Những ngôi làng chỉ có người già và trẻ nhỏ
Không bằng lòng với cuộc sống mưu sinh trên vài sào ruộng, người dân nhiều vùng quê ở Thanh Hóa đã bỏ xứ lên phố hoặc xuất khẩu lao động kiếm kế sinh nhai. Nơi vùng quê bởi vậy chỉ còn thấy người già và trẻ nhỏ.
80% số dân bỏ xứ đi làm thuê
Thanh Hóa là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước, là một trong những tỉnh có nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu nên hàng năm địa phương này có hàng trăm nghìn người bỏ xứ đi khắp nơi kiếm sống. Đặc biệt, tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) người dân bỏ quê đi làm ăn xa tới 80% tổng số dân.
Về Thiệu Giao những ngày này thật khó để có thể bắt gặp người dân trong độ tuổi lao động vì hầu hết đều bỏ quê đi làm ăn xa. Hình ảnh thường thấy ở xã này là những cụ già và lũ trẻ đang độ tuổi cắp sách đến trường và những ngôi nhà cấp bốn hoang tàn, rong rêu phủ kín vì không có người ở.
Những cụ già của xã Thiệu Giao cho hay, cứ đến độ tuổi lao động là người ta bỏ quê vào Nam ra Bắc làm ăn với đủ thứ nghề mưu sinh. Việc bỏ quê đi làm ăn đã trở thành truyền thống hàng chục năm qua của xã này rồi.
Người dân bỏ xứ đi làm thuê để lại những ngôi nhà hoang phủ đầy rong rêu
Bác Lê Thị Loan (ngụ thôn 2, xã Thiệu Giao) cho biết, do cuộc sống khó khăn nên từ những năm 1993, nhiều người dân ở địa phương bỏ vào miền Nam đi buôn đồng nát, làm thuê. Thấy nghề này kiếm sống được lại không vất vả như làm ruộng, nên người dân lũ lượt kéo nhau vào Nam mưu sinh. Có nhà đi 3 – 5 năm, thậm chí có nhà đi cả chục năm mới về quê 1 lần.
Ông Lê Duy Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao, cho biết toàn xã hiện có khoảng 7.800 nhân khẩu thì có tới 5.400 khẩu đi làm ăn xa. Điều đáng nói, trong vòng khoảng 20 năm qua, đã có khoảng 4.000 người cắt khẩu khỏi địa phương.
Trào lưu bỏ xứ đi làm ăn xa không chỉ có ở xã Thiệu Giao mà rất nhiều địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa cũng xảy ra tình trạng này do cuộc sống quá khó khăn, không có công ăn việc làm.
Tại huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều xã như Hải Vân, Hải Long, Phú Nhuận, Mậu Lâm… có hàng nghìn người rời quê qua Lào và Thái Lan lao động “chui”. Hay ở các xã ven biển của huyện Hậu Lộc và Quảng Xương (Thanh Hóa), lại có trào lưu vượt biên qua Trung Quốc làm “chui”. Có thời điểm, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa thống kê có trên dưới 5.000 người qua Trung Quốc lao động trái phép. Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, là địa phương có cả nghìn người sang Trung Quốc làm thuê. Công an huyện này cũng đã bắt một số người trong đường dây môi giới, “cò” đưa người đi lao động trái phép.
Video đang HOT
Về Thiệu Giao những ngày này chỉ toàn thấy người già và trẻ nhỏ
Khó khăn trong quản lý
Ông Thắng cũng cho biết thêm: “Việc người dân bỏ xứ đi làm ăn xa khiến cho công tác quản lý nhân khẩu cũng gặp khó khăn. Lúc đi có 2 vợ chồng nhưng lúc về có tới 4 – 5 người, do họ vào đó làm ăn sinh con đẻ cái. Đặc biệt, rất nhiều người dân sau khi đi làm ăn xa có điều kiện, họ cắt khẩu chuyển đi nơi khác sinh sống không quay lại địa phương nữa”.
Do hầu hết lao động chính của địa phương không có ở nhà nên những năm gần đây, Thiệu Giao đã có hàng chục ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Năm 2014, xã này có khoảng 20 ha bỏ hoang, năm 2015, diện tích này khoảng 10 ha.
Theo ông Lê Duy Thắng, việc người dân bỏ quê vào miền Nam và các thành phố lớn kiếm sống, hầu hết đều có kinh tế ổn định, khá giả. Tuy nhiên, nó lại đem lại nhiều khó khăn cho địa phương trong việc phát huy nội lực trong nhân dân, việc tuyển quân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Hiện nay, xã đang vận động toàn dân đóng góp để tham gia xây dựng Nông thôn mới, người dân đi làm ăn xa hết nên việc vận động đóng góp của nhân dân rất gian nan. Trong năm 2014, có 6 thôn phải cử người vào tận miền Nam để quyên tiền đóng góp” – ông Thắng cho biết.
