‘Những ngôi làng ma’ ở Nepal
Có những ngôi làng trở thành “ngôi làng ma” vì không còn ai sống sót. Thi thể người chết rải rác trên đường là nỗi ám ảnh về sự mất mát, đau thương…
Bà Shanti kể vể những khó khăn của bà và dân làng sau trận động đất – Ảnh: Nguyên Thảo
Tan hoang
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài các đơn vị cứu hộ của quân đội, chính phủ Nepal, các tu viện lớn ở Thủ đô Kathmandu như Shechen, White Gompa… cũng nhanh chóng bắt tay vào cuộc. Cũng tại đây, nhiều ngày qua, tu viện cung cấp ngày 3 bữa cơm và nước uống miễn phí cho người dân và du khách trong vùng.
Trong những ngày này, các cơn dư chấn có cường độ từ 2,2 – 4,8 độ richte vẫn còn xuất hiện với tần suất cao và dự báo một trận động đất cường độ mạnh tương tự hôm 25.5 sẽ còn xảy ra trong vòng từ 7-10 ngày tới. Người dân Nepal và du khách còn kẹt lại ở đây không cách nào khác là bám trụ trong các căn lều tạm được dựng lên trong khuôn viên tu viện, những khu đất trống, công viên, ven đường… dù trời liên tục có mưa, gió mạnh. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, quần áo, nước uống, thuốc men… khiến cho đời sống của người dân Nepal sau trận động đất thêm khó khăn, tồi tệ.
Theo thống kê sau trận động đất tại Nepal, có 600.000 ngôi nhà bị sập, 29.454 ngôi nhà hư hỏng, hàng ngàn người lâm vào cảnh không nhà cửa, phải sống tập trung trong các căn lều tạm. Tuy nhiên số lều bạt mà các trung tâm cứu trợ tiếp nhận được những ngày qua chỉ như “muối bỏ biển”, vỏn vẹn có 50.00 tấm bạt nhựa… Trong nỗ lực chung tay giúp người dân Nepal qua cơn khốn khó, chiều qua (30.4), nhóm 3 người bạn Mỹ của tôi lùng sục khu vực quanh Chehtrapati – Thamel để mua bạt nhựa… nhưng chỉ có một, hai cửa hàng mở cửa đón khách và số lượng lều bạt có thể mua được cũng hết sức hạn chế. Tình trạng này cũng xảy ra ở khu vực Sindhupalchok, Kathmandu, Nuwakot, Rasuwa, Dhading… là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất mạnh 7,9 độ richte hôm 25.4.
Hiện tại nhiều người chết vẫn còn bị vùi trong đống đổ nát; những người sống sót không có cơm ăn, phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” trong không gian nồng nặc mùi tử khí từ những thi thể đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.
Vợ chồng anh chị Slava và Anna đang kể lại những cảnh tượng họ gặp trên đường – Ảnh: Nguyên Thảo
Chúng tôi gặp cặp vợ chồng người Nga, anh Slave và chị Anna gần White Gompa, Boudha – những người vừa trở về Kathmandu từ tỉnh Sindhupalchowk. Anh, chị cho biết, nhiều ngôi làng ở Milamchi, Timbu… gần như bị xóa sổ. Cả tuyến đường chỉ còn lại những đống đổ nát và vắng lặng không một bóng người. Anh Slava cho chúng tôi xem những video và hình ảnh những ngôi nhà đổ nát, thi thể người chết nằm lại bên đường. Có những ngôi làng trở thành “ngôi làng ma” vì không còn ai sống sót. Thi thể người chết rải rác trên đường là nỗi ám ảnh về sự mất mát, đau thương, về dịch bệnh có thể sẽ sớm hoành hành nếu không được sớm xử lý, dọn dẹp. Mối lo ngại về dịch bệnh dần hiện rõ trong tâm trí chúng tôi khi được xem những hình ảnh và video mà cặp vợ chồng này ghi lại trên đường trở về Kathmandu. Chị Anna cho biết: “Từ Milanchi đến Timbu ước có khoảng 500 người chết và nhiều người bị thương. Nhiều người chết hiện còn bị vùi trong các đống đổ nát”.
