Những “món quà” đặc biệt từ đất liền ra Trường Sa
Mải miết làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương, bao ngày tháng không gặp gia đình, các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa không khỏi bất ngờ khi nhận được những bức ảnh, video ghi lại những lời thăm hỏi từ gia đình mình. Có người xúc động đến rơi nước mắt.
Bất ngờ nhận quà “độc”
Nhập ngũ đã hơn 15 tháng, 5 tháng làm nhiệm vụ ở đảo Cô Lin (quần đảo Trường Sa), chừng ấy thời gian Võ Trường Phú (quê Dầu Tiếng, Bình Dương) không gặp gia đình. Mỗi tháng đôi lần, Phú được đơn vị cho phép liên lạc với gia đình qua điện thoại. Chỉ vậy thôi cũng đủ để chàng lính trẻ vợi bớt phần nào nỗi nhớ nhà.
Đón đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra thăm, giao lưu tại đảo Cô Lin, Phú nhận được một “món quà” ý nghĩa từ Tỉnh đoàn Bình Dương. Háo hức nhìn vào màn hình chiếc máy tính xách tay, Phú không ngờ đó lại là những hình ảnh về gia đình mình.
Võ Trường Phú vui mừng khi nhận được những lời chúc, dặn dò từ gia đình.
Đoạn video clip ghi lại khung cảnh, các thành viên trong gia đình Phú được Tỉnh đoàn Bình Dương thực hiện trước chuyến hành trình. Bố mẹ, anh chị và em trai lần lượt gửi tới Phú những lời chúc, lời dặn dò tình cảm.
“Lâu rồi em mới thấy hình gia đình. Thấy má khỏe mạnh em vui lắm. Ba em vẫn bị bệnh đau xương sống. Em muốn nhắn tới gia đình em rằng: Ba má ơi, ở ngoài này con khỏe lắm. Ba má nhớ giữ gìn sức khỏe. Ba nhớ uống thuốc, đừng làm việc nặng. Đừng nhớ con nhiều quá, con sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình với đất nước.” – Phú chia sẻ sau khi xem những hình ảnh về gia đình mình mới được ghi lại.
Nói về nhiệm vụ mình đang làm, Phú cho biết, đến giờ Phú cũng không hiểu sao Trường Sa lại có sức hút với mình đến vậy. “Đóng quân ở vùng 4 một thời gian thì em viết đơn xin ra Trường Sa. Ở đây anh em đoàn kết, tình cảm lắm, sống với nhau như một gia đình.” – Phú nói và nhắn gửi tới những bạn trẻ sắp khoác lên mình chiếc áo lính: “Nếu các bạn được ra Trường Sa, hãy vững tay súng bảo vệ, canh giữ biển đảo quê hương. Hãy giữ vững lòng tin. Đất liền, hậu phương luôn hướng về các bạn!”.
Hơn 15 tháng, Phúc chưa được nhìn thấy hình ảnh những người thân trong gia đình.
Cũng nhận được “món quà” từ đất liền như Võ Trường Phú, Đặng Hoàng Bạo (quê Bình Dương, đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết) xúc động đến không cầm được nước mắt khi đón nhận những lời dặn dò từ gia đình.
“Từ ngày nhập ngũ, em chưa được gặp gia đình lần nào. Em thương ba má lắm. Ba em còn mảnh đạn trên trán từ hồi đi lính.” – Bạo cho biết.
Video đang HOT
Được gửi lời nhắn tới gia đình, Bạo nói: “Con chúc cả gia đình mạnh khỏe. Ba nhớ giữ gìn sức khỏe. Thời tiết mưa nắng thất thường, ba bị bệnh như vậy ít làm đi, giữ sức khỏe.”.
Sợi dây kết nối lính đảo với gia đình
Chia sẻ về những “món quà” ý nghĩa này, chị Nguyễn Phạm Duy Trang (Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương) tỏ ra rất vui và bất ngờ trước sự đón nhận của các chiến sỹ.
“Nhận được những lời hỏi thăm, dặn dò từ gia đình trong đất liền, các chiến sỹ đều bất ngờ dù được thông tin trước về việc đó. Ai cũng xúc động, có người òa khóc, bật lên những cảm xúc sâu lắng trong lòng mình.”- chị Trang cho hay.
Đặng Hoàng Bạo không cầm được nước mắt khi nhận được những lời dặn dò ân cần của cha mẹ.
Theo chị Trang, ý tưởng về “món quà” đặc biệt này nảy ra trong chị khi Tỉnh đoàn Bình Dương được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “đặt hàng” đội Văn nghệ xung kích tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, ra thăm, tặng quà và giao lưu với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.
