Những lớp học 30 ngày trên vùng cao Mù Cang Chải
Sau 30 buổi học, vốn tiếng Việt của các em được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện.
Trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em dân tộc Mông ở huyện miền núi Mù Cang Chải (Yên Bái) dù chuẩn bị vào lớp một nhưng vẫn có vốn từ tiếng Việt rất ít. Vì vậy, việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô và tiếp thu bài học của các em trong thời gian đầu của năm lớp một sẽ rất khó khăn.
Nhằm giúp các em làm quen với môi trường mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã tổ chức các lớp tăng cường dạy tiếng Việt và kỹ năng cơ bản cho các em trong dịp hè. Sau 30 buổi học, vốn tiếng Việt của các em được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện.
Những học sinh ở vùng cao Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN.
Sau hơn một giờ đồng hồ cuốc bộ, vượt con dốc dài trơn trượt, chúng tôi đã đến điểm trường Chống Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải. 100% số dân ở đây là người dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cái nghèo, cái khó hiện hữu ngay trên con đường đất vào bản, trên những nóc nhà lụp xụp nằm rải rác hai bên đường, trên những đôi chân trần lấm lem đất của trẻ em…Bởi vậy, chẳng khó để lý giải việc mở lớp dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở đây cần thiết như thế nào.
Thấy có người vào thăm lớp, các học sinh trong lớp học tiếng Việt đứng dậy khoanh tay lễ phép:”Chúng em chào thầy ạ”. Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, phụ trách lớp phấn khởi cho biết khi mới vào lớp, đa số các em đều rất nhút nhát và biết rất ít tiếng Việt. Giờ đây, sau gần một tháng đến lớp, các em đã biết phát âm chuẩn những từ đơn giản như: trường, lớp, thầy cô giáo, bạn bè, Tổ quốc, bàn, ghế; biết xếp hàng vào lớp, lấy bảng phấn, khoanh tay trên bàn, giơ tay phát biểu.
Theo cô Liễu, với những học sinh dân tộc thiểu số, tiếng Việt như là một ngôn ngữ mới. Do đó, việc dạy học phải trải qua một quá trình rèn luyện liên tục để tạo cho các em kỹ năng nói, hiểu. Ngoài giáo án chung, giáo viên đứng lớp còn phải chú trọng dạy tiếng Việt dưới nhiều hình thức bằng cách lồng ghép dạy – nhìn – đọc – hiểu với từng đồ vật trực quan. Các nội dung đưa vào giảng dạy được giáo viên lựa chọn, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông để giúp các em tiếp nhận kiến thức được thuận lợi.
Là học sinh nói sõi tiếng Việt nhất lớp, em Sùng A Dê tự tin nói bằng tiếng Việt:”Đến lớp con được cô giáo dạy nhiều lắm. Con biết mầu trắng, mầu đen, mầu đỏ, con vịt…Mai con lại đến lớp học”.
Năm học 2014 – 2015, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Mồ Dề sẽ có 136 học sinh vào lớp một. Các học sinh này chủ yếu người dân tộc Mông nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế. Nhà trường đã mở 8 lớp ở tất cả các điểm trường để đảm bảo em nào cũng được đi học với khoảng cách gần nhất. Có những điểm trường chỉ có 6-8 học sinh cũng được trường bố trí 3 – 4 thầy cô giáo chia nhau đứng lớp. Đây là các thầy cô giáo đang dạy tại điểm trường, vì vậy thông qua đợt học này, học sinh cũng sẽ được làm quen với các thầy cô giáo sẽ dạy mình trong năm học mới.
Thầy Nguyễn Xuân Đam, Hiệu phó nhà trường cho biết đa số các học sinh đã học mầm non, đều biết tiếng Việt, nhưng còn rất ít, chủ yếu là qua các bài hát. Các em thường sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp. Các thầy cô giáo của trường (đặc biệt là bậc tiểu học) đều nói rất tốt tiếng dân tộc Mông. Những giáo viên đảm nhận dạy học sinh lớp một phải là những người có tâm huyết và kiến thức chuyên môn giỏi, nói tiếng Mông thành thạo và hiểu biết về phong tục tập quán của người dân địa phương.
