Những món bún ngon không nên bỏ qua khi đến Sài Gòn
Sài Gòn nổi tiếng với thiên đường ẩm thực có rất nhiều món ăn khiến du khách phải thương nhớ, bún là một trong số đó.
Là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau nên ẩm thực Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đa dạng hơn nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Chỉ tính riêng món bún đã có hơn chục món như bún mọc, bún riêu, bún ốc… Mỗi món lại có nét đặc trưng riêng tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực của Sài Gòn. Thưởng thức những tô bún nóng hổi, thơm ngon đậm chất vùng miền sẽ cho bạn nhiều dư vị đặc biệt khó quên.
Cùng điểm qua vài món bún ngon dễ tìm ở Sài Gòn để cùng bạn bè, người thân thưởng thức nhé.
Bún ốc
Đây là món ăn dân dã đặc trưng của miền Bắc, khá cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt là trong khâu làm sạch và luộc ốc. Bởi nếu thiếu sự tỉ mỉ, ốc luộc quá chín sẽ trở nên dai và khi gỡ ốc sẽ gãy đôi không nguyên con. Tô bún ốc ngon vì nước dùng được chế từ xương ống ninh nhừ, vớt sạch váng bọt để màu nước trong veo. Tô bún bốc khói nghi ngút với những con ốc béo ngậy, giòn ngọt, thêm miếng đậu hũ chiên vàng ruộm, miếng cà chua đỏ tươi và điểm vài lát hành xắt mỏng trông rất bắt mắt.
Đi kèm với tô bún là đĩa rau mang đặc trưng của miền Bắc như tía tô, kinh giới, rau húng, bạn mới cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn dân dã này.
Cùng với bún ốc, bún riêu cua “đặc sản của miền Bắc” cũng là món ngon có mặt trong nhiều con phố ở Sài Gòn. Tô bún riêu cuốn hút bởi nước lèo vàng tươi, sóng sánh, điểm thêm sắc đỏ của cà chua, chút hành lá xanh và những cọng bún trắng tinh tươm. Tuy nhiên ở Sài Gòn, bún riêu còn thêm huyết heo, đậu hũ, một vài nơi thêm miếng chả hoặc ốc luộc… Riêu được làm từ những con cua đồng tươi ngon từ vùng sông nước miền Tây, giã nhỏ rồi lọc kỹ mới cho ra nước dùng thơm phức, ngọt ngậy.
Để tô bún riêu trọn vị trước khi thưởng thức thực khách nên cho thêm một ít mắm tôm, vài miếng ớt cay nhẹ. Vị ngọt thơm của nước dùng cua đồng, pha thêm chút chua của cà, vị cay của ớt và đậm đà của mắm tôm sẽ làm cho bạn phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Bún mọc
Đây cũng là một trong những món bún được các tín đồ nghiện ăn Sài thành thưởng thức rất nhiều. Nước dùng chính từ xương được ninh nhừ, những viên mọc tròn làm từ giò sống trộn nấm hương mộc nhĩ, đặc biệt thêm chút măng tươi, hành lá, sườn non…mùi vị quyến rũ không thể tả. Bún mọc dường như đã trở thành thói quen trong mỗi bữa sáng của người dân nơi đây.
Bún bò Huế
Cũng như nhiều món ăn của đất cố đô, bún bò Huế rất cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt ở nước lèo. Nước lèo ngon phải được ninh nhừ từ xương heo, xương bò với một số loại củ, thêm vị đậm đà của mắm ruốc. Nước phải trong, hòa quyện với gia vị, xả ớt, đường phèn tạo độ ngọt thanh, ít dầu mỡ.
Những sợi bún to trắng cùng với thịt bò, móng giò và tiết heo nóng hổi, bốc hơi nghi ngút trong tô nước lèo ngọt lịm sẽ cho thực khách hương vị ngây ngất khó quên. Hương vị đặc biệt của món bún được kết hợp với các loại rau sống, bắp chuối, giá sống.
Tiếp biến từ món bún mắm của người Campuchia, người miền Tây sáng tạo thêm cho mình vài cách thức riêng bằng cách dùng mắm cá linh thay cho mắm bò hóc. Sự hấp dẫn của món bún này đặc biệt từ nước lèo thơm phức mùi cá linh, loại cá đặc sản của vùng sông nước Cửu Long. Cá bắt về được chưng làm mắm. Mắm được nấu cho nhừ sau đó lọc lấy phần nước để dùng làm nước lèo.
