Những món canh chua được lòng chị em
Với vị chua dìu dịu, thơm ngon, những món canh chua này phù hợp với thời tiết lạnh và nóng của cả hai miền Nam, Bắc.
Vị chua ngon của lá giang khiến cho món canh gà thêm hấp dẫn vô cùng.
Nguyên liệu:- Gà ta: 1 con khoảng 2 kg- Lá giang: 1 bó khoảng 50 gr- Hành khô: 2 củ- Hạt tiêu
Cách làm:
- Thịt gà sau khi sơ chế sạch các bạn chặt nhỏ cỡ bao diêm, ướp với hạt nêm, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ khoảng 15 phút cho ngấm.
- Lá giang tuốt bỏ cành, rửa sạch sau đó các bạn dùng 2 tay vò nhẹ. Cách làm này giúp cho vị chua có trong lá giang khi đem nấu sẽ mau tiết ra canh hơn.
- Phi thơm hành khô với 1 chút dầu ăn, tiếp đó cho thịt gà vào rang sơ.
- Chế 1 lượng nước vừa đủ rồi đậy vung lại, đun với mức lửa vừa đến khi thịt gà chín. Thời gian đun khoảng 20 phút, nêm nếm thêm gia vị xem độ mặn của canh đã vừa miệng chưa.
- Thả lá giang vào nồi, vặn lửa mức nhỏ nhất và tiếp tục đun riu riu thêm 10 phút nữa để thịt gà mềm hơn và lá giang có thời gian tiết ra vị chua.
- Món canh gà lá giang quả thật có hương vị rất đặc biệt, vị chua thơm dìu dịu của lá giang chắc hẳn sẽ gây ấn tượng với bất cứ cho những ai thưởng thức.
Cây lá giang là loại cây thân leo, mọc hoang dã ở trong rừng, lá có vị chua nhẹ, người dân Nam Bộ dùng để nấu canh chua, chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng. Chính vì phát hiện ra khả năng làm chocác món ăn ngon hơn mà một vài năm gần đây, lá giang đã được nhiều người sành ăn lựa chọn. Người ta cũng trồng lá giang nhiều hơn và vì thế mà loại lá thân leo vốn mọc nơi hoang dã đã “du nhập” về các chốn thị thành để làm ngon hơn các bữa ăn.
Chỉ có điều, chị em cần lưu ý, khi nấu lá giang, cũng như các loại canh chua khác không nên sử dụng nồi nhôm mà nên dùng các loại nồi như inox, tráng men không rỉ. Nếu dùng nồi nhôm, phải nấu nhanh và ăn ngay do chất chua có thể ăn mòn nhôm và làm nồng độ nhôm trong canh chua tăng cao, có thể gây ngộ độc. Do đó, nấu canh gà với lá giang thì không nên sử dụng nồi nhôm.
Canh chua gà bông so đũa kích thích vị giác, làm giảm độ ngấy của các món ăn và giúp bữa ăn ngon miệng hơn.
Tại các tỉnh Nam Bộ, cây so đũa được trồng làm cảnh, bông của được dùng làm thuốc và chế biến món ăn. Bông so đũa khi ăn có vị ngọt và hơi nhẫn, tính mát, nếu được ăn vào các ngày nóng thì thật tuyệt.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong món canh này còn có một nguyên liệu là rau tần dày lá, hay còn gọi là húng chanh. Loại rau này có công dụng trị ho, cảm cúm, khan tiếng. Đây là một loại gia vị đặc sắc, dùng để ướp thịt cá hoặc nấu canh chua đều rất thơm ngon.
Nguyên liệu:- Thịt gà: 500 gram- Bông so đũa: 200 gram- Cà chua: 2 quả- Me chín: 1 vắt- Rau tần dày lá: 1 nhánh
- Ngò gai, ớt tươi, tỏi băm, nước mắm, đường, hạt nêm.
Thực hiện:
- Thịt gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp 2 muỗng cà phê hạt nêm, để ngấm.
- Bông so đũa rửa sạch, ngắt bỏ phần nhụy để không bị đắng.
- Cà chua rửa sạch, xắt múi cau.
- Rau tần dày lá và ngò gai xắt nhuyễn. Ớt xắt lát hoặc xắt sợi.
