Những hình ảnh trong chiến dịch “không vận trẻ em” cách đây 40 năm
Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi chính quyền Mỹ đưa gần 2.700 trẻ em Việt Nam rời Sài Gòn trong chiến dịch mang tên “không vận trẻ em”, nhiều em bé năm xưa đã lớn và trở lại Việt Nam tìm hiểu cội nguồn.
Ngày 3/4/1975, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố phải đưa tất cả trẻ em Việt mồ côi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay ngay lập tức. Kế hoạch này được gọi là “chiến dịch không vận trẻ em”. Trong ảnh là các em nhỏ được cho vào những chiếc hộp chằng dây cẩn thận đặt trên máy bay. (Ảnh: WT)
Phía Mỹ tuyên bố phần lớn trẻ mà họ đưa rời khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi, có thể đã mất bố, mẹ trong chiến tranh, bị bỏ rơi, hay con của lính Mỹ với phụ nữ Việt trong thời chiến. Trong ảnh là những đứa trẻ đứng chờ để lên máy bay. (Ảnh: WT)
Các em nhỏ sau đó sẽ được cho đi làm con nuôi trong các gia đình ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp. Trong ảnh là một nhân viên người Mỹ đặt các em vào từng chiếc hộp trước khi đem các em lên máy bay rời quê hương. (Ảnh: DIA.mil)
Một tình nguyện viên người Mỹ bế một em bé từ một cô nhi viện ra sân bay rời Việt Nam. (Ảnh: WT)
Một người phụ nữ bế một bé sơ sinh đứng chờ xe buýt ra sân bay. (Ảnh: WT)
Ngày 2/4/1975, chuyến bay đầu tiên chở gần 60 trẻ em trong chiến dịch “không vận trẻ em” cất cánh. Một ngày sau, tổng thống Gerald R. Ford mới chính thức phê chuẩn chiến dịch. Trong ảnh là những đứa trẻ nằm trong hộp, được đặt trên ghế máy bay. (Ảnh: DIA.mil)
Các em bé được đặt nằm trên các ghế máy bay. (Ảnh: DIA.mil)
Video đang HOT
Một phụ nữ Mỹ bế một em nhỏ trên chuyến bay rời khỏi Việt Nam. (Ảnh: DIA.mil)
Một chiếc máy bay C5A trong khi thực hiện chiến dịch đã rơi ngay sau khi cất cánh, làm tử vong 78 trẻ em và 50 người lớn ngày 4/4/1975. (Ảnh: Daily Mail)
Sau thảm kịch hàng không ngày 4/4/1075, quân đội Mỹ vẫn tiến hành chiến dịch Babylift từ ngày 5/4 đến 26/4 với hơn 30 chuyến bay. Chuyến bay cuối cùng chở các em bé Việt Nam rời khỏi Sài Gòn là vào ngày 26/4/1975. Trong ảnh là một người đàn ông Mỹ cho em bé uống sữa từ bình. (Ảnh: NBC)
Hình ảnh bên trong một chuyến bay trong chiến dịch “không vận trẻ em” tháng 4/1975. (Ảnh: DIA.mil)
Một em bé trong chiến dịch “không vận trẻ em” rời Việt Nam. (Ảnh: DIA.mil)
Một máy bay chở trẻ em rời Việt Nam hạ cánh tại Mỹ. (Ảnh: DIA.mil)
Một phụ nữ bế một em bé Việt Nam xuống máy bay đến Mỹ. (Ảnh: DIA.mil)
Các em bé này sau đó được các gia đình Mỹ nhận nuôi, trong ảnh là một trường hợp như vậy. (Ảnh: DIA.mil)
Đệ nhất Phu nhân Mỹ Betty Ford chào đón một trong những em bé Việt Nam tại sân bay San Francisco, Mỹ ngày 5/4 sau khi một máy bay của hãng Pan Am Airlines chở 325 trẻ mồ côi từ Việt Nam vừa hạ cánh. (Ảnh: DIA.mil)
40 năm sau ngày bị buộc phải rời quê hương, nhiều đứa bé trong chiến dịch không vận năm ấy luôn đau đáu hướng về quê hương. Nhiều em bé năm xưa sau này đã trở lại Việt Nam tìm hiểu nguồn cội. Trong ảnh là cô gái mồ côi Lyly Kara Koenig, khi cô trở lại Việt Nam thăm một trại trẻ. (Ảnh: WT)
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Em bé may mắn sống sót trong thảm kịch "không vận trẻ em" tìm về quê hương
Landon Carnie cùng chị gái sinh đôi đã sống sót một cách thần kỳ sau khi một máy bay đang vận chuyển trẻ em rời Việt Nam sang Mỹ bị rơi cách đây 40 năm, khi cuộc chiến tranh Việt Nam sắp đi tới hồi kết. Hiện Landon đã về Việt Nam định cư và làm việc.