Thưởng thức tô bún mắm đầy đủ gồm cá lóc, sả bằm, nấm rơm, cà tím cắt khú. Nước chấm kèm theo là nước mắm me nguyên chất, thêm lát ớt tươi xắt mỏng, điểm thêm miếng chanh để tô bún đậm đà hơn. Rau ăn kèm là bắp chuối bào mỏng, giá, rau muống bào, đặc biệt không thể thiếu rau đắng đậm chất miền Tây.
Bún cá num bò chóc
Đây là một loại bún nổi tiếng của xứ sở chùa tháp, theo dấu chân của người Campuchia vào tận vùng đất Sài Gòn. Thành phần chính của món bún là cá lóc đồng, mắm bò hóc, nghệ tươi và những gia vị đặc trưng của Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc đồng tươi nguyên, mắm bò hóc và nêm nếm các gia vị đặc trưng của xứ chùa tháp như trái chúc, ngải búng, cùng nghệ tươi và sả củ. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo cho nước dùng màu vàng tươi đẹp mắt cùng hương vị thơm ngon, đậm đà.
Thưởng thức tô bún num bò chóc với nước dùng màu vàng đặc trưng, điểm thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, thêm màu vàng tươi của bông điên điển làm cho tô bún trông hấp dẫn và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức tô bún này ở quán bà Tư Xê trong chợ Lê Hồng Phong, quận 10.
Bún cá rô đồng bình dị như chính tên gọi nhưng ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, dịu nhẹ mà nó mang lại. Nguyên liệu chính làm nên hương vị cho món ăn là cá rô đồng. Những con cá rô sau khi bắt về được đánh vẩy, làm sạch ruột, rửa sạch. Dùng dao lóc xương, tách lấy phần thịt, sau đó cho phần thịt cá vào chảo dầu chiên vàng.
Bún cá rô muốn ngon không thể thiếu vị ngọt thanh của nước dùng. Cho phần xương và đầu cá vào ninh nước dùng, có thể cho thêm một ít xương heo vào ninh chung để nước dùng có vị ngọt hơn. Nướng một củ gừng hơi cháy vỏ, đập dập, thả vào nồi ninh cùng để nước dùng không tanh, có mùi quyến rũ và làm ấm lòng người thưởng thức
Ngoài cá rô và nước dùng, dọc mùng (bạc hà) là thành phần ngon miệng, tăng thêm hương vị cho món ăn. Bát bún nóng hổi, thơm ngon những lát cá được chiên vàng ươm lẫn trong màu xanh của hành lá, hương thơm của thì là nhẹ nhàng, quyến rũ người ăn.
Bún cá dầm Nha Trang
Bún cá dầm là món ăn bình dị của thành phố biển. Bún được nấu với cá dầm, là loại cá đặc sản nổi tiếng ở vùng biển Khánh Hòa. Chế biến cá dầm không khó, những con cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn.
Bên cạnh cá dầm, trong bát bún còn có những lát chả chiên vàng, thơm ngon. Cá thu, cá mối, cá cờ… là những nguyên liệu chính để làm nên những lát chả cá dai, mềm và thơm ngon. Nước dùng không nấu từ xương heo như các loại bún khác mà được nấu từ xương của các loại cá như cá thu, cá cờ hoặc mua các loại cá nhỏ về ninh để lấy nước.
Chính nhờ điều đó nên nước dùng của món ăn này có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được. Bạn sẽ thấy thêm ngon khi ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm…
Bún bì
Thành phần chính đi kèm bún tươi là bì, một trong những nguyên liệu giá rẻ, dễ tìm và đơn giản nên đây được xem là món bún bình dị và dân dã nhất.
Ngoài việc được trộn và xếp lên khối bún tươi, tạo nên bức tranh khá lạ mắt trong tô, bì còn được trộn với thịt heo nạc loại đùi ngon và thính thành món ram (chả giò/nem) vàng ruộm, đẹp mắt dọn kèm.
Nước mắm của bún bì ngoài đảm bảo vị chua, cay, ngọt dịu còn phải làm sao để cho ớt nổi đều. Bí quyết thường là băm nhuyễn ớt chứ không xay hoạc giã.
