Những mái nhà chưa thể “lành” sau cuồng phong
Bão số 9 đi qua để lại những hoang tàn. Hàng chục ngàn ngôi nhà trống hoác. Những con người cả đời “nếm trải” sự khốc liệt của thiên tai vẫn thất thần trước siêu bão. Nỗi kinh hoàng đã đi qua nhưng đằng sau là lo toan kéo dài.
Bão số 9 đi qua, những con đường ven biển Bình Sơn lạo xạo tiếng ngói vỡ. Nắng chói chang rọi thẳng vào những ngôi nhà trống hoác. Hàng chục ngàn mái nhà chưa thể “lành” dù bão đã đi qua mấy ngày.
Sống bên bờ biển xã Bình Hải, hơn 77 năm qua, ông Dương Văn Năm đã đối mặt với hàng chục cơn bão. Tất cả đều dữ dội, nhưng Molave là khủng khiếp nhất.
“Gần hết đời người mới trải qua những giây phút kinh hoàng như thế. Gió dữ dội, sóng biển lại ‘hùa’ với cuồng phong quật đổ mọi thứ gần bờ. Nhà bay mái, xưởng gỗ tan hoang. Mất hết”, ông Năm nén tiếng thở dài.
Đứng giữa nhà xưởng tan hoang, ông Năm gần như bất động. Ngước mắt nhìn lên trời qua mái nhà xưởng trống hoác, ông đang nghĩ về những ngày sắp đến. Thiệt hại gần 100 triệu đồng khiến ông rối bời.
“Sóng gió quá kinh hoàng, may sao mọi người vẫn bình an. Còn người là may mắn rồi cháu”, ông Năm nói như an ủi chính mình.
Ông Năm thẩn thờ khi nhà bay mái, xưởng sản xuất tan hoang
Cuồng phong quét qua Quảng Ngãi giật sập 169 căn nhà, cuốn bay mái gần 85.000 căn nhà khác. Cây ngã đổ la liệt, hạ tầng điện, viễn thông thiệt hại nặng.
Ông Đỗ Đô Thành ở xã Bình Thuận cũng chưa sửa xong nhà. Lượm lặt một vài miếng tole còn lành lặn, ông và con trai gác tạm che mưa. Cần nhất lúc này là gia cố lại bờ kè đã xói lở. Ông lo đến đêm sóng dữ lại vào.
Một thời ngang dọc trên biển, sóng gió nào cũng trải qua. Thế nhưng, ông Thành vẫn thốt lên kinh hoàng khi nói về cơn bão hai đêm trước.
Hàng ngàn căn nhà trống hoác sau cơn cường phong đi qua
Ngồi ở nhà tránh bão tập trung, lòng ông Thành như lửa đốt. Căn nhà kiên cố vẫn rung lên sau từng cơn gió giật. Ngoài cửa sổ, ngói, tole bay tơi bời. Ông lo cho căn nhà nằm sát mép biển. Ở đó không chỉ có gió mà còn sóng. Những con sóng đủ sức cuốn phăng bờ kè có những tảng đá một người ôm.
Tan bão, tất cả hối hả về nhà. Dọc đường, nhìn những trụ điện bêtông bị gió quật ngã, ông Thành nghĩ nhà mình cũng không còn.
Trời thương! ông Đô cười giữa những lo toan. Ông vui là bởi ngôi nhà vẫn còn, chỉ mất mái. Vui đó rồi tâm trạng ông chùng xuống, bởi đài báo ngoài kia lại vừa có cơn bão mới.
May mắn căn nhà của ông Thành vẫn còn sau siêu bão, nhưng nỗi lo toan vẫn mãi kéo dài bởi ngoài kia đã có cơn bão mới
“Năm nào cũng bão, triều cường. Năm nay bão dữ nhất nhưng may nhà vẫn còn. Bão miết vầy không biết chừng nào sẽ trắng tay”, ông Đô thở dài.
Molave, nỗi kinh hoàng nhất đã qua. Có điều, những “vết thương” của người Quảng Ngãi liệu có kịp lành trước những cơn bão mới?
