Những mảnh đời sống ở rừng phòng hộ
Những dãy rừng phòng hộ ven biển các tỉnh miền Tây Nam Bộ là nơi dung chứa hàng ngàn mảnh đời cơ cực. Đối với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu, chuyện học hành, thuốc men, nhu cầu văn hóa là điều xa xăm…
Dọc theo dãy rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có rất nhiều những xóm “mồ côi” nằm lọt thỏm, quạnh hiu giữa rừng chồi bạt ngàn. Đó là những cư dân ở lậu trên đất lâm phần. Họ sống như không biết đến ngày mai và tách biệt hoàn toàn với thế sự.
Bữa nào hay bữa ấy
Ngày nào cũng vậy, khi con nước từ dòng kinh Mương Bảy quay ngược về biển Đông là đám con cháu của ông Văn Tô Chiến (62 tuổi) lại vội xắn quần lội ra bìa rừng phòng hộ kiếm từng con sò, con ốc để mưu sinh. Nhìn miết theo đám trẻ dần xa về phía biển, ông Chiến kể giọng buồn tênh: “24 năm trước, vì bí kế sinh nhai nên tôi và người em ruột Tô Văn Hiền phải dắt díu vợ con vào đây dựng lên 2 túp lều, hằng ngày bám vào rừng, biển để kiếm ăn. Đến nay, tính luôn cháu chắt của chúng tôi đã có gần 80 người, lập thành xóm Mương Bảy này”.
Xóm Mương Bảy gồm 21 nóc nhà cây lá tạm bợ, lọt thỏm giữa rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Cũng như hàng loạt xóm nghèo khác heo hút giữa rừng này, xóm Mương Bảy tồn tại hàng chục năm nhưng không có tên trong bản đồ hành chính. Người ta gọi tên xóm theo tên các con kênh thủy lợi: Mương Hai, Mương Bốn, Mương Bảy…
Mặc cho sóng gió ngày đêm, 79 con người ở xóm Mương Bảy cứ sống lầm lũi, theo từng con nước mà vào rừng ra biển để kiếm ăn từng bữa một. Các con cháu của ông Chiến từ khi mở mắt chào đời đã toàn thấy quanh mình là rừng xanh bạt ngàn, rồi lớn lên cũng chỉ quanh quẩn ở trong rừng. “Đứa nào cũng vậy, mới biết đi chập chững là đã theo người lớn vào rừng, ra bãi mò nghêu, bắt ốc kiếm ăn. Từ khi tôi vào đây tới giờ, kiếm sống bữa nào lo bữa đó chứ không tính nổi tới ngày mai. Hễ quần áo lấm lem, ướt mèm là có ăn, khi mưa giông, biển động phải ngồi nhà, quần áo khô ráo, sạch sẽ là coi như đói” – ông Chiến phân trần.
Video đang HOT
Những đứa trẻ ở rừng đã biết tự kiếm ăn từ khi còn rất bé
Cách đó một vạt rừng là xóm Mương Bốn với hơn 40 căn nhà lá lụp xụp, chủ yếu được cất bằng cây mắm chặt từ rừng phòng hộ. Ông Tăng Út (59 tuổi), kể: “Đường cùng rồi mới vào đây sống, vất vả lắm! Nhất là những lúc triều dâng cao, nhà cửa ngập hết, nhìn không khác gì cái xóm đang trôi bồng bềnh trên mặt nước. Còn mùa mưa thì muỗi như vãi trấu, sụp tối là phải dọn cơm trong mùng mà ăn”.
Bần cùng nơi hoang dã
Mọi dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân xóm Mương Bốn chỉ được giải quyết ở cái tiệm hàng xén cỏn con của bà Nhiều. Nhà bà Nhiều từ lâu được xem như cái “chợ”, là “ngân hàng” của xóm, vì đây là điểm thu mua, đổi hàng hải sản và… cho vay tiền. Mặc dù chỉ biết chữ nhấp nhem nhưng bà Nhiều phải kiêm luôn việc bán thuốc để điều trị bệnh cho cả xóm. Trạm y tế xã cách nơi này hàng chục cây số. Theo người dân, ngay cả việc vệ sinh, phòng bệnh, sinh đẻ có kế hoạch họ còn chưa từng được hướng dẫn, nói chi đến khám chữa bệnh. Chính vì thế mà dân ở xóm Mương Bốn ngày càng đông. Ông Tăng Út có đến 9 đứa con, còn ông Nguyễn Văn Sinh nhà bên cạnh có đến 14 đứa. Trẻ con ở đây mình mẩy sình đất, áo quần nhếch nhác chạy đầy xóm ngõ, không đứa nào học quá lớp 3.
