Những mất mát đau thương trong gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Là một trí thức lớn, một tài năng lớn nhưng trong cuộc đời GS. Đặng Văn Ngữ và những người thân của ông đã phải gánh chịu nhiều mất mát, đau thương…
Sự ra đi đột ngột của vợ GS. Đặng Văn Ngữ
Viết về hôn nhân của GS. Đặng Văn Ngữ và bà Tôn nữ thị Cung, bà Ngọc Trai (em gái của bà Tôn nữ thị Cung) có viết, “Chị Cung tôi là một người con gái ngoan hiền và xinh đẹp nhất của Thầy ( cha ) tôi. Nếu nói vẻ đẹp sắc sảo thì trước hết phải kề đến chị Kỉnh là chị trên chị Cung, hồi ấy cũng chưa lấy chồng. Nhưng có lẽ, anh Ngữ yêu thích vẻ đẹp dịu hiền và đằm thắm của chị Cung nên đã xin gia đình hỏi chị Cung và được Thầy tôi chấp nhận…”.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ và vợ- bà Tôn nữ thị Cung
Lấy nhau, sau khi bà Tôn nữ thị Cung sinh được 3 người con là Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý, GS. Đặng Văn Ngữ lên đường sang Nhật du học. Thời điểm này, bà Tôn nữ thị Cung về Huế sống cùng gia đình nhà chồng ở An Cựu. Mãi đến năm 1949-1950 khi GS. Đặng Văn Ngữ về nước tham gia kháng chiến, bà Tôn nữ thị Cung bồng bế 3 con đi bộ từ Huế ra Việt Bắc để gia đình đoàn tụ.
Sau hàng tháng trời đi bộ, gia đình GS. Đặng Văn Ngữ đã được đoàn tụ ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ở đây, bà Tôn nữ thị Cung nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống kháng chiến, trở thành đồng nghiệp của chồng tại phòng thí nghiệm điều chế penicillin. Hạnh phúc bên chồng, bà Tôn nữ thị Cung như được tiếp thêm sức mạnh, bà được đồng nghiệp yêu mến, được tín nhiệm bầu là chiến sĩ thi đua, được gặp Bác Hồ trong chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc.
Vợ chồng GS. Tôn nữ thị Cung và 2 con gái Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý
Năm 1954, trong lúc GS. Đặng Văn Ngữ đi học tập chỉnh huấn đợt hai xa, bà Tôn nữ thị Cung cùng cơ quan được lệnh gấp rút dọn dẹp phòng thí nghiệm để kịp di chuyển theo đúng thời gian quy định. Vì quá mệt nhọc, căng thẳng, bà Tôn nữ thị Cung đã đột ngột ngất xỉu, hôn mê trong nhiều ngày. Ngay khi nhận được hung tin, GS. Đặng Văn Ngữ vội vàng trở về, nhưng dù đã cùng với đồng nghiệp là bác sĩ Hồ Đắc Di đã nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa, Giáo sư đã không thể cứu được vợ mình.
Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng nhắc đến sự ra đi đột ngột của người mẹ- đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vẫn còn xúc động. Đạo diễn nói, “Mẹ tôi mất quá sớm, lúc chỉ mới 37 tuổi .. Đó là sự mất mát đầu tiên trong gia đình tôi”.
GS. Đặng Văn Ngữ và các con
Sau khi vợ mất, GS. Đặng Văn Ngữ ở vậy nuôi 3 con trưởng thành. Dù nhiều lần chính gia đình bên vợ giục Giáo sư đi thêm bước nữa để có người chăm sóc, đỡ đần, nhưng Giáo sư luôn từ chối, với lý do “Làm sao tìm được một người thứ hai như Cung?”. Bao nhiêu tình yêu thương, Giáo sư dành hết cho các con mình.
Sự hy sinh lặng lẽ của GS. Đặng Văn Ngữ
Năm 1967, chuyến đi công tác dài ngày nghiên cứu vắc xin chống bệnh sốt rét ở Trường Sơn đã trở thành chuyến đi cuối cùng của GS. Đặng Văn Ngữ. Giáo sư và những đồng nghiệp của mình đã hy sinh trong một trận bom B52 rải thảm ở khu căn cứ thuộc địa phận phía Tây Thừa Thiên- Huế.