Hai chị em sinh đôi Landon và Lorie Carnie khi mới 17 tháng tuổi. (Ảnh: Daily Mail)
Daily Mail đưa tin anh Landon Carnie và chị gái sinh đôi Lorie đã may mắn sống sót sau khi chiếc phi cơ vận chuyển gần 80 trẻ sơ sinh rời Sài Gòn bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh vào ngày 4/4/1975.
Sau vụ tai nạn, những mảnh vỡ máy bay rơi rải rác trên một khu vực dài vài km. Hai chị em nhà Carnie mới 17 tháng tuổi rất may mắn khi một ngày sau vụ rơi, họ được tìm thấy đang hoảng sợ nằm cạnh nhau trên cánh đồng lúa, giữa những mảnh vỡ và chỉ bị thương nhẹ. Hai chị em sau đó đã được những người Mỹ nhận nuôi.
Anh Landon về lại cánh đồng lúa nơi anh và chị gái rơi xuống sau vụ tai nạn máy bay. (Ảnh: Daily Mail)
Đến nay, khi đã 41 tuổi, anh Landon mới về lại cánh đồng lúa nơi những người nông dân Việt Nam đã phát hiện anh và người chị gái.
Anh Landon cho hay, anh và chị gái đã được đặt vào chung một ghế. "Một ngày sau vụ tai nạn máy bay, chúng tôi được một người nông dân tìm thấy, khi nằm cạnh nhau trên cánh đồng", anh Landon nói.
"Cha mẹ nhận nuôi chúng tôi đã nhận được một bức điện báo rằng chúng tôi đã chết. Nhưng sau đó, người ta lại tìm thấy hai chị em tôi", Landon kể.
Hình ảnh của Landon sau khi được nhận nuôi. (Ảnh: Daily Mail)
Hai chị em sinh đôi đã được nuôi dưỡng tại Mỹ, mang họ Carnie của cha mẹ nuôi. Đến năm 2000, tròn 25 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố phải đưa tất cả trẻ em Việt mồ côi rời khỏi Sài Gòn trong chiến dịch "không vận trẻ em", anh Landon quyết định sẽ về lại nơi chôn rau cắt rốn, tìm hiểu nguồn cội của mình.
Landon được kể lại rằng cha anh đã quyết định đem cho anh và chị gái sau khi mẹ ruột của anh chết khi sinh, và gia đình anh không còn ai có thể chăm sóc cho hai đứa trẻ sinh đôi. Dù biết thị trấn nơi mình sinh ra, Landon vẫn chưa thể liên lạc được với bất kỳ ai trong gia đình mình.
Hai chị em sinh đôi Landon và Lorie Carnie khi đã trưởng thành. (Ảnh: Daily Mail)
Khi được hỏi liệu việc may mắn sống sót có ảnh hưởng đến cuộc sống của anh không, Landon tin rằng điều đó khiến anh có một tâm hồn rộng mở. "Tôi luôn sẵn sàng đón nhận cuộc sống", anh nói.
Hiện anh Landon là giảng viên bộ môn truyền thông của trường Đại học RMIT tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2002, anh đã quyết định sẽ định cư tại Việt Nam, nơi anh được sinh ra.
Anh Landon tâm sự rằng cha mẹ nuôi của anh ban đầu có đôi chút lo lắng khi anh về thăm lại Việt Nam. Nhưng 13 năm đã trôi qua và đến giờ, anh Landon hoàn toàn hiểu rõ về những điều anh muốn làm tại Việt Nam.
Anh Landon hiện là giảng viên Đại học RMIT tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Daily Mail)
Ngày 3/4/1975, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố phải đưa tất cả trẻ em Việt mồ côi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay ngay lập tức. Kế hoạch này được gọi là "chiến dịch không vận trẻ em". Phía Mỹ tuyên bố phần lớn trẻ mà họ đưa rời khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi, có thể đã mất bố, mẹ trong chiến tranh, bị bỏ rơi, hay là con của lính Mỹ với phụ nữ Việt trong thời chiến.
Quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch từ ngày 5/4 đến 26/4 với hơn 30 chuyến bay. Theo ước tính của Mỹ, các phi cơ đã đưa gần 2.700 trẻ em rời Việt Nam. Các em sau đó đã trở thành con nuôi trong các gia đình ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp.
Thoa Phạm
Theo Dantri/Daily Mail
Nhiều phụ nữ Việt bị lợi dụng để lừa đảo ở Trung Quốc Giới chức Trung Quốc ngày 27.3 thông báo cảnh sát tỉnh Giang Tây vừa phanh phui vụ lừa đảo hôn nhân quốc tế với nhiều phụ nữ VN bị lợi dụng để lừa đảo. Cụ thể, vào tháng 3.2014, nhiều người đàn ông ở thị trấn Phú Xuân thuộc thành phố Vụ Nguyên (Giang Tây) báo cảnh sát địa phương rằng các cô...