Video đang HOT
Đã 6 năm dạy tại điểm trường Chống Màng Mủ, cô giáo Hoàng Thị Thắng tâm sự:”100% học sinh ở đây là người dân tộc Mông, chưa tiếp xúc nhiều với người Kinh nên chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, nếu không gần gũi với các em, việc dạy tiếng Việt sẽ gặp nhiều khó khăn. Để học sinh tiếp thu được bài, chúng tôi rèn luyện cho các em rất nhiều, đôi khi phải giải thích nghĩa của từ tiếng Việt bằng tiếng Mông, các em mới hiểu”.
Trẻ em vùng cao còn gặp nhiều khó khăn khi tới trường. Ảnh: X.K.
Chia tay điểm trường Chống Màng Mủ, chúng tôi đến xã Lao Chải. Đây là xã duy nhất trong huyện Mù Cang Chải có hai trường tiểu học với 249 học sinh chuẩn bị vào lớp một. Từ cầu treo Khao Mang, chúng tôi mất gần một giờ đồng hồ để vượt 7km đường dốc toàn đất đá để lên trường tiểu học Xéo Dì Hồ. Tại điểm trường chính này có hai lớp tăng cường tiếng Việt với 44 học sinh. Số học sinh còn lại đều được học ở các điểm trường lẻ như Hồ Nhì Pá, Củ Dề Xeng, Háng Đề Sủa…
Cũng như ở Mồ Dề, 100% học sinh ở Lao Chải là dân tộc Mông. Đa số các em đều không nói được tiếng Việt. Cô giáo Hà Thị Thuận, phụ trách lớp tăng cường tiếng Việt cho biết:”Trong 22 học sinh của lớp, chỉ có 4-5 em biết một số từ đơn giản, còn lại hầu như không nói được câu nào. Hơn nữa, với bản tính nhút nhát, ngại tiếp xúc với người lạ nên việc dạy tiếng Việt cho các em hết sức vất vả, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo, kiên trì. Gần 6 năm dạy học ở đây, tôi rất hiểu và thương các học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Vì thế, tôi luôn cố gắng dạy các em thật tốt để vào năm học mới, các em tiếp thu được nhiều kiến thức hơn”.
Với diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết học sinh đều đi bộ đến trường nên việc duy trì sĩ số của lớp học cũng gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với lớp tăng cường tiếng Việt. Để huy động cao nhất số học sinh ra lớp, thời gian đầu, các thầy cô giáo đi bộ đến từng nhà học sinh để vận động gia đình cho con em mình đi học. Hôm nào trời mưa, các em ở xa điểm trường nghỉ học, các thầy cô lại phải đến tận nhà để đưa các em đến lớp học tiếng Việt.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, năm nay sẽ có 1.485 học sinh bước vào lớp một, trong đó có 1.276 em ở trong diện học lớp tăng cường tiếng Việt. Sau 30 ngày học tập (từ 2/6 – 4/7), đa số các em đã có những kỹ năng cơ bản trong việc học ở nhà trường. Các em đã có được vốn tiếng Việt nhiều hơn, tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.
Thầy Hoàng Văn Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải chia sẻ:”Với lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô đã không quản khó khăn, “hy sinh” cả tháng hè để tiếp tục đứng lớp dù không có một đồng thù lao, bồi dưỡng nào. Mặc dù chưa được như mong muốn, song lớp học tăng cường tiếng Việt cũng đã thu được nhiều kết quả đáng kích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện miền núi còn nhiều khó khăn này”.
THEO VIETNAM
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Quy hoạch để nâng cao chất lượng báo chi
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, việc quy hoạch không chỉ để xem xét giảm số lượng báo chí, mà quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng và đặc biệt là nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Băc Son
Trong chuyên mục "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" tối 15/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến việc quản lý mạng wifi, mạng Internet, cũng như công tác quy hoạch và quản lý hệ thống báo chí trong thời gian tới đây.