“Lúc đó tôi tự hỏi, tại sao mình không đem những tình cảm của chính gia đình, người thân các chiến sỹ ấy ra gửi tặng họ.” – Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương nói.
Nghĩ là làm, sau khi liên hệ với Quân chủng Hải quân và các địa phương ở Bình Dương, chị Trang cùng các đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương đã trực tiếp đến gia đình các chiến sỹ, ghi lại hình ảnh mới nhất về người thân, mang ra các anh đang làm nhiệm vụ.
Kể về quá trình thu thập hình ảnh, lời chúc từ gia đình các chiến sỹ, chị Trang cho biết, đoàn viên thanh niên trong Tỉnh đoàn đã gặp nhiều trường hợp xúc động, ấn tượng.
“Khi được hỏi về các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, mọi người thân các chiến sỹ đều tỏ ra rất vui và thể hiện sự tự hào về con cái họ. Thế nhưng, khi đoàn hỏi gia đình có nhắn gửi gì không thì họ lại bật khóc.” – chị Trang kể.
“Có trường hợp cả gia đình vừa chuyển vào miền Nam sinh sống thì người chồng ra đảo làm nhiệm vụ, đi biền biệt 3 năm chưa về. Người vợ ở nhà một mình vò võ nuôi con. Có trường hợp khi ba lên đường, con còn nhỏ. Khi chúng tôi tìm đến, đứa con nay đã lớn. Đưa hình ba ra, bảo nó kêu “Ba” mà nó không chịu. Hồi lâu, nó còn hỏi lại “Ba đâu mà nói” khiến cả đoàn ngậm ngùi.” – chị Trang chia sẻ.
Trong chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lần này, Tỉnh đoàn Bình Dương được trực tiếp gặp và gửi những “món quà” đặc biệt tới 7 chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi tặng quà, các thành viên trong đoàn sẽ ghi lại những lời chúc của các chiến sỹ gửi tới gia đình, mang về đất liền tặng lại gia đình họ.
Khánh Linh
Theo Dantri
Trui rèn giữa sóng nước Trường Sa
Trải qua sự tôi rèn của sóng nước Trường Sa, chàng sinh viên Nguyễn Thiện Nhân ngày một rắn rỏi, vững vàng. Tình đoàn kết, yêu thương của đồng đội, sự gắn bó với biển đảo khiến Nhân ngỡ đảo là ngôi nhà thứ hai.
Dừng học, viết đơn xin nhập ngũ
Đôi tay rắn chắc, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió nhưng Nguyễn Thiện Nhân (SN 1993, ở quận 6, TPHCM), chiến sỹ đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa), luôn nở nụ cười tươi rói. Với Nhân, trở thành người lính và ra canh giữ nơi biển đảo quê hương không phải là cái duyên mà là niềm ao ước, mong muốn, là sự thể hiện tình yêu quê hương đất nước.
Nguyễn Thiện Nhân (phải) trò chuyện với PV Dân trí.
Vẫn còn chút ngượng ngùng của sinh viên, Nhân kể, năm 2014, Nhân chuẩn bị hoàn tất khóa học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại một trường cao đẳng. Khi ấy, Trung Quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào biển Đông, khiến cho tình hình khu vực này căng thẳng.
"Các bạn trẻ cả nước sục sôi thể hiện tình yêu đất nước. Em cũng muốn đóng góp sức mình cho quê hương, muốn được trở thành lính hải quân để ra canh giữ, bảo vệ biển đảo." - Nhân nói.
Cùng thời điểm đó, nơi Nhân sinh sống có đợt tuyển quân. Không ngần ngại, chàng sinh viên trẻ "xếp bút nghiên", xin bảo lưu kết quả học tập, viết đơn xin nhập ngũ.
"Chỗ em 4 năm mới có 1 đợt tuyển quân. Đúng dịp này nên em viết đơn lên quận đội xin đi. Hơn 3 tháng sau thì em lên đường nhập ngũ, đóng ở vùng 4 Hải quân." - Nhân kể.
Ban đầu, quyết định xin nhập ngũ của Nhân khiến gia đình lo lắng. Song, với truyền thống gia đình và sự nỗ lực thuyết phục của Nhân, gia đình đã vợi bớt phần nào sự lo âu, yên tâm để Nhân nhập ngũ.