Bún nem nướng
Ngược với cách thưởng thức nem nướng cầu kỳ như những chiếc nem phải được chế biến từ thịt heo xay nhuyễn và giã thật mịn, nêm thêm gia vị, rắc vài hột tiêu rồi nắn vào que nướng vừa vàng tới.
Tiếp đến là vài bánh tráng chiên vàng ruộm, giòn tan. Hai món ấy cuốn cùng bánh tráng mỏng, rau sống và chấm cùng loại nước chấm đặc biệt… Bún nem nướng Nha Trang đơn giản hơn những lát nem, miếng bánh tráng xắt nhỏ, trải khéo léo trên lớp bún tươi, điểm thêm đồ chua, đậu phộng giã dập, dùng kèm với nước mắm pha chua ngọt thông thường.
Hiện có nhiều phiên bản bún nem nướng nhưng nổi bật và được biết nhiều nhất là bún nem nướng chả giò và bún nem nướng Nha Trang.
7 món bún nước vừa ngon lại dễ ăn cho bữa sáng mùa hè oi bức
Đảm bảo có các bữa sáng ngon như thế này tại nhà chồng con chẳng còn "tơ tưởng" đến việc ăn quán nữa.
1. BÚN ỐC
Nguyên liệu:
- 1 kg ốc (tùy loại ốc mọi người chọn có thể là ốc nhồi, ốc bươu, ốc mít... nếu thích ăn nhiều ốc tăng lượng ốc lên 1,5kg hoặc 2kg)
- 1 kg xương ống
- 5 bìa đậu phụ
- 1 kg bún
Video đang HOT
- 1 củ hành tây
- Dấm bỗng: khoảng 300ml
- 2 quả cà chua to (nếu cà chua nhỏ 4 quả)
- Hành củ, tỏi (nếu tự phi hành khô thì chuẩn bị nhiều hơn)
- Gia vị: mắm tôm, bột canh, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm, sa tế...
- Rau sống ăn kèm: hành lá, tía tô, xà lách, rau muống chẻ, giá đỗ, hoa chuối...
Cách làm:
- Xương ống mua về rửa sạch, đun sôi nồi nước thả xương ống vào chần qua. Đem rửa sạch lại một lần nữa. Thêm nước (mình cho khoảng 3,5 lít nước) bắc lên bếp ninh để lấy nước. Cho vào hai củ hành tím nướng, 2 thìa cà phê bột nêm, 2 thìa cà phê muối ăn. Lúc đầu để lửa to nhất, nước sôi hớt bọt để nồi nước dùng được trong hơn, sau đó hạ lửa nhỏ ninh nhừ, ngửi thấy mùi thơm của thịt là được.
- Ốc mua về rửa thật sạch, cho vào chậu nước vài quả ớt để ốc nhả nhớt và chất bẩn. Vớt ốc ra rửa, chà cho sạch hẳn đổ ốc vào nồi, đổ nước xâm xấp, thêm vào 1 thìa cà phê muối, đợi nước sôi lấy đũa đảo đều, vảy ốc bung ra là ốc chín, không nên luộc lâu quá ốc sẽ bị dai.
Vớt ốc ra để nguội, gạn lấy phần nước ốc trong để riêng trong bát.
Ốc nguội mang ra khêu lấy phần thịt.
- Ướp ốc đã khêu với 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hành tím băm nhuyễn. Ướp 30 phút, phi thơm hành tỏi, để lửa to cho ốc vào xào nhanh tay, không xào kĩ quá, đổ ốc đã xào ra bát, nếu có phần nước ốc tiết ra trong quá trình xào thì giữ lại.
- Đậu phụ rửa qua nước, cắt miếng quân cờ nhỏ đem rán vàng đều cho phồng lên, rán một mặt đợi chín vàng già mới lật rán mặt tiếp theo.
- Các loại rau sống nhặt sạch, rửa sạch, ngâm nước muối loãng trừ tía tô và hành lá thái nhỏ để riêng (rau muống mình mua về tự chẻ).
Cà chua rửa sạch thái múi cau. Hành tím, tỏi băm nhỏ.
- Nấu nồi nước dùng để chan bún ốc
Dùng nồi to đế dầy, cho chút dầu ăn vào, đợi dầu sôi cho một nửa hành, tỏi băm nhỏ phi vàng và thơm, đổ một nửa cà chua vào xào chín mềm thêm 1 thìa cà phê bột nêm đảo đều, trút hết phần nước xương vào nồi, thêm một phần nước luộc ốc, phần nước ốc tiết ra lúc xào ốc.
