Những lớp học không bụi phấn mà tràn ngập tình thương
Việc duy trì lớp học tình thương dành cho những người khiếm thị là những nỗ lực đáng khâm phục mà các sinh viên của Đội công tác xã hội (CTXH) – Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đang thực hiện.
Hơn 15 năm hoạt động, Đội CTXH đã tổ chức nhiều chương trình thường niên trong và ngoài TP.Đà Nẵng với mong muốn cống hiến sức trẻ cho xã hội. Lớp học đặc biệt này là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn dành tặng cho những mảnh đời kém may mắn.
Lớp học ra đời từ tháng 9.2013, dưới sự dẫn dắt của Đinh Thị Thanh Ngân – cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng). Đối tượng tham gia lớp học chiếm đa số là những học sinh khiếm thị và một vài trường hợp trẻ bị tự kỷ, chậm tiến.
Dù rất bận với lịch học trên giảng đường và làm thêm giúp đỡ gia đình, nhưng các bạn sinh viên của đội vẫn duy trì lịch học diễn ra từ 19h đến 21h30 vào các tối thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm hằng tuần tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Để tiện cho việc dạy học, đội đã phân chia các khu vực lớp học như sau: Các em cấp 1 học tại tầng trệt, tầng trên là nơi để dạy các em cấp 2, cấp 3.
Các bạn sinh viên vừa là thầy, vừa là người thân của các em khuyết tật. (Ảnh: Hoa Nhi)
Thông thường, buổi học của các em cấp 1 sẽ kết thúc sớm hơn một tiếng rưỡi so với các anh chị. Và trong khoảng thời gian ấy, các thành viên của đội sẽ trò chuyện, giao lưu và tổ chức một số hoạt động vui chơi. Sử dụng phương pháp dạy “một kèm một”, mỗi bạn sinh viên sẽ được phân công dạy một học sinh. Việc làm này sẽ giúp kiến thức được truyền đạt một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Gắn bó với lớp học nhiều năm, bạn Phạm Trần Nhật Tiến, sinh viên năm 3, khoa Công nghệ thông tin, Đội trưởng Đội CTXH chia sẻ: “Mặc dù rất bận rộn với lịch trình của đội và còn phải đi học, nhưng mỗi lần đặt chân vào nơi đây không hiểu tại sao mình cảm thấy vô cùng thoải mái. Có lẽ tiếng gọi “thầy ơi, cô ơi!” là điều gì đó vô cũng thiêng liêng và cao quý đối với những người chưa từng một lần đứng trên bục giảng như bọn mình”.
Giai đoạn ôn thi đại học là thời điểm khó khăn cho cả thầy và trò. Các bạn sinh viên ngoài việc dạy học còn phải đọc và ghi âm lại một số tài liệu ôn thi thông thường để hỗ trợ thêm cho các em. Chưa qua một trường lớp đào tạo về trẻ khuyết tật, nhưng cái cách mà những “người thầy” mang lại còn nhiều hơn những gì mà các em mong đợi.
Video đang HOT
Lớp học không bụi phấn nhưng tràn đầy yêu thương ở Đà Nẵng. (Ảnh: Hoa Nhi)
“Cách dạy ấy không phải là nét chữ của bụi phấn, của hình ảnh người thầy trên bục giảng mà là cái ân cần của sự yêu thương. Nhìn những đôi tay mò mẫm một cách chậm rãi trên bảng chữ nổi đủ tạo ra những xúc cảm cho cả người học và người dạy”, bạn Hảo Nhi, sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.
Đến với lớp học đặc biệt trên, đằng sau mỗi tiết học trên lớp, các bạn sinh viên biết thêm nhiều câu chuyện về gia đình, bạn bè hay cả những lo âu cho chặng đường tương lai phía trước qua những giãi bày ngây ngô của các em học sinh. Tại đây, dường như khoảng cách giữa thầy và trò không còn tồn tại mà thay vào đó là vô vàn yêu thương, gắn bó và đùm bọc như trong một gia đình.
