Những lỗ hổng đáng ngại khi xem “The Voice Kids”
Chương trình vừa không thể đào đâu ra những ca khúc tiếng Việt phù hợp cho lứa tuổi thiếu niên biểu diễn vừa gặp khó trong việc tìm con đường tỏa sáng lâu dài cho các tài năng nhí.
Qua 2 đêm phát sóng, Giọng hát Việt nhí nhận được những hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ, khán giả đến mấy ngày hôm sau vẫn truyền tai nhau về cô bé lai Ý hay Phương Mỹ Chivới khúc dân ca ngọt ngào – Quê em mùa nước lũ… Thế nhưng, từ cuộc chơi này, chúng ta có quá nhiều điều cần nhìn lại.
Thiếu trầm trọng các ca khúc tiếng Việt dành cho thiếu nhi
Khán giả cho rằng các bé hát tiếng Anh quá nhiều, và điều này hoàn toàn không ổn. Khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng câu hỏi lớn cần được giải đáp lại gần như bị bỏ quên, chính là nếu hát tiếng Việt, các em nhỏ sẽ hát bài gì?
Đến tận bây giờ, nếu nói đến nhạc thiếu nhi, công chúng vẫn sẽ kể vanh vách những “hit” mà sự tồn tại của nó lớn hơn hẳn số tuổi của các cháu bé tham gia The Voice Kids, nhưng các ca khúc vào thập niên 90 ấy chỉ đủ để thể hiện cho mọi người thấy bé biết hát, còn khả năng bé đến đâu, thì nhạc Việt Nam chúng ta tìm kiếm nơi nào? Mẹ yêu không nào, Cháu lên ba, Vườn cây của ba, Chú voi con ở bản Đôn… sẽ là những ca khúc không thể nào quên, nhưng đã cũ quá rồi, và gần như suốt hơn 1 thập niên qua, chúng ta bỏ quên luôn mảng “nhạc thiếu nhi” ở một góc nào đó, không biết!
Việc lựa chọn các ca khúc tiếng Anh gần như là một lựa chọn an toàn với các thể loại, bởi vì, nếu trong đó có “anh yêu em” hoặc “đau khổ tận cùng”, thì chúng ta cũng không thấy quá nặng nề khi phát ra từ một giọng ca non trẻ. Chính vì thế, đừng trách cứ “bọn trẻ con sính ngoại”, mà hãy hy vọng rằng, nhờ cuộc chơi này, các tài năng nhí sẽ khơi dậy được một thời nhạc thiếu nhi được chú trọng khi xưa. Biết đâu, sang năm sau sẽ có lượng ca khúc mới đủ để các em khoe giọng, và nội dung thì phù hợp cho từng lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Mịt mù tương lai cho các tài năng đoạt giải
Nếu không nhắc đến Đồ Rê Mí, sân chơi dành cho lứa tuổi 5 đến 9 thì The Voice Kids (lứa tuổi 9 – 15) gần như là sân chơi hiện đại mang tính thực tế dành cho thiếu niên duy nhất hiện nay. Từ đó, chúng ta chợt ngỡ ngàng nhận ra “à, thì ra Việt Nam có nhiều nhân tài ca hát đến vậy”, vậy mà sao đến tận bây giờ, chúng ta mới được nghe, được biết và cảm nhận.
Video đang HOT
Nhưng quan trọng hơn điều đó, là sau khi có những giây phút tận hưởng cảm xúc, đam mê thì các tài năng này sẽ đi về đâu? Có sự khai thác hoặc đầu tư thế nào để nuôi dưỡng nguồn nhân tài này, hay các bé sẽ phải đợi lớn lên một chút, đi thi các cuộc thi có tính chất tương tự khác như The Voice chẳng hạn? Sự phát triển quá bát nháo của âm nhạc trẻ Việt hiện nay khiến khán giả gần như quay lưng, và nếu để tình trạng quay lưng này kéo dài, thì âm nhạc Việt đến bao giờ khởi sắc?
Nếu ở các nước tân tiến khác, như Hàn Quốc chẳng hạn, các gương mặt trẻ này sẽ được các công ty đào tạo chuyên nghiệp đỡ đầu, và hướng dẫn các em luyện tập, giữ gìn vóc dáng, thanh quản để phục vụ cho đam mê, nghề nghiệp sau này, tất nhiên, vẫn đảm bảo vấn đề học văn hóa. Vậy thì ở Việt Nam, đằng sau các cuộc thi phải chăng sẽ là một… cuộc thi khác? Chỉ cần nhìn qua một loạt các thí sinh nhỏ tuổi từng góp mặt ở Đồ Rê Mí, Got Talent… nay lại xuất hiện ở The Voice Kids, sẽ không mấy ngạc nhiên khi vài năm sau, những gương mặt này đủ tuổi để thi The Voice và Vietnam Idol. Để thành danh, chỉ có thể là đi thi?