Khốn khó trăm bề
Sáng nay, 1.5, tại “tổng hành dinh” Trung tâm cứu trợ nạn nhân động đất của Tu viện White Gompa, Boudha, Kathmandu, nơi nhóm tình nguyện viên đang họp phân chia công việc trong ngày, bà Shanti và con gái (phường 8, làng Dharna, quận Dhading) đến xin gặp trực tiếp Phakchok Rinpoche (Vị Đại pháp vương này đã đến Việt Nam vào năm 2014 – NV) và cầu xin sự giúp đỡ cho người dân ở quận Dhaling và những ngôi làng cạnh đó.
Video đang HOT
Hàng hóa tập kết tại Tu viện White Gompa, Boudha, Kathmandu – Ảnh: Nguyên Thảo
Bà Shanti nói trong nước mắt: “Nơi tôi ở có hơn 1.000 người sinh sống. Sau động đất có hơn 50 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 45 người chết và nhiều người bị thương…”. Bà cũng cho biết, hiện tại các con đường về khu vực này bị hư hỏng nặng nên 6 ngày sau trận động đất, bà và mọi người chưa nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ phía chính quyền Kathmandu cũng như các tổ chức thiện nguyện. Họ không có nước uống, không thức ăn, lều trại, thuốc men và trong tình trạng đường sá hiện nay, chỉ có trực thăng mới có thể tiếp cận được khu vực này. Bà kể cho chúng tôi nghe chuyện xảy ra trưa 25.4 trong tiếng nấc nghẹn ngào, gương mặt vẫn còn nguyên vẻ đau đớn vì nỗi đau mất mát người thân…Pachok Ripoche đã trấn an bà và con gái. Đội tình nguyện ghi nhận thông tin từ bà và lên phương án hỗ trợ. Trong đêm 1.5, hàng chục chuyến xe tải chở theo gạo, lương khô, mì gói, lều bạt nhựa, vôi bột, nước uống và thuốc men… sẽ được chuyển về những khu vực ngoại ô Kathmandu, trong đó có làng Dhaling của bà Shanti.
Trên toàn Thung lũng Kathmandu, những người có cùng hoàn cảnh như bà Shanti rất nhiều. Bà may mắn hơn họ vì chạy đến được Boudha và gặp được nhiều người sẵn sàng giúp đỡ. Trong buổi sáng nay, nhiều nhóm người nước ngoài đã đến và liên lạc với Phacchok Rinpoche và các cộng sự của ông để ủng hộ tiền bạc, thực phẩm, lều bạt sau khi biết được công việc mà ông và các cộng sự của mình đã làm trong suốt những ngày qua trong nỗ lực cứu giúp người Nepal khắc phục hậu quả nặng nề sau trận động đất hôm 25.4.
Lượng rau củ, các mặt hàng nhu yếu phẩm về Kathmandu tuy có nhiều hơn so với 2 ngày xảy ra trận động đất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Nepal. Đa số rau củ quả này được nhập khẩu từ Ấn Độ và tỉnh Dhading nhưng phần lớn những chuyến hàng này đều bị kẹt trên đường vì đường sá bị hư hỏng nặng, phí vận chuyển hàng hóa tăng từ 175 Rupies cho quãng đường 90 km trước đây giờ bị đẩy lên 1.000 Rupies/90 km. Sau động đất, tình trạng mất điện, thiếu nước, thiếu thực phẩm, nước uống và kết nối internet lúc có lúc không đang là vấn đề nan giải trong hoạt động cứu hộ nạn nhân động đất Nepal.
Bà Kesang Dolma, người Nepal gốc Sikkim (Ấn Độ) cho biết, nhiều đoàn cứu trợ của người thân và bạn bè của bà xuất phát từ Sikkim mang hàng cứu trợ đến Nepal đã bị chặn lại ở cửa khẩu Kakarbhita…và bị nhân viên Hải Quan Nepal thu phí.
