Những lý do khiến mẹ không đủ sữa cho con bú
Thiểu sản tuyến vú, cho con bú không thường xuyên hoặc không đúng cách, mẹ ăn uống thiếu thốn… khiến bạn không đủ khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
Khi sinh con trai đầu lòng, chị Hoa (25 tuổi, Hải Phòng) tự nhủ nhất định sẽ cho con bú tới một tuổi. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như ý. Sữa xuống không nhiều dù chị đã cố gắng cho con bú mỗi giờ. Cu Bon khóc ngặt nghẽo và luôn trong tình trạng đói sữa, cân nặng khi một tháng không bằng lúc mới sinh. Khi tư vấn bác sĩ, chị mới biết mình bị thiểu sản tuyến vú – nguyên nhân khiến cơ thể không sản xuất đủ sữa cho con.
Thiếu sữa tiên phát
Đa số các bà mẹ đều đủ sữa cho con bú nhưng vẫn có khoảng 5% phụ nữ không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con, ngay cả khi họ đã cho con bú đúng cách. Trường hợp này, các bà mẹ buộc phải bổ sung sữa công thức cho con.
Sau đây là một số nguy cơ dẫn tới thiếu sữa tiên phát ở các bà mẹ:
- Sót rau thai sau sinh không được chẩn đoán.
- Từng phẫu thuật vú, nhất là nếu thủ thuật này được thực hiện qua đường rạch quanh quầng vú.
- Từng sinh thiết cắt bỏ khối u ở vú, dẫn lưu áp xe vú, phẫu thuật thu nhỏ vú và một số trường hợp phẫu thuật nâng ngực.
- Bầu vú không phát triển hoặc phát triển không đáng kể trong thời gian mang thai. Trường hợp này người mẹ có thể bị thiểu sản tuyến vú – mô vú thuyên giảm đáng kể ở một hay cả hai bên ngực.
- Bầu ngực không căng sau khi sinh con.
- Mắc bệnh nặng như nhiễm trùng, cao huyết áp…
Ảnh minh họa: Unicefeapro.blogspot.com.
Video đang HOT
Thiếu sữa thứ phát
Thiếu sữa thứ phát phổ biến hơn rất nhiều so với thiếu sữa tiên phát. Ban đầu sữa được sản xuất đầy đủ nhưng sau đó lượng sữa giảm sút rất nhanh do xuất hiện một số trở ngại trong việc cho con bú, xuất phát từ phía mẹ hoặc con. Có thể phòng tránh thiếu sữa thứ phát nếu nhận biết kịp thời các trở ngại và có biện pháp kích sữa và giải phóng bầu vú hiệu quả.
Nguyên nhân từ mẹ:
- Cương tức tuyến vú hậu sản không được xử lý.
- Cho con bú không thường xuyên và không hiệu quả.
- Đau núm vú.
- Tách mẹ và con.
- Hạn chế năng lượng trong khẩu phần ăn của mẹ.
Nguyên nhân từ con:
- Trẻ sinh non hay nhẹ cân.
- Dị tật bẩm sinh ở miệng.
- Giảm hoặc tăng trương lực cơ, bệnh lý tim mạch hay hô hấp.
- Trẻ hay ngủ, không thèm ăn.
- Tăng bilirubin máu – nhất là vàng da cần điều trị bằng liệp pháp ánh sáng.
- Lạm dụng núm vú.
- Trẻ sơ sinh ngủ dài hơn 5-6 giờ về đêm.
- Trẻ được bổ sung đều đặn sữa công thức hay nước đường.
Khắc phục tình trạng mẹ thiếu sữa
- Tuân thủ các hướng dẫn về kỹ thuật cho con bú, chú ý tư thế bế và cách bé ngậm bắt vú.
- Cho bé bú ít nhất 10-12 lần mỗi ngày.
- Nếu bé không thể bú, mẹ cần vắt sữa và cho con dùng lượng sữa được vắt ra này.
- Cho bé bú từ cả hai bầu sữa trong mỗi cữ bú và chuyển từ bên này sang bên kia để đánh thức trẻ nếu cần.
- Yêu cầu các thành viên trong gia đình giúp làm các việc vặt để mẹ có thể tập trung cho con bú, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên.
- Nếu bé bú yếu và không nhận được đủ sữa mẹ, nên dùng máy hút sữa để duy trì nguồn sữa mẹ. Sau mỗi lần cho con bú, bạn nên dùng máy hút sữa trong vòng 10-15 phút và nếu được thì dùng hệ thống hút đồng thời từ cả hai bên bầu vú. Phương pháp này giúp kích thích bài tiết prolactin, hoóc môn sản xuất sữa. Sữa cuối bữa giàu chất béo và năng lượng này có thể dùng để bổ sung cho bé trong những cữ bú sau, giúp gia tăng cơ hội trẻ nhận đủ sữa mẹ, không cần bổ sung sữa công thức.
