Những loại ký sinh trùng đáng sợ ở rau xanh
Ký sinh trùng không chỉ bám bên ngoài rau mà vào cả trong thân rau.
Ảnh minh họa.
Hỏi: Tôi nghe nói ăn rau có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm nhưng không biết đó là các loại rau và ký sinh trùng nào? Cách phòng ngừa? – Trần Minh Anh (Cầu Diễn, Hà Nội).
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại họcY Hà Nội: Ký sinh trùng không chỉ bám bên ngoài rau mà vào cả trong thân rau. Đó là các loài rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải soong, rau muống ao, rau cần, rau răm có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn. Người ăn phải rau sống, rau nấu chưa chín có ấu trùng loài sán này sẽ bị bệnh sán lá gan lớn hay bệnh sán lá ruột lớn.
Ngoài ra, những mầm bệnh ký sinh trùng bám vào rau gồm các loại trứng và ấu trùng giun sán như: trứng giun đũa, trứng giun tóc, trứng sán dây lợn, ấu trùng giun móc, giun lươn. Hơn nữa, bám trên rau còn có mầm bệnh đơn bào như bào nang amip Entamoeba histolytica, bào nang trùng roi Giardia lamblia.
Video đang HOT
Ở môi trường chúng tồn tại dưới dạng bào nang, chúng có thể bám vào rau hoặc được côn trùng như ruồi, nhặng, gián… tha vào thức ăn. Để phòng ngừa, tốt nhất là rửa sạch rau dưới vòi nước và chỉ ăn rau khi đã được nấu chín.
Theo Kiến Thức
Phòng ngừa chó, mèo gây bệnh cho người
Trong thực tế, chó, mèo có thể gây bệnh cho người qua các con đường sau đây:
1. Do giun đũa Toxocara sp: Loại giun đũa này ký sinh trong đường tiêu hóa của chó, mèo. Trứng giun được thải ra ngoài theo phân. Sau một thời gian, trứng giun có thể lây nhiễm cho người theo đường miệng. Vào đến ruột người, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng này theo đường máu xâm nhập tất cả các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh tại cơ quan đó. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường nhất là ở trẻ em bởi các em hay nghịch đất, cát, bò lê la dưới sàn nhà hoặc do hay ôm ấp, vuốt ve chó, mèo. Trong khi đó, trứng giun đã bám sẵn trên lông của chó, mèo và chó, mèo có sở thích lăn lộn, vùi mình trên cát, đất... Sau đó các em đưa tay lên miệng mút hoặc cầm nắm thức ăn nên vô tình nuốt phải trứng giun có khả năng lây nhiễm. Ấu trùng của giun có thể vào não gây liệt, vào mắt gây mờ mắt, mù; đến gan gây áp-xe gan; tới da tạo nên các vết bầm mà nhiều phụ huynh chỉ nghĩ rằng do trẻ hiếu động chạy nhảy nên ngã bầm da.
2. Do giun móc Ancylostoma caninum: Loại giun này có ở chó, mèo, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua da, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dưới da gây đỏ ngứa.
3. Do sán dải Dipylidium caninum: Bình thường loại sán dải này ký sinh trong ruột chó, mèo. Chúng có thể lây truyền cho người qua đường miệng.
4. Do giun đầu gai Gnathostoma sp: Ký sinh ở chó, mèo, loại giun này muốn lây sang người phải qua các ký chủ trung gian khác như cá, lươn, tôm chưa nấu kỹ.
Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là hầu như các loại giun sán này khi vào cơ thể người đều không thể trưởng thành trong đường ruột. Do môi trường bất lợi, chúng không trưởng thành và không thể đẻ trứng. Vì vậy, không thể phát hiện trứng giun chó, mèo khi xét nghiệm phân người mà việc chẩn đoán phải được thực hiện bằng sự kết hợp các triệu chứng lâm sàng với yếu tố dịch tễ, huyết thanh chẩn đoán miễn dịch, siêu âm, giải phẫu bệnh.
Thuốc tẩy giun, sán chỉ định cho giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim và sán dây (sán bò, sán lợn), sán lá. Còn loại ký sinh trùng lạc chỗ này do ở dạng ấu trùng nên rất khó tiêu diệt. Còn ở chó, mèo thì chúng trưởng thành nên dễ diệt trừ bằng thuốc. Cần áp dụng thêm một số biện pháp vệ sinh như:
- Rửa tay trước khi ăn, cắt ngắn móng tay.
- Rửa kỹ dưới vòi nước các loại rau ăn sống trước khi dùng.
- Giày dép đi ngoài đường không mang vào nhà.
- Không để chó, mèo vào phòng của trẻ.
- Thường xuyên tắm rửa cho chó, mèo để loại trừ trứng giun bám trên lưng.
- Những bãi cát cho trẻ chơi đùa hay những bãi biển có người tắm phải có rào chắn, không nên để chó, mèo phóng uế.
- Khi làm vườn, bón phân đất, chăm sóc cây kiểng nên dùng dụng cụ và mang bao tay khi tiếp xúc với đất, phân. Sau đó rửa tay bằng xà phòng.
Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Người lao động
Hình ảnh giun ký sinh lúc nhúc trong mắt người gây sốc Các bác sỹ đã phát hiện một loài ký sinh trùng trong mắt và phẫu thuật gắp ra một con giun chỉ vẫn đang ngọ nguậy dài từ 4 - 12,5cm. Những năm gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân với các triệu chứng cộm, vướng, tấy đỏ và cảm giác có vật lạ trong mắt một...