Các sân khấu dành riêng cho thiếu nhi không thiếu, nhưng lại không được đầu tư phát triển nhiều, vì thế các cháu có đam mê và khả năng ca hát phải thật loay hoay lọ mọ.
Cách đây gần 20 năm, các nhà thiếu nhi là lựa chọn số 1, và đúng là nơi đó có khả năng hun đúc tài năng. Khá nhiều ca sĩ hiện tại bước ra từ nhà thiếu nhi trong giai đoạn đó, như HLV The Voice Kids Hiền Thục. Nhưng các năm về sau thì việc nuôi dưỡng này đuối dần, và đến nay gần như không còn dấu vết. Các em nhỏ không có ngôi sao của riêng mình, không có Xuân Mai, Quang Vinh hay là Duy Uyên… Thật không dám tưởng tượng, với chiều hướng thế này, thì 20 năm sau, chẳng lẽ thiếu nhi chúng ta không thể sống với đam mê dẫu đã được phát hiện từ rất sớm?
Tạm kết
The Voice Kids đã có những điểm nhấn ấn tượng trong hai tuần phát sóng vừa qua: huấn luyện viên đủ hài hước, đủ dịu dàng và cũng đủ tinh tế, thí sinh đa dạng và tạo được sự yêu thích trong lòng công chúng. Thế nhưng, qua “cuộc chơi” này, chợt nhận ra, chúng ta đã bỏ qua quá nhiều sự chăm chút cho một thế hệ tương lai của âm nhạc Việt.
Theo Kenh 14
Giọng hát Việt nhí: Đừng chín ép!
Vui, bất ngờ và nhiều cảm xúc là những ấn tượng đầu tiên mà tập 1 Vòng giấu mặt show truyền hình Giọng hát Việt nhí đem lại cho khán giả. Tuy nhiên, ở hầu hết các thí sinh nhí trong tập mở màn này lại thiếu sự "trong sáng" của tài năng độ tuổi cắp sách tới trường.
Sẽ có ý kiến cho rằng, thường những thiên tài sẽ suy nghĩ "già" và "xa" hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Nhưng với một cuộc thi hát, mà đúng hơn show truyền hình tìm kiếm giọng hát Việt nhí có tiềm năng thì sẽ khó lòng mà có "thiên tài" như chúng ta vẫn thường hiểu.
Vũ Song Vũ luôn tự thử thách mình với những ca khúc khó
Qua tập 1 của Vòng giấu mặt The Voice Kids, thí sinh cũ trong các cuộc thi khác như Vietnam's Got Talent, Đồ Rê Mí... đều có, đó không phải là điểm trừ của chương trình, nhưng sẽ là bài học thách thức cho chính các thí sinh nhí và ban biên tập chương trình phải làm sao bộc lộ được sự trưởng thành từng ngày của các tài năng nhí.
Như những gì khán giả mong đợi, 4 huấn luận viên đã rất tươi trẻ, hồn nhiên và gần gũi với các em nhỏ. Tập 1 trải qua không nhiều "sạn" và tạm gọi là hoàn hảo khi ca sĩ Hiền Thục, vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - ca sĩ Lưu Hương Giang, nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi đã có nhiều tranh luận thuyết phục nhẹ nhàng, để làm sao cho thấy các em phù hợp trong đội nào nhất.
Tuy nhiên, mức độ "phóng đại" trong một chương trình tìm kiếm tài năng như thế này luôn có. Những nhận xét theo kiểu giọng hát của em quá tuyệt vời, em hát quãng cao quá hay, chúng tôi khao khát có được em... liệu có khiến cho các em nhỏ đang đi vào "ảo tưởng" không?
Thảo My cũng thể hiện sự chững chạc và người lớn trên sân khấu
Rõ ràng, các em vẫn chỉ đang ở độ tuổi đi học, tài năng ca hát vẫn như là "thứ yếu" và tương lai sẽ là dấu chấm hỏi hơn là sự xác thực. Bằng chứng, cùng với lớp ca sĩ nhí, Hiền Thục vẫn là người có tố chất thành công nhiều hơn cả, nhưng đến hôm nay điều đó mới được chứng minh. Vậy thì, hãy giữ cho các thí sinh nhí sự "trong sáng" cần thiết để các em có thể hát vô tư, không nghĩ ngợi, ít ra đó mới là những "mầm xanh" trong tương lai.
Mặc dù tiêu chí của The Voice Kids rất rõ ràng là sẽ tìm những ca khúc phù hợp với lứa tuổi các em nhưng ngay trong tập 1 nhiều ca khúc người lớn vẫn được hát. Nhìn quanh các cuộc thi tương tự ở các nước, hiện tượng thí sinh nhí hát ca khúc người lớn vẫn có, khán giả vẫn chấp nhận vì chỉ để giúp các em bộc lộ khả năng ca hát của mình.
