Những mảnh vỡ lăn lóc sau một phiên tòa xử ly hôn
Trực tiếp tham gia phiên tòa xét xử ly hôn của cặp vợ chồng ấy, chúng tôi ai cũng cảm thấy xót xa.
Hai con người một thời san sẻ nhau niềm hạnh phúc thế mà giờ đây trước tòa, họ nhìn nhau lạnh lùng rồi đưa ra đủ lý do đổ lỗi cho nhau, thậm chí xin tòa nhanh chóng giải quyết cho họ được “đường ai nấy đi”. Còn hai đứa bé lọt thỏm giữa những đoàn người lớn đến dự khán thì thản nhiên nhìn các bậc sinh thành truy xét tội nhau mà mắt ráo hoảnh, không giọt nước.
Một bức tranh hạnh phúc bị… vỡ
Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đưa vụ ly hôn của anh Nguyễn Văn M. (trú tại xã Cẩm Thành) và chị Dương Thị Th. (trú tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) ra xét xử. Sau khi nhìn bao quát một lượt hội trường, vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Một số người có nghĩa vụ liên quan hôm nay vắng mặt tại tòa, anh chị có đồng ý để phiên tòa này tiếp tục hay không?”. Câu hỏi chưa dứt thì anh M. đã nhanh chóng tiếp lời: “Vắng ai thì vắng, tòa xét thì hãy cứ xét”. Chị Th. đưa cặp mắt sắc lạnh lướt qua người từng một thời đầu ấp tay gối của mình, rồi im lặng như đồng tình với ý kiến của anh M..
Nhìn sự kiên định nhất quyết ly hôn của họ, ít ai nghĩ rằng, đôi vợ chồng này đã có một thời mặn nồng bên nhau. 15 năm trước, anh Nguyễn Văn M. và chị Dương Thị Th. gặp nhau khi đang là công nhân trồng rừng Kẻ Gỗ theo dự án 327. Trải qua thời gian ngắn, tình yêu “đơm hoa kết trái”, ngày 5/3/1998, anh chị kết hôn trong niềm hân hoan của hai bên gia đình nội, ngoại.
Căn nhà càng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc khi đôi vợ chồng trẻ đón thêm sự chào đời của 2 “thiên thần” nhỏ. Cứ ngỡ, đây sẽ là cái kết viên mãn cho một tình yêu sắt son, chung thủy. Nhưng đó lại chỉ là “cái thuở ban đầu”, bởi cũng từ đây, những mâu thuẫn nhỏ nhặt xuất hiện trong cuộc sống vợ chồng, đã làm vết rạn trên bức tường hạnh phúc ngày một lớn. Khi những cuộc cãi vã xuất hiện như cơm bữa, họ cảm thấy bức bí về sự hiện diện của người còn lại. 7 năm sau ngày cưới, cuộc hôn nhân đẹp đẽ ấy chính thức khép cửa.
Năm 2010, chán cảnh gia đình, chị Th. bỏ nhà đi. Một năm sau, anh M. cũng nhanh chóng cưới vợ mới và có thêm con nhỏ. Trước cảnh gia đinh ly tan, mẹ bỏ đi, bố say niềm hạnh phúc mới, hai chị em Nguyễn Thị T. (SN 1999) và Nguyễn Ngân K. (SN 2002) bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình. Mái ấm hạnh phúc đầy ắp tiếng cười ngày nào, giờ đây lạnh lẽo, im ắng.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Văn M. và chị Dương Thị Th. tại phiên tòa xử ly hôn.
Những mảnh vỡ sau một phiên tòa
Trong phiên tòa xét xử ly hôn, anh M. trải lòng với HĐXX và người tham gia dự khán về lý do một mực đòi chia tay chị Th.: “Chúng tôi gặp nhau khi còn làm công nhân trồng rừng Kẻ Gỗ. Cảm thông cho hoàn cảnh thiếu thốn, nên cả hai sớm nảy sinh tình cảm nam nữ.
Làm ở đây một thời gian thì tôi xin nghỉ, chuyển sang kinh doanh buôn bán, với mong muốn kiếm thêm đồng tiền để vợ con đỡ vất vả. Những tưởng, mình dày công vun xới sẽ cho quả ngọt, nhưng nào ngờ niềm tin bị đánh mất, khi tôi hay tin chị Th. ngoại tình. Đến năm 2010 thì chị này bỏ đi, không một lần quay lại. Từ đó, tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con”.
Lắng nghe những tâm sự của anh M., mọi người đều thông cảm, xót xa cho hoàn cảnh tréo ngoe của một người chồng, người cha hết lòng vì vợ con, vì gia đình. Đứng nghe chồng kể tội, chị Th. nổi điên trong người, mấy lần toan đáp chặn lời anh M. nhưng bị tòa nhắc nhở.
Đến lượt mình, chị này cố kìm nén nước mắt nói: “Anh ấy ngoại tình, đưa tình nhân về nhà sống chung rồi đánh đập vợ. Quá đau khổ, tôi phải bỏ đi để tự giải thoát cho mình”. Từ đây, bộ mặt thật của anh chồng bội bạc đã bị vạch ra.
