Những ngày chênh vênh của “mối tình” Pháp – Đức
Trong bài viết trên Financial Times gần đây, chuyên gia bình luận quốc tế Gideon Rachman nhận định rằng người Đức có thái độ ít gay gắt đối với nước Anh và Thủ tướng Boris Johnson về vấn đề Brexit.
Ngược lại, người đang làm cho chính phủ Đức cảm thấy bực mình lúc này là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Quan hệ Pháp – Đức đang gặp sóng gió.
Dường như Đức đang chấp nhận thực tế Brexit là điều không thể tránh khỏi. (Nguồn: RT)
Chấp nhận “nỗi đau” Brexit
Không phải ngẫu nhiên giới chức Đức đưa ra nhận định ông Johnson là người tuyệt vời và Brexit là một ý tưởng hay. Có thể nói rằng, người Đức hiện giờ cảm thấy đã “kết thúc” với người Anh và không còn cảm thấy tức giận đối với người Anh nữa. Brexit là điều không thể tránh khỏi, và dường như Đức đang chấp nhận thực tế này. Trong khi đó, Đức đang thấy bị khóa trong “cuộc hôn nhân” không hạnh phúc với Pháp. “Ly dị” là điều khó có thể xảy ra, nhưng quan hệ đối tác Pháp – Đức đang ngày càng trở nên khó chịu hơn.
Chính phủ của bà Merkel đang có thái độ tích cực đối với ông Johnson, thấy rằng ông là người dễ hợp tác và dễ hiểu hơn so với người tiền nhiệm là bà Theresa May. Đức hy vọng rằng ông Johnson cuối cùng có thể khiến Quốc hội chấp nhận thỏa thuận Brexit. Một cuộc tổng tuyển cử dẫn đến một quốc hội treo và một cuộc trưng cầu dân ý lần hai tại Anh có thể là điều mà những người thuộc phe ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu (EU) mong chờ, nhưng triển vọng này là điều mà nước Đức không mong đợi.
Chính phủ Đức dường như không oán giận vì ông Johnson muốn nước Anh đang trong tiến trình Brexit tách ra khỏi những quy định hiện nay của EU. Một quan chức cấp cao của Đức đã cho rằng Brexit sẽ không có nghĩa gì nếu như nước Anh không có hướng đi rất khác so với EU.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Đức tham gia đàm phán đang lo ngại rằng người Anh không hoàn toàn hiểu rằng những quy định quá khác nhau sẽ làm cho giai đoạn hai của cuộc đàm phán trở nên phức tạp, đó là đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Berlin lo ngại nước Anh sẽ một lần nữa bước vào cuộc đàm phán Brexit không có sự chuẩn bị trước và với những kỳ vọng thiếu thực tế.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ tâm lý, giới chóp bu tại Berlin dường như đã chấp nhận Brexit và đang điều chỉnh để thích ứng với một EU không có Anh. Tuy vậy, thay vì làm cho cuộc sống trở nên đơn giản hơn đối với Đức, Brexit đang làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Anh là một nhà đóng góp lớn đối với ngân sách EU, và không có tiền đóng góp từ Anh, đóng góp của Đức sẽ phải tăng lên.
Berlin đã bước vào cuộc tranh cãi gay gắt với các nước Nam Âu, những nước muốn EU tăng mạnh ngân sách và kỳ vọng Đức sẽ là nước đóng góp cho sự bổ sung này. Quan điểm của Đức là ngân sách EU không nên vượt quá mức 1% GDP. Nhưng cho dù giữ ở mức này thì mức đóng góp hàng năm của Đức cho ngân sách của EU có thể tăng lên tới 10 tỷ euro mỗi năm.
Trước đây, Anh thường phản đối việc tăng thêm ngân sách của EU. Một quan chức Đức cho biết Anh thường đóng một vai trò quan trọng trong việc “kiểm soát” này. Nếu như ai đấy (chẳng hạn như Tổng thống Pháp) đưa ra ý tưởng “điên rồ”, Anh có thể sẽ là nước đưa ra một loạt vấn đề yêu cầu cần xem xét như chi phí, pháp lý và tính thực tế. Một quan chức Đức kể lại với thái độ nuối tiếc, khi đó họ không phải nói gì cả vì London đã nói lên những băn khoăn đó hộ Berlin.
Bất đồng nhưng vẫn cần nhau
Người đang làm cho chính phủ Đức cảm thấy bực mình lúc này là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: EPA)
Ông Macron gần đây đã đưa ra một số nhận xét về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The Economist, ông cho rằng liên minh này đang trong tình trạng “chết não” và điều này đã khiến Berlin vô cùng kinh ngạc.
Người Đức chưa thực sự tranh luận về một số điểm mà ông Macron nói về NATO, đặc biệt là những khó khăn do việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria và nước Mỹ giảm bớt cam kết của mình đối với liên minh này. Đức chỉ cho rằng, việc Tổng thống Pháp công khai đánh giá thấp liên minh của phương Tây là điều rất phi chính trị. Bên cạnh đó, thái độ thăm dò của Pháp đối với Nga đã làm báo động các nước Ba Lan và một số nước thành viên Trung Âu thuộc EU.