Ngoài việc dạy học, tổ chức các buổi giao lưu, Đội CTXH còn tổ chức các hoạt động khác như quét dọn lớp học, vệ sinh, trang trí khuôn viên trung tâm…
Nhiều em khuyết tật vươn lên mạnh mẽ từ lớp học đặc biệt do các bạn sinh viên Đà Nẵng lập ra. (Ảnh: Hoa Nhi)
Thầy Nguyễn Thanh Hải – Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa tự hào chia sẻ: “Đây vừa là hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, vừa hỗ trợ kiến thức cho những em kém may mắn. Hoạt động mang một ý nghĩa nhân văn và tôi mong những hoạt động tương tự sẽ được nhân rộng hơn nữa”.
Lớp học không chính quy, nhưng thành tích các học sinh đặc biệt mang lại cũng khiến cho những “người thầy sinh viên” đủ tự hào. Năm học 2015-2016, em Mai Văn Hiền trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm học 2016-2017 vừa qua, em Trần Văn Hoàng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
“Thành tích học tập của các em học sinh trong lớp là món quà vô giá của các bạn gửi tặng cho những thầy cô giáo không chuyên như bọn em, tạo cho bọn em động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn”, Phạm Trần Nhật Tiến chia sẻ.
Theo Danviet
Người miệt mài "gieo" mầm xanh giữa Trường Sa
"Ra với đảo, mình chỉ mong muốn mang chút thành quả ra góp phần xây dựng biển đảo chứ không chỉ để chụp hình check in" - Phan Thanh Sang, chủ trang trại hoa lan YSA Orchid Farm - Đà Lạt nói về lý do anh trở lại Trường Sa lần thứ 2.
Gửi tình yêu vào những mầm xanh
Cuối tháng 4 trong chuyến công tác dài ngày ra thăm Trường Sa tôi đã may mắn được gặp Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt.
Gương mặt rám nắng, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Bất chấp cái nắng hơn 40 độ ở các điểm đảo, Phan Thanh Sang vẫn nhiệt huyết chuyên chở, bốc vác, rồi tận tụy, tỉ mỉ lật từng thùng rêu, bịch đất, gói hạt rau để tư vấn cách gieo trồng cho các cán bộ, chiến sỹ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Phan Thanh Sang (áo cờ đỏ sao vàng đứng) miệt mài chăm sóc những chậu lan mang từ đất liền để gửi tặng cán bộ, chiến sỹ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Với mong muốn được cống hiến, mang một phần sức lực xây dựng Trường Sa xanh, nhiều năm qua anh đã miệt mài nghĩ phương pháp trồng rau tiết kiệm nước cho các điểm đảo.
Nhớ lại lần đầu tiên đến với Trường Sa, đó là năm 2017, Sang đã được chọn đi Trường Sa nhằm đưa mô hình trồng rau tiết kiệm nước ra các đảo. Sau lần đầu tiên đến với Trường Sa, quay về đất liền chàng trai trẻ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ quà, hiện vật để xây dựng Trường Sa.
Cuối năm 2017 thấy cán bộ, chiến sỹ thay quân từ đảo về đất liền cho xem những tấm hình về điểm đảo sau trận bão Sang thấy quá đau xót. Những tán bàng bị đánh bạt gốc. Màu xanh của hoa đại, của những vườn rau đã không còn. Ngay lúc ấy Sang đã nghĩ sẽ phải nỗ lực kêu gọi mọi người hỗ trợ cho các điểm đảo ở Trường Sa.
Từ ý nghĩ ấy, cuối năm 2017, Sang đã vận động các doanh nghiệp cùng với UBND thành phố Đà Lạt hỗ trợ 40 tấn rau xanh cho các chiến sỹ ngoài đảo ăn hàng ngày. Ngoài ra anh cũng kêu gọi được hơn 100 triệu đồng tiền mặt để mua các vật tư như giống rau, đất, lưới, phân vi sinh... với mong muốn sẽ gây dựng lại những vườn rau xanh trên các đảo.
Hiện giờ, mô hình trồng rau tiết kiệm nước được Sang phổ biến, cho nhân rộng tại các đảo. Loại rêu rừng mà Sang áp dụng trồng rau ở các đảo có khả năng giữ nước nhiều gấp 10 lần so với loại đất thông thường.