- Một người dân ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hỏi: "Tôi và mọi người ở thành phố đều được thông tin rằng sẽ được dùng internet thông qua hệ thống wifi miễn phí, nhưng thực tế hệ thống này chỉ truy cập được 1 vài trang thông tin của địa phương, nếu muốn truy cập các trang mạng khác thì phải mất phí như bình thường. Xin Bộ trưởng cho biết, thành phố Hạ Long quản lý mạng wifi như thế có đúng hay không? Nếu đúng là như vậy thì không nên thông tin là mạng wifi miễn phí để tránh hiểu lầm cho người dân.
Mạng wifi này được xây dựng trên cơ sở của Bản ghi nhớ và hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn VNPT, để phục vụ cho lễ hội Canaval Hạ Long năm 2012 đến nay.
Theo đó, người dân đã được miễn phí một số dịch vụ truy cập những trang thông tin, website tỉnh Quảng Ninh giúp cho du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách đầu tư của Quảng Ninh, để góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Quảng. Còn những dịch vụ giá trị gia tăng khác như xem truyền hình trên Internet hoặc là chơi trò chơi trực tuyến, tham gia các trang mạng xã hội khác thì người truy cập phải nộp lệ phí.
Như vậy, qua phản ánh, với cương vị của người quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy rằng sẽ phải chỉ đạo trực tiếp cho VNPT cũng như các Cục quản lý nhà nước như Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp ngay với tỉnh Quảng Ninh, cũng như một số tỉnh hiện nay đang có dịch vụ cung cấp wifi miễn phí để kịp thời thông báo cho người dân một cách minh bạch, rõ ràng những dịch vụ gì trong mạng wifi này miễn phí, những dịch vụ gì không được miễn phí.
- Cũng liên quan đến một khía cạnh khác trong việc quản lý mạng Internet, một khán giả cao tuổi có viết: "Tôi thấy càng ngày, các trang báo mạng càng thích đưa tin giật gân, câu khách, đăng hình ảnh hở hang, quảng cáo các game bạo lực không phù hợp với thuần phong mỹ tục... Vai trò quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông là ở đâu trong trường hợp này? Đến thời điểm này đã xử phạt nghiêm khắc được trường hợp nào chưa, thưa Bộ trưởng?
- Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã xử phạt 62 lượt cơ quan báo mạng có những vi phạm như đã nêu trên, đặc biệt, đã đình chỉ có thời hạn đối với 2 tờ báo mạng, xử phạt ở mức độ khiển trách 4 Tổng Biên tập, thu 2 thẻ nhà báo, đình chỉ công tác một số biên tập viên cũng như thư ký tòa soạn để góp phần chấn chỉnh hoạt động có vi phạm này.
Năm 2013 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ và Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về việc quản lý dịch vụ Internet và quản lý game trực tuyến trên mạng. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 159, 174 về xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể trong lĩnh vực báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử và bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin.
Song, bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên nâng cao vai trò, trách nhiệm, giáo dục, nâng cao nhận thức của người sử dụng internet, đặc biệt lớp trẻ để họ có điều kiện phân biệt rõ đúng sai, thông tin xấu độc trên mạng để phòng tránh và tự bảo vệ mình, lựa chọn những thông tin tốt để phục vụ cho sự phát triển của cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội.
- Một câu hỏi khác có vẻ là từ một doanh nghiệp: Tôi được biết một số tờ báo, nhất là báo mạng, thông tin những chuyện tiêu cực, sai phạm của doanh nghiệp không khách quan, thậm chí sai sự thật, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp, xúc phạm danh dự cá nhân, nhưng khi có phản hồi từ cá nhân hay tổ chức thì báo c hí tổ chức thì báo chí lại không đăng, phát ý kiến của họ, không đính chính lại. Như vậy theo tôi là thông tin một chiều, không coi trọng tiếng nói người dân." Bộ trưởng bình luận gì về tình trạng này và có giải pháp gì để chấn chỉnh điều này?
