Những hàng bánh cuốn cổ và ngon nhất Hà Nội
Thủ đô giờ có tới ba hàng bánh cuốn ngon lại có “bề dày văn hóa” là Thanh Vân, Bà Hoành và Kỳ Đồng. Tuy nhiên chúng cũng chưa hẳn đã đạt chuẩn 100% Hà thành.
Người còn lại của Thanh Trì
Bánh cuốn Hà Nội trong những cuốn sách về ẩm thực xưa là bánh cuốn Thanh Trì. Bánh tráng mỏng tang, lớp xếp lớp như những nếp ly may vải đều đặn. Trên mặt bánh có hành tươi phi ngả nâu, loang chút nâu vàng trên mặt bánh trắng. Bánh cuốn kiểu cổ mát như thạch, ăn cùng với đậu phụ rán và nước chấm ngon.
Vị nước chấm bánh cuốn chua mặn ngọt và thanh nhẹ. Hàng bánh xếp vào thúng, mỗi lần khách ăn là bóc từng lớp xếp lên đĩa, cắt đôi cho miếng quà vừa miệng. Cũng có người ăn bánh kèm thêm chả bìa.
Những miếng chả quế được hấp nóng càng tăng thêm vị đậm đà cho món bánh cuốn – Ảnh: Thúy Hằng
Giờ đây, trong ba hàng bánh cuốn ngon Thanh Vân, Bà Hoành và Kỳ Đồng, chỉ còn Bà Hoành là chuyên trị món bánh cuốn trên. Có tới mấy người bán hàng một lúc.
Người bóc bánh đặt lên cân rồi xếp ra đĩa. Người cân và cắt chả. Người rót nước chấm. Người thu tiền. Người bưng bê. Đông khách nên tình trạng chung là cả chủ cả khách lúc nào cũng tíu tít. Bán được, bà mở thêm cửa hàng chếch bên kia đường nên ai đi trên phố Tô Hiến Thành chiều nào cũng tiện, đỗ xịch xuống đã vào hàng được ngay.
Nước chấm của Bà Hoành phần mặn ngọt lại mạnh hơn vị chua nên có người chưa ưng lắm vì chưa thanh. Khách có cho nhà hàng điểm thấp là do thẩm vị quá nghiêng ngọt này. Tuy nhiên, bánh của bà rất ổn cả về độ dày lẫn độ dai và thơm.
Vì cái nghề đời bánh cuốn nguội, quá thơm là thành hắc, thiếu thơm là thành nhạt, quá dai là thành cứng, thiếu dai lại thành bở. Đến ăn mà thấy nể vì nhà hàng cứ đi chông chênh trên sợi dây thế mà lúc nào cũng thăng bằng.
Còn thú hơn vì khách có thể mua cân về nhà mà tự bóc. Lấy mười đầu ngón tay miết miết mép bánh, được rồi thì hai tay cùng bóc đều là được cả chiếc bánh nguyên như một tờ giấy trải rộng. Bánh mua về tự bóc rẻ hơn chút nếu ăn tại hàng.
Video đang HOT
Thế nên thú bóc bánh liên hoan lại tiết kiệm tiền cũng được khá nhiều chị em văn phòng hài lòng. Chả của bà cũng để mộc, màu hơi sẫm nhưng đậm vị và thơm đặc biệt. Cũng những dịp liên hoan cơ quan, khi chị em bóc bánh thì các anh trai phải nếm thử mà gật gù món chả này trước đã.
Thương hiệu văn hóa Kỳ Đồng
Bánh cuốn nóng Kỳ Đồng lại có chỗ đắc địa tại khu phố ẩm thực Tống Duy Tân. Bánh đắt hơn một chút so với hai hàng còn lại nhưng ăn ở đó rất có không khí. Chiếc bánh cũng nhỏ nhẹ, nước chấm ngon.
Riêng về nước chấm, vị mặn ngọt của bánh Kỳ Đồng hơi giống vị của bánh cuốn Thanh Vân. Mặc dù vậy, bánh Kỳ Đồng có sắc trắng xanh hơn và dai hơn bánh Thanh Vân một chút. Nước chấm ngon lạ, bánh dai Kỳ Đồng vẫn là hàng bánh cuốn khó vượt qua về tổng thể.
Chưa kể Kỳ Đồng lại là hàng bánh cuốn có “bề dày truyền thống” hơn cả. Thương hiệu bánh cuốn Kỳ Đồng ngon từ thời còn phố Kỳ Đồng. Phố ngắn nhưng giàu ý nghĩa vì gắn với một danh nhân văn hóa nước nhà. Thành thử, bánh cuốn Kỳ Đồng chính là một “dấu tích văn hóa”. Cửa hàng không chỉ giữ nghề mà còn giữ nguyên cả cái tên Kỳ Đồng.
Hoàn hảo Thanh Vân
Nhưng bánh cuốn Thanh Vân mới là nhà hàng được “bỏ phiếu” ngon nhất Hà thành nhiều hơn cả. Nhân bánh cuốn đẹp vì tỷ lệ thịt mộc nhĩ nấm hương cân đối, lại xào vừa tới. Đĩa bánh trông kiêu sa vì lớp ruốc tôm hồng hào trên nền trắng ẩn đen hồng của nhân, lại thêm sắc vàng kiêu hãnh của hành khô phi đủ tới.
