Những khoảng trống không phải để lấp đầy
Có hai từ thường lặp đi lặp lại trong entry của nhiều bạn trẻ, là buồn và cô độc.
Dường như chưa có ai đi qua thời niên thiếu mà không từng trải qua cảm giác đó.
Cô độc. Đó là những lúc bạn cảm thấy tâm hồn cô quạnh ngay giữa chốn đông người, đang quây quần bên người thân mà vẫn thấy riêng mình xa cách, đang cùng bạn bè vui đùa mà vẫn thầm tự nhủ: “Nào có ai hiểu lòng ta”.
Cô độc. Đó là khi tâm sự ngổn ngang trong lòng mà ko biết tỏ cùng ai, kể cả cha mẹ hay người bạn thân thiết nhất. Là khi ta thấy như mình bị bỏ lại đằng sau trong một thế giới đang rộng ra mãi. Là khi ta thấy tràn ngập trong tâm hồn mình một nỗi buồn dai dẳng không tên. Và rất nhiều khi, chỉ là nỗi buồn vô cớ.
Cô độc là một tâm trạng đáng sợ. Có người trốn chay sự cô độc bằng cách…ngủ vùi. Có ngườii cố lấp nó bằng niềm vui ồn ào ở vũ trường hay trong những trò games, có người gặm nhấm nó bằng nước mắt. Có người thăng hoa vào nghệ thuật. Nhưng cũng có người bị nó bủa vây ko lối thoát, để rồi tìm đến cái chết chỉ vì cảm thấy quá cô đơn.
Ít hay nhiều, khi rơi vào sự cô độc, chúng ta đều cảm thấy tâm hồn mình chỉ còn là một khoảng không đáng sợ, và ta tự hỏi: “Phải làm sao để lấp đầy khoảng trống này đây?”
Nhưng, bạn biết không, những khoảng trống đó không phải để lấp đầy…
Bản chất con người vốn cô đơn. Đó là sự thật. Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy cô độc. Cả những người cởi mở, vui tính nhất hay những người đang chìm đắm trong hạnh phúc vô biên, vẫn luôn có những khoảnh khắc không thể chia sẽ cùng ai. Những khoảng trống mà ở đó chỉ mình ta đối diện với chính ta. Không phải vì chia tay một người bạn, hay mất đi một ngừơi thân, hay khi một mối tình tan vỡ thì nó mới xuất hiện. Khoảng trống đã có sẵn ở đó rồi. Luôn luôn ở đó, trong mọi con người.
Tôi sẽ đọc cho bạn nghe bài thơ Haiku này:
“Những lỗ trống trong củ sen
Khi ta ăn
Ăn luôn cả nó”
Bạn thấy chăng? Những lỗ trống là một phần của củ sen, cũng như sự cô độc là một phần của đời sống. Vì vậy, hãy nhìn thẳng vào nó. Đừng ngại nói: “Tôi đang buồn. Tôi cảm thấy cô độc” nếu bạn muốn được chia sẻ. Nhưng cũng đừng ngại nói: “Hãy để tôi một mình lúc này” nếu bạn thực sự muốn như vậy. Đừng ngại vì đó là điều bình thừơng.
Tất cả mọi người trên thế gian này đều thế. Chỉ khác nhau ở một điều: cách chúng ta đối xử với nó. Nỗi cô đơn tạo thành những khoảng trống, bạn càng muốn trốn chạy thì nó càng muốn bám đuổi. Bạn càng muốn vùi lấp nó thì nó càng dễ quay lại vùi lấp chính bạn. Điều chúng ta nên làm là đừng tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy, nhưng cũng đừng để nó lấp đầy chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản nhận ra sự hiện hữu của nó, và bình tĩnh đối diện với nó.
Người ta gọi tuổi mới lớn là:” tuổi biết buồn”, “biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc.
Khi đó hãy dành sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh, tranh thủ khoảnh khắc đó để khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. Để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm những nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui…
Theo truyenngan.com.vn
Mùa hạ ngang cửa
Năm cuối cấp, thầy Phước chủ nhiệm cho lớp tôi đi dã ngoại ở bãi biển Thùy Dương trước khi bắt đầu ôn thi đại học...
...Ngồi trên xe, Thùy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện tình mà nhỏ là tác giả kiêm luôn hình mẫu cho nữ nhân vật chính trong truyện ngắn nhỏ sáng tác: lúc nào thò tay vào ngăn bàn, cô học trò xinh đẹp nhất lớp cũng nhận một phong thư được dán kín và cẩn thận giấu sau tờ giấy nháp, nhưng lại... không có tên người gửi. Qua nét chữ, có thể dễ dàng đoán là một cậu trai. Câu chuyện bắt đầu trở nên li kì hơn khi cô gái quyết định tìm xem người bí ẩn ấy là ai. Nhưng tiếc thay, kẻ lạ mặt khôn ngoan hơn cô tưởng. Những lần cô đến lớp sớm và mai phục, tuyệt nhiên không thấy ai bén mảng đến chỗ ngồi quen thuộc của mình. Vậy nên suốt một năm học dài, cô đành chấp nhận là kẻ nhận thư.
