Những lộn xộn quanh chuyện phạt mũ bảo hiểm rởm
Việc ra quy định phạt rồi lại không phạt người dân đội MBH rởm khiến uy tín của cơ quan chức năng ít nhiều bị giảm “nhiệt”.
Vừa qua, thông tin từ 1/7 sẽ xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm đã khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc đã lại xuất hiện thông tin đính chính ngay là không xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm khiến người dân không biết đường nào mà lần.
Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Trước đó, tôi vô cùng bất ngờ khi báo chí đưa tin từ ngày 1/7/2014, người tham gia giao thông trên cả nước sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, theo các cơ quan chức năng là căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Song, trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định, người tham gia giao thông chỉ có thể bị xử phạt với 2 hành vi: “không đội mũ bảo hiểm” và “đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định” chứ hoàn toàn không có quy định gì về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Vậy tôi nghĩ các cơ quan chức năng đính chính lại thông tin không xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là đúng luật.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây đã không còn là xử phạt hay không xử phạt nữa, mà là việc quản lý và đưa ra các chính sách của các cơ quan chức năng. Không hiểu vì sao Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã có từ trước và quy định rõ như vậy rồi mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại ra chỉ thị từ 1/7 sẽ xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Như vậy liệu có phải cơ quan quản lí đã không tìm hiểu kỹ luật, để dẫn đến tình trạng luật nọ “đá” luật kia, rồi lại phải đính chính thông tin?”.
Theo TS xã hội học Trịnh Văn Tùng, việc người dân mua phải mũ bảo hiểm rởm, họ đã là nạn nhân, bây giờ cơ quan chức năng lại phạt họ vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm thì thật không hợp lý. Thiết nghĩ đây chỉ là cách giải quyết từ ngọn, cơ quan chức năng cần giải quyết tận gốc, từ khâu sản xuất, nhập khẩu tới kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, việc này là không phải dễ, nhưng không có nghĩa cứ việc gì khó lại đổ hết lên đầu dân.
Luật sư Nguyễn Hồng Quân thì lại cho rằng, việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm không phải là cách giải quyết từ ngọn, mà đây mới là cách “triệt hạ” mũ bảo hiểm rởm hiệu quả nhất. Khi người dân dùng mũ rởm mà bị phạt thì họ sẽ không dám mua nữa, như vậy nhu cầu với mặt hàng này sẽ về 0. Khi nhu cầu không còn thì nguồn cung cũng khắc biến mất. Không ai dại gì sản xuất, nhập khẩu, buôn bán mũ rởm khi mà không người nào dám mua.
Video đang HOT
“Như vậy, cách xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là cách nhanh, đơn giản và hiệu quả nhất. Thế nên, ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn ủng hộ việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Thứ nhất, việc này có thể làm chấm dứt tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm rởm tràn lan hiện nay. Thứ hai có thể giúp người tham gia giao thông an toàn tính mạng hơn. Không phải cứ người tiêu dùng nào mua mũ bảo hiểm rởm cũng trở thành nạn nhân, bởi ngoài một số người không phân biệt được hàng thật, hàng rởm thì có không ít người vẫn biết đó là hàng rởm nhưng vì giá thành rẻ (chỉ khoảng 25.000 – 50.000 đồng/chiếc), mẫu mã, màu sắc thời trang, gọn nhẹ… nên cứ mua, dù đội loại mũ này không bảo đảm an toàn khi lưu thông.
Tuy nhiên, trước khi ra quy định xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm thì các cơ quan chức năng phải ra văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể như thế nào là mũ rởm và phổ biến rộng rãi để người dân phân biệt được. Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung những điều luật cũ liên quan tới vấn đề này để cho đồng bộ, nhất quán”, luật sư Quân nêu quan điểm.
Theo Kiến Thức
Phạt mũ bảo hiểm rởm, tít mù rồi lại...vòng quanh?
CSGT mà không phải phân biệt thật giả thì làm sao họ có quyền đưa ra kết luận là cái mũ này là mũ bảo hiểm rởm để xử phạt người dân?
Những chiếc mũ bảo hiểm này đang khiến cơ quan chức năng lúng túng
Tìm trong Nghị định 171, người tham gia giao thông chỉ có thể bị xử phạt 2 hành vi: "không đội mũ bảo hiểm" và "đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định" chứ hoàn toàn không có quy định gì về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Vậy dân nên hiểu làm sao?
Từ ngày 1/7/2014, người tham gia giao thông trên cả nước sẽ bị xử phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, theo các cơ quan chức năng là căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, tìm khắp trong Nghị định này, thật bất ngờ vì không có điều khoản nào quy định về phạt "người đội mũ bảo hiểm rởm".
Cụ thể, ở điểm i, khoản 3 điều 6 của Nghị định này quy định: người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 100-200 ngàn đồng trong trường hợp: "Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ".
Tuy nhiên, trên báo Tiền phong, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Người đi mô tô, xe máy đội loại mũ không phải là mũ bảo hiểm (không có khả năng bảo vệ khi xảy ra tai nạn) coi như không đội. CSGT trước hết chỉ tập trung xử lý những trường hợp này, họ không phải làm nhiệm vụ phân biệt thật giả và xử lý với trường hợp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng hay không, tem gắn trên mũ giả hay thật. Điều này không gây khó khăn cho CSGT và người dân không lo việc phạt oan".