- Đun nóng dầu trong nồi, cho tỏi băm vào phi thơm rồi cho gà vào xào săn.
- Cho một lượng nước dùng vào nồi, nấu gà đến khi chín mềm.
- Chần me chín trong nước nóng, lọc lấy nước me. Cho nước me vào nồi gà. Nêm 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, muỗng canh nước mắm ngon.
- Lần lượt cho cà chua, rau tần dày lá và ngò gai vào nồi.
Nêm nếm lại cho vừa ăn, thêm ớt xắt lát. Cho bông so đũa vào nồi canh đang sôi, tắt bếp ngay (không nấu bông lâu, bông sẽ mất độ giòn, không ngon).
Múc canh chua gà bông so đũa ra bát, rắc thêm ngò gai xắt nhỏ lên mặt. Ngoài ra, các bạn có thể phi vàng tỏi rồi cho lên mặt, mùi canh chua sẽ thơm ngon hơn.
Mực nấu dưa chua là món ngon dễ làm. Cùng vào bếp, nấu món canh mực này để thay đổi khẩu vị cho cả nhà nhé!
Nguyên liệu:- Mực trứng nhỏ: 200r- 1 bát dưa chua- Cà chua, gừng, ớt, tỏi, cần tây
Cách làm:
- Mực mua về rửa sạch, cắt bỏ mắt, lột yếm, rồi để ráo.
- Dưa chua rửa qua với nước.
- Cà chua thái miếng cau, tỏi, gừng đập dập.
- Làm nóng dầu ăn, cho tỏi vào phi thơm, trút cà chua vào xào cùng. Tiếp đến cho mực vào đảo nhanh tay, nêm nếm chút gia vị hạt nêm, nước mắm.
- Chế nước sôi cùng với nước dưa chua vào nồi. Khi nồi nước sôi trở lại thì cho dưa chua vào. Đun đến khi dưa chín mềm, cho thêm lát gừng, cần tây vào để dậy mùi. Cho ra bát và dùng nóng.
- Canh mực nấu dưa chua là một món ăn ngon dành cho những bữa cơm đơn giản của gia đình. Canh mực nấu dưa chua dịu, kích thích vị giác của người ăn
Vị chua của dưa, ngọt của mực, khi ăn cho thêm lát ớt cay sẽ thu hút cả gia đình bạn.
Vị chua chua thanh nhẹ của món canh riêu cá dìa sẽ là món canh giảm ngán sau dịp Tết dương ăn uống nhiều chất.
Nguyên liệu:- Cá dìa: 500 gr- Dứa: 1 miếng nhỏ- Cà chua: 3 quả vừa phải- Me: 2 quả nhỏ- Gừng, tỏi, hành hoa, thì là, ớt.
Thực hiện:
- Dùng kéo cắt chéo từ phía dưới vây ở gần mang cá cho đến hết miệng cá, gạt bỏ ruột cá. Rửa lại cá với nước muối pha loãng, để ráo nước.
- Gừng, tỏi băm nhỏ. Ớt thái miếng nhỏ. Hành, thì là thái nhỏ
- Ướp cá với một chút muối, hạt nêm và tỏi, gừng băm nhỏ trong khoảng 30 phút cho cá ngấm gia vị.
- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, thái miếng. Me và cà chua rửa sạch, cà chua đem bổ múi cau.
- Đun sôi một lượng nước đủ ăn, cho me, dứa và cà chua vào. Nếu ăn được cay thì cho vào nồi thêm 1 vài lát ớt.
- Cho tiếp đến cá và gia vị ướp cá vào, nêm thêm chút gia vị. Đun sôi cá trong khoảng 10 phút.
- Thả hành, thì là thái nhỏ vào, nêm thêm vào nồi một chút xíu mắm, hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Vớt me ra một cái bát, dằm nát rồi lọc bỏ bã, lấy nước cốt me đổ ngược trở lại nồi, khuấy đều.
Múc canh riêu cá dìa ra bát to rồi ăn nóng cùng cơm.
Theo Eva
Canh chua - Bình dị mà độc đáo
Canh chua chưa từng được xếp hạng, nhưng lại chiếm vị trí khá quan trọng trong ẩm thực Việt Nam. Sự bình dị, dân dã đã giúp món ăn này trở thành không thể thiếu trên bàn ăn của người Việt.