Bà Lê Thị Kim Anh theo người thân di cư đến rừng phòng hộ Bạc Liêu khi còn là thiếu nữ, nay đã thành bà lão 84. Gần hết cuộc đời sống nơi xó rừng, bà lấy chồng, sinh 8 người con cũng ngay giữa rừng. Rồi các con của bà lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cháu, đều ở hết trong rừng. Cái xóm gần chục căn chòi lá giữa rừng phòng hộ (thuộc ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) là nơi che mưa nắng cho gần 50 người con cháu của bà Kim Anh. Trong số này, người học nhiều lắm cũng chỉ hết lớp 3. Bà Kim Anh bảo rằng những người con của bà đều không được sinh ra trong bệnh viện, cứ mò mẫm mà lớn lên, khi mới biết đi tập tễnh là đã theo cha mẹ vạch rừng phòng hộ tìm ốc len, sâm đất. Lớn lên chút nữa là đã bơi ra biển mò nghêu, sò….
“Chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng phải theo ông nhà tôi mà ra đi. Nhưng nhìn đám con cháu khổ sở tôi không cam lòng. Tội của tôi là đã đưa chúng vào đây nhưng không biết làm cách nào để đưa chúng ra khỏi cuộc sống bần cùng, hoang dã” – bà cụ thở dài.
Hàng vạn người cư trú trái phép
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 2.292 hộ với gần 10.000 người cư trú trái phép giữa rừng. Họ sống dàn trải trên diện tích gần 30.000 ha của các tuyến rừng phòng hộ ven biển từ Đông sang Tây, thuộc địa phận các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Trong khi đó, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu hiện chỉ có trên 4.000 ha, nối liền một mạch 56 km ven biển từ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhưng có đến 878 hộ với trên 2.000 người bị liệt vào thành phần cư trú bất hợp pháp.
Theo 24h
Sống lang bạt trong rừng phòng hộ
Tôi thật sự không tin vào mắt mình khi đọc những con số: Có đến 830 hộ với hơn 2.000 con người đang sống lang bạt trong cánh rừng chưa đến 5.000ha được quy hoạch là rừng phòng hộ tại Bạc Liêu. Nhiều gia đình có đến ba thế hệ sống trong rừng và chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi kiếp sống khó khăn đầy bất trắc ấy.
"Quần ướt có cơm, khô quần là đói"
Võ Văn Tuấn, 29 tuổi (ngụ ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) khi mở mắt chào đời đã thấy quanh mình toàn rừng và bãi bồi. Ba tuổi, Tuấn nằm trên lưng mẹ đi dọc theo những cánh rừng - bắt ốc, mò cua, cào nghêu. Năm đứa em Tuấn cũng vậy, lớn lên như con sâu, cái kiến lăn lóc với đất, với rừng. Nhà nghèo, cục đất chọi chim cha mẹ em đã chọi đi mất rồi nên về đây dựng chòi ven đê biên phòng, hằng ngày lặn ngụp ngoài bãi bồi ven biển mưu sinh.
Hôm nay Tuấn về nhà sớm hơn mọi khi vì con ốm, sau khi đi gần 60 cây số tìm được đúng 1,5kg nghêu bán 17.000 đồng. Tuấn chép miệng: "Vậy là còn được hơn người rồi đó anh, cả hội em đi trên chục người, chỉ có em là nhiều nhất". Nhà có sáu anh em, duy chỉ có đứa em gái út là Võ Thị Trọn có trình độ lớp 5. Năm đứa còn lại: Võ Văn Tuấn, Võ Hoàng Mén, Võ Hồng Nhí, Võ Hồng Thuê, Võ Hồng Thúy biết mặt chữ nhưng chữ không biết mặt cả năm người. Tuấn cười: "Em chỉ đọc được tên mình thôi, nghèo quá mà anh, tiền đâu đi học. Lo ngày hai bữa cơm ở vùng đất này đã là quá khó rồi".
