Những nghĩa cử đẹp người dân Thủ đô trong đại dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp, điều đó cũng đồng nghĩa cuộc sống của người dân Thủ đô cũng như cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàng chục khu vực dân cư cùng nhiều bệnh viện liên quan đến ca bệnh trên địa bàn thành phố bị phong tỏa, người lao động trong nhiều doanh nghiệp phải nghỉ việc, hàng quán đóng cửa…
Nhóm Thiện Từ Tâm ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trao quà ủng hộ bà con Tổ dân phố cơ khí Yên Viên bị phong tỏa do dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tuy vậy, trong gian nan luôn sáng lên những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, theo truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Những vật dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, những thùng hàng nhu yếu phẩm hàng ngày và nhiều hàng hóa khác đã chở theo tấm lòng cao cả của người dân Thủ đô, làm ấm lòng những người ở tuyến đầu chống dịch hay những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh.
Trong những ngày qua, ni sư Thích Đàm Hoài, trụ trì chùa Phúc Long, huyện Thanh Trì cùng các phật tử và nhà hảo tâm đến tận xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai, ở phố Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng để trao những món quà ý nghĩa, khi cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Đó là những thùng mỳ, những chiếc khẩu trang và nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Dù những món quà giúp họ đảm bảo sinh hoạt trong một thời gian ngắn nhưng gói trong đó là cả tấm lòng của ni sư và các nhà hảo tâm, kịp thời động viên họ trong những ngày này.
Cùng với đó, hàng ngày ni sư và phật tử chùa Phúc Long chuẩn bị hàng trăm suất cơm từ thiện hỗ trợ cho bệnh nhân đang phải cách ly tại Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.
Video đang HOT
Ni sư Thích Đàm Hoài, trụ trì chùa Phúc Long cho biết, trước tình cảnh bệnh nhân Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp gặp khó khăn, trong đó có bệnh nhân bị cách ly do dịch COVID-19, nhà chùa đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, các phật tử nấu cơm thiện nguyện giúp bệnh nhân. Khi được các nhà hảo tâm, phật tử phát tâm ủng hộ tiền mặt, gạo, rau củ quả, sữa…, hàng chục phật tử đã cùng nhà chùa hàng ngày dậy sớm chuẩn bị những suất cơm tình nghĩa phục vụ bệnh nhân.
Cũng trong dịp này, nhóm Thiện Từ Tâm ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm với sự chung tay của ba thành viên Ngô Văn Thức, Lê Thu Phương và Nguyễn Thị Kim Trang luôn tất bật với công tác thiện nguyện giúp những ở tuyến đầu chống dịch và người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Hà Nội cũng như ở Bắc Giang. Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của những người ở tâm dịch, nhóm Thiện Từ Tâm kêu gọi mọi người chung tay đóng góp và được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn, quạt điện, thực phẩm…
Chị Lê Thu Phương cho biết: Từ ngày 22/5 đến nay, các thành viên trong nhóm còn nấu tới hơn 2.000 cốc chè gửi đến tổ dân phố cơ khí Yên Viên, huyện Gia Lâm; khu cách ly Trường Trung học Cơ sở Hoàng Ninh, Trường Mầm non Tân Thanh, Trường Mầm non Mỹ Thái, Trung tâm Y tế huyện và các khu cách ly khác trong huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Những chuyến hàng chở đầy tình nghĩa, vừa động viên những người ở tuyến đầu chống dịch và ở những nơi phong tỏa về tinh thần, vừa chia sẻ bớt những khó khăn của họ. Nhiều người được ấm lòng lại khi được nhận những món quà, những lời động viên, thăm hỏi ân cần của nhóm.
Nhóm Thiện Từ Tâm ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) nấu hàng nghìn cốc chè ủng hộ bà con những nơi bị cách ly do dịch COVID-19 Ảnh: TTXVN phát
Khi dịch COVIOD-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân đứng kêu gọi lòng hảo tâm ủng hộ những người ở tuyến đầu chống dịch, người dân ở những nơi bị cách ly và những người bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bên cạnh tấm lòng hảo tâm của ni sư chùa Phúc Long và nhóm Thiện Từ Tâm, rất nhiều những hành động thiện nguyện khác đã dốc lòng động viên, chia sẻ khó khăn với những người đang đối mặt với dịch bệnh.
Đó là, các bạn trẻ thuộc Đọi Thanh niên tình nguyện tiếp sức người bẹnh thuộc Mạng lưới Tình nguyẹn Quốc gia khu vực phía Bắc miệt mài làm gần 5.000 mũ chắn giọt bắn tặng các tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Anh Lê Trọng Hiệp cùng các bạn trong Câu lạc bộ bán tải Đông Anh tích cực hưởng ứng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong huyện, phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho các chốt trực tại các thôn, quyên góp hỗ trợ và vận chuyển miễn phí hàng hóa cho tâm dịch Bắc Giang. Các hội viên Hội làng nghề xã Hiệp Lộc, huyện Phúc Thọ kêu gọi hội viên cùng bà con trong xã ủng hộ khu vực cách ly xã Hiệp Thuận cùng trong huyện tiền mặt cùng các vật dụng sinh hoạt, nước sát khuẩn, khẩu trang và thực phẩm…
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cùng chung tay ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ phần lớn trong số hơn 43 tỷ đồng tiền và hàng hóa cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội. Trong đó, bên cạnh những doanh nghiệp lớn hỗ trợ lên tới hàng tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã hỗ trợ kinh phí và hàng hóa với trị giá hàng trăm triệu đồng…
Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay, luôn biết yêu thương, chia sẻ nhau, cùng nhau vượt qua gian nan. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, rất nhiều người gặp khó khăn, vất vả, nhất là những người có thu nhập thấp, những người bệnh tật. Họ có thể mất việc làm do công ty giảm lao động; có thể giảm thu nhập khi thành phố yêu cầu các cửa hàng tạm dừng kinh doanh; có thể không được chữa bệnh do bệnh viện bị phong tỏa; có thể thiếu các thực phẩm sinh hoạt do ở trong khu cách ly; có thể thiếu các vật dụng chống dịch do kinh phí mua sắm không có nhiều… Trong bối cảnh đó, những tấm lòng thiện nguyện, những nghĩa cử cao đẹp phần nào đã an ủi, tiếp thêm động lực cho họ vượt qua. Không có một giới hạn, khoảng cách nào ngăn cách những tấm lòng hướng về nhau.
