Những “mẹo” nhỏ khi lái xe ô tô trong ngõ hẹp
Giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường, tập trung cao, mở cua chuẩn xác… là những “mẹo” nhỏ mà lái xe cần chú ý khi lái xe trong ngõ hẹp.
Lưu thông trên đường phố đông đúc đã là nỗi lo của tất cả tài xế nhưng khi vào các ngõ hẹp, đường nhỏ thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông còn tăng lên nhiều lần.
Để đảm bảo an toàn khi lưu thông trong các ngõ hẹp, người lái nên lưu ý đến những kinh nghiệm sau:
Giảm tốc độ
Điều quan trọng nhất khi đi trong ngõ là các chủ phương tiện phải giảm tốc độ. Bởi vì ngõ thường có không gian hẹp, nếu đi nhanh, bạn sẽ không thể xử lý tốt khi gặp các xe đi ngược chiều áp sát gần bạn. Ngoài ra, việc giảm tốc độ sẽ giúp bạn dễ dàng điều khiển tay lái và dừng xe khi có các chướng ngại bất ngờ xuất hiện trong ngõ như xe, người, con vật chạy từ nhà đi ra.
Lái xe ô tô đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn khi “lạc” vào các đường nhỏ, ngõ hẹp.
Đối với các phương tiện đi trong khu dân cư, có nhiều ngõ ngách dọc hai bên đường thì việc giảm tốc độ khi lái xe là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn chủ động “phòng thủ” khi có những chiếc xe lao nhanh bất ngờ từ ngõ đi ra.
Chú ý quan sát
Tất cả người và phương tiện khi đi trong ngõ, đi từ nhà ra ngõ hay đi từ ngõ ra đường lớn, để bảo đảm an toàn cho mình và người đi đường xung quanh thì cần phải chú ý quan sát. Khi có sự quan sát, bạn sẽ đưa ra được những quyết định và cách xử lý đúng đắn, không gây va chạm với các đối tượng khác.
Ví dụ, trước khi bạn phi từ nhà ra ngõ, bạn cần quan sát lưu lượng xe đang di chuyển trong ngõ để xem có nên đi ra ngoài hay không. Khi bạn tự nhắc nhở mình cần quan sát trước thì bạn sẽ không lao ra ngoài ngõ một cách bất ngờ. Hoặc như trước khi lùi xe ra ngoài đường lớn, bạn cần xuống xe quan sát xem ở ngoài đường có chướng ngại gì không. Và nếu cẩn thận hơn, bạn nên nhờ ai đó đứng quan sát, thông báo cho bạn đến khi bạn lùi xe và quay đầu xe an toàn.
Tập trung cao độ
Khi đi trong ngõ, bạn nên đặt sự tập trung của mình hoàn toàn vào việc điều khiển tay lái. Việc vừa đi vừa ngắm nghía xung quanh hay vừa nghe điện thoại, nhắn tin trong ngõ đều là những việc có thể khiến bạn gặp tai họa trong ngõ. Bởi vì khi đó, bạn sẽ không thể quan sát các chướng ngại trong ngõ như xe cộ để hai bên đường, bàn ghế của một quán ăn, xe bán hoa quả…hay có thể ứng phó kịp với những đối tượng đang tiến tới cận kề bạn một cách bất ngờ.
Video đang HOT
Nhường đường
Đường ngõ là đường nhánh, nên vì vậy, khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ đi ra, người lái xe phải nhường đường cho các phương tiện đang đi ở đường chính.
Ngoài ra, trong trường hợp ngõ hẹp, 2 xe ngược chiều không thể lưu thông thì xe nào ở vị trí dễ lùi, tránh hơn thì cần nhường đường cho xe kia.
Xác định không gian tốt
Trong một ngõ nhỏ lại có nhiều xe hai bánh lưu thông, di chuyển bình thường cũng đã đòi hỏi sự khéo léo. Phải quay đầu hay ra vào gara nhanh chóng lại càng trở nên khó khăn hơn.
Vị trí thích hợp để có thể quay đầu trong ngõ hẹp hay trên phố nhỏ là một con hẻm (đương nhiên là phải rộng hơn thân xe một chút), một cái sân, một cái cổng của cơ quan nào đó xây thụt vào trong, hay bất cứ một không gian mở nào. Lái xe có thể phải chấp nhận tốn một ít xăng để tìm vị trí thích hợp này thay vì mất hàng chục “đỏ” để cố gắng xoay sở ở một vị trí không thuận tiện.
Đầu xe luôn được ưu tiên
Một số lái xe đã chọn cách chui đầu vào trong hẻm rồi lùi ra để quay đầu. Xin khẳng định luôn là giải pháp ấy sẽ khiến quá trình quay xe trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Điều tối quan trọng khi xoay sở trong không gian hẹp là đầu xe luôn được ưu tiên so với đuôi, tức là luôn phải hướng về phía không gian rộng hơn. Khi đó, bánh trước sẽ được linh hoạt và thân xe sẽ xoay được góc lớn hơn với mỗi lần “đỏ”. Áp dụng tương tự, các gia đình có mặt tiền rộng hơn ngõ thì nên tiến xe vào nhà, và ngược lại nếu mặt tiền hẹp hơn ngõ thì nên lùi xe vào nhà.
Mở cua chuẩn xác từng cm
Khi đã đạt được hai điều kiện trên, quá trình xoay sở hiệu quả còn phụ thuộc vào việc lái xe mở cua có chính xác hay không, cả khi lùi vào hẻm và khi tiến lên.
Ngoài ra, khi lái xe hoặc quay đầu xe trong ngõ nhỏ, phố hẹp sẽ không tránh khỏi việc gây ức chế cho người muốn vượt lên. Vì thế, các lái xe cần giữ thái độ bình tĩnh, ứng xử có văn hóa để tránh xảy ra những xô xát không đáng có./.
Trân Ngoc Tổng hợp
Theo_VOV
Không nhường đường cho xe ưu tiên bị xử lý thế nào?
Luật Giao thông đường bộ quy định, một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.
Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên.
Không nhường đường xe ưu tiên bị xử lý thế nào? - Ảnh minh họa
Theo đó, một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự sau đây:
1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
2. Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
3. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
4. Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
5. Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
6. Đoàn xe tang;
7. Các xe khác theo quy định của pháp luật.
Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.
Các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ còn có những quy định riêng áp dụng đối với các xe được quyền ưu tiên, chẳng hạn như: Luật giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm người tham gia giao thông vượt xe khi gặp xe được quyền ưu tiên; Các xe được quyền ưu tiên cũng được ưu tiên khi đi qua phà, cầu phao,...
Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua nơi xảy ra tai nạn thì có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, nhưng các xe được quyền ưu tiên thì không bắt buộc phải thực hiện quy định này; và luật giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Nếu vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:
Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác gây cản trở xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Nếu hành vi này gây ra tai nạn giao thông thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 02 tháng.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đi đòi nợ, nam thanh niên đâm chết người Bị hàng xóm của con nợ đánh vào mặt khi đang đòi nợ giúp cho ông bà chủ, Vui liền dùng kéo đâm chết nạn nhân. Ngày 28/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động quận 8 và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Vui (SN 1994, quê Hậu Giang) 20 năm tù về tội "Giết người". Bị cáo...