ, bình yên và đậm sắc...