Món bánh cuốn Thanh Vân- Ảnh: Ngô An
Nhưng kiêu kỳ nhất vẫn là lớp rau thơm mùi phủ ở trên. Rau nhà Thanh Vân không đẹp nõn mà ngắn, tưởng hơi cằn mà thơm đặc biệt. Nhà hàng khác có thể chịu cảnh ít rau thơm hoặc rau thơm kém thơm một chút nhưng Thanh Vân thì đảm bảo hàng thơm ngon liên tục.
Nhà hàng đặt riêng một thửa trên làng Láng để trồng thứ rau này. Riêng về khoản rau thơm thì Thanh Vân “vô địch thiên hạ” trong thế giới bánh cuốn Hà Nội.
Thanh Vân cũng là cửa hiệu có tổng điểm trội hơn cả về sự hoàn hảo, từ nước chấm tới bánh, từ nhân tới chả ăn kèm, từ gia vị tới thái độ phục vụ. Và thuận hơn cả, địa chỉ tại Hàng Gà khiến Thanh Vân có được không khí Hà Nội nhất trong số cả ba cửa hàng đã tạo thành tam giác bánh cuốn Hà Nội.
Nhưng chỉ còn ba điểm “chạm chuẩn”, nguy cơ thất truyền của bánh cuốn Hà Nội giờ cũng thuộc diện cao. Nói dại, nếu những gia đình trên cho thuê mặt bằng để hộ khác kinh doanh hoặc phải bán nhà để chia thừa kế cho con cái thì có thể chuyện sẽ rẽ sang hướng khác.
Thei Thanhnien
Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất
Bánh cuốn trứng vốn dĩ là một món khó tìm ở Sài Gòn khi số lượng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một quán ăn gần khu sân bay lại có những biến tấu hết sức hấp dẫn cho món bánh có nguồn gốc từ Lạng Sơn này.
Như có lần nhắc về món bánh cuốn trứng có bán ở quán Hồng Hạnh. Đây là một món tương đối khó tìm thấy ở Sài Gòn, mà lý do chính là cách làm khá phức tạp so với món bánh cuốn truyền thống.
Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng, nhưng điểm khác biệt của món bánh cuốn trứng so với các kiểu bánh cuốn khác là lớp nhân bên trong, bao gồm trứng và thịt bằm.
Bánh cuốn trứng hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng
Món ngon có xuất xứ từ Lạng Sơn này hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng.
Để pha được loại bột đặc thù dùng để tráng món bánh này, những hạt gạo tẻ ngon, trắng ngần, đều hạt được chọn lựa để xay mịn thành bột, rồi sau đó được hòa với nước để tạo ra một hỗn hợp không quá đặc cũng không quá loãng nhằm tạo ra độ dẻo đặc trưng cho bánh.
Ở Lạng Sơn và các tỉnh miền trung du, người ta vẫn còn thói quen dùng gạo nương đậm đà để pha bột tráng bánh.
Khi bắt đầu đổ bánh, người làm bánh sẽ trải hỗn hợp bột ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ một chút cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh.
Cái hay ở đây là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp.
Chả chiên và chả quế ăn kèm với bánh cuốn
Bánh cuốn nhân thịt truyền thống với phần ruốc tôm rất độc đáo
Tuy nhiên ở quán bánh cuốn trên đường Trường Sơn (đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) này thì cách thưởng thức bánh cuốn trứng có phần hơi khác một chút. Phần nhân bánh đầy đặn hơn rất nhiều, bao gồm 2 quả trứng gà cùng phần thịt bằm xào chung với nấm mèo.
Nước mắm cũng không tuân theo nguyên bản, vốn dĩ là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt bằm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ... như ở Lạng Sơn, mà là loại nước mắm dùng để ăn bánh cuốn được nêm từ đường phèn rất đậm đà. Để tăng phần hấp dẫn bạn cũng có thể gọi thêm vài giọt tinh dầu cà cuốn,
Đây cũng là một quán bánh cuốn hiếm hoi ở Sài Gòn còn phục vụ các loại rau thơm ăn kèm, cách thưởng thức đặc trưng của miền Bắc.
Bạn cũng có thể gọi thêm món ăn kèm khá đặc biệt của quán là chả quế và chả chiên. Ngoài ra, món bánh cuốn truyền thống ở đây cũng rất hấp dẫn với phần ruốc tôm khá lạ, tương tự như món tôm cháy làm nhân bánh bèo Huế hay bánh ướt tôm cháy.
Một địa chỉ khá thú vị để trải nghiệm cách ăn bánh cuốn tương đối gần gũi với nguyên bản xứ Bắc. Một món ngon với cách chế biến khá cầu kỳ và tinh tế trong từng chi tiết, như phản ảnh phần nào những vẻ đẹp tiềm ẩn của ẩm thực Việt.
Theo SGAT
[Chế biến] - Bánh cuốn hành phi Món bánh cuốn tráng bằng chảo này có vị béo của hành phi, ăn thât lạ miêng và ngon. Bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà đê cả gia đình cùng thưởng thức nhé! Nguyên liệu: 50gr bột gạo; 50gr bột năng. 250ml nước.; 1 bát hành phi. 1 muỗng canh đầu ăn; Chút muối. Cách làm: Trộn đều 2 loại bột...