Hành tây rửa sạch, bổ làm đôi thả vào nồi nước dùng cho ngọt nước. Đợi nồi nước dùng sôi, cho vào 1 thìa canh đường, hai thìa canh nước mắm, 1 thìa canh mắm tôm (nếu ăn được mắm tôm), dấm bỗng, cho nốt một nửa cà chua thái múi cau, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, có vị ngọt và chua thanh của dấm bỗng.
Đợi củ hành tây chín mềm thì vớt bỏ ra khỏi nồi. Muốn màu nước dùng đẹp có thể thêm vào 1-2 thìa canh dầu điều hoặc chút sa tế.
Bật lửa to nồi nước dùng sôi lại mình cho hết phần đậu rán vàng, thêm mọc, giò tai, đảo đều để lửa nhỏ nhất giữ nóng.
Cách làm hành khô
Thái hành mỏng vừa, đổ dầu vào chảo, dùng chảo nhỏ để tiết kiệm dầu nhưng vẫn phải đổ ngập hành, dầu sôi thả hành vào phi vàng, để nhỏ lửa, đảo đều đến khi hành chín vàng và giòn vớt hành ra bát để riêng.
Cách làm mọc
300gr giò sống. Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi băm nhỏ trộn với giò sống, thêm vào 1 thìa cà phê nước mắm,chút hạt tiêu trộn đều, mình không cho nhiều gia vị vì giò sống họ cho sẵn gia vị rồi.
Đi bao tay nắm giò sống vào giữa bàn tay, nắm tay lại bóp nhẹ giò đùn lên trên lấy thìa nhỏ gạt nhẹ vào nồi nước đang sôi. Mọc chín nổi lên trên vớt ra.
Cách làm tương ớt
Luộc chín 10-15 quả ớt cay, nếu muốn bỏ hạt đi bao tay vào tách hạt ra. Cho ớt luộc vào máy xay cùng hai thìa canh lạc rang chín vàng, 1 củ hành tím, 3 nhánh tỏi, xay thật nhuyễn.
Tiếp tục băm nhỏ hai nhánh tỏi, 1 củ hành tím, đổ dầu ăn vào chảo (cho lượng dầu nhiều hơn chút) đợi dầu sôi thả hành tỏi phí thơm, đổ hết phần ớt xay vào chảo, thêm hai thìa canh đường cát trắng, 1 thìa cà phê bột canh, để lửa nhỏ đảo liên tục cho hỗn hợp quánh lại, dậy mùi thơm là được, không được để lửa to vì có đường dễ cháy.
Lưu ý để nấu bún ốc nhanh cho bữa sáng
Nếu có dự định nấu bún ốc, bạn nên đi siêu thị hoặc chợ từ tối hôm trước. Mua chế biến gần như tất cả các nguyên liệu, trừ rau sống để hôm sau cho tươi.
Xương ống ninh trước từ tối, ốc cũng có thể làm trước nhưng không xào chỉ khêu đậy kín để ngăn mát hoặc ngăn đá. Đậu phụ rán trước bọc kín để ngăn mát tủ lạnh.
Tương ớt, hành phi cũng vậy. Hôm sau sơ chế nốt các nguyên liệu còn lại và nấu là xong.
Khi ăn chần bún vào bát, tiếp đến là ốc xào, rau tía tô, hành lá thái nhỏ. Chan nước dùng kèm đậu phụ, mọc, giò tai, thả hành phi lên trên cùng tương ớt xào (nếu có thời gian tự rán mỡ lấy phần tóp, xào với chút hành lá, đầu hành cho vào bát bún ốc cũng rất béo ngậy). Ăn kèm các loại rau sống đã chế biến ở trên.
2. BÚN BÒ GIÒ HEO
Nguyên liệu:
- 500g xương bò
- 1 cái móng heo ngon
- 500g thịt bò (chọn phần có gân như nạm bò)
- 200g giò sống
- 300g tiết bò luộc
- 1-2 củ hành tây, hành lá, hoa chuối (nếu thích),
- Rau cải, giá đỗ mỗi thứ vừa đủ để chần ăn kèm bún
- Gia vị: tỏi, hành khô, hạt tiêu, nước mắm, 1 thìa sa tế, 1 thìa ớt bột, 2 thìa mắm ruốc
- Bún
Cách làm:
- Xương bò rửa sạch, chặt khúc.
