Những giải pháp nhằm giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường
Sáng ngày 1-4, tại địa phận xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội), đã xảy ra một vụ án mạng, nạn nhân là N.H.D (học sinh lớp 8 Trường THCS Hồng Hà) bị dao đâm tử vong. Điều đáng nói, hung thủ lại chính là Q.K, học sinh lớp 9, cùng trường với nạn nhân.
Gia tăng số vụ bạo lực học đường chỉ trong thời gian ngắn
Cổng trường THCS Hồng Hà, nơi xảy ra sự việc
Sự việc nêu trên khiến cả xã hội bàng hoàng và đau lòng. Xót xa hơn nữa, nạn nhân và hung thủ đều là những đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Bạo lực học đường đã được xem là một vấn nạn, không ít những cảnh báo, không ít những đánh động… thế nhưng có vẻ như vấn nạn ấy không hề có dấu hiệu giảm. Mà trái lại, nó càng gia tăng và cái chết thương tâm của em D. đã thực sự là đỉnh điểm của vấn nạn này.
Một lần nữa, vấn nạn bạo lực học đường lại gióng lên hồi chuông khẩn thiết. Bởi trước cái chết thương tâm của một học sinh cấp hai hôm qua, chỉ trong tháng 3, có ít nhất 4 vụ bạo lực học đường diễn ra được mọi người biết đến.
Vào khoảng 11h45 phút ngày 20-3, hai học sinh Nguyễn Minh Đ. (SN 2006) lớp 9C và Nguyễn Minh P. (SN 2007) đều là học sinh Trường Trung học cơ sở Hưng Khánh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), trong khi tan học đang chờ xe đưa đón ở cổng trường về nhà thì xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Nguyễn Minh Đ. rút dao để sẵn trong túi quần đâm Nguyễn Minh P. vào ổ bụng bên dưới phía bên trái.
Trong tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài 5 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Trước đó, tại Hà Nội, xuất phát do mâu thuẫn liên quan tin nhắn trên mạng xã hội, 1 nữ sinh Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ, HN) bị đánh hội đồng và tung lên mạng xã hội.
Trường hợp một nữ sinh THCS bị nhóm học sinh khác đánh “hội đồng” cũng diễn ra tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng ngay đầu tháng 3.
Video đang HOT
Và có thể còn rất nhiều các vụ khác chưa được kể ra đây, hoặc chưa được công chúng biết đến vì không ai đăng lên mạng xã hội, hay bởi nó diễn ra âm thầm, gọn gàng và nhanh chóng.
Nhưng dù có thế nào thì tất cả các hành vi bạo lực học đường đều để lại những hậu quả nhất định đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.
Bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa
Hậu quả của bạo lực học đường và các giải pháp
Theo các chuyên gia, trong các vụ bạo lực học đường, cả nạn nhân lẫn kẻ thực hiện hành vi bạo lực đều có hậu quả không hay . Trong các vụ bạo lực được nói tới, không ít những vụ bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Nhẹ nhàng có thể là những vết bầm tím nhưng cũng có thể là những thương tích nặng phải vào bệnh viện điều trị.
Tồi tệ hơn là bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội, và đó không phải là duy nhất, cũng có thể không phải cuối cùng. Hậu quả ấy để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
Cũng theo các bác sỹ chuyên khoa Nhi, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, bạo lực học đường cũng được quan tâm và nghiên cứu, đưa ra những kết luận không mấy khả quan.
Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì bạn bè khác sẽ xa lánh do không muốn “cùng nhóm với kẻ đáng ghét” hoặc “cùng nhóm với kẻ yếu thế” để bản thân cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc.
Không những thế, kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không hề bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.
Những cuộc thăm dò ở Mỹ đã cho thấy rằng những em chứng kiến mà im lặng thì 33% cảm thấy giận dữ nhưng bất lực, cho rằng lẽ ra các em nên làm gì đó nhưng đã không dám làm; 24% cho rằng việc đó chẳng liên quan gì đến các em; điều này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một nhóm người vô cảm trước những bất công hay nỗi đau của người khác.
Vậy để làm sao ngăn chặn bạo lực học đường, câu chuyện này không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực và đến giờ vẫn chỉ là những khẩu hiệu suông. Có lẽ không thể đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục. Bởi rằng, khi bàn về vấn đề này, một giáo viên kỳ cựu đã cho rằng, Giáo dục học sinh mất đạo đức, hư hỏng chưa bao giờ là đơn giản. Để giáo dục một em học sinh cá biệt mất nhiều thời gian, tâm sức hơn gấp nhiều lần đối với các em học sinh bình thường. Một năm, một giáo viên có thể bồi dưỡng được 10 học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng dạy không thành một học sinh cá biệt. Và đó hầu như là ý kiến chung của các nhà giáo.
Cũng bàn về vấn đề này, trong một lần trả lời báo chí, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Đào tạo bồi dưỡng – Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những biện pháp giáo dục về văn hoá ứng xử trong nhà trường có thể chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số.
Thực tế hiện nay, một số trường mới tập trung các môn văn hóa mà quên mất cần được chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ. Trẻ cần được giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống tích cực như yêu thương, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, tìm kiếm giải pháp khi gặp mâu thuẫn, có lẽ đây cũng là bước đầu tiên để giải quyết vấn nạn hậu quả học đường.