Nguyên cả xóm cất nhà trên đất lâm phần.
Giống như bao nhiêu người khác sống trong rừng phòng hộ này, Tuấn lấy vợ sớm, mới 29 tuổi nhưng đã có hai con, đứa lớn năm nay 8 tuổi vẫn chưa vào lớp 1, đứa nhỏ 3 tuổi lẽo đẽo theo mẹ quẩn quanh trong nhà. Tuấn chép miệng: "Hôm nào không có tiền thì mượn người ta mua gạo nấu cơm cho cả nhà. 100.000 đồng mỗi ngày đóng lãi 1.000 đồng lận đó anh. Biết vậy nhưng chẳng lẽ để vợ con đói. Mấy bận em định đi lao động ở Bình Dương, nhưng một mình em làm sẽ không đủ nuôi 4 miệng ăn, nên đành ở lại bám rừng, bám biển sống qua ngày. Ngày trúng, ngày thất như vậy nhưng chưa đến nỗi phải đói. Nói anh đừng cười, công việc của em mà lúc nào cái quần ướt hoài thì có cái ăn, còn quần mà khô là coi như đói".
Hàng xóm của Tuấn là ông Tạ Suôl (ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) mới 57 tuổi nhưng tướng tá trông giống như ông già 70. Người đàn ông này có đến 11 đứa con và trên 20 đứa cháu. Tảng sáng, cả gia đình ông túa vào rừng, bơi ra bãi bồi nhặt nhạnh, tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể đổi thành hạt cơm cho qua ngày. Ông vô tư nói về tương lai: "Lớn lên thì ra biển kiếm sống, đứa lớn nuôi đứa nhỏ. Tui nghèo, không đất, không tài sản lấy gì cho tụi nó".
Cãi nhau vì chỗ chôn người chết
Ở rừng phòng hộ Bạc Liêu, có hàng ngàn con người khác ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình... có cùng chung số phận như Tuấn, như ông Tạ Suôl khi hằng ngày phải đi vào rừng phòng hộ, lội xuống biển mưu sinh do không đất sản xuất và nghèo. Họ được cho là những người dân cư trú bất hợp pháp trên đất lâm phần. Bởi theo quy định từ đê biển trở ra không được cất nhà ở, từ mé rừng sản xuất đến bãi bồi là rừng phòng hộ nên cấm mọi tác động đến cánh rừng này.
Không thể kiếm sống ở những cánh rừng sản xuất bởi tất cả đều có chủ, họ chỉ còn cách lén lút vào rừng phòng hộ và bãi bồi để... kiếm sống qua ngày. Sống riết rồi quen, đầu tiên chỉ vài hộ rồi thành nhóm, thành làng hồi nào không hay. Khi giật mình nhìn lại thì đã có đến 830 hộ sinh sống bất hợp pháp trong rừng phòng hộ với con số lên đến trên 2.000 người.
Nhiều năm nay, chính quyền địa phương cứ lúng ta lúng túng tìm giải pháp. Bởi di dời họ ra khỏi rừng đồng nghĩa với việc phải tìm chỗ ở, tạo công ăn việc làm cho họ... Gánh nặng này khiến chính quyền các cấp trước mắt phải ngó lơ theo kiểu kệ tới đâu thì tới. Ông Phan Minh Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - nhìn nhận: "Việc người dân sống trên đất lâm phần, chúng tôi đã biết từ rất lâu, nhưng muốn di dời họ ra khỏi rừng phải tái định cư, tạo công ăn việc làm. Ngần ấy con người phải di dời là điều vô cùng khó khăn cho chúng tôi".
Những tưởng sống ở rừng, lớn lên ở rừng, chết sẽ về với rừng nhưng hóa ra không phải. Cách đây 3 năm, một người đàn ông tên Biểu ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) qua đời. Bà Lê Thị Vàng - vợ ông - dự định chôn chồng ở bìa rừng nhưng kiểm lâm kiên quyết không cho vì đây là đất lâm phần, chôn cập chân đê thì dính đất nuôi tôm của người khác. Thấy thương tình, UBND xã Vĩnh Hậu A chọn một chỗ ở nghĩa địa của xã cho bà Vàng chôn chồng.
Sau chuyến đi rừng kiếm được 30.000 đồng.