- Móng heo chặt khoanh tròn rửa sạch, chần qua nước sôi rồi rửa lại lần nữa cho sạch.
- Thịt bò chọn phần có gân như nạm bò, để miếng rồi rửa sạch
- Cho thịt bò, xương bò, giò heo vào nồi, đổ ngập nước rồi ninh lấy nước.
- Thỉnh thoảng vớt bọt để nước được trong.
- Giò sống trộn với bột canh, hạt tiêu rồi cho ngăn đá khoảng 1-2 tiếng.
- Tiết bò ngoài hàng đã luộc, mua về rửa qua cho sạch rồi chần lại nước sôi sau đó thái miếng vừa ăn.
- Hành thái khúc, rau cải non, giá đỗ, hành tây thái vòng chần qua, nếu thích có thể thêm hoa chuối thái nhỏ.
- Giò heo mềm vớt ra. Phi tỏi và hành khô rồi xào giò heo với chút nước mắm, hạt tiêu cho ngấm và đậm đà. Thịt bò mềm ta vớt ra để nguội chút rồi thái mỏng.
- Nước dùng chắt bỏ xương, cho vào đó 5 củ sả chẻ mỏng, 1 củ hành khô nướng qua giã dập, 1 mẩu gừng giã dập nướng qua.
- Phi tỏi rồi cho 1 thìa sa tế, 1 thìa nhỏ ớt bột vào xào cho lên màu sau đó cho vào nồi nước.
- Giò sống mang ra, bôi chút dầu vào tay rồi viên thành những viên tròn.
- Thả mọc vào nồi nước, mọc chín nổi lên 1 lúc là vớt ra.
- Mắm ruốc 2 thìa ăn cháo hoà tan với nước, để lắng độ 1 tiếng rồi chắt lấy nước trong cho vào nồi khuấy đều. Nêm nước mắm, bột canh sao cho vừa miệng.
Thưởng thức
- Bún chần nóng, cho vào bát, xếp thịt bò, giò heo, mọc, tiết, hành vào rồi chan nước.
- Bún ăn kèm với hành tây, giá, rau cải, hoa chuối, rau thơm nếu thích. Có thể ăn cùng giò tai là tuỳ ý mọi người nhé.
3. BÚN NGAO
Nguyên liệu:
- Ngao: 1,5 kg
- Bún: 1kg
- Cà chua: 150g
- Rau cần: 1 bó
- Rau thơm, ớt, hành củ, chanh, gia vị.
Cách làm:
Ngao mua về ngâm với nước khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch vỏ rồi cho vào nồi, đổ ngập mặt nước rồi luộc ngao đến khi ngao mở miệng thì tắt bếp. Để nước luộc ngao nguội rồi tách lấy thịt bên trong, bỏ vỏ, lọc lấy nước luộc ngao cho sạch cát.
Cà chua thái miếng cau, rau cần rửa sạch cắt khúc vừa ăn. Rau răm, hành, thì là thái nhỏ. Cho cà chua, hành củ thái lát vào đảo đều tay, khi thấy mùi thơm của hành thì cho thịt ngao vào tiếp tục đảo đều. Thêm chút gia vị cho thịt ngao ngấm. Để sôi khoảng 2 phút, thêm nước luộc ngao vừa lọc ở trên vào. Nếu bạn muốn nhiều nước hơn thì có thể thêm nước lọc. Để lửa vừa cho nước sôi trở lại.
Khi nước sôi thì cho rau cần đã chuẩn bị ở trên vào nhúng qua 1 phút rồi vớt ra bát, tránh để lâu vì rau cần dễ nhừ. Nêm nếm gia vị vừa đủ, sau đó tắt bếp.
Bún chần qua nước sôi, để ráo, cho sẵn vào các bát, xếp cà chua, rau thơm, rau cần lên trên rồi rưới canh ngao lên trên và mời mọi người thưởng thức.
4. BÚN CÁ RÔ ĐỒNG
Nguyên liệu:
- Cá rô đồng: 400g
- Dọc mùng hoặc rau cần: 1 bó
- Cà chua: 3 quả
- Ớt, me, rau răm, thì là
- Gia vị vừa đủ.