Trong những hành trình sau này, anh lại vận động nhiều đơn vị hỗ trợ vật tư và kỹ thuật cho 9 điểm đảo và nhà giàn về quy trình trồng rau bằng rêu, kết hợp phân vi sinh, chất hữu cơ trồng rau sạch. Ngoài ra, Phan Thanh Sang còn kết nối với 33 điểm đóng quân ở nhiều điểm đảo để trồng rau.
Sang cũng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam được vinh danh năm 2015. Sang sinh năm 1984, hiện là Phó Chủ tịch Hội hiên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là chủ một trang trại hoa lan lớn tại Đà Lạt.
Người thân của biển đảo
Dù không được sinh ra ở biển đảo, nhưng tình yêu của anh dành cho biển đảo lại rất lớn. Sau lần công tác đầu tiên năm 2017 Phan Thanh Sang đã trở thành người thân của cán bộ, chiến sỹ trên nhiều điểm đảo. Với mong muốn góp tay xây dựng một Trường Sa xanh Phan Thanh Sang đã quay lại Trường Sa lần 2 vào cuối tháng 4 vừa qua.
Lần này, với tư cách là khách mời của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Sang còn thực hiện gợi ý của Quân chủng để khảo sát, tư vấn, đề xuất giải pháp để cải thiện màu xanh trên đảo.
"Qua chuyến đi này, mình cũng hỗ trợ một số vật tư phù hợp như đất, giống rau, giống hoa để tặng các đảo. Mình cũng đang nghiên cứu để đưa vào sử dụng những mẫu nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa có thể vừa che mát, vừa che chắn côn trùng, sóng gió... Mình cũng hy vọng tới đây sẽ viết một cuốn sách về quy trình trồng rau cho các điểm đảo, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa lý, từ đó để cán bộ chiến sỹ mới ra thay quân cũng có thể áp dụng" - Phan Thanh Sang nói.
Bất chấp cái nắng 40 độ khiến mồ hôi đổ ra như mưa hay những cơn sóng giữ khiến đoàn công tác mệt nhoài, Phan Thanh Sang vẫn miệt mài chỉ dạy cách trồng rau, chăm hoa cho các chiến sỹ ở các điểm đảo. Nhặt từng cọng cỏ, thăm từng khay rau, Sang say xưa kể về quy trình trồng rau, làm nhà giàn, cách bắt côn trùng. Lúc nào, Phan Thanh Sang cũng là người vào các điểm đảo đầu tiên và ra sau cùng.
"Trồng rau muống cạn khác với rau muống nước. Với những đảo nổi, việc trồng rau sẽ thuận lợi và phù hợp hơn và nên xây tường bao quanh. Riêng với nhà kính thì cần làm di động, mùa mưa thì che lại, mùa nóng thì cần mở ra để thoáng mát. Quan trọng nhất cần xây dựng một quy trình trồng rau lưu lại thành sách để các chiến sỹ mới ra đảo cứ thế áp dụng tránh việc đổi quân khiến cho nhiều người ra đảo bỡ ngỡ không có kinh nghiệm, không gieo trồng được" -Sang phân tích.
Chia tay Sang, tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ của anh với những bạn trẻ: "Qua những chuyến đi này, hy vọng các bạn trẻ như mình sẽ có thêm hiểu biết, tình yêu cũng như trách nhiệm với chủ quyền biển đảo tổ quốc, thậm chí biết cần làm gì thiết thực để góp phần xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương".
Theo Danviet
Nỗi niềm của chị Sáu khuyết tật đất cố đô Chị Sáu "khuyết tật" - đó là biệt danh mà nhiều người quý mến đặt cho chị Dương Thị Sáu (45 tuổi), giám đốc doanh nghiệp may Sáu Toản ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Chị Dương Thị Sáu (đứng) hướng dẫn một nữ công nhân khiếm thính cách sử dụng máy may. (Ảnh: T.Q) Bền bỉ cưu mang người...