Ông Bùi Đức Nhuận - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình - kể rằng trước đây đích thân ông xin UBND xã 2ha đất nằm ở bìa rừng, thuộc phạm vi đất lâm phần để khi người dân trong ấp qua đời có nơi chôn cất. Nghe nói vậy, ông Hoàng Văn Trung - Chủ tịch Hội Người cao tuổi ấp 14 - cãi: "Chỗ đó mới có quy hoạch, nhưng khi xem xét lại thấy năm nào nước biển cũng dâng lên ngập hết nên chưa có ai chôn.
Vậy đó! Trưởng ban nhân dân ấp 14 Trần Quang Phó ngậm ngùi: "Theo quy định xây dựng nông thôn mới, ấp phải có nghĩa địa nhân dân, nhưng ấp 14 không có quỹ đất, dân lại nghèo nên chuyện hậu sự của họ mới được toan tính từ đầu năm nay".
Không cứu trợ là đói
Chuyện chôn cất người chết đến đây đã lắng dịu vì đã có giải pháp trước mắt, nhưng lại phát sinh vấn đề khác. Ngụm chén trà nguội, ông Phó chậm rãi: "Ấp tui thuộc dạng nghèo nhất tỉnh. Toàn ấp có 425 hộ dân thì có đến 264 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, nhà cửa lụp xụp".
Không đất sản xuất, ít học, đông con nhưng nhiều người vẫn vô tư sống, tay ẵm con miệng vẫn phì phèo thuốc lá.
Tôi vặn, sao có đến 425 hộ nghèo, chiếm 60%? Ông Phó cười buồn: "Nói thật chúng tôi thống kê như vậy là đã chạy theo thành tích rồi đó, còn rất nhiều gia đình có nhà, có ghe biển nhưng nghèo lắm. Nếu cứ thẳng mực tàu mà xét thì có đến trên 300 hộ nghèo". Có lẽ vì quá nghèo, nên tết vừa rồi, chỉ riêng ấp 14 có đến 1.192 hộ được nhận trợ cấp 300.000 đồng với 10kg gạo. Theo ông Bùi Đức Nhuận - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã - nếu không có khoản trợ cấp này chắc chắn có đến trên 30 gia đình đói ngay trong ngày tết.
Bạc Liêu chỉ có 4.401ha diện tích rừng phòng hộ ven bờ biển dài 56km, trong đó diện tích có rừng chỉ 3.154ha. Ngoài ra đất bãi bồi khoanh nuôi phát triển rừng trên 400ha. Diện tích ít lại trải dài dọc theo bờ biển 56km nên những cánh rừng phòng hộ ven biển rất mỏng. Rừng mỏng, diện tích ít phải gánh thêm trên 2.000 con người ngày đêm len lỏi vào đây nhặt nhạnh, tìm kiếm mưu sinh nên rừng càng ngày càng thu hẹp. Nếu như năm 1997 còn 8.700ha, thì đến năm 2005 còn 6.000ha, đến năm 2010 còn trên 5.000ha thì nay con số này chỉ vỏn vẹn 4.401ha và nhiều khả năng diện tích rừng phòng hộ sẽ teo tóp dần theo đà phát triển dân số và tốc độ phát triển kinh tế.
Nghịch lý là cho đến thời điểm này thì những cụm từ như: Cởi trói, mở đường, hướng mở, xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn người dân sống lang bạt ven rừng là những từ ngữ còn rất xa xỉ trong các văn bản của tỉnh Bạc Liêu. Thay vào đó là hàng loạt dự án xuyên qua rừng phòng hộ được UBND tỉnh chủ trương giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch sinh thái nhằm mục đích lớn và đẹp hơn: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa (!?).
Theo 24h
Uẩn khúc từ tiếng súng gây chết người ở rừng Cà Mau Phát hiện lực lượng tuần tra bảo vệ rừng, ông Lê Minh Vui bất ngờ nổ máy vỏ lãi (xuồng nhỏ) đâm thẳng phương tiện vào lực lượng tuần tra bảo vệ rừng Kiến Vàng với ý định nhấn chìm xuống biển. Trước hành động quá khích của ông Vui, lực lượng tuần tra bảo vệ nổ súng bắn cảnh cáo, nhưng ông...