Bão số 9 rất nguy hiểm, thời gian lưu gió mạnh đến 6 - 7 tiếng 'là chưa từng có'
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi trả lời báo chí về tính chất nguy hiểm của cơn bão số 9 khi đã đổ bộ vào đất liền vào chiều 28.10.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời báo chí về tính chất nguy hiểm của cơn bão số 9 . ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cơn bão số 9 đã chính thức hoành hành ở Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, suốt từ Thừa Thiên - Huế kéo dài vào Phú Yên ở phía nam. Đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và phía bắc Bình Định.
"Chưa có cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh suốt 6 - 7 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm nay (28.10). Tốc độ gió như chúng ta đứng ở đây là cấp 10, giật cấp 11 - 12 (tại Đà Nẵng lúc 16 giờ - PV), cho thấy sức tàn phá của cơn bão này. Đặc biệt, cơn bão này đi cùng với gió lớn trên mô lớn thì mưa lớn kéo dài suốt từ tối hôm qua cho đến hôm nay. Có những điểm mưa trên 200 mm liên tục. Thậm chí Quảng Ngãi cả vệt đều mưa to", ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói về sự khốc liệt của cơn bão số 9 - Thực hiện: Hoàng Sơn
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong 2 ngày qua, các địa phương đã triển khai công tác ứng phó bão số 9 với khối lượng công việc khổng lồ. Một là, tổ chức di dời dân ở vùng nguy hiểm tới 400.000 người ở 6 tỉnh trọng điểm.
"Chúng ta phải huy động tàu thuyền của ngư dân với 45.000 tàu với tổng số 300.000 lao động trên biển. Chúng ta phải tổ chức di dời ở 188.000 lồng bè và cả những thiết chế hạ tầng trên bờ, các hoạt động kinh tế của 6 tỉnh trọng điểm tạm thời đóng cửa vào tối hôm qua và ngày hôm kia", ông Cường đánh giá.
"Như vậy một khối lượng công việc khổng lồ. Đến giờ sau 6 tiếng đồng hồ hoành hành bởi cơn bão vô cùng nguy hiểm, số liệu thiệt hại về người chưa có ghi nhận thương vong. Trừ 1 trường hợp ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, có 2 tàu của Bình Định với 26 người hiện nay mất tích đang trên đường tránh bão".
Thiệt hại do bão số 9 gây ra là vô cùng lớn
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường "với cơn bão này thiệt hại vô cùng lớn". Cho đến chiều 28.10, khoảng 10 vạn ngôi nhà dân, hạ tầng đã bị tốc mái hỏng hóc...
Các thiết chế kinh tế, kể cả điện mặt trời kể cả các công trình khác bị hư hại. "Trong thời gian ngắn với khối lượng công việc khổng lồ với một cơn bão đặc biệt nguy hiểm trong 20 năm nay, vào đúng vùng lũ chồng lũ, với sự ý thức, trách nhiệm, cả hệ thống chính trị, toàn bộ người dân vào cuộc, thực hiện nghiêm túc từ ban chỉ đạo từ T.Ư đến ban chỉ huy cấp địa phương, do đó chúng ta có được kết quả ban đầu thấp tỷ lệ thiệt hại con người", ông Cường nói.
Theo ông Cường, mạng sống người dân "là vốn quý nhất, còn lại của cải vật chất tới đây chúng ta sẽ có đánh giá sát hơn". "Cơn bão số 9 này chúng ta đã ứng phó đồng bộ và đã có những kết quả bước đầu", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá.
Nhiều bệnh viện vỡ kính, tốc mái do cuồng phong Nhiều bệnh viện ở Quảng Ngãi, Bình Định bị tốc mái, vỡ cửa kính, ngã đổ cây cối do bão, một số trung tâm y tế bị sập nhà xe. Sau một buổi bão Molave hoành hành, nhiều bệnh viện trong vùng chịu thiệt hại nặng về tài sản. Ở Quảng Ngãi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị sập trần nhà, tốc hầu...