Video đang HOT
Nội dung trong thư cũng chẳng có gì ghê gớm, chẳng phải thư tình mùi mẫn ủy mị như ngôn tình, cũng không sướt mướt dài dòng như phim Hàn nhiều tập, đơn giản chỉ là những lời chúc ngắn gọn về những kì thi, hay vài dòng chia sẻ thân mật về những câu chuyện trường lớp mà đứa học sinh nào cũng có. Vậy mà cô lại cảm thấy vui, tưởng chừng như có thêm một người bạn thân thiết (dù không biết mặt?!?). Đã có lúc cô viết lên giấy rồi để lại trong ngăn bàn: Người lạ mặt ơi, bạn là ai? Nhưng người lạ mặt chỉ đáp lời đơn giản: Bí mật.
Rồi trong giờ học cuối cùng của năm cuối cấp, cô mới chợt nhận ra rằng sẽ chẳng bao giờ mình còn nhận được thêm một phong thư nào nữa. Cô sắp phải xa ngôi trường này mãi mãi, còn người lạ mặt vẫn mãi là... người lạ mặt. Cô hét toáng lên khi mùa hạ bắt đầu đi ngang cửa. Nhưng hẳn nhiên chẳng một ai trả lời. Và câu chuyện khép lại trong sự ngỡ ngàng của người nghe...
Lớp tôi bắt đầu bàn luận sôi nổi về câu chuyện Thùy vừa kể. Quả thực đó là câu chuyện có sức khơi gợi trí tưởng tượng của tụi học trò cấp 3, một tình cảm thầm lặng từ một chàng trai qua những lá thư, để rồi sau đó chính nữ chính lại cảm thấy rung động. Thằng Tuấn còn thốt lên:
"Trời ơi, sao cái cách để lại ấn tượng hay như vậy mà tao không nghĩ ra vậy kìa?". Khi nó vừa dứt lời, cả bọn chúng tôi cười ồ lên.
Nhỏ Nhung chợt nảy ra câu hỏi:
"Ủa, lỡ đâu nhỏ nữ chính nghỉ học thì sao ta? Rồi lá thư bị phát hiện thì phải thế nào?".
Nhưng con Quỳnh đã vội tiếp lời:
"Theo tao thì chàng trai đã đứng đợi trước cổng trường, nếu thấy bóng dáng nhỏ xuất hiện thì sẽ ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ hộc bàn để gửi thư".
Cả lớp chúng tôi đều tán thành suy nghĩ đó của nhỏ Quỳnh. Rõ ràng là nam chính trong câu chuyện đã lường trước mọi tình huống để có thể gửi thư cho người mình thích một cách suôn sẻ. Chỉ tiếc là câu chuyện kết thúc lưng chừng làm cho người ta nuối tiếc.
Thằng Trí lại đưa ra giả thiết:
"Nhưng nếu nam chính tự tiết lộ thân phận thì sao nhỉ?".
"Thì tụi nó sẽ yêu nhau, và câu chuyện sẽ kết thúc trong hạnh phúc. Rồi người ta sẽ quên béng đi" - Nhỏ Quỳnh phân tích.
"Tao thích cái kết giống hiện giờ hơn".
"Tao nữa".
Chúng tôi đều tán thành việc nữ chính không truy tìm được tung tích của người con trai đã gửi thư, cũng như không đồng tình việc nam chính tự tiết lộ thân phận của mình trong câu chuyện. Điều đó cũng đồng nghĩa câu chuyện chỉ mang màu sắc của tình bạn như ý đồ nhỏ Thùy đã nghĩ. Một tình bạn thầm lặng, có một chút cảm mến đặc biệt, được thể hiện qua những lá thư.
Bãi Thùy Dương rải rác người. Chúng tôi chọn một chỗ gần những gốc thông rồi trải bạt ra đó ngồi. Nhiều đứa quá háo hức đã lao xuống biển nô đùa, một số khác thì tụ tập lại ngồi nghe tiếng đàn guitar của thầy Phước. Trước biển, tiếng đàn guitar như những tiếng lòng mộc mạc được gảy lên giữa muôn trùng sóng biếc. Thầy Phước chính hiệu là cây văn nghệ của trường, không có bản nhạc nào làm khó được thầy. Nhưng hôm nay thầy chỉ chơi những bài hát tuổi học trò như Phượng hồng, Tình thơ, Mùa hạ cuối cùng... Có lẽ thầy cũng đang xúc động vì một thế hệ học trò nữa sắp ra trường, cũng giống như chúng tôi dù cười vui hết cỡ nhưng lại ẩn chứa một chút buồn len lỏi vì những tháng ngày cuối cấp.
