Những món ăn ngon tuyệt cho tiết trời se lạnh ở Đà Lạt
Bên cạnh vẻ đẹp muôn thuở của phố núi thì một trong những điều thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt, chính là nét ẩm thực độc đáo của nơi đây.
Những món ăn dân dã, bình dị nhưng không kém phần ngon miệng dưới đây luôn khiến du khách nhất định phải “thử một lần” khi có dịp đến với Đà Lạt.
BÁNH MÌ XÍU MẠI
Người ta vẫn thường nói, đến với Đà Lạt là đến với thiên đường ẩm thực. Và nếu đã chọn du lịch Đà Lạt mà không ăn bánh mì xíu mại coi như bỏ lỡ một món ăn tinh túy của Đà Lạt vừa ngon vừa rẻ.
Bánh mì xíu mại là món ăn vặt được đánh giá là ngon nhất trong tất cả những món ăn vặt đã làm nên thương hiệu của ẩm thực đường phố ở Đà Lạt và không biết từ lúc nào mà chén xíu mại trở thành món quà mà bất kì thực khách nào đến đây cũng nhất định phải thử một lần và thậm chí nghiện luôn từ lúc nào không hay.
Những miếng bánh mì chấm cùng nước dùng được ninh từ xương heo trong vắt có vị ngọt thanh nhẹ nhàng, kèm vào chén là những miếng xíu mại dẻo dai được làm từ thịt quết và thêm chút hành là. Với cái không khí se lạnh vào buổi sáng tinh sương, một chén xíu mại nhỏ trở nên hấp dẫn hơn, người ta thường cho thêm 1 ít sa tế tạo vị cay và màu cho món ăn.
Sẽ không còn gì tuyệt vời hơn bởi bạn đang thưởng thức một món ăn ẩn chứa những tinh túy, cái hồn, sự cần mẫn và từ tốn của người Đà Lạt, một hương vị chỉ ở Đà Lạt mới có và chỉ dành riêng cho Đà Lạt mà thôi.
LẨU
Trong không gian lạnh của phố núi, còn gì tuyệt vời hơn bằng việc ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, hít hà hương vị thơm lừng bên trong nước lẩu. Nằm trong danh sách những món ngon ở Đà Lạt, lẩu bò và lẩu gà lá é là hai loại được nhiều thực khách tìm đến nhiều nhất.
Lẩu bò nổi tiếng với những miếng bò dày – to – dài. Chưa kể trong nồi còn có thêm gân, đuôi, gầu đầy đặn chỉ nhìn thôi đã thấy bụng muốn sôi sùng sục rồi. Lẩu bò thơm ngát mùi bò vùng núi, ngoài rất nhiều thịt bò nồi lẩu ở đây còn có mì trứng và rau xanh Đà Lạt chất lượng vô cùng.
Món thứ 2 cũng hấp dẫn không kém chính là lẩu gà lá é. Loại rau nhúng lẩu duy nhất được sử dụng ở món ăn này là lá é – một loại rau cùng họ với húng quế, hương nhu, vị hơi chua chua chát chát. Một nồi lẩu gà lá é thường có nửa con gà chặt miếng, nước dùng lẩu có vị thơm cay nồng của ớt, ăn kèm với bún, nấm sò, một ít măng củ và dĩ nhiên không thể thiếu 1 đĩa rau lá é. Khi nhúng lá é vào nồi nước lẩu thì nên vớt ra ăn ngay khi còn tái, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi, hơi the the của lá. Trời Đà Lạt về tối lạnh, nhiều sương nhưng được cùng bạn bè ngồi cạnh nồi lẩu gà lá é sôi sùng sục đưa mùi thơm phức sẽ khiến bạn quên ngay cái đói, cái lạnh.
Video đang HOT
BÁNH CĂN
Không nhân tôm, nhân mực như bánh căn miền Trung, bánh căn Đà Lạt được đúc đổ trong khuôn đất nấu than, thêm một ít trứng (nếu khách có nhu cầu), thưởng cùng nước chấm nhiều mỡ hành. Nhưng, cái thú co ro giữa tiết trời luôn lạnh và ẩm, nêm ớt xay cay đến hít hà, đợi từng khuôn bánh đến lượt mình… là cái thú mà ngoài Đà Lạt ra, chẳng nơi nào có được.
Có hai loại nước chấm để khách lựa chọn, một là nước mắm pha với đường, tỏi, ớt; hoặc mắm nêm – cũng được pha chế ngọt lại, cùng với mỡ hành và vài viên xíu mại (thịt viên chưng). Bánh căn Đà Lạt có vị rất riêng, đậm đà, ấm và ngọt ngào. Và, chính vì không nhân, nên, bánh căn Đà Lạt dậy mùi bột gạo – thứ mà người Việt Nam quen xem là hiển nhiên phải có trong các bữa ăn, nên ít ai chú tâm để ý đến dư vị của nó, xen cùng nước chấm giản đơn nhưng tạo ra một hương vị mà không chắc những món đắt tiền đạt đến được.