"Ông cố nội em là liệt sỹ, bà cố nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông bà ngoại em đều hoạt động trong Trung ương cục miền Nam, ông bà nội cũng đều hoạt động cách mạng. Truyền thống gia đình từ nhỏ đã hun đúc cho em tình yêu quê hương đất nước. Nhập ngũ vào thời điểm đó cũng là cơ hội để em thể hiện tình yêu của mình." - Nhân chia sẻ.
"Ba mẹ em cũng hơi lo lắng, nhưng sau khoảng thời gian em thuyết phục, ba mẹ đã yên tâm hơn. Ba mẹ em còn động viên em cứ đi đi, môi trường quân đội là môi trường tôi rèn con người rất tốt, nhập ngũ em sẽ trường thành hơn." - Nhân nói và cho biết, sự động viên của gia đình khiến em vững vàng hơn khi khoác trên mình chiếc áo của anh lính bộ đội Cụ Hồ.
Ngôi nhà thứ hai giữa biển khơi
Đóng quân ở vùng 4 Hải quân một thời gian, đến đầu năm 2015, Nguyễn Thiện Nhân được đơn vị điều động ra quần đảo Trường Sa, đóng quân trên đảo Sơn Ca. Thế là mong ước trở thành người lính hải quân canh giữ biển đảo quê hương của Nhân đã trở thành hiện thực. Song, Nhân không thể tưởng tượng rằng, tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó với nơi biển đảo đã khiến Nhân ngỡ Sơn Ca là ngôi nhà thứ hai của mình.
Lính đảo Sơn Ca canh gác tại cột mốc chủ quyền.
"Lúc đầu ra đảo em cũng hơi bỡ ngỡ. Từ một sinh viên được gia đình chu cấp đầy đủ mọi thứ trở thành một người lính đã khác, ra canh giữ nơi biển đảo xa xôi lại càng khác hơn. Những khó khăn em không sợ nhưng nhớ nhà lắm. Được cấp trên và đồng đội động viên, chia sẻ, em đã nhanh chóng quen với công việc ngoài đảo, vợi bớt nỗi nhớ nhà, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ." - Nhân tâm sự.
"Anh em trên đảo sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Sống và làm nhiệm vụ trên đảo một thời gian, em thực sự thấm thía câu nói "Đảo là nhà, biển là quê hương". Vừa mới quen được với cuộc sống trên đảo thì em lại sắp phải về rồi. Chắc chắn sẽ nhớ Sơn Ca lắm. Đây như là ngôi nhà thứ hai của em vậy." - Nhân chia sẻ và nói rằng, Sơn Ca còn là ngôi trường giúp Nhân tôi rèn bản thân, giúp Nhân trưởng thành hơn.
"Ở đây em học được rất nhiều thứ, từ tình đoàn kết, sự yêu thương với đồng đội đến những kỹ năng sống mà trước kia em chưa biết đến. Quá trình rèn luyện khi xa nhà giúp em có thêm những khoảng thời gian để suy ngẫm về cuộc sống, thấy xưa kia mình non dại lắm. Bây giờ, dù đã trưởng thành hơn nhưng em thấy mình còn phải phấn đấu rất nhiều. Mỗi lần nói chuyện với ba mẹ, mẹ em đều nói "Con lớn hơn 1 chút rồi" khiến em rất vui và vững vàng, yên tâm làm nhiệm vụ." - Nhân cười, nói.
Chia sẻ về những dự định sau khi ra quân, chàng lính trẻ Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, mình còn đang do dự giữa hai con đường: hoàn tất việc học cao đẳng, tiếp tục thi Đại học Y dược; hoặc đi học sỹ quan chuyên nghiệp.
"Em sẽ phải suy nghĩ kỹ vì đó là quyết định bước ngoặt của cuộc đời em." - Nhân nói.
Với những bạn trẻ sắp khoác lên mình chiếc áo màu xanh bộ đội Cụ Hồ, Nhân nhắn gửi rằng, các bạn hãy yêm tâm lên đường nhập ngũ. "Môi trường quân đội là môi trường rèn luyện con người rất tốt, giúp mọi người trưởng thành hơn. Nếu một lần được đến nơi biển đảo, các bạn sẽ thấm thía hơn tình yêu quê hương đất nước mà ông cha ta truyền dạy, các bạn sẽ thấy yêu quê hương đất nước mình hơn." - Nhân chia sẻ.
Khánh Linh
Theo dantri
Những góc bình dị của chiến sỹ trên đảo Đá Nam Đá Nam là một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, quanh năm nắng gió. Vượt qua những khó khăn, gian khổ và sự khắc nghiệt ấy, các chiến sỹ luôn giữ cho mình những góc bình dị trong cuộc sống thường ngày. Đá Nam là một đảo chìm thuộc quần đảo Trường...