Viết về sự ra đi của GS. Đặng Văn Ngữ, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh đã viết, “Cha tôi nằm lại trên Trường Sơn lặng lẽ suốt 20 năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh bởi vì trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ -1/4/1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tông tích nên đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mãi năm năm sau anh em chúng tôi mới tìm được để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình”.
Video đang HOT
Gia đình GS. Đặng Văn Ngữ
Theo đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, “Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới trận mưa bom B52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”.
Con gái của GS. Đặng Văn Ngữ qua đời vì quá đau buồn trước sự ra đi của cha
GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh năm 1967 ở Trường Sơn, 2 năm sau, con gái út của ông là Đặng Nguyệt Quý đã qua đời (năm 1969) tại Leningrad vì quá đau buồn khi nghe hung tin về cha mình.
Kể về sự ra đi của em gái mình, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh cho biết, em gái ông đã qua đời khi đang theo học về môn Vật lý khí quyển tại trường ĐH Tổng hợp Leningrad. Nghe tin GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh, con gái Đặng Nguyệt Quý đã trải qua cú sốc quá lớn về tinh thần, cộng thêm sự đơn lẻ một mình ở xa gia đình không có người thân bên cạnh an ủi, nên đã đổ bệnh và qua đời vào năm 1969 khi mới ngoài 20 tuổi.
Đọc trong cuốn sách “Đặng Văn Ngữ- Một trí thức lớn, một nhân cách lớn” của NXB Y học có đăng tải những bức thư Đặng Nguyệt Quý gửi cho chị gái Đặng Nguyệt Ánh sau khi nghe tin cha hy sinh có thể thấy những đau buồn, khủng hoảng trong tinh thần, tình cảm của cô con gái út dành cho cha thân yêu mình.
Gia đình GS. Đặng Văn Ngữ tại Ngòi Quãng- Chiêm Hóa- Tuyên Quang năm 1951
Trong đó, có bài thơ Đặng Nguyệt Quý sáng tác dành tặng “Ba” (cách gọi cha trong gia đình GS) đặc biệt xúc động. Bài thơ là tình cảm yêu kính thiêng liêng, là nỗi đau buồn trĩu nặng, là sự mất mát to lớn trong tâm can không gì bù đắp được.
Chúng tôi xin được trích đăng bài thơ con gái út Đặng Nguyệt Quý viết tặng hương hồn cha để thay cho lời kết của bài viết như một sự chia sẻ tận đáy lòng những đau thương mất mát của một gia đình trí thức đi theo cách mạng.
“Tiếng ai hát trên Trường Sơn mây trắng
Dồn bước đi về phía quê nhà
Mỗi bước đi rừng núi nở hoa
Hoa thắm đỏ như máu Ba đã đổ
Con muốn là bông hoa nho nhỏ
Ven mộ Ba ngày tháng bên Ba
Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca
Trên Trường Sơn mây trắng :
Máu thắm đường ta đi
lẫn mồ hôi rơi
lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”
Hiền Hương
Theo Dantri
Bức thư cuối cùng GS. Đặng Văn Ngữ gửi con trai Đặng Nhật Minh
GS. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh ngày 1/4/1967 trong khi đang nghiên cứu về vắc xin chống sốt rét ở rừng Trường Sơn, sự ra đi của ông là cú sốc quá lớn với gia đình- trong đó có con trai ông là đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh.
GS. Đặng Văn Ngữ là bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Ông sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, Huế. Năm 1942, ông là trưởng phòng thí nghiệm Ký sinh trùng và ông đã hoàn thành 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng.
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, GS. Đặng Văn Ngữ là người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin- loại kháng sinh đóng vai trò to lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn. Năm 1955, GS. Đặng Văn Ngữ sáng lập ra Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và côn trùng VN. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét trên những cánh rừng Trường Sơn và ông đã hy sinh trong một trận B52 rải thảm ở Trường Sơn năm 1967.