Với những người làm thiện nguyện, cũng không có gì ý nghĩa hơn bằng việc nhận thấy những nụ cười, những nét mặt rạng rỡ, những lời nói biết ơn của những người đang ở tâm dịch. Cho đi nghĩa là nhận lại. Cho đi công sức, ít nhu yếu phẩm, vật dụng nhưng được nhận lại những yêu thương, đó là thứ không thể đo đếm được. Và đó cũng là những giá trị nhân văn được gói gọn trong chữ “thiện nguyện”.
Hiện nay, những tấm lòng, những nghĩa cử giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan tỏa ở khắp nơi. Thành phố Hà Nội kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là trong thời điểm hiện nay. Thành phố còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút thật nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Để hàng Việt thích ứng "cuộc chơi" mới
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo cơ hội cho hàng Việt Nam vươn ra "biển lớn" chinh phục nhiều thị trường tiềm năng, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng ngay tại "sân nhà" khi đón lượng hàng hóa lớn nhập khẩu. Vì vậy, đây là lúc hàng Việt Nam phải làm mới mình để thích ứng với "cuộc chơi".
Hàng ngoại đổ bộ
Theo quy định, trong quá trình thực thi các FTA, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa. Chính vì thế, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc giao thương gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều thương hiệu Nhật Bản như Kohnan,Tokyo Life, Komonoya... vẫn liên tục mở thêm chuỗi cửa hàng mới, bán sản phẩm giá cạnh tranh với hàng Việt do được giảm thuế nhập khẩu theo quy định FTA.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima cho biết, do dịch Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế ra ngoài nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản vẫn được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn... Thống kê của JETRO cho thấy, doanh thu bán hàng tiêu dùng Nhật Bản trong quý I/2021 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài hàng tiêu dùng Nhật Bản, thời gian qua DN dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài liên tục "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo... đã có mặt tại Việt Nam.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các mặt hàng nông sản. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 141.140 tấn thịt lợn, tăng 382% so với năm 2019. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh hơn, cụ thể trong quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 34.650 tấn thịt lợn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chính làn sóng hàng ngoại nhập gia tăng đã và đang tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho các DN Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam
Trong bối cảnh hàng ngoại nhập gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng để khẳng định vị thế, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, DN Việt phải cấp bách nâng sức cạnh tranh thông qua xây dựng thương hiệu từ đó tạo niềm tin, thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) chia sẻ, trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải chống chọi với dịch Covid-19 nên việc xây dựng Thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu DN nói riêng rất quan trọng, mang tính sống còn.
Nguyên nhân là do sức mua và sức cầu của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương hiệu sản phẩm. Theo đó, người tiêu dùng khi mua hàng sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, trong giai đoạn này nhiều ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ ưu tiên những loại hàng hóa có thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
"DN đạt Thương hiệu quốc gia không chỉ là mục tiêu hướng đến mà còn là yêu cầu cấp thiết. Bởi từ Thương hiệu quốc gia sẽ góp phần giúp DN định vị ở thị trường nội địa và vươn ra quốc tế"- PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định. Đồng tình với ý kiến này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: "Sản phẩm không có tên tuổi, thương hiệu sẽ rất khó được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy DN phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu để tạo ấn tượng, niềm tin của khách hàng với sản phẩm".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do hạn chế về nhân lực, tài chính nên việc xây dựng thương hiệu trong cộng đồng DN chưa đạt kết quả khả quan, thậm chí nhiều DN chấp nhận bán thương hiệu của mình. Nhằm hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế "Hỗ trợ các DN trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu". Cụ thể, đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, đặt tên và quảng bá thương hiệu; Thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu, sản phẩm DN.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, xây dựng thương hiệu là công cụ hữu hiệu để các ngành, DN phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu vận dụng hiệu quả, đây sẽ là "chìa khóa" để hàng Việt khẳng định vị thế tại thị trường trong và ngoài nước.
Kinh tế Việt Nam 2021: Sẽ là năm tăng trưởng trong khó khăn Dịch Covid-19 tiếp tục là một biến số khó lường khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trở nên khó khăn hơn. Nỗi lo về những tác động của làn sóng thứ tư dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế đang dần hiện hữu. Kinh doanh thất thu mùa cao điểm Ông Nguyễn Văn Vịnh, chủ một...