Theo đó, để hỗ trợ được tốt nhất cho học sinh, các bên liên quan phải cùng vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với nhau, gồm lãnh đạo nhà trường, gia đình, thầy cô giáo và chuyên viên tâm lý học đường.
Hơn nữa, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội…
Dạy trẻ bằng tấm lòng, đâu khó!
"Mắt đền mắt, răng đền răng". Những bài học đạo đức, nhân ái sẽ thành vô nghĩa khi trẻ em lớn lên trong bạo lực, được nuôi dưỡng bằng bạo lực.
Sáng 1/4, do mâu thuẫn cá nhân, Q.K. - 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã dùng dao đâm gục em N.V.H.D. học lớp 8 cùng trường.
Hai thiếu niên 14 tuổi bị đấm đá dã man tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 (Ảnh cắt từ clip)
Đêm 31/3, hai đứa trẻ 14 tuổi leo rào vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM), bị bảo vệ phát hiện, bị lực lượng bảo vệ dân phố truy bắt, đưa vào phòng giám thị, bị đấm, đá, lên gối, giật chỏ.
Trước đó, sáng 27/3, một đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh N.V.Q. (lớp 11, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An) bị lột trần, trói tay, trùm đầu, đào hố "chôn sống".
Chiều cùng ngày, hai CSGT thuộc Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) đã "trấn áp" nhóm thanh thiếu niên đua xe bằng cách đánh, đá hai thanh niên.
Chưa đầy một tuần, những hành xử bạo lực đã xảy ra khắp nơi, từ gia đình vào học đường và cả trong lực lượng chấp pháp. Học sinh dùng nón bảo hiểm và cả dao; bảo vệ dân phố tung những đòn đối phó với 2 đứa trẻ mà trong võ thuật, nhiều bộ môn đã cấm thi đấu. Người thân trong gia đình "chôn" con em như một biện pháp mạnh trừng phạt trẻ hư. Tất cả cho thấy sự bất lực của người lớn trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ.
Cần biết rằng trẻ em học từ hành vi của người lớn nhiều hơn qua những lời dạy hoa mỹ, giáo điều khô khan. Khoa học cũng chứng minh, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ có khuynh hướng hành xử bạo lực.
Khi hình ảnh một nam sinh bị "chôn sống" lan ra, chúng ta đã dạy cho những đứa trẻ cách hành động ghê rợn. Khi một CSGT, một bảo vệ dân phố tung cú đá, trẻ em sẽ thấy việc đấm đá người khác là bình thường - người lớn làm được, chúng làm được. Khi những người lớn trong căn phòng giám thị đêm 31/3 không ngăn chặn bạo lực, trẻ em sẽ học cách đứng ngoài cuộc và... quay clip. Sự vô cảm đã được trao truyền như thế vào tương lai.
Ngày ông Nguyễn Hùng Trương (ông Khai Trí) qua đời, một nhà thơ tiếng tăm trên thi đàn Việt kể lại câu chuyện mình, thuở còn học sinh, từng đến hiệu sách Khai Trí và... ăn cắp sách, vì không có tiền mua. Kẻ cắp bị phát hiện, nhưng thay vì bị giao cho cảnh sát hay bị đánh, cậu học trò nhỏ được ông tặng luôn quyển sách, sau khi dạy cho cậu bài học về sự trung thực, lối sống thẳng ngay. Nhiều năm sau, khi đã thành danh, nhà thơ quay lại tìm ông Khai Trí, nhắc chuyện xưa, tri ân ông như một người thầy.
Ngày 17/3, Dick Hoyt qua đời ở tuổi 80. Ông được xem là một trong những người cha vĩ đại nhất thế giới, không phải vì đã làm điều gì cao siêu mà vì ông đã dành gần như cả cuộc đời mình cho đứa con trai bệnh tật. Rick Hoyt, con trai ông, bị chứng bại não và liệt tứ chi.
Thay vì đưa con vào cơ sở chăm sóc đặc biệt, Dick Hoyt đã quyết định nuôi con, để con ông được ở cùng cha mẹ, như những đứa trẻ khác. Rick, dù bệnh, lại ước mơ được chạy marathon để gây quỹ giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Vậy là, từ năm 1980, Dick Hoyt đã đẩy xe lăn cho con tham gia hơn 1.000 cuộc đua lớn nhỏ. Khi được hỏi về những khó khăn khi đồng hành cùng đứa con tật nguyền, Dick phản đối: "Không đúng, Rick đã cho tôi cơ hội được sống như một người cha. Tôi chỉ thấy rằng mình đã có một đứa con tuyệt vời".
Từ chuyện nhà thơ ăn cắp sách đến chuyện Dick Hoyt, có thể thấy tình thương, lòng nhân ái hoàn toàn có thể uốn nắn một đứa trẻ, thậm chí có thể tạo ra phép mầu.
Trồng người như trồng cây. Ta chăm bón ra sao, uốn nắn thế nào, cây sẽ lớn lên như vậy. Đừng chỉ nhìn thấy những cú đấm, đá hôm nay. Hãy nghĩ về tương lai, khi những đứa trẻ ấy lớn lên. Bạn mong muốn con em mình sẽ sống trong môi trường thế nào, ở thời điểm 10 năm sau?
Chủ tịch Hà Nội nói gì về vụ cô giáo tố bị "trù dập" ở huyện Quốc Oai? Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu kiểm tra, phối hợp lực lượng công an xử lý, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị Chiều nay (2/4), UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến thường kỳ quý I/2021,...