Trước hết, tôi rất chia sẻ với những bức xúc của doanh nghiệp. Đây là hành vi không thể chấp nhận được, bởi vì nó vi phạm những điều rất cơ bản của hoạt động báo chí. Như chúng ta đã biết, Luật Báo chí bổ sung và sửa đổi năm 1999, trong điều 6, 9, 10 và 28 đã ghi rất rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của báo chí, của nhà báo, đó là phải đưa thông tin trung thực về tình hình của đất nước và quốc tế, không được đưa thông tin sai trái, đặc biệt, thông tin xúc phạm đến danh dự của tổ chức, đến nhân phẩm của công dân và khi đã đưa thông tin sai trái thì phải đính chính kịp thời. Nếu thông tin đó ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân thì phải đền bù thiệt hại theo luật định.
Luật đã nêu rất rõ những chế tài như vậy, góp phần cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân căn cứ vào luật định để có thể tự bảo vệ mình và kiến nghị đến cơ quan nhà nước các cấp khi những quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của mình bị xâm hại.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng phối hợp với người dân phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng sai phạm trên.
Chúng tôi xin nhắc một điều rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, thương trường luôn là chiến trường, và trong chiến trường này, doanh nghiệp mà trực tiếp là doanh nhân, là người lính xung kích trực tiếp trên mặt trận kinh tế này và nhà báo là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng. Hai người lính này đều nhằm mục tiêu góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc mạnh giàu. Chính vì vậy, nhân dịp này, tôi rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân cũng như các nhà báo cùng phối hợp, chia sẻ, cộng sinh trong sự phát triển của đất nước để giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ rằng, đó là mong muốn nhất của nhà nước cũng như của nhân dân ta đối với doanh nghiệp, với báo chí hiện nay.
- Liên quan đến công tác quản lý báo chí, có một email vừa gửi tới một băn khoăn: "Bộ trưởng mới đây đã phát biểu là có thể mỗi địa phương chỉ còn 1 tờ báo, còn lại là ấn phẩm phụ. Xin Bộ trưởng cho biết định hướng này ảnh hưởng thế nào đến quyền tự do ngôn luận cũng như quyền được hưởng thụ thông tin của người dân theo Hiến pháp năm 2013?"
Hiện nay, chúng ta có tới 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh và truyền hình với gần 200 kênh phát thanh và truyền hình đang hoạt động và hàng chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và một số tổ chức, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân cũng đã nhận thấy và cảnh báo rằng, trong hoạt động báo chí có sự lãng phí về nguồn lực. Từ sự lãng phí này, dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, cho nên giảm đi tính bản sắc của các tờ báo, đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin.
Từ sự cạnh tranh về thông tin này dẫn đến có những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được kiểm tra, xem xét, sai sự thật, gây sự búc xúc trong xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, quy hoạch với báo chí trong lúc này là cần thiết. Quy hoạch có nhiều nhiệm vụ, không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí mà quan trọng hơn là chúng ta phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng một đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng nhưng đặc biệt là nâng cao chất lượng.
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là chúng ta đến ngày 21/6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, thay mặt Bộ Thông tin Truyền thông, tôi xin gửi đến đội ngũ những người làm báo nước nhà, đặc biệt gửi đến các nhà báo lão thành lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc đội ngũ báo chí của chúng ta luôn phát huy truyền thống vẻ vang của 89 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục phấn đấu rèn luyện để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là tính chuyên nghiệp của nền báo chí cách mạng để làm cho báo chí chúng ta ngày càng phát triển không ngừng, đáp ứng ngày càng xứng đáng hơn trong sự nghiệp xây dựng của tổ quốc chúng ta hiện nay.
- Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
"Lời ru buồn" mang tên lá ngón Chỉ trong 3 năm, tại Lai Châu, có hơn 100 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó, 78 người tử vong. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu, mà 90% trong số đó là đồng bào dân tộc Mông. Những nỗi đau mang tên "lá ngón" Bản Gia Khâu I,...