Cách làm:
Cá làm sạch, để ráo nước rồi cho vào luộc, đập thêm nhánh gừng vào nồi nước luộc để khử hết mùi tanh của cá. Khi cá chín, nhẹ nhàng gắp ra để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút rồi gỡ cá thành những miếng dọc thân cá, cố gắng gỡ cá tránh bị vỡ và nát.
Tẩm cá cùng ít gia vị cho ngấm rồi phi thơm hành mỡ, cho cá vào nhẹ nhàng đều cho thơm.
Rau cần rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Cà chua thái miếng cau. Hành, rau răm, thì là thái nhỏ.
Phần xương cá cho vào máy xay, xay nhuyễn rồi lấy nước luộc cá lọc qua rây. Cho cà chua phi thơm cùng hành sau đó đổ nước cá đã lọc vào đun sôi.
Sau đó nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm rau cần, chút hành, rau răm, thì là rồi tắt bếp.
Cho bún vào bát, xếp rau cần, cà chua, cá rô và rau thơm lên trên rồi chan nước đều quanh bát, sau đó mời mọi người thưởng thức.
5. BÚN BÒ HUẾ
Nguyên liệu:
- 900g bắp bò; 900g đuôi bò; 900g móng giò heo (móng trước); 450g giò tai hoặc giò lụa, giò bò; 450g tiết lợn luộc (cắt thành các miếng vừa ăn)
- Nước dùng: Một nồi nước 8 lít; nước luộc gà; 10-12 cây sả; 2 củ hành tây lớn, cắt đôi, để cho ngọt nước dùng; 45g muối; 30g đường; 30g bột tôm; 45-60ml nước mắm; 10g mì chính (nếu không sử dụng đuôi bò, bạn có thể sử dụng 20g mì chính)
- Hương thơm và màu: 45g hạt điều màu đỏ; 45ml dầu ăn; 30g hành củ; 30g tỏi
- Ăn kèm: Rau húng quế, húng bạc hà, giá đỗ, ớt, chanh
- Hoa chuối; 500ml nước; nước cốt 1 quả chanh
- Bún tươi
Cách làm:
- Cho tất cả thịt, xương vào trong nồi, cho đủ nước vào, đun sôi. Vớt thịt ra để ráo nước rồi rửa sạch dưới vòi nước.
- Cho thịt, nước dùng gà, sả và hành tây vào nồi đầy nước tới miệng. Đun sôi rồi giảm nhiệt, đun liu riu, thêm gia vị làm nước dùng vào.
- Chân giò khoảng 1 tiếng là được, còn thịt bò thì để từ 2-3 tiếng.
- Sau khi các loại thịt, móng giò đã chín, vớt ra, để nguội. Sau đó, thái bắp bò thành các miếng mỏng, vừa ăn. Chặt móng giò thành các miếng vừa ăn. Điều chỉnh thêm gia vị vào nồi nước dùng nếu cần thiết.
- Làm chất thơm và tạo màu: Cho hạt điều màu vào xào trong chảo dầu cho đến khi các hạt có màu đỏ tươi, sau đó, vớt các hạt ra.Thêm hành, tỏi vào xào cho đến khi vàng thơm. Rồi thêm hỗn hợp này vào nồi nước dùng.
- Cách thái hoa chuối: Chuẩn bị khoảng 500ml nước trong một chậu nhỏ, hòa vào nước nước cốt một quả chanh.
- Hoa chuối bóc bỏ phần già bên ngoài, thái mỏng. Thái xong phần nào thì cho ngay vào trong chậu nước có pha chanh ngâm trong 30 phút. Cách làm này để hoa chuối không bị thâm đen.
- Thưởng thức: Bún chần qua nước sôi, rồi cho ra bát. Thêm giò tai hoặc giò lụa, hay giò bò. Thêm thịt bò, móng giò, tiết rồi chan nước dùng.
Ăn bún kèm giá đỗ, và các loại rau sống khác.
6. BÚN MĂNG VỊT
Nguyên liệu:
- 1 con vịt làm sẵn
- Tiết vịt
- 500 gr măng
- Rau răm, giá, gừng, muối, đường, hành phi, hành lá.
- Bún tươi
Thực hiện:
Vịt rửa sạch với nước muối có pha chút chanh, sau đó đập dập củ gừng chà sát lên mình vịt, rồi rửa qua nước lạnh, đề ráo.