SỮA ĐẬU NÀNH
Đà Lạt ban ngày đã rất đẹp, nhưng cũng không hề kém quyến rũ mỗi khi đêm về. Trong hơi sương se sắt, phố núi hiện lên mờ ảo, lung linh dưới đèn hoa. Tới Đà Lạt mà quên dạo chợ đêm thì quả là điều đáng tiếc. Dọc theo các con phố nhỏ, những thứ thu hút hơn cả cả là làn khói tỏa nghi ngút cùng hương thơm của những món ăn hè phố. Khi ấy, đừng quên dừng chân, thưởng thức chút quà đêm Đà Lạt, và thử uống sữa đậu nành.
Nhưng sữa đậu nành Đà Lạt trở thành đặc sản bởi nó ăn khớp đến kỳ lạ với không gian lạnh phố núi, bởi ánh lửa hồng bập bùng giữ ấm sữa sôi nhè nhẹ và nhất là, bởi tình người dường như thân hơn khi ngồi cạnh nhau, cùng chia sẻ ly sữa nóng.
Thưởng thức sữa đậu nành tại Đà Lạt, bạn nên dùng thêm bánh ngọt để cảm nhận trọn vẹn hơn vị ngon và béo từ ly sữa.
Một ngày ăn uống như người Đà Lạt tại TP.HCM
Món ngon nóng hổi cùng thời tiết se lạnh tạo sức hút cho Đà Lạt. Ngay tại TP.HCM, thực khách có thể trải nghiệm ẩm thực của thành phố sương mờ.
Được mệnh danh là thiên đường ẩm thực, TP.HCM quy tụ những món ngon độc đáo đến từ nhiều vùng miền, trong đó có xứ sở nghìn hoa. Lịch trình ăn uống trong 24 giờ dưới đây sẽ giúp tín đồ Đà Lạt thỏa mãn vị giác.
Ăn gì vào buổi sáng?
Bánh căn, bánh mì xíu mại là lựa chọn của nhiều người Đà Lạt cho bữa sáng. Bánh căn với lớp vỏ hơi cháy cạnh, nhân trứng cút kèm mỡ hành béo ngậy, dùng chung với nước súp nóng cùng ít đồ chua, thu hút thực khách. Một phần bánh căn xíu mại có giá khoảng 40.000 đồng.
Ngoài bánh căn, bạn có thể tiếp năng lượng cho ngày mới với món bánh mì xíu mại. Bánh mì giòn nóng được thưởng thức cùng chén xíu mại đậm vị, thêm topping da heo và chan ngập nước dùng thơm tiêu, hành. Một phần ăn có giá 22.000 đồng.
Địa chỉ ở đường Đồng Nai, quận 10, được thực khách đánh giá cao. Tài khoản Đôrêmông Nguyễn chia sẻ: "Mình khá thích bánh căn ở đây vì làm sạch sẽ và hương vị giống Đà Lạt nhất. Mình gọi 2 phần bánh căn trứng cút và trứng gà giá từ 25.000 đến 30.000 đồng, ăn kèm xíu mại rất ngon. Ngồi trên lầu cũng sạch sẽ nhưng hơi nóng".
Bánh căn, bánh mì xíu mại là hương vị níu chân thực khách tại Đà Lạt cũng như TP.HCM. Ảnh: Thienvan18.8, owlgomez2121.
Món ngon cho buổi trưa
Buổi trưa là lúc mặt trời lên cao, thời tiết nắng gắt, vì thế, tìm kiếm một món ăn thanh mát, ít dùng nhiệt, hương vị nhẹ nhàng, là lựa chọn hợp lý. Bánh ướt lòng gà với sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu được tín đồ sành ăn mê mẩn.
Một phần ăn có giá từ 30.000 đến 60.000 đồng, tùy vào sự phong phú của các topping như thịt gà xé, lòng mề, trứng non, rau thơm, hành phi... Quán chuyên đặc sản bánh ướt lòng gà ở đường Thiên Phước, quận Tân Bình, là địa chỉ bạn có thể tìm đến. Ngoài bánh ướt, quán cũng phục vụ cháo, gỏi gà.
Thực khách đánh giá: "Bánh ướt ở đây mỏng hơn với những nơi khác nên dễ thấm sốt. Nước mắm nhiều người chê nhạt nhưng mình ăn thấy vị ngọt vừa vặn. Lưỡi heo nhai sần sật, lòng không bị tanh. Trứng gà non lòng đào nấu rất hoàn hảo, có độ béo, thơm hấp dẫn. Điểm trừ là thịt gà hơi bở".
Nhân trứng lòng đào tan chảy là điểm chấn của món ăn xứ sở sương mù. Ảnh: Lancungbepi, trangpinkyy.
