Những món ăn nổi tiếng không nên bỏ qua khi đến Phan Thiết
Phan Thiết được coi là vùng đất có ẩm thực phong phú, nó cũng là một trong những điểm để níu kéo và làm cho thực khách nhớ đất mảnh đất này.
Khi hỏi “nên ăn gì khi du lịch Mũi Né?”, người ta thường nghĩ ngay đến các món hải sản mà ít ai biết rằng có một món ngon, đặc sản ngon, rẻ, và hấp dẫn hàng đầu Mũi Né đến từ những đồi cát đầy nắng và gió. Đó chính các các món ăn chế biến từ Dông, một loại bò sát sống ở trong cát. Dông cát khá giống với thằn lằn nhưng to và dài hơn, chủ yếu ăn chồi non và uống sương đêm nên thịt rất chắc, dai và ngọt.
Người dân Mũi Né có thể chế biến Dông thành 7 món ăn khác nhau, như: nướng, hấp, chiên, nấu cháo, làm chả, rô ti, gỏi…món nào cũng ngon và hấp dẫn. Nhưng theo những du khách có kinh nghiệm du lịch và thưởng thức đặc sản ngon, độc, lạ khi du lịch Mũi Né thì Dông nướng là ngon và hấp dẫn nhất, đặc biệt là khi chấm muối ớt và nhắm chút rượu.
Bạn có thể đến quán VietNam Home Restaurant ở 125AB Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thiết để thưởng thức các món ăn từ Dông, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên bởi thực đơn và giá cả của quán ăn này.
Mực một nắng chiên giòn, mực nướng
Mực một nắng chiên giòn
Đến Phan Thiết, khách du lịch thường la cà ở các quán hải sản nằm dọc bờ kè bên dưới cầu Trần Hưng Đạo, dọc đường ra biển Đồi Dương hay các quán nhậu tạm dựng lên nhan nhản dọc bờ biển Mũi Né.
Đến đây, thực khách sẽ bị lạc vào hàng chục quán kéo dài với vô số các món tươi ngon. Một trong số đó là mực một nắng chiên giòn. Mực tươi, ngọt sau khi chế biến được chấm kèm với tương ớt.
Video đang HOT
Cùng với mực một nắng chiên, món mực trứng nướng cũng là một gợi ý hay cho bạn khi lựa chọn thực đơn. Không có vị ngậy như mực chiên, mực trứng nướng mang lại cảm giác lạ cho thực khách.
Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.
Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách
Bánh hỏi
Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Bánh tráng chấm mắm ruốc
Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.
Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh canh chả cá
Bánh canh chả cá
Theo Vnexpress, hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.
Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…
Theo Giaothong
Tự hào... bánh canh quê
Quê mình (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) có nhiều món ăn vặt rất dân dã nhưng hễ xa là nhớ. Cũng có không ít món ăn sáng hễ thấy nhớ là biết mình... đã xa quê.
Một trong những món có "hương gây mùi nhớ" ấy là bánh canh chả cá. Có vẻ như bánh canh cũng... có mùa. Thật ra thì mùa nào bánh canh cũng ngọt ngào, cũng thơm phức. Nhưng vì chất liệu chả cá, người bạn "đồng hành" của bánh canh, mỗi mùa một khác nên ngoài cái "mẫu số chung" là thơm phức ngọt ngào ra, bánh canh từng mùa còn có hương vị rất riêng, rất thú vị.
Bánh canh chả cá
Ví như mùa xuân, con cá chuồn đã "được" vặt cánh trước khi thành viên chả bỗng dưng... cất đôi cánh chất lượng mà bay lên, thịt săn cứng, đậm đà, rất ngon miệng khiến sợi bánh canh, nước bánh canh cũng ngọt ngào theo.