GS Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh
Viết về GS. Đặng Văn Ngữ và những đóng góp to lớn của ông cho ngành Y học Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: "... Đặng Văn Ngữ và các đồng nghiệp của mình đã hy sinh bởi một cuộc ném bom B52 rải thảm của kẻ thù ngày 1 tháng 4 năm 1967. Bấy giờ, Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, đang sung sức đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt tình vì một chí hướng cao đẹp. Chính vì vậy mà niềm đau thương của chúng ta biết bao sâu nặng, không bao giờ nguôi. Tôi viết dòng này lòng nặng trĩu thương nhớ và khâm phục, luyến tiếc và mến yêu".
Nhắc đến cha mình- cho đến bây giờ, trong ký ức của đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm. Đạo diễn chia sẻ với phóng viên Dân trí những câu chuyện giản dị, đời thường về GS. Đặng Văn Ngữ. Sự dung dị, tràn đầy yêu thương của nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng thể hiện trong từng bức thư, từng câu chữ ông gửi các con mình.
Trong những bức thư gửi các con của GS. Đặng Văn Ngữ, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh đặc biệt nhắc đến bức thư cuối cùng Giáo sư gửi con trai trước khi lên đường đi B và không bao giờ trở về. Sự ra đi ấy là cú sốc quá lớn với gia đình, với con trai Giáo sư là- NSND Đặng Nhật Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường Đại học Y- Dược và Bộ môn Ký sinh trùng ngày 14/11/1955
"Ông cụ thường hay đi công tác xa , đến những vùng có sốt rét, bởi vậy lần chia tay ấy, tôi không thể ngờ là lần chia tay cuối cùng..."- NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ. Đạo diễn nhớ mãi bức thư cuối cùng GS. Đặng Văn Ngữ đã viết, để đến bây giờ, mỗi dòng chữ ấy đều trở thành những kỷ vật vô giá.
Được sự cho phép của đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, Dân trí xin được đăng tải bức thư cuối cùng gửi con trai trước khi lên đường đi B của GS. Đặng Văn Ngữ. Bức thư được viết vào ngày 27/2/1967 và GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh ngày 1/4/1967.
"Nhật Minh và Phương Nghi yêu quý của Ba,
Ba hôm nay lên đường. Hai con ở lại công tác tốt, học tập tiến bộ và nuôi dậy cháu Nhật Tân khỏe ngoan.
Thời gian bồi dưỡng ở tập trung Ba luôn luôn mạnh khỏe. Mang ba lô leo dốc như mọi người. Ba đem theo thừa một số tiền Ba mua 1 cái đồng hồ tay gửi về biếu Nhật Minh.
Các con chuyển lời chào và chúc Tết của Ba đến ông cụ của Phương Nghi.
Chú ý: Ngày đi của Ba phải giữ bí mật trong thời gian 2 tháng.
Ba Đặng Văn Ngữ
Tái bút: Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khóa đ/c Hùng để vào phòng Ba sắp xếp lại quần áo cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ.
Trong phòng vẫn để đồ như lúc Ba ở nhà (giải tấm khăn trùm giường lên giường. Để khăn bàn, bộ đồ trà như thường lệ).
Có vấn đề gì cần giải quyết trong lúc Ba đi vắng: Phiếu gạo, sổ mậu dịch..v..v. con liên hệ với bác Thái ở phòng hành chính quản trị và anh Hùng.
Bức thư cuối cùng gửi con trai Đặng Nhật Minh của GS. Đặng Văn Ngữ
Gia đình GS. Đặng Văn Ngữ
Bên cạnh những bức thư, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh đã chia sẻ với phóng viên Dân trí những câu chuyện chưa kể khác về cuộc đời GS. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ...
(Còn tiếp)
Hiền Hương
Theo Dantri
Bác sĩ Trần Hữu Tước theo Bác Hồ về nước làm cách mạng Bác sĩ Trần Hữu Tước, một trí thức yêu nước đã từ bỏ cuộc sống giàu sang bên Pháp, theo Bác về nước năm 1946, cống hiến cả cuộc đời cho các cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ vĩ đại của dân tộc. Hồ Chủ tịch trò chuyện cùng GS. Trần Hữu Tước Giáo sư Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/1913 trong...