Ông Lê Đình Doãi, trưởng thôn 2, xã Thiệu Giao, cho biết cả thôn có 160 hộ, nhưng hiện nay có 100 hộ/500 nhân khẩu đi làm ăn xa. “Trong năm 2014 khi xây dựng 1,1 km đường giao quanh thôn, xóm chúng tôi đã phải vào Nam cả tháng trời để vận động bà con đang làm ăn, sinh sống trong này đóng góp ủng hộ và xin được gần 100 triệu đồng” – ông Doãi cho hay.
Không những việc người dân đi làm ăn xa đông khiến cho việc quản lý khó khăn mà ngay cả việc học hành của thế hệ con cái cũng gặp không ít hệ lụy. Nhiều gia đình gửi con cho ông bà chăm sóc, thiếu sự quan tâm của bố mẹ khiến các cháu học hành không đến nơi đến chốn.
Tại xã Thiệu Giao, số lượng học sinh ở các trường tụt xuống một cách chóng mặt qua từng năm. Theo bà Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường tiểu học Thiệu Giao, năm 1998 – 2000, trường có tới 40 lớp học/1.000 học sinh, nhưng đến nay trường chỉ còn có 8 lớp/204 học sinh. “Trong khoảng 3 năm qua, số lượng học sinh của trường chỉ dao động trên dưới 200 học sinh. Do người dân ở đây đi làm ăn thường mang theo cả con cái đi hết, nên số lượng các em vào lớp 1 rất ít. Năm học 2014 – 2015 nhà trường tuyển được 33 em vào lớp 1. Đây là những em có mặt ở địa phương, còn con số theo bố mẹ thì rất đông, nhưng chúng tôi không thể nắm được” – bà Hồng nói. Cũng theo vị hiệu trưởng này hiện trong số 204 học sinh, thì có 63 em có gia đình đi làm ăn xa.
“Tại trường tiểu học Thiệu Giao, có một số trường hợp 8 tuổi mới vào lớp một, 12 – 13 tuổi chưa học hết cấp 1. Nguyên nhân là do những em này theo bố mẹ đi làm ăn, không được đi học mà gửi các em ở những nơi giữ trẻ, trung tâm tình thương, vì thế các em không được đến trường đúng độ tuổi. Trường chúng tôi còn có trường hợp em học lớp 3, dắt chị xin vào học lớp 1, thậm chí có em bố mẹ không có nhà phải nhờ hàng xóm dẫn đi tuyển sinh hộ” – bà Lê Thị Hồng chia sẻ.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Nỗi đau từ vụ án vợ sát hại chồng bằng khăn tắm
Không chịu nổi cảnh bị người chồng nát rượu đánh đập, trong lúc xô xát người vợ dùng khăn tắm siết cổ chồng đến chết. Sau vụ án "người chết, kẻ vào vòng lao lý", tội nhất 4 đứa trẻ nheo nhóc chưa biết bấu víu vào đâu để sống tiếp.
"Hầu như bữa nào say rượu về, Lượm cũng đánh vợ. Có lần Tở đang phơi bắp thuê gần nhà bị chồng cầm cây rượt đánh không thương tiếc và kéo xềnh xệch dưới mặt lộ", một người dân ở ấp Búng Nhỏ (xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chép miệng chuyện gã nát rượu đánh vợ.
Giết chồng say rượu bằng khăn tắm
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang hoàn tất các thủ tục tố tụng xử lý Ngụy Thị Tở (42 tuổi, ngụ ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú) về hành vi giết chồng. Kết quả điều tra ban đầu, chiều 27/2, Phan Văn Lượm (29 tuổi, chồng Tở) nhậu say về nhà thì xảy ra xô xát với Tở. Lượm cầm cây gỗ đánh liên tiếp vào người vợ. Trong lúc giằng co Tở dùng khăn tắm siết cổ làm chết chồng.
Gây án xong, Tở đến Công an xã Khánh Bình khai nhận hành vi của mình. Ngay trong tối hôm đó, cơ quan điều tra đã tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, pháp y và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình an táng. Chuyện Tở giết chồng, khiến những người dân ở ấp Búng Nhỏ xôn xao.
Ngụy Thị Tở tại cơ quan điều tra.
Ngày thường, Tở là một phụ nữ lam lũ, chịu khó làm thuê kiếm tiền nuôi chồng và 4 đứa con trong gia đình. Còn chồng Tở, dù còn thanh niên trai tráng nhưng mấy năm nay bỏ bê công việc và bầu bạn với "đệ tử lưu linh". Những người dân ở ấp Búng Nhỏ chép miệng: "Phía sau chuyện Tở giết chồng là cả tấn bi kịch gia đình. Người phụ nữ này nhiều năm phải sống trong cảnh bị chồng bạo hành, đánh đập".
Cách đây 8 năm, Phan Văn Lượm đến xã Khánh Bình làm công việc bốc vác thuê cho các ghe lúa. Một đêm đói quá, Lượm gõ cửa nhà Tở xin cơm nguội lót dạ. Khi đó, Tở đã bỏ chồng và đang nuôi 2 con gái. Cùng cảnh khổ, Tở động lòng thương xót chàng thanh niên xa xứ. Thời gian sau, Lượm dọn đến nhà Tở chung sống như vợ chồng với người phụ nữ này và có 2 mặt con (cháu lớn nay đã 7 tuổi, cháu nhỏ thì lên 5).