Mùa hạ, cá thu nhiều nhưng người ta không dám chọn cá này để làm chả thả vô nồi bánh canh vì giá cả... sang chảnh quá. Chỉ giỗ chạp, tiệc tùng, lễ lạt mới làm chả cá thu thôi. Còn thì cứ lấy cá chai làm loại cá "chiến lược" cho mùa này. Cá chai tuy không... đẹp trai nhưng ngon cực. Thịt cá chai dai dai, càng nhai càng béo. Cái bụng đói đang sôi réo mà gặp bánh canh chả cá chai thì "like" ngay. Cứ chén nọ nối tiếp chén kia, húp xoàn xoạt mà không thấy ngán.
Ở miền Trung, mùa thu không rõ rệt lắm nhưng cứ nhìn rổ cá của ngư dân thì biết liền. Những con cá đục, cá rựa tháng 8, tháng 9 thịt ráo, nạo xong cho vào cối đá giã nhuyễn cùng gia vị rồi đem hấp, hương thơm bay khắp xóm. Bánh canh "đi" với chả được làm từ hai loại cá này ngon... líu lưỡi luôn.
Còn những ngày đông mưa dầm gió dãi, những con cá nhồng, cá thửng, cá tào lao khi "hóa thân" thành chả cũng ngon không kém gì "chả cá mùa thu". Những viên chả màu trắng sữa, ngọt, cay, và thơm đã thật sự là điểm nhấn của nồi bánh canh khi mùa gió lạnh về.
Người quê nếp nghĩ cũng quê. Mình quả quyết rằng bánh canh mua về nhà ăn thì độ ngon có giảm đi chút đỉnh. Vì sao? Vì mất đi cái "hiện trường" nồi bánh canh bốc khói thơm... tận thiên tào.
Vì không được thấy dì Sáu, cô Tư, thím Bảy thoăn thoắt múc bánh canh, năm ngón tay nhanh nhẹn rắc hành rắc tiêu vào chén trước khi đưa cho khách. Vì không được ngồi trên cái đòn tre vừa xì xụp húp bánh canh, nhỏ nhẻ nhai miếng chả cá, vừa xuýt xoa "thông tin" với người bên cạnh rằng "chả cá mùa này ngon đâu có thua gì mùa kia"; "gạo lúa mới hèn chi con bánh canh vừa dai vừa mềm mại"; "trời lành lạnh vầy ăn bánh canh thiệt ấm lòng"...
Có lần tôi rất ngạc nhiên khi thấy một họa sĩ danh giá người Hà Nội ngồi húp bánh canh với mấy sinh viên mỹ thuật trong căn lều lợp lá dừa dưới gốc cây sầu đâu. Ăn xong, ông "sư phụ" và các học trò ra ngoài "lén" kí họa khung cảnh ba bốn người đang "chăm chỉ" húp bánh canh bên trong. Ông ta còn nói ở đây có cái "văn hóa bánh canh" hay đáo để. Mình nghe mà sướng lịm sườn luôn.
Những người bạn của mình ở phố về cũng thích "tắm" trong không gian của những căn chòi bán bánh canh; thậm chí, gánh bánh canh trần trụi giữa trời ở ngã ba đường làng. Thương quá, cảm động quá khi có đứa là Việt kiều, đeo dạ dày bò trước bụng, mặc áo thun, quần sọt, đi giày thể thao cũng cứ tỉnh bơ ngồi đòn tre và... húp. Chợt nghĩ, những người con xa quê lâu năm còn... tơ tưởng và trân trọng bánh canh như thế, mình ở quê mắc mớ gì quên. Vậy nên mặc ai tự hào cao lương mỹ vị của họ làm gì làm, mình là mình vẫn cứ... "tự hào" bánh canh quê.
.Theo Amthuc365
Tổng hợp những món ăn ngon đến phát cuồng chỉ có tại Phan Thiết Đến với Phan Thiết, bạn không chỉ được hòa mình với biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn được thưởng thức những món ăn ngon. Nào! Hãy cùng điểm danh tên của những món này bạn nhé! 1: Chả cuốn cá trích Đến với vùng biển Phan Thiết nhất định bạn phải thử chả cuốn cá trích thơm lừng. Loại cá này...