Nhưng khi đặt vào thực tế đời sống văn hóa, tinh thần của thiếu nhi trong nước, thì khó lòng được chấp nhận. Khi các chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi ngày ít đi, hiện tượng một em nhỏ cứ nghêu ngao hát nhạc não tình người lớn... thì một sân chơi như Giọng hát Việt nhí lại càng được chờ đợi ở sự trình diễn đúng lứa tuổi, bài hát đúng chất thiếu nhi.
Bộ tứ HLV của The Voice Kids Việt Nam
Tại sao không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn "cuồng" Xuân Mai một thời gian dài? Vì Xuân Mai đã hát rất hay những ca khúc đúng lứa tuổi của em, đúng nhạc, đúng lời, đó mới là sự trong sáng cần thiết cho một tài năng nhí.
Vũ Song Vũ, một thí sinh từng được yêu thích ở Vietnam's Got Talent, khi chọn một tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để trình bày đã mang lại nhiều suy nghĩ khác nhau cho người xem. Biển nhớ là bài hát khó, rõ ràng, dù có hát hay đến đâu thì Vũ Song Vũ vẫn không phải là người hát phù hợp trong thời điểm này.
Có người từng nói, hãy hiểu tác phẩm và tác giả trước khi cất tiếng hát, liệu một cậu bé còn ngồi trên ghế nhà trường như Vũ Song Vũ thì hiểu ra sao về Biển nhớ? Đó chính là vấn đề thời gian, và phần định hướng chọn tác phẩm phía sau, mà có khi gia đình cũng cần can thiệp.
Hay trường hợp của Bùi Huyền Thảo My khi hát Set Fire to The Rain của Adele. Cô bé tuổi teen này cũng là gương mặt thành công ở Đồ rê mí và một số cuộc thi khác. Chọn một ca khúc khó và nổi tiếng của Adele là dịp để em cho thấy tài năng của mình.
Như Vũ Song Vũ, Thảo My có thể nói hát khá, biết cách phát âm và luyến láy nhưng vẫn chưa thật sự "đã" như chính tuổi trẻ mà em đang có. Thảo My đã sửa giọng mình nhiều quá khiến cho bài hát mất tự nhiên và dễ dàng đưa người nghe vào trạng thái không thoải mái khi đặt mình trong một sân chơi thiếu nhi như thế này. Và đây là tình trạng chung của nhiều thí sinh ở tập 1 Vòng giấu mặt.
Là cuộc thi cho các tài năng nhí hãy để các em giữ sự hồn nhiên đúng lứa tuổi
Ngoài chuyện chọn bài quá người lớn thì chuyện các em nhỏ lạm dụng việc hát tiếng Anh cũng cần được xem xét. Có thể thấy đa phần các em đều xuất thân trong các gia đình khá giả, thậm chí nhiều em được học ở các trường quốc tế nên việc tiếp xúc với tiếng Anh sớm là điều rất tốt.
Tuy nhiên, với một sân chơi cho trẻ em thiết nghĩ chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hướng các em đến yếu tố thuần Việt là điều nên làm. Chuyện lạm dụng hát tiếng Anh ở The Voice từng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều và sau đó ban tổ chức đã phải "sửa sai".
Giọng hát Việt nhí vẫn dễ thương, vì cơ bản sân chơi này vẫn hấp dẫn người xem vì sự hào hứng qua từng vòng thi hoàn toàn khác nhau. Chương trình đã cho thấy sự dàn dựng, chuẩn bị công phu cho từng thí sinh khi bước ra sân khấu. Từ trang phục đẹp, cách dẫn chuyện hóm hỉnh của Trấn Thành, ca sĩ Thanh Thảo... Giọng hát Việt nhí đã mang màu sắc mới cho các cuộc thi hát nhí hiện nay.
Nhưng sự "trong sáng" mà khán giả mong chờ ở cuộc thi, các thí sinh và nguồn ca khúc mà các em sẽ hát rất quan trọng. Dù sao, ngay tại thời điểm này, tài năng ca hát của các em cũng chỉ là "hạt mầm" cần "vun trồng" một cách kĩ lưỡng.
Theo Khampha
Giọng hát Việt Nhí: Nếu vắng Phương Mỹ Chi? Nếu có khán giả nào đó khóc khi nghe Phương Mỹ Chi thì hẳn là vì tổng thể các lý do: giai điệu dân ca, nội dung bài hát cảm động... Trong đó thể nào cũng có sự "đơn độc" của cô bé tại vòng Giấu mặt cuộc thi Giọng hát Việt Nhí. Lý do chính khiến Mỹ Chi chọn Hiền Thục là...