Buổi chiều hôm đó, thằng Long rủ tôi đi dọc bờ biển. Ánh nắng buổi chiều hắt vào khuôn mặt đăm chiêu của nó khiến khung cảnh cũng trở nên nặng nề hơn hẳn. Sau khi đi bộ chán chê, nó mới đành thú nhận:
"Thực ra người gửi thư đó là tao".
"Vậy là mày thích nhỏ Thùy?".
Thằng Long gật đầu.
"Vậy nhỏ Thùy có biết không?".
"Không. Nhưng tao sẽ không nói ra đâu".
"Sao vậy?".
"Tại tao không thấy xứng đáng. Tao sẽ không thi đại học, thay vào đó tao sẽ chọn học nghề. Mày biết đó, nhà tao chẳng dư dả gì để đủ chi phí cho bốn năm đại học ở thành phố".
Tâm trạng tôi có hơi chùng xuống sau khi nghe thằng Long nói. Nhà nó thuộc diện hộ nghèo, điều đó thì tôi biết rất rõ.
Nhưng còn tình yêu, đâu có ai cấm đoán rằng nghèo thì không được phép tỏ tình với người mình thích chứ? Và đại học đâu phải là cánh cửa duy nhất để đi đến sự thành công như người ta vẫn luôn lầm tưởng?
"Mày định để vuột mất cơ hội cuối cùng này luôn hả?" - Tôi hơi tiếc nuối.
"Mày đừng kể chuyện của tao cho Thùy, hãy để mọi thứ trở thành hồi ức đẹp, như vậy sẽ tốt hơn".
Nói đoạn, cả tôi và thằng Long đều quay trở về bạt và trò chuyện cùng với đám bạn. Thằng Long luôn là đứa có khả năng giấu kín cảm xúc rất cừ, thành ra chẳng ai có thể đoán được tâm trạng của nó trừ khi nó muốn tự mình thổ lộ. Tôi cảm thấy hơi buồn vì trên con đường học vấn phía trước, đứa bạn thân của mình lại bị tuột lại phía sau. Đó cũng chính là điều khiến thằng Long trở nên mặc cảm và chấp nhận chôn vùi tình cảm học trò của nó.
Buổi dã ngoại đi và về trong ngày. Trên chuyến xe buổi chiều hôm đó, cả lớp chúng tôi cùng đồng thanh hát hết bài này đến bài khác, một số thằng con trai thậm chí còn chế lời làm chúng tôi cười sặc sụa. Đây chắc chắn là chuyến xe cuối cùng chở tuổi học trò của chúng tôi về ngang mùa hạ, rồi sẽ còn những chuyến xe khác nữa mà chúng tôi sẽ leo lên, chỉ tiếc là mỗi đứa sẽ tự đeo hành trang và bước đi riêng lẻ. Những chuyến xe đời. Một số đứa con gái bỗng nhiên mắt ướt khi mường tượng viễn cảnh đó. Nhưng dẫu sao thì chúng tôi vẫn còn một kì thi quan trọng đang chờ đón, thành ra cái cảm xúc đó vẫn chưa đến mức vỡ òa. Nó cứ len lỏi và âm ỉ, như thể nỗi buồn mà ai đó nhóm lên khi mặt trời sắp lặn.
* * *
Mùa hạ rốt cùng rồi cũng đi ngang cửa. Lúc này chúng tôi cũng vừa bước qua kì thi tốt nghiệp, và chuẩn bị đối đầu với kì thi đại học đầy cam go và thử thách. Một số đứa đã khăn gói lên hẳn thành phố để ôn luyện, số còn lại như tôi vẫn cần mẫn ôn luyện tại nhà, và một số ít bỏ dở giữa chừng. Và tôi chợt nghĩ đến thằng Long.
Khi tôi còn đang hình dung về những ngả rẽ mà số phận giăng mắc lên cuộc đời mỗi người thì Thùy đến. Tôi cứ nghĩ nhỏ đến để hỏi về mấy đề thi Toán, nhưng không phải, nhỏ hỏi về thằng bạn thân của tôi.
"Có phải Long sẽ không thi đại học không?".
"Sao Thùy biết?".
"Tại tui không thấy Long ôn luyện ở đâu hết nên đến hỏi Vũ".
