Những món ngon làm quà từ xứ Lạng
Lạng Sơn hấp dẫn khách du lịch bằng vẻ ngoài quyến rũ và những món ăn thắm sắc núi, đượm tình người.
Đến thăm Lạng Sơn, ngoài việc được ngắm cảnh đẹp, thưởng thức “tại trận” những món ăn đặc sản, du khách còn có thể mang những món ngon xứ Lạng về làm quà như na Chi Lăng, nem nướng Hữu Lũng, hồng Bảo Lân, quýt Bắc Sơn, rượu, đào Mẫu Sơn…
Na Chi Lăng
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, khi tiết trời se lạnh cũng là lúc mùa na Chi Lăng chín ngọt. Lạng Sơn được coi là một trong những vựa na lớn nhất cả nước. Vùng núi đá vôi Hữu Lũng và Chi Lăng là nơi tập trung nhiều lượng na nhất nơi đây. Du khách đi đến du lịch Lạng Sơn mùa na chín bao giờ cũng mua vài cân về làm quà cho người thân ở nhà.
Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc.
Nem nướng Hữu Lũng
Nem Hữu Lũng được làm từ thịt sống, sau khi lên men khoảng 2 đến 3 ngày được nướng trên bếp than hoa cho lá chuối cháy xém. Nem được ăn kèm với lá đinh lăng cùng nước chấm chua, ngọt, tạo nên vị đặc trưng riêng chỉ có ở Lạng Sơn. Ngày lạnh được nhâm nhi nem nướng cùng ly rượu Mẫu Sơn thì không gì bằng.
Nếu như nem chua Thanh Hóa với vị chua dịu nổi tiếng gần xa thì nem Hữu Lũng lại được yêu thích bởi hương vị chua nồng thơm đặc trưng khi nướng lên.
Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Hồng Bảo Lâm rất đặc biệt bởi không có hạt, thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 – 12 cánh đều nhau, nên hình thức quả vô cùng hấp dẫn.
Video đang HOT
Quýt Bắc Sơn
Quýt Bắc Sơn được trồng trên các khe núi, thung lũng hay trên sườn đồi của huyện Bắc Sơn, nổi tiếng bởi màu sắc hấp dẫn, quả căng mọng, ít hạt có vị ngọt đậm hơi chua, hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được. Quýt ở đây có hai loại là quýt ròn và quýt dẹt.
Bắc Sơn nổi tiếng với giống quýt vàng, theo chân người lái buôn đi khắp mọi miền đất nước. Giá trung bình 30 – 45.000 đồng/kg tùy mẫu mã.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là thứ rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng nghìn năm trước từ nguồn nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000 m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, khi uống không có cảm giác gắt, êm dịu, đậm đà đặc trưng.
Rượu Mẫu Sơn không kén gạo, mà kén men, kén nước. Chỉ có nước và khí hậu ở trên đỉnh Mẫu Sơn này mới có thể tạo nên loại rượu có một không hai này.
Đào Mẫu Sơn
Đào Mẫu Sơn có màu xanh trắng, bên ngoài là lớp vỏ có lông tơ mềm mịn, vừa to, vừa ngọt, cùi lại giòn tan và chắc thịt nên từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi. Chính hương thơm tự nhiên và hương vị ngọt ngào của trái đào tươi mà hàng năm cứ đến mùa đào Mẫu Sơn, du khách lại tấp nập đổ về.
Mẫu Sơn chính là nơi những cây đào bông hoa đỏ thắm vào mùa xuân và những rừng đào sai trĩu quả vào mùa hè.
Lê Thương
Theo Ngôi Sao
Những đặc sản Nha Trang lạ miệng, dễ ăn
Bánh căn, bánh xèo chảo hay bún sứa là những món không thể bỏ qua khi bạn đến thành phố biển Nha Trang.
Biển luôn là thiên đường của hải sản. Những món ăn của xứ biển ít nhiều phảng phất vị tanh ngái miền cát mà tùy theo cách chế biến của địa phương lại mang hương vị đặc trưng.
1. Bánh căn
Nam Trung Bộ là xứ sản sinh ra bánh căn. Tuy khởi nguồn từ Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng bánh căn qua bàn tay chế biến của người Nha Trang, ngoài mùi vị đặc trưng của bột gạo còn mang hơi vị của sự phóng khoáng như tính cách người dân nơi đây. Bánh căn giống với bánh khọt của miền Nam nhưng khác giai đoạn khi cho vào khuôn bánh.
Nếu như bánh khọt người Nam "chiên" bột gạo với dầu ăn thì người Trung lại "nướng" bột gạo. Nhân bánh mới là điều làm nên bánh căn Nha Trang. Ngoài bánh căn thông thường với nhân trứng cút, trứng gà hay thịt bò, người Nha Trang còn cho thêm mực, hến và tôm hấp vào nhân làm thành bánh căn mực, hến hay bánh căn tôm. Hoặc bạn cũng có thể gọi bánh thập cẩm, muốn ăn nhân nào chỉ việc nói người bán làm cho. Bỏ thêm muỗng mỡ hành lên trên bánh, rắc chút vụn bánh mì chiên, gắp cọng rau, nhúm xoài, thứ hỗn hợp này hòa tan trong miệng giòn rụm, gói gọn đủ hết cả mùi, vị và sắc của món ăn.