Món gì khác có thể ngán, nhưng canh chua thì ăn hoài quanh năm vẫn còn thèm, có thể là nhờ vị chua nên ăn cơm với canh chua ngon miệng hơn, lại giúp giải ngán cho những món chiên xào nhiều dầu mỡ. Canh chua lại biến tấu rất phong phú và đa dạng, từ nguyên liệu chính đến gia vị tạo chua, đặc biệt vị chua của canh cũng rất khác biệt giữa các vùng miền. Miền Bắc chuộng vị chua thanh dịu, miền Trung ưa vị chua lẫn chát, trong khi miền Nam thì khoái khẩu với cái vị chua chua ngọt ngọt.
Gia vị để tạo chua có thể là lá như lá giang, me non, cóc non, lá dít...; có thể là quả như sấu, tai chua, dọc, nhót, khế, me, chanh, bần, giác, cà chua, thơm...; có thể là dưa muối như cải chua, măng chua, bông súng... hay cả từ cơm mẻ. Nguyên liệu chính để nấu canh chua có thịt, thủy hải sản (cá, mực, tôm, hến, nghêu), phổ biến nhất là canh chua nấu cá. Miền nào thức ấy, mỗi vung có một loại cá "đặc sản" làm nên món canh chua của địa phương mình, không thể lẫn với nơi khác. Nhưng, dù là cá sông hay cá biển, tô canh chua muốn ngon thì cá phải tươi. Rau ăn kèm trong nồi canh chua cũng tùy nơi, phổ biến nhất bạc hà, giá, đậu bắp, đặc biệt miền Nam có những loại ăn kèm độc đáo như bông so đũa, bông điên điển, bông lục bình...
Mỗi món canh chua có hương vị khác nhau nên cũng có sức hấp dẫn riêng. Canh cá rô nấu với lá me non. Canh cá lạt nấu với lá dít. Canh cá cờ hay cá lóc nấu với lá cóc non. Canh cá bống nấu với lá giang. Lá nấu thường phải vò nát trước khi cho vào nồi mới ra hết chất chua. Canh tép nấu với trái giấm. Canh cá ngát nấu với trái bần. Canh cá lăng nấu với măng chua. Canh cá chạch nấu với cơm mẻ và bông so đũa. Đặc biệt ở vùng Kiên Giang còn có canh chua nấu với sả nghệ không vùng nào có. Cá chai, cá dẩu, cá cơm, cá nục, cá ngạnh, cá dò, cá linh, cá bông lau, cá lóc..., ca nao nâu canh chua cũng ngon.
Ăn canh chua phải có chén nước mắm nguyên không pha, giằm thêm vài trái ớt hiểm, vừa ăn vừa hít hà mới đã. Có thể nói, canh chua chứa đựng cả một nghệ thuật ẩm thực với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Và vì vậy, ăn canh chua không chỉ ăn bằng miệng, mà còn bằng mắt, bằng mũi. Tô canh thường đủ sắc trắng, xanh, vàng, đỏ và phải thật nóng, khói bốc nghi ngút mang theo mùi chua cay lẫn mặn ngọt, ngửi thôi đã thấy thèm. Canh chua ăn thường ngày với bát cơm trắng nóng hổi, nhưng khi có khách lại biến tấu thành "lẩu chua". Cái nồi lẩu cho vào gia vị chua, rồi thả cá vào, nêm nếm cho vừa miệng. Rổ rau để bên cạnh: rau muống, bắp chuối, rau nhút..., vừa ăn vừa nhúng rau, đơn giản vậy mà có khi lai rai đến hết buổi.
Theo PNO
4 kiểu canh cá nấu chua ngon tuyệt đỉnh Những món canh cá nấu chua này chắc chắn sẽ khiến cả nhà thích thú khi thưởng thức. Canh cá nấu chua Canh cá kiểu miền Nam dễ ăn với cách chế biến không quá cầu kỳ. Thử làm món cá diêu hồng theo cách của người Nam để có bữa cơm ngon cho cả gia đình nhé! Nguyên liệu:- Cá diêu hồng...