Nấu 1 nồi nước với 1 muỗng cà phê muối, nước sôi cho măng vào luộc khoảng 40 phút với lửa vừa. Sau đó đổ ra rổ, xả qua nước lạnh thật sạch rồi để ráo.
Nấu 1 nồi nước cho vịt vào luộc cùng với 1 củ gừng chẻ đôi, 1 củ hành tây chẻ đôi, một ít hành lá, 1 muỗng cà phê muối. Khi nước sôi bạn nhớ hớt bớt bọt và mỡ nhé!
Khi vịt chín vớt vịt ra chần sơ qua nước lạnh cho da vịt không thâm đen. Chặt vịt từng miếng vừa ăn.
Phần tiết luộc chín và cắt miếng vừa ăn.
Bắc chảo lên bếp cho vào 1muỗng canh dầu phi tỏi hành cho thơm, cho măng vào xào cùng với muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột nêm, 2 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê đường. Xào cho măng ngấm đều gia vị rồi cho măng vào nồi nước luộc vịt, cho thêm 5-6 gốc hành lá. Nêm nếm lại cho vừa ăn.
Pha nước chấm: 2 muỗng cà phê đường, 4 muỗng cà phê gừng giã nhuyễn, 3 muỗng cà phê nước mắm, 1muỗng cà phê ớt băm trộn đều.
Trình bày: Cho bún vào tô, xếp thịt vịt, tiết lên rồi chan nước dùng, rắc ít măng, một ít hành lá, rau răm và hành khô lên trên.
7. BÚN RIÊU CUA
Nguyên liệu:
- 500 gram cua đồng
- 1 kg bún
- 3 bìa đậu
- 200 g giò sống
- Rau rút (nếu thích)
- 3-4 quả cà chua
- Giấm bỗng, khế chua
- 1 chút mắm tôm - Hành tím, hành lá, rau mùi
- Rau sống: hoa chuối, xà lách, kinh giới, húng
- Hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn
Cách nấu bún riêu cua ngon:
- Cua đồng mang về thêm chút muối xóc mạnh rửa sạch rồi tách mai cua, lấy gạch, phần còn lại đem giã hoặc xay.
- Nếu thích nước cua đặc thì khi giã thêm chút xíu muối, giã cua và lọc lấy nước sẽ ngon hơn khi xay.
- Lọc 2-3 lần lấy nước cua vừa đủ ăn rồi thêm 1 thìa bột canh khuấy nhẹ đặt lên bếp đun lửa vừa đến khi phần nước cua đóng tảng rồi vớt gạch cua ra để riêng.
- Đậu hũ cắt miếng nhỏ vừa ăn, cho vào chảo rán vàng.
- Cà chua rửa sạch, bổ múi cau
- CKhế chua rửa sạch thái mỏng.
- Rau rút, rau thơm các loại nhặt sạch rửa và ngâm vào nước có pha chút muối loãng.
- Bắc chảo lên bếp, phi hành tím thái nhỏ lên, đến khi hành có màu vàng ươm thì đổ gạch cua vào, đảo nhanh tay rồi tắt bếp, đổ gạch cua vào một bát để riêng.
- Sau đó cho cà chua vào xào sơ. Nếu thích màu nước dùng đẹp bạn có thể thêm 1 thìa bột nghệ.
- Sau khi xào cà chua xong thì đổ vào nồi nước dùng cua, thêm chút giấm bỗng, 1 chút mắm tôm, gia vị vừa miệng rồi đun nhỏ lửa. Tiếp đến viên giò sống thả vào sau đó là đậu phụ.
Thưởng thức
- Xếp bún đã chần vào bát, bày 5-6 miếng đậu phụ rán giò sống, thịt cua, hành lá, rau mùi thái nhỏ vào 1 góc, rồi từ từ rưới nước dùng cua lên bát bún, cùng ăn với rau sống, thưởng thức khi còn nóng!
10 món bún ngon đất Bắc giữa Sài Gòn Bún thang tinh tế; bún chả thơm ngon hay bún bung thanh mát... là những món ngon có nguồn gốc miền Bắc được bán nhiều ở thành phố phương nam. 1. Bún chả Trong các món bún ở miền Bắc, bún chả là món ăn được bán nhiều nhất ở Sài Gòn. Các thành phần của món ăn này như chả, thịt nướng,...