Mỗi cái bánh căn là được đổ cùng một con tôm. Bánh căn vừa đổ ăn liền rất ngon.
Bánh căn không ăn riêng rẽ mà phải gắp từng cặp, chấm ngập vào nước chấm cho ngấm vào trong nhân ăn mới ngon. Ngoài nước chấm là nước mắm ớt pha kiểu miền Trung, thực khách còn có thể gọi thêm chén nước cá hay chén xíu mại để ăn cùng. Khi ăn bánh căn bạn nên gọi thêm đĩa xoài sống, xoài Cam Ranh với vị chua đặc trưng của trái cây xứ cát rất thích hợp khi ăn chung với bánh căn.
Địa điểm gợi ý: đường Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Trãi, thành phố Nha Trang.
2. Bánh xèo chảo
Một biến tấu khác của bánh xèo miền Nam đó chính là bánh xèo có thêm hải sản của dân miền biển. Bánh xèo đúc bằng chảo nên được gọi là bánh xèo chảo, khác với các loại bánh xèo miền Trung thường đúc bằng khuôn đất như bánh khọt. Mật độ tìm thấy quán bánh xèo chảo không nhiều bằng bánh căn nhưng du khách đến Nha Trang ít nhất thường bỏ túi một địa điểm để đến thử.
Bánh xèo chảo nóng hổi, người bán lấy ra là đem liền cho thực khách.
Quán bánh xèo chảo mực nho nhỏ dưới chân Tháp Bà là nơi khách du lịch thường rỉ tai nhau. Ngoài ra, nếu thích thì khách có thể xin thêm bánh tráng để cuốn bánh xèo, ăn kèm rau sống nữa thì rất tuyệt. Mỗi bánh có đường kính tầm 25 cm. Quán bánh xèo chảo quyến rũ du khách bằng rổ mực tươi rói còn xanh màu nước biển, chế biến đến đâu bỏ mực đến đó. Bánh xèo được đổ với tôm hoặc mực tùy theo khẩu vị của khách. Bánh xèo Nha Trang khi chế biến cũng thường cho trứng cút hay trứng gà vào giữa bánh tương tự như bánh căn.
Địa điểm gợi ý: đường Tô Hiến Thành, thành phố Nha Trang.
3. Bún cá dầm - Bún sứa
Đến Nha Trang sẽ thực sự là một thiếu sót nếu không thưởng thức bún cá hay bún sứa. Món ăn này thường sử dụng bún lá Ninh Hòa và nguyên liệu cá bò. Trong một tô bún, cá và sứa thường được bỏ chung, chả cá chiên là nguyên liệu không thể thiếu, có nơi còn cho lòng cá, trứng cá để tăng thêm độ ngọt và phong phú. Từng khoanh cá dày cộp bỏ da và xương, những lát sứa trong veo, dai dai hấp dẫn thực khách.
Điểm đặc trưng nước dùng món bún là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá.
Bún ăn với rau sống và mắm tôm. Nước dùng của các món bún có điểm đặc trưng là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá, mùi vị khó lẫn vào đâu được. Đa số các món ở Nha Trang đều dùng với ớt xanh nguyên trái hoặc xay ra để át mùi tanh của cá, cộng với sa tế các loại. Nếu bạn không quen ăn cay thì đây sẽ là điểm nên lưu ý.
Địa điểm gợi ý: đường Thống Phan Bội Châu, khu vực Chợ Đầm, Yết Kiêu, thành phố Nha Trang
4. Nem nướng
Đến Nha Trang là phải ăn nem Ninh Hòa. Người chưa biết ăn thì nghe tiếng thơm của món đặc sản địa phương nên muốn thử cho biết, còn người ăn rồi thì tìm đến ăn nữa cho đã thèm. Người dân địa phương có khi gọi nem nướng là nem cuốn bởi muốn ăn phải tự cuốn cho vừa ý, chấm với nước chấm sền sệt được chế biến theo cách riêng của người bản xứ.
Ăn một miếng nem nướng, bạn lại muốn bỏ vào miệng thêm một miếng nem nữa.
Tương tự như gỏi cuốn, bò bía trong Nam, món nem nướng khi ăn phải cuốn chung với bánh tráng, ram dưa chua và rau các loại. Sở dĩ nem Ninh Hòa ngon có tiếng là vì nguyên liệu được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của vùng Ninh Hòa, để sao cho có hương vị đặc biệt không giống bất cứ loại nem nào ở nơi khác. Quả thật, nem ăn không ngấy vì không có dính chút mỡ nào, cộng với các thành phần phụ cùng rau dưa các loại hòa quyện đủ vị béo, chua, giòn, cay, no mà không ngán.
Địa điểm gợi ý: đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang.
Thanh Viên
Ảnh: Hải Trình
VnExpress
Những món quà buổi chiều đầy hấp dẫn ở Hà Nội Dù Hà Nội càng ngày càng nhiều thức quà chiều với đủ tên gọi, đủ biến tấu hấp dẫn, nhưng trái tim người Hà Nội trẻ khi nhớ đến các loại quà chiều sẽ nghĩ đến ngay những món dưới đây. Người Anh có giờ trà chiều thì người Hà Nội trẻ có giờ... ăn chiều. Thay vì ngồi nhâm nhi ly cafe...