Đọc câu phát biểu của vị Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, chẳng biết ai thế nào chứ tôi thấy càng đọc càng thấy mịt mùng, khó hiểu. Tức là vì trong Nghị định 171 không có điều khoản nào quy định về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, cho nên với người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm thì sẽ bị "coi như" không đội và xử phạt như người không đội? Cái chữ "coi như" này mà rơi vào tay một tiến sĩ triết học thì chắc hẳn phải có một đề tài nghiên cứu tầm cỡ chứ chẳng chơi.
Riêng chuyện CSGT cả nước vào cuộc xử phạt chuyện đội mũ bảo hiểm rởm bằng một Nghị định không hề có điều khoản nào quy định về "mũ bảo hiểm rởm" và người đại diện cơ quan chức năng về ATGT Quốc gia lại giải thích là xử phạt người dân vì hành vi "coi như" không đội mũ bảo hiểm, nghe ra cứ mù mịt thế nào.
Giả sử vui vui thế này, có một ông tiến sĩ triết học đi xe máy ra đường, bị CSGT tuýt còi xử phạt do ông này có đội mũ bảo hiểm nhưng vì mũ rởm nên bị "coi như" không đội mũ bảo hiểm. Ông này do mắc bệnh nghề nghiệp nên vặc lại: "Thưa đồng chí công an, đồng chí bảo là phạt vì "coi như" tôi không đội mũ bảo hiểm, nhưng tôi lại "coi như" mình vẫn đội mũ bảo hiểm vì rõ ràng trên đầu tôi có đội mũ và tôi "coi như" đó là một cái mũ bảo hiểm, thì đồng chí giải thích thế nào?"
Ví dụ vui thế thôi, để thấy rõ ràng trong chuyện liên quan đến pháp luật, các khái niệm, điều khoản phải được quy định rõ ràng, chuẩn xác, không thể dựa vào cái A để "coi như" B.
Tiếp nữa, theo giải thích của ông Khuất Việt Hùng, CSGT "không phải làm nhiệm vụ phân biệt thật giả và xử lý với trường hợp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng hay không, tem gắn trên mũ giả hay thật". Ô lạ chưa, nếu CSGT mà không phải phân biệt thật giả thì làm sao họ có quyền đưa ra kết luận là cái mũ này là mũ bảo hiểm rởm để xử phạt người dân?
Việc đại diện cơ quan chức năng như ông Trần Minh Dũng- Chánh Thanh tra Bộ Khoa học& Công nghệ khuyến cáo: "Dựa vào cảm quan, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt mũ thật, giả" khiến nhiều người lại càng hoang mang, vì "cảm quan" là giác quan và cảm xúc, nghe vừa cảm tính lại vừa mơ mơ hồ hồ thế nào.
Và bây giờ đến vấn đề mà nhiều người đã đặt câu hỏi: "Tại sao không xử tận gốc, đó là xử phạt, tịch thu, tiêu hủy các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm rởm, để khỏi khổ cho người dân?"
Thì xin thưa, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia giải thích thế này: "Cái khó là những chiếc mũ này không có tem "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" nên không thể coi là hàng giả và không thể xử lý được người sản xuất và người bán".
Vậy đấy, cơ quan chức năng cũng "gặp khó" khi xử mũ bảo hiểm rởm, vì trên thực tế, nó vẫn rành rành là một cái mũ, chứ không phải là một-cái-gì- đó- giả- vờ là cái mũ để mà bảo đó là hàng giả, không phạt được, không ngăn cấm được. Thế nên chi bằng cứ giao phó hết cho dân, dân mà mua phải mũ rởm thì dân chịu hết.
Câu chuyện mũ bảo hiểm rởm cuối cùng chẳng khác gì chuyện "tít mù rồi lại vòng quanh", toàn những mơ hồ, nào là "coi như", nào là "cảm quan". Thế nên ngay từ ngày đầu tiên xử mũ bảo hiểm rởm, các cơ quan chức năng tuyên bố: "trọng tâm nhắc nhở, tuyên truyền là chính, mục đích không phải phạt thu tiền".
Hỡi ôi, thế thì có khác nào chuyện "giơ cao đánh khẽ", cứ đề xuất ra nhưng chẳng biết thực thi thế nào, hiệu quả đến đâu,? Và quan trọng hơn là qua chuyện này, đã thấy cơ quan quản lý lúng túng ngay từ gốc, nếu đã kiểm soát được nơi sản xuất mũ bảo hiểm rởm, thì liệu có cần phải phạt đến dân hay không?
Câu hỏi này chưa biết ai sẽ trả lời, trả lời ra sao. Người bán mũ bảo hiểm rởm cứ bán, người phạt mũ bảo hiểm rởm cứ phạt. Thôi thì vì mình chỉ có suất là dân thì cứ nghiêm túc mà chấp hành pháp luật đi đã.
Theo Đất Việt
Ngày mai bắt đầu xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm Người tham gia giao thông ngồi trên xe máy, xe mô tô... không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đung quy chuân... sẽ bị phạt tư 1/7. Phat, phat, phat Triển khai kế hoạch số 69 của Ủy Ban ATGT quốc gia, kể từ ngay mai, các lực lượng chức năng sẽ chính thức thực hiện đồng loạt xử lý...