Gồng mình đứng dậy
Trong cơn hoạn nạn, dù trong cảnh hoang tàn, đổ nát, thiệt hại khá nặng nề, người dân Nepal như đang cố gượng mình đứng dậy, cố đưa cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường nhưng dường như điều này là quá sức với họ. Một vài cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, quầy lưu niệm ở Thamel, Boudha… đã mở cửa đón khách trở lại nhưng họ thường đóng cửa sớm hơn thường lệ. Đường phố vẫn vắng vẻ, chỉ có những hành khất, những vị sư sãi ngồi thành từng tốp cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số của trận động đất. Trên đường phố, tất bật và nhộn nhịp nhất là xe buýt, taxi, xe cứu thương, xe quân đội đi giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai và các đội cứu hộ như của Tu viện Shechen, White Gompa.
Sau động đất, hơn 100.000 người cố thoát khỏi Nepal càng sớm càng tốt (dù điều này chẳng mấy dễ dàng), đổ dồn về sân bay, bến xe… khiến nơi đây trở nên hết sức hỗn loạn. Giờ đây, khung cảnh Sân bay Quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu đã không còn đông đúc như mấy ngày trước đó dù vẫn có nhiều người đang từng giờ rời khỏi Nepal. Họ về nước hoặc đến các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan lánh nạn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sự hiện diện của nhân viên lãnh sự quán các nước Mỹ, Đức, Phần Lan, Úc, Newzeland, Đan Mạch, Philippine, Hàn Quốc, Nhật Bản tại sân bay, rồi lập các chốt tiếp nhận thông tin và giúp đỡ công dân của họ rời đi trong những ngày qua đã phần nào vãn hồi trật tự ở nơi này.
Tại thủ đô Kathamndu, khoảng 200 người tập trung bên ngoài cơ quan của chính quyền yêu cầu có thêm xe buýt để về nhà do phản ứng của chính quyền và sự trợ giúp quá chậm. Đó cũng là một trong những lý do các Tu viện như Shechen … và các vị tăng sinh, Rinpoche vào cuộc. Tất nhiên việc trợ giúp từ các tổ chức này đối với tất cả tha nhân, hiện đang trong cảnh đau khổ, nhọc nhằn tại Nepal chứ không riêng cho tín đồ Phật giáo Tây Tạng. Đó cũng là lý do, ngày càng nhiều các cá nhân, tổ chức nước ngoài liên lạc với Pachok Rinpoche và đồng sự của ông để quyên góp tiền và thực phẩm cứu trợ cho người dân Nepal.
Nguyên Thảo
(từ Nepal)
Theo Thanhnien
Động đất kéo Kathmandu trượt 3 m về phía nam
Chuyên gia cho biết rung chấn 7,8 Richter kéo dài một đến hai phút hôm 25/4 ở Nepal đã "kéo cả thành phố Kathmandu trượt về phía nam khoảng ba mét".
Quảng trường Durbar tại thành cổ của thủ đô Kathmandu, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, tan hoang sau trận động đất. Ảnh: BBC
Từ hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ, từng là một đảo riêng biệt trên Ấn Độ Dương, đã có xu hướng va chạm với mảng lục địa châu Á. Tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa hiện ở mức 3 - 4 cm mỗi năm. Tiến trình này tạo nên dãy núi hùng vĩ nhất thế giới Himalaya, nhưng đi kèm với nó là cả những trận động đất có sức mạnh kinh hoàng.
Chuyên gia đã cảnh báo với những người dân sống ở thung lũng Kathmandu về nguy cơ động đất suốt nhiều thập kỷ. Vì thế, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra hôm 25/4 vừa qua tại Nepal khiến hơn 3.200 người thiệt mạng được coi là một thảm hoạ "có thể biết trước", theo New York Times.
Những số liệu đo đạc bởi cơ quan địa lý trong vùng cho thấy có nguy cơ xảy ra chấn động mạnh. Chấn động này khiến những công trình xây dựng vốn đã thiếu chắc chắn ở Nepal không thể trụ vững.