Tôi im lặng. Nhưng trong trường hợp này, im lặng nghĩa là đồng thuận.
"Vũ còn nhớ câu chuyện Thùy kể trên chuyến xe hôm đi dã ngoại không?".
"Nhớ" - Tôi đáp.
"Thùy biết người gửi thư là ai. Nhưng nếu Thùy kể ra chi tiết ấy thì người đó sẽ phát hiện ra mất".
Tôi cũng nghĩ y như nhỏ Thùy. Trong chuyện này, có lẽ nữ chính đã cao tay hơn kẻ lạ mặt một bậc, bởi suy cho cùng thì kẻ lạ mặt vẫn tự tin rằng thân phận của mình vẫn trong vòng bí mật, nhưng đâu biết rằng phụ nữ có giác quan thứ sáu còn tinh nhạy hơn trò chơi trốn tìm ấy gấp nghìn lần. Mà nếu nhỏ Thùy đã biết tường tận như vậy thì tại sao nó lại đến tìm tôi làm gì, tôi nghĩ nó nên nói cho thằng Long biết thì đúng hơn.
"Thế sao Thùy không nói cho người đó biết?" - Tôi hỏi.
Nhưng đến lượt nhỏ Thùy im lặng. Tôi biết nhỏ đang chờ đợi một sự ngỏ lời từ kẻ đưa thư. Nếu thằng Long đủ can đảm để nói ra điều đó thì câu chuyện đã không đi đến ngõ cụt gây khó xử cho cả hai phía.
Một chiều, tôi tức tốc đạp xe đến nhà thằng Long. Lúc này, nó đang ở ngoài vườn lo cho luống rau vừa mới đâm chồi.
Trông thấy tôi, nó liền vặn vẹo:
"Không phải mày đến đây để nói rằng mày đã tiết lộ tao là kẻ đưa thư đó chứ?".
"Không, mà là ngược lại.
Nhỏ Thùy đã biết tất cả".
"Sao lại có chuyện đó được?".
"Mày không tin thì tùy".
"Nhưng tao đã để lỡ cơ hội đó rồi".
"Phải. Mùa hạ sắp sửa trôi qua mất rồi, nhưng kỉ niệm thì vẫn còn vẹn nguyên nếu như người ta mãi nhớ về nó. Mỗi người đều sở hữu một mùa hạ của riêng mình, chúng vẫn ở đó và đón chờ người ta ghé thăm, cùng với tiếng ve và những nhành phượng vĩ".
Đột nhiên thằng Long bỏ hẳn việc chăm lo mảnh vườn:
"Thôi mày về đi, tao biết phải làm gì rồi".
"Mày sẽ làm gì?" - Tôi hơi tò mò.
"Tao sẽ... gửi thư".
"Mày vẫn còn ấm đầu à?".
"Không, tao sẽ nói với Thùy rằng tao vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Có một điều Thùy quên kể trong câu chuyện là cả nữ chính và kẻ lạ mặt đều thi chung một trường".
"Nghĩa là mày sẽ không bỏ dở kì thi?".
"Ừ, tao sẽ cố gắng vừa học vừa làm để tiết kiệm nhất có thể, mảnh vườn cũng được thế chấp để có đủ kinh phí để theo đuổi việc học. Cả nhà tao đều không tán thành việc tao bỏ học".
"Rồi mày sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện mà nhỏ Thùy đã kể trên chuyến xe mùa hạ đúng không, dù rằng chẳng ai mong muốn thay đổi cái kết thúc day dứt đó?".
"Thằng quỷ!".
Tôi quay xe trở về nhà. Trên đường về, tôi bắt gặp mùa hạ đang tàn rũ trên những nhành phượng héo. Mùa hạ sắp sửa đi xa mất rồi, nhưng thằng Long thì vẫn sẽ còn đồng hành với lí tưởng và tình cảm học trò trong sáng của nó.
Tôi hình dung một ngày nào đó, cũng vào dịp mùa hạ, khi cả lớp chúng tôi họp mặt, thằng Long sẽ đứng lên kể tiếp một câu chuyện đã từng khiến nhiều người day dứt. Và tôi chờ đợi những ánh mắt sáng ngời lên khi chợt nhớ về những kỉ niệm cũ...
Theo muctim.com.vn
Trái tim yêu thương của ngoại Mẹ qua đời khi tôi còn nhỏ. Sau biến cố đó, đã có một khoảng trống lớn trong gia đình tôi. Thế nhưng ngoại đã ở đó, thay mẹ chăm lo, nuôi dạy tôi trưởng thành bằng trái tim yêu thương của mình. ảnh minh họa Ngoại vẫn thường bảo tôi: "Con là cô bé thông minh, xinh đẹp". Ngoại khen thế chủ...