Bác sĩ Trần Thu Thủy
VnExpress
Tại sao đã đổi nhiều sữa mà trẻ không tăng cân?
Con trai tôi tròn 8 tháng, nặng 7,6 kg, cao 71 cm. Tôi ít sữa, không đủ cho cháu bú. Tôi cho cháu ăn bổ sung sữa ngoài nhưng cháu ăn được rất ít.
Tôi thay đổi nhiều loại sữa cho cháu nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Từ 5 tháng tuổi, tôi bắt đầu cho cháu ăn dặm, ngày 3 bữa bột, đầy đủ dầu, thịt, cá, trứng, rau xanh. Ngoài ra, mỗi ngày tôi còn cho cháu ăn thêm 1/2 hộp sữa chua, một hộp váng sữa và hoa quả, tối cháu bú mẹ. Hai tháng nay, cháu không lên cân, thi thoảng còn bị viêm mũi họng. Xin hỏi, cân nặng cháu như thế có bị suy dinh dưỡng không, chế độ ăn đã hợp lý chưa? (Bích Loan)
Trả lời
Chào bạn,
Bé trai 8 tháng tuổi nặng trung bình là 8,6 kg, cao 70,6 cm. Như vậy chiều cao của bé tạm ổn nhưng cân nặng bị thiếu khoảng một kg so với chuẩn. Trong năm đầu tiên, sữa vẫn là thức ăn chủ yếu của bé, chỉ ăn bổ sung khi bé đủ 6 tháng tuổi. Bạn cho bé ăn bổ sung hơi sớm, bộ máy tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Một khi bé ăn bổ sung sớm lại ăn nhiều sẽ không chịu uống sữa vì ăn bột đã thấy no rồi.
Hiện tại bé 8 tháng tuổi bạn đã thay đổi món ăn cho bé, có đủ thịt cá, trứng, rau xanh nhưng có lẽ số lượng chưa đủ và nhiều mẹ hay "quên" không cho dầu, mỡ vào bột cho bé nên bé vẫn chưa đủ năng lượng. Do đó bé không lên cân.
Khẩu phần ăn của bé hiện tại cần 700-900 ml sữa một ngày bao gồm cả bú mẹ, sữa công thức, sữa chua... và 3 bữa bột, mỗi bát bột gồm có 20 g bột gạo (khoảng 2 thìa cà phê), 20 g thịt hoặc cá, tôm, trứng..., 5 g dầu mỡ (một thìa cà phê) và rau xanh. Ba bữa bột phải thay đổi với 3 loại thức ăn, không nên cho bé ăn một loại bột cả ngày vì bé sẽ chán ăn. Có thể cho bé ăn thêm hoa quả tươi, sữa chua sau khi ăn khoảng một tiếng.
Để tăng sữa cho bé không phải cho tăng ngay một lúc được, bạn nên tận dụng cảm giác khát để dỗ bé uống sữa. Số lượng uống mỗi bữa sẽ tăng dần ít một làm bé khó nhận rõ và tạo điều kiện cho bé thích nghi dần. Cứ sau khi uống sữa khoảng 2 tiếng thì có thể cho bé ăn bột, và sau khi ăn bột khoảng 3 tiếng bạn có thể cho bé uống tiếp sữa.
Việc bé bị viêm mũi họng cũng là một nguyên nhân làm bé ăn ít, nếu bé khỏi bệnh chắc chắn sẽ ăn ngon hơn. Do đó cần điều trị dứt điểm cho bé vì nếu không điều trị đến nơi đến chốn, bé không khỏi phải điều trị kháng sinh trong thời gian dài dễ bị loạn khuẩn ruột làm ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu của bé.
Nếu bé vẫn không tiến triển, bạn có thể bổ sung thêm lysin, kẽm, vitamin... để hỗ trợ bé ăn được tốt hơn nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.
Chúc bé ăn ngoan chóng nhớn và luôn phát triển tốt.
Thạc sĩ bác sĩ Doãn Thi Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Theo VnExpress
Chỉ gần 20% trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tại Việt Nam, số trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ mới chỉ đạt 19,6%. Ảnh minh họa. Nguồn Internet Hiện tại, tỷ lệ trẻ ăn sữa bột thay thế sữa mẹ và ăn bổ sung trước 6 tháng tuổi có xu hướng gia tăng. Nước...