GeoHazards International (GI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Menlo Park, California, Mỹ, với nỗ lực nhằm giúp đỡ những người nghèo sống tại các vùng dễ bị ảnh hưởng như Nepal, chuẩn bị đối phó với thảm họa, đã lưu ý rằng những trận động đất như vậy có khả năng xảy ra theo chu kỳ khoảng 75 năm một lần tại khu vực này.
"Với tốc độ tăng dân số khoảng 6,5% mỗi năm và là nơi có mật độ dân cư thành phố cao nhất thế giới, 1,5 triệu dân sống tại thung lũng Kathmandu sẽ đối mặt với mối hiểm họa rõ ràng và không ngừng gia tăng về nguy cơ xảy ra động đất", báo cáo vừa được đưa ra tháng này của GI cảnh báo.
Sự dịch chuyển của mảng kiến tạo Ấn Độ về phía bắc qua hàng chục triệu năm. Đồ họa: wikipedia.
Năm 1934, trận động đất mạnh 8,1 độ Richter xảy ra ở phía đông Nepal, cách núi Everest khoảng 10 km về phía nam, cũng đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người.
Theo Brian Tucker, chủ tịch kiêm người sáng lập của tổ chức GI, nếu trận động đất năm 1934 xảy ra tại thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng sẽ lên tới khoảng 40.000 người bởi làn sóng di cư đến các thành phố lớn rất cao. Thêm vào đó, các toà nhà yếu ớt, thiếu vững chắc tại đây chắc chắn sẽ sụp đổ.
Trận động đất tại phía tây bắc thung lũng Kathmandu xảy ra khá nông, chỉ khoảng 14,4 km dưới mặt đất, tạo nên những rung chấn rất mạnh ở bề mặt. Tuy nhiên, trận động đất này sản sinh ra ít năng lượng hơn so với cơn địa chấn năm 1934.
Cả thành phố trượt dài ba mét
Vị trí động đất nằm gần biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc. Đồ hoạ: BBC
Roger Bilham, giáo sư về khoa học địa chất tại trường đại học Colorado, người đang nghiên cứu về lịch sử của những trận động đất xảy ra tại Nepal, cho biết những rung chấn trong một đến hai phút đã "kéo cả thành phố Kathmandu trượt về phía nam khoảng ba mét".
Kathmandu và thung lũng bao quanh nằm trên một lòng hồ cạn nước cổ đại. Điều này khiến những ảnh hưởng do động đất gây ra càng trở nên trầm trọng hơn.
"Đất ở đây rất yếu, vì thế nó góp phần khuếch đại rung chấn", giáo sư Tucker cho hay.
Một số chuyên gia cho rằng cơn địa chấn hôm 25/4 là khởi đầu cho một trận động đất khác còn lớn hơn. Nhưng ông Bilham đã bác bỏ suy đoán trên.
Kathmandu không phải là nơi duy nhất mà các nhà khoa học dự đoán sẽ xảy ra những trận động đất cường độ lớn. Tiến sĩ Tucker nhận định một số nơi khác trên thế giới như Tehran, Haiti, Lima, Peru và Padang, Indonesia, là những nơi dễ xảy ra các trận động đất tương tự.
Tại những địa điểm này, các đứt gãy kiến tạo rất phức tạp. Thêm vào đó, tiêu chuẩn an toàn xây dựng thấp cùng công tác chuẩn bị đối phó với thảm họa còn yếu kém là nguyên nhân khiến thiệt hại có thể gia tăng nếu động đất xảy ra.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Động đất Nepal: Tháp em đổ sập theo tháp anh Tòa tháp Dharahara, từng là tòa tháp cao nhất Nepal, đã đổ sập theo "người anh em của mình" sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4, chôn vùi hàng trăm sinh mạng. Tòa tháp Dharahara được xây dựng từ thế kỷ 19 - Ảnh: chụp màn hình trang attractionsnepal.com Thế giới vừa chứng kiến thêm một thảm họa thiên nhiên, cướp đi...