Bàn thờ lập vội của anh Lượm cũng không có cả di ảnh.
Nhà không có đất canh tác, hằng ngày vợ chồng Tở đi làm thuê kiếm sống. Thời gian đầu, Lượm tỏ ra khá siêng năng, chăm lo cho gia đình nhỏ. Thương chồng, Tở cũng cố gắng làm lụng cùng chung tay xây dựng tổ ấm. Cuộc sống hạnh phúc kéo dài được vài năm, Lượm sinh tật rượu chè và kiếm chuyện đánh đập vợ.
Mỗi khi say rượu, Lượm dùng bất cứ vật gì có thể đánh vợ, có khi dùng dao, gỗ lớn, đá cụi... Người dân ở ấp Búng Nhỏ cho biết, chuyện Lượm đánh vợ diễn ra nhiều năm. Địa phương nhiều lần mời 2 vợ chồng này lên làm công tác tư tưởng và khuyên nhủ Lượm. Tuy nhiên, gã chồng vẫn không bỏ được tật bạo hành vợ con. "Trên người chị Tở có rất nhiều vết sẹo do Lượm dùng dao chém trúng. Có lần, đứa con gái lớn của chị cũng bị Lượm cầm cây gỗ đánh bể lá lách phải đi cấp cứu", chị Nguyễn Thị Trúc (54 tuổi, hàng xóm với Tở) nói.
4 đứa trẻ bơ vơ
Ông Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ấp Búng Nhỏ cho biết: "Gia đình Tở thuộc hộ nghèo ở địa phương. Trước Tết Nguyên đán, địa phương có vận động hỗ trợ xây căn nhà tình thương và vợ chồng Tở cùng các con đã dọn vào ở chứ cũng chưa kịp làm lễ bàn giao". Từ hôm Lượm chết, Tở bị tạm giữ để điều tra, trong căn nhà tình thương chỉ có em Ngụy Thị Kiều Hương (16 tuổi - con gái lớn của Tở) chăm sóc, lo lắng cho 3 đứa em nhỏ.
Bốn đứa con của Tở không người chăm sóc.
Trước khi chưa xảy ra sự việc, Kiều Hương thường theo mẹ đi làm thuê, phụ giúp gia đình. Qua mai mối, có đám dạm ngõ đến tìm hiểu và chờ Kiều Hương đủ tuổi sẽ tổ chức kết hôn. Nhưng khi hay gia đình xảy ra chuyện, nhà trai đã "xin rút" và không còn bàn đến chuyện cưới hỏi. "Hiện tại em chưa biết làm cách nào để nuôi mấy đứa em nhỏ. Lúc mẹ đi tự thú có dặn em, đừng vì chuyện của mẹ mà chị em phải ly tán", Kiều Hương nghẹn ngào.
Việc Tở giết chồng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng nhiều người dân ở ấp Búng Nhỏ phần nào thương cảm cho hoàn cảnh cũng như động cơ gây án của Tở. "Ngày thường Tở là người hiền lành chịu thương chịu khó, có thể trong lúc bị chồng hành hung đã không kiềm chế được bản thân nên mới gây ra cơ sự này. Chỉ mong pháp luật lượng tình để Tở sớm có ngày về lo cho mấy đứa trẻ. Chứ giờ sắp nhỏ cũng chưa biết sống thế nào", ông Nguyễn Thanh Hải (60 tuổi, ngụ cùng địa phương) nói.
Hôm đám tang anh Lượm, cha mẹ ruột anh ở thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) lên và có ý dẫn 2 đứa cháu nội (con chung của anh Lượm và Tở) về nuôi dưỡng nhưng Kiều Hương nhất quyết không đồng ý. "Nhìn thấy mấy chị em Kiều Hương ai cũng rơm rớm nước mắt. Chị định nhận bé Thủy về nuôi nhưng nhìn cảnh đó lại thôi. Tội nghiệp cho mấy đứa trẻ.
Bữa giờ, đêm nào mấy đứa nhỏ cũng khóc, có lẽ vì sợ và nhớ mẹ", chị Nguyễn Thị Trúc bộc bạch. "Mấy ngày nay ở xóm này ai cũng bàn luận về chuyện của Tở. Nhiều người nói tôi đứng đơn để ký tên tập thể gửi lên tòa xin giảm án".
Theo Văn Vĩnh - Trần Sang
Cảnh sát toàn cầu
Thực hư "làng ăn mày" đóng cửa đi ăn xin ngày Tết Đã từng có một thuở gần như cả làng phải đi ăn mày, để rồi cho đến bây giờ, xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn mang cái biệt danh để đời "làng ăn mày". Chuyện "làng ăn mày" một thuở... Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, Quảng Thái là một trong những vùng đất nghèo...