Những nét duyên kiến trúc đô thị
Nhà cổ Mã Mây, đình Kim Ngân và cầu Long Biên từ lâu được coi như những di sản đô thị, những bảo tàng lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa của Hà Nội 36 phố phường.
Xen giữa những tòa nhà, khách sạn lộng lẫy đèn hoa là những nếp nhà mang nét cổ xưa truyền thống được bảo tồn và tôn tạo, tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo cho không gian kiến trúc của phố cổ Hà Nội.
Nằm trên con phố Mã Mây dáng cong uốn lượn, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là ngôi nhà cổ có bố cục không gian đặc trưng cho kiến trúc nhà ở được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 với mục đích vừa để ở vừa để bán hàng.
Ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc truyền thống của đất Kinh kỳ với thiết kế hình ống, mái lợp ngói ta, nhà hẹp chiều ngang, có nhiều lớp sân trong ngăn cách, ngoài cùng là cửa hàng. Phía trong có sân trời để lấy ánh sáng và đón gió tạo cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên. Phía sau có hai gian nhà để hàng hóa và làm nơi nấu ăn.
Nhà cổ Mã Mây mang đậm nét kiến trúc truyền thống của đất Kinh kỳ, được xây dựng từ đầu của thế kỷ 19, trùng tu năm 1998 và được cấp bằng Di sản cấp quốc gia năm 2004.
Kết cấu chủ yếu của ngôi nhà là hệ thống khung gỗ với nhiều cửa lùa tiện dụng thay thế cho những bức tường. Mái lợp ngói âm dương với vì kèo gỗ và có nhiều họa tiết trang trí. Vật dụng trong nhà hầu hết đều là những món đồ gỗ và mây tre đan truyền thống gợi lên không khí trang trọng mà ấm cúng.
Các cửa chính của ngôi nhà cổ Mã Mây được trang trí bằng những con tiện gỗ xinh xắn và hoa văn tinh tế. Bàn thờ tổ tiên với hoành phi câu đối bằng gỗ lim. Phòng ngủ và khu vực tiếp khách riêng được gia chủ kê sập gụ tủ chè ở chính giữa, trên tường treo bức đại tự, hai bên là hai thanh bảo kiếm. ối diện với bức đại tự là bộ tranh tứ bình vẽ tùng cúc trúc mai thanh nhã. Toàn bộ nội thất thể hiện sự sung túc và sang trọng của chủ nhân ngôi nhà.
Khu vực bếp nằm sâu trong cùng với những kiềng, những chạn, mâm đồng, những chiếc rổ tre con con. Cảnh trí sinh hoạt hiện ra ấm áp, yên bình và ngăn nắp như làm sống dậy nếp sống xưa của cư dân nơi phố cổ Hà Nội.
Đình Kim Ngân ở 42 Hàng Bạc là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại trong lòng khu phố cổ Hà Nội. Đình được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ 15, bên trong thờ Tổ Bách nghệ. Nơi đây lưu giữ những giá trị lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật và những nét tinh hoa của nghề kim hoàn nổi tiếng Hà Thành.
Đình Kim Ngân lưu giữ những nét tinh hoa của nghề kim hoàn nổi tiếng Hà Thành và thường xuyên diễn ra lễ hội ca trù – loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nằm giữa trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa, nơi phố phường đông đúc, buôn bán sầm uất, nên cấu trúc ngôi đình và nghệ thuật trang trí chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc sống đô thị. Thiết kế ngôi đình vẫn kế thừa và bảo lưu được kiến trúc đình làng, mang phong cách nghệ thuật truyền thống của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Đình được xây theo kiến trúc truyền thống kiểu chữ “Công” với gỗ và gạch là vật liệu chính. Đại đình rộng 3 gian, hậu cung 3 gian được giật cấp nâng cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt. Nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống làm theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với tiền tế, mái dưới tạo không gian hở của hai bên và lấy ánh sáng tự nhiên.
Đây là không gian tín ngưỡng linh thiêng của người dân, và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.
Cầu Long Biên nằm ở một vị trí đắc địa về mặt giao thông, địa hình và cảnh quan đô thị, là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cầu được xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương Doumer.
Tấm biển ghi tên nhà thầu Daydé & Pillé được gắn trên cầu Long Biên. Có ghi năm khởi công và khánh thành.
Cầu dài 1.682m, gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Cầu rộng 4,75m dành cho xe lửa ở giữa, hai bên là hai lối đi cho khách bộ hành và ôtô rộng hơn 3m. Đầu cầu phía tây (nội thành Hà Nội) có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm.