Ông Macron ngày càng đưa ra nhận xét thẳng thừng thể hiện sự bực bội của Pháp vì cho rằng chính phủ của bà Merkel đã phản ứng một cách quá thận trọng đối với những kế hoạch đầy tham vọng của ông về vấn đề cải cách EU – trong mọi chuyện từ quốc phòng cho đến khu vực đồng tiền chung Euro.
Nước Pháp cảm thấy thái độ quá thận trọng của chính phủ Đức đã làm giảm vị thế quốc tế của EU. Họ cũng đang lo ngại các đảng phái chính trị tại Đức ngày càng tập trung vào vấn đề trong nước, điều này khiến chính phủ của bà Merkel trở nên hướng nội hơn và hoạt động chậm chạp hơn.
Những lời phàn này này không được Berlin chú ý đến nhiều. Một quan chức Đức thậm chí còn đùa rằng Tổng thống Pháp đang nghiền ngẫm “chủ nghĩa Trump được tri thức hóa”, được biểu hiện bằng việc thích đưa ra những sáng kiến bất ổn định khiến ngay cả những nhân vật cấp cao trong chính quyền của ông phải ngạc nhiên.
Người Đức cho rằng chỉ có chính sách ngoại giao suy tính thấu đáo và chi tiết mới tạo ra bước tiến, chứ không phải bằng việc đưa ra những lời tuyên bố hào nhoáng thu hút sự chú ý trên báo chí.
Trong suốt gần nửa thế kỷ ở trong EU, nước Anh thường thấy mình bị gạt ra ngoài trong mối quan hệ gần gũi giữa cặp đôi Pháp – Đức. Tuy nhiên, đứng trước thực tế là người Anh đang sắp ra khỏi EU, dường như điều này lại khiến quan hệ năng động giữa Pháp và Đức trở nên bất ổn. Cho dù như vậy, điều không thay đổi là cả Pháp và Đức vẫn giữ nguyên cam kết với nhau
Theo baoquocte.vn/Financial Times
Đại sứ quán Bỉ: Không có thay đổi thủ tục cấp visa Schengen với công dân Việt Nam
Lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội, ông Mark Neel, cho biết không có thay đổi gì trong thủ tục cấp visa (thị thực) Schengen với công dân Việt Nam.
Visa đi các nước thuộc không gian Schengen. (Ảnh minh họa: Fotolia)
Mạng xã hội Việt Nam xôn xao thông tin thị thực Schengen trở nên khó khăn hơn với người Việt sau thảm kịch 39 người chết tại Anh.
Trả lời phóng viên VTC News, ông Mark Neel, phụ trách lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội cho biết: "Dù có cảnh giác hơn với nhập cư, chúng tôi chưa có thay đổi gì trong các thủ tục (cấp thị thực Schengen) cũng như danh sách các yêu cầu với công dân Việt Nam."
"Quá trình này vẫn chưa có gì thay đổi. Chúng ta đừng quên rằng phần phần lớn các nạn nhân của nạn buôn bán người chưa từng xin cấp thị thực Schengen."
Khi được hỏi về quy định yêu cầu người xin thị thực của một nước trong nhóm Schengen phải được tất cả các nước còn lại phê duyệt hồ sơ, ông cho biết: "Từ nhiều năm qua, một số nước Schengen yêu cầu được tham vấn về các hồ sơ xin visa gửi đến các nước Schengen khác, đối với công dân một số nước. Quá trình tham vấn này hiện cũng được yêu cầu đối với công dân Việt Nam. Vì vậy quá trình xin thị thực có thể mất nhiều thời gian hơn."
Về những điều cần lưu ý khi xin thị thực Schengen, ông Mark Neel cho biết: "Các cán bộ thị thực là những người được đào tạo và rất có kinh nghiệm. Họ sẽ luôn thực hiện đánh giá nguy cơ và sẽ phát hiện ra nếu người xin visa có những mục đích khác với hồ sơ họ trình báo. Nếu bạn tuân thủ những gì được yêu cầu và không có gì để giấu, bạn sẽ ổn thôi."
Các nước thuộc không gian Schengen bao gồm: Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Lettonia, Lituanie, Malta, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Slovénia, Thụy Điển, Thụy Sĩ.
PHƯƠNG ANH
Theo vtc.vn
Yêu mù quáng, bác sĩ Đức khiêu vũ với người chết suốt đêm Vị bác sĩ đã phải lòng bệnh nhân của mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi cô qua đời, ông còn tìm mọi cách bảo quản thi thể của cô trong căn nhà mình. Carl Tanzanialer (1877) là một bác sĩ tài năng người Đức. Tuy nhiên ông lại nổi tiếng trên truyền thông đương thời bởi mối tình cuồng loạn với...