Trong phiên tòa, chị Th. và anh M. đứng cạnh nhau, nhưng như hai người xa lạ lạnh lùng, chẳng ai nhìn ai. Không khí của một ngày đông càng trở nên lạnh lẽo hơn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, hai con người khi không còn tình cảm, thì dẫu có xích lại gần nhau họ cũng không thể cảm nhận được sự ấm áp nữa. Nhưng điều nhiều người thấy chua chát cho buổi xét xử ấy chính là thái độ bình thản và ráo hoảnh đến lạ lùng của hai đứa bé con anh M., chị Th..
Theo dõi toàn bộ phần thẩm vấn của cha mẹ, hai chị em T., K. lọt thỏm trên hàng ghế dự khán. Không một lời khóc lóc, van xin nào được thốt ra từ hai cô bé, nên sự yên ắng của phiên xét xử càng làm không khí xung quanh trở nên lạnh lẽo hơn.
Khi được vị thẩm phán hỏi, nếu chọn lựa giữa bố hoặc mẹ, thì sẽ chọn ai, T. buông lời chắc nịch: “Cháu chỉ muốn ở với bố”. “Tại sao lại không muốn ở với mẹ?”, vị chủ tọa thấy lạ nên hỏi tiếp. T. nói chậm rãi rành rọt từng tiếng: “Cháu sợ bị mẹ đánh”. Khác với tưởng tượng của nhiều người, chị Th. vẫn bình thản trước câu trả lời đó của đứa con gái đầu, không hề quay lại nhìn nó dù một lần.
Trái ngược với chị mình, K. dè dặt hơn: “Cháu cũng muốn được ở với bố vì từ khi mẹ bỏ đi, mẹ không về thăm cháu”. Nói xong, khuôn mặt non nớt của đứa trẻ lớp 5 ngơ ngác nhìn xung quanh, khiến ai nấy đều xót xa. Người viết tự hỏi, liệu chị Th. có cảm thấy đau đớn khi nghe những lời trách móc qua cuộc đối thoại với HĐXX từ chính đứa con mang nặng đẻ đau của mình không?
Nói về hoàn cảnh của gia đình này, chị Bùi Thị Ái, Chủ tịch hội Phụ nữ xã cho biết: “Vợ chồng anh M. chị Th. đã lục đục từ lâu, nguyên nhân được biết là do ngoại tình. Các cháu đang sống với bố và dì hai. Vì hoàn cảnh không được yên ổn như bạn bè đồng trang lứa, nên hai chị em T. và K. khá trầm tính, ít nói. Cháu T. đã bỏ học một thời gian…”.
Những câu nói lạnh lùng, rành rọt của cô bé 14 tuổi khiến tôi phải suy nghĩ. Khác với những đứa trẻ khóc lóc, kêu gào xin bố mẹ quay lại với nhau, thì hai chị em T. và K. lại thản nhiên nhìn bố mẹ chia tay. Phải chăng những thương tổn đã đắp lớp chai sần lên những trái tim đang non nớt của các em?
Hai cô bé này cùng chung tâm trạng giống như bố mẹ mình, đó là mong cuộc xét xử nhanh chóng kết thúc. Tham dự từ đầu đến cuối phiên tòa, chúng tôi không thấy chị Th. ngoảnh lại đảo ánh mắt nhìn về hướng các con mình, dù chỉ một lần. Sự lạnh lùng, vô tâm của người mẹ này khiến không ít người tham dự phiên tòa trách móc.
Ba năm cách biệt, vậy mà ngày gặp lại mẹ, T. và K. cũng không òa khóc, ôm chầm lấy mẹ cho thỏa nỗi nhớ mong, âu cũng là điều dễ hiểu. Còn người cha của các em cũng chỉ đau đáu dõi theo những khoản tiền dân sự mà anh và vợ cũ sẽ phải chi trả! Mỗi người có một hướng quan tâm riêng, nhưng cả bốn đều thản nhiên trong một phiên tòa giải quyết vấn đề tình cảm.
Kết thúc, HĐXX giải quyết cho T. ở với bố, K. ở với mẹ. Vậy là xót xa hơn, hai đứa trẻ phải chia lìa tình chị em ruột thịt. Những mảnh vỡ lăn lóc mỗi chiếc một nơi, giờ nếu có mang đi ghép lại, những tì vết vẫn không bao giờ xóa được…
Khi những đứa trẻ không thể khóc
Anh Nguyễn Văn M. nay đã có gia đình mới. Dẫu vẫn yêu thương các con, nhưng tình cảm và trách nhiệm của người đàn ông ấy giờ đã phải chia năm xẻ bảy. Còn người mẹ thì kể từ lúc rời khỏi mái ấm của mình, chị chỉ gửi về cho con một số quần áo và tiền, chứ chưa một lần tìm gặp mặt. Biện minh cho thực tế trên, người mẹ này bảo cũng nhớ thương các con lắm, nhưng vì chồng ngăn cấm không cho nên không dám về.
Vậy nên từ lâu, trong trí óc non nót của hai đứa trẻ đã mặc định rằng, chúng không cần mẹ. Sống trong sự thiếu thốn tình cảm, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, chị em T. và K. đều không được chỉ bảo đến nơi đến chốn. Cả hai em đều đang ở giai đoạn cần có sự định hướng từ người lớn, như cây măng đến khúc cần nắn, vậy mà sự chăm sóc, chỉ dạy từ cha mẹ – những người phải có trách nhiệm đối với cuộc đời của các em – lại là một thứ xa xỉ.
Theo Người đưa tin