Cầu Long Biên được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ 20. Ngoại trừ những mố cầu và trụ cầu bằng bêtông cắm xuống lòng sông, thì toàn bộ phần thân cầu được làm bằng thép, các thanh thép liên kết với nhau bằng đinh tán. Hình thức kiến trúc và sơ đồ kết cấu rất hợp lý và khớp nhau tạo nên một sức mạnh đủ vượt sông Hồng và một dáng hình trải dài nhấp nhô tạo nên nhiều điểm nhìn đẹp từ các góc nhìn. Ở mỗi góc nhìn, mỗi thời điểm lại cho một cảm nhận khác nhau. Từ xa nhìn lại thấy cây cầu thật mảnh mai với những thanh giằng rất dài, khi ở dưới chân cầu đi lên lại thấy sự đồ sộ hùng vĩ với hệ kết cấu thép tầng tầng lớp lớp.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu Long Biên vẫn bền bỉ lặng lẽ soi bóng xuống sông Hồng, trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Hiến Phùng
Theo nguoidothi
Nhà ống sâu 35 m vẫn ngập tràn nắng, gió
Nhờ mặt tiền rỗng cùng bốn khu vườn và 10 bồn cây đan xen, ngôi nhà sâu hun hút trở nên xanh mát.
Công trình mang tên CH House nằm trên một tuyến đường lớn với mật độ dân cư cao tại Hà Đông là nơi ở của gia đình ba thế hệ.
Mảnh đất rất sâu, chiều rộng hơn 4 m, chiều dài lên tới 35 m. Để không gian căn nhà nhiều ánh sáng, thông gió, ngăn được khói bụi và tiếng ồn bên ngoài, các kiến trúc sư mất ba tháng mới đưa ra được giải pháp tối ưu cho công trình.
Mặt tiền của căn nhà được thiết kế hai lớp (double faade) với lớp vỏ ngoài cùng bằng gạch xếp tạo lỗ và lớp trong bằng kính khung sắt.
Hệ mặt tiền hai lớp kết hợp vườn cây ở giữa giúp ngôi nhà chắn bụi bẩn, che nắng mà vẫn thông gió tự nhiên dọc theo cả chiều dài tòa nhà.
Mặt tiền có ô cửa sổ lớn kích thước 0,95 x 6,1 m. Nó cho phép nhiều ánh sáng vào nhà khi cần thiết, đồng thời làm mặt tiền trở nên khác lạ.
Bên trong, công trình lấy cảm hứng từ những ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Không gian ngập nắng, gió nhờ bốn khu vườn chính và 10 bồn cây lớn đan xen.
Các loại cây trồng như khế, bưởi, lộc vừng, hoa giấy vừa thân thiện với người Việt vừa sống khoẻ, có lá xanh quanh năm và ít rụng lá. Nhờ hệ thống tưới nước tự động, gia chủ đỡ mất công chăm sóc mà vẫn giữ được không gian xanh trong nhà.
Chức năng của ngôi nhà được chia ra thành hai phần: phần sinh hoạt chung và phần yên tĩnh.
Các không gian sinh hoạt chung như phòng khách, thư viện, phòng ăn và bếp được sắp xếp và bố trí với những độ cao sàn khác nhau và kết nối bằng bậc thang.
Phần yên tĩnh gồm các phòng ngủ. Hai phòng ngủ trẻ em được đặt trên không gian sinh hoạt chính, phòng ngủ của ông bà và bố mẹ nằm ở phía trong cùng của ngôi nhà.
Nhờ những khoảng thông tầng, không gian trở nên mở và tạo cảm giác rộng rãi hơn dù chiều ngang nhà không lớn. Ngoài ra, các thành viên gia đình dễ dàng quan sát và giao tiếp với nhau.
Bản vẽ mặt bằng tầng một và tầng hai của Oddo Architects.
Bản vẽ mặt bằng tầng ba và tầng bốn.
Bản vẽ mặt bằng tầng năm và sân thượng.
Bài: Minh Trang
Ảnh: Oddo Architects
Video: Chimnon Studio
Theo VNE
Ngôi nhà gắn liền với những hoài niệm xưa cũ đẹp bình yên dưới những bóng cây ở Quảng Nam Mỗi góc nhìn dù ở bên trong hay bên ngoài của ngôi nhà đều tạo ấn tượng đặc biệt, vẻ yên bình, thanh tịnh, chút hoài niệm vấn vương cho mọi người khi có dịp ghé thăm. Từng đường nét kiến trúc mềm mại, nghệ thuật tinh tế đến cách kết hợp màu sắc trong từng khu vực chức năng nhỏ của ngôi...