Gợi ý ăn chiều
Buổi chiều là thời điểm thích hợp để lang thang ăn vặt, nhâm nhi những thức quà của thành phố Đà Lạt. Bánh tráng nướng, với sự kết hợp của nhiều topping bắt vị như tôm khô, hành phi, trứng, phô mai, tóp mỡ, là món ăn được ưa chuộng tại TP.HCM. Mỗi phần bánh tráng chỉ có giá khoảng 25.000 đồng.
Hàng ăn vặt Đà Lạt ở đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, thường được giới trẻ TP.HCM ghé đến. Tại đây, bạn có thể chọn cho mình những chiếc bánh tráng nướng với nhiều hương vị như trứng bò phô mai, trứng xúc xích phô mai... "Menu đa dạng, các món bánh tráng nướng giòn hay dẻo đều ngon. Giá cả cũng tương đối cao nhưng phù hợp với chất lượng" là đánh giá của tài khoản Mary Deroux.
Bánh tráng được nướng trên than hồng, phủ các topping một cách khéo léo, gợi không khí ẩm thực đặc trưng ở thành phố sương mù. Ảnh: Htl_____, eatwithdengkeng.
Bữa xế cũng là thời điểm lý tưởng để thưởng thức các món tráng miệng. Kem bơ Đà Lạt với vị béo ngậy đặc trưng sẽ làm tan chảy vị giác thực khách. Tiệm ăn ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, với 2 món kem bơ và bơ sầu riêng, được lòng các tín đồ sành ăn. Một phần kem có giá từ 30.000 đến 35.000 đồng.
Kem bơ thích hợp cho các tín đồ ăn vặt ưa vị béo ngậy. Ảnh: Eatw.2mint, x.u.l.i.n.
Thực đơn cho buổi tối
Tối đến, bạn có thể làm ấm bụng bằng các món nóng. Ốc nhồi, lẩu bò hay lẩu gà lá é là những món ngon không thể bỏ qua trong một ngày trải nghiệm ẩm thực Đà Lạt.
Nồi ốc nhồi nóng hổi, nghi ngút khói, thơm mùi sả, là món khai vị lý tưởng trước khi thực khách nhập tiệc lẩu. Lẩu bò với vị thơm của nước dùng, khoai môn bùi béo, rau nấm thanh mát sẽ khiến bạn hài lòng. Trong khi đó, lẩu gà lá é với hương vị rau thơm đặc trưng hòa trong nước ninh xương đậm đà, là món ăn lạ vị không kém.
Xì xụp bên nồi lẩu nóng hổi là trải nghiệm khó quên với các tín đồ ẩm thực Đà Lạt. Ảnh: Taonguyen210194, nianomnom, mammam.saigon, kitsunelen.
Địa chỉ ở đường Lý Thái Tổ, quận 10, là một trong những quán quen của nhiều tín đồ lẩu bò Đà Lạt. "Vị ngon, khá giống với lẩu bò nhà gỗ Ba Toa ở Đà Lạt, tuy nhiên bò hơi dai. Hai người ăn phần lẩu 200.000 đồng, gọi thêm bò viên 50.000 đồng nữa khá ổn", tài khoản Hongtrnminhanh nhận xét.
Lẩu gà lá é ở đường số 1, quận 7, cũng là một trong những địa chỉ được đánh giá cao trên các trang ẩm thực tại TP.HCM. Quán được biết nhiều nhất với món lẩu gà lá quế và ớt hiểm. Vị nước lẩu chua nhẹ, nhiều ớt nhưng không quá cay và nồng vị quế. Một phần lẩu có giá 200.000 đồng.
Kết thúc một ngày bằng món nóng
Để khép lại hành trình khám phá ẩm thực Đà Lạt trong 24 giờ, bạn có thể nhâm nhi vài chiếc bánh ngọt, thưởng thức ly sữa nóng thơm.
Tại TP.HCM, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hương vị sữa khác nhau như đậu nành, sữa tươi cà phê... Nếu thích sự kết hợp giữa sữa đậu nành và ca cao, hột gà, sâm dứa... hàng sữa Hòa Hưng (quận 10) là lựa chọn hợp lý. Quán mở cửa đến 22h hàng ngày. Một ly sữa có giá từ 17.000 đến 25.000 đồng.
Vị bánh ngọt dịu, sữa béo nhẹ sẽ làm dạ dày bạn thỏa mãn sau một ngày ăn uống "đậm chất Đà Lạt". Ảnh: Chanlovefoods, n inheating.
Top 17 món ngon Đà Lạt nổi tiếng bạn nên thử một lần Tổng hợp những món ngon Đà Lạt nổi tiếng với hương vị đặc biệt chỉ có tại nơi đây nhất định bạn nên thử một lần khi ghé thăm nơi này. Đà Lạt sở hữu nhiều món ăn ngon, người dân thân thiện, khí hậu mát mẻ ôn hòa tạo nên cảnh vật thiên nhiên mộng mơ được rất nhiều người lựa chọn...