Những “em bé” babylift tại Canada khắc khoải tìm lại nguồn cội Việt
Được đưa sang Canada trong chiến dịch không vận trẻ em (babylift) khi còn rất nhỏ, nhiều em bé Việt đã được nuôi nấng trưởng thành và có cuộc sống sung túc. Tuy vậy, nỗi khắc khoải tìm lại cội nguồn nơi quê nhà vẫn khiến họ đau đáu khôn nguôi.
Nằm trong số gần 3000 trẻ được di tản khỏi miền Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Ayesha Bharmal hiện vẫn mang trên mình những vết sẹo từ khi còn nhỏ, mà theo một số người từng nhìn thấy thì có vẻ chúng bị gây ra bởi vết dao cắt.
Thi Diep Nguyen là một trong những trẻ nhỏ người Việt bị bỏ rơi tới Canada năm 1975 (Ảnh: Canadian Press)
Nhịp cầu kết nối tìm lại người thân Theo đề nghị của bạn đọc, báoDân Trí sẽ làm cầu nối để đăng tải thông tin nhằm giúp những người con Việt Nam trong “chiến dịch không vận trẻ em” năm 1975 tìm lại thân nhân. Độc giả trong và ngoài nước quan tâm, có những thông tin hay câu chuyện về chiến dịch này, hãy chia sẻ với chúng tôi. Thư xin gửi về địa chỉthegioi@dantri.com.vn. Chân thanh cam ơn! (Thư có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh).
Nhưng bản thân chị không chút mảy may có suy nghĩ tiêu cực nào, mà chỉ muốn nói về chiến dịch giải cứu, đã giúp mình cùng hàng chục đứa trẻ khác tới Canada để làm con nuôi.
“Tôi biết có những câu chuyện rùng rợn về cách những đứa trẻ bị hủy hoại…thật đáng sợ”, Bharmal nói, và đoán rằng mình là con của một binh sỹ Mỹ da màu và một phụ nữ Việt.
“Tôi cảm thấy rất biết ơn”, chị nói về chiến dịch babylift, được Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford ra lệnh triển khai trong những ngày đầu tháng 4/1975.
Hàng chục chuyến bay đã mang theo những đứa trẻ mồ côi, những đứa con lai tới những ngôi nhà mới ở Mỹ, Canada, châu Âu và Úc. Trong số này có 2 chuyến bay tới Canada, một hạ cánh tại Montreal, chiếc còn lại đáp xuống Toronto.
Tổng cộng có khoảng hơn 100 trẻ em đã đến Canada, thuộc đủ lứa tuổi, từ vài tháng tới 9 tuổi, Thanh Campbell, một trẻ em tị nạn khác giống như Bharmal và là tác giả cuốn “Trẻ mồ côi 32″ cho biết.
Dù vậy, không phải mọi chuyến bay trong chiến dịch di tản đều tới đích an toàn. Một trong những chuyến bay đầu tiên của Mỹ đã bị rơi không lâu sau khi cất cánh, khiến 135 người trên khoang, trong đó có 93 trong tổng số 247 trẻ mồ côi thiệt mạng.
Trở lại phòng khách của Bharmal, chị tự xem mình là may mắn khi lên được chuyến bay đưa mình tới Hồng Kông, và sau đó là hành trình dài tới Vancouver, và cuối cùng là Toronto.
Một bức ảnh cũ của Bharmal (Ảnh: Canadian Press)
Ngồi trên ghế sofa bên cạnh bố và mẹ nuôi là Shiraz và Nurjehan Bharmal, Ayesha lật từng trang album ảnh, ghi lại những khoảnh khắc suốt 41 năm qua.
Chỉ vào một bức ảnh cũ, ông Nurjehan nói: “Con bé khi đó rất nhỏ, đến độ bạn có thể thấy chân tay nó mỏng manh ra sao. Nó chỉ nặng đâu đó 5-6 kg, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau nó đã lớn phổng”.
Ông bà Bharmal cho biết trên trong hồ sơ của con gái mình là Thi Diep Nguyen, và họ nói rằng cô bé khi đó được cho là 20 tháng tuổi, nhưng ông bà không tin. Thích con có một cái tên của người theo đạo Hồi, ông bà đã đặt tên cô con gái là Ayesha Fatima Bharmal.
Trẻ babylift và nỗi khổ bị kỳ thị
Trong khi đó, David Jonathan Truong Hobson cho biết anh đã gặp không ít khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống tại Ontario, khi là “đưa trẻ châu Á duy nhất” trong vùng. Đã nhiều lần Hobson bị chế nhạo và bắt nạt. Năm học lớp 10, anh đã nổi loạn bằng cách từ chối đứng lên hát quốc ca Canada.
Video đang HOT
Hobson cho biết mình cảm thấy bị Canada chối bỏ, nhưng cũng đồng thời không có nhiều ý niệm về việc phải làm gì để tìm lại gốc gác.
“Cả đời mình tôi luôn nghĩ mình là người da trắng. Lúc duy nhất tôi có thể thấy mình là người châu Á là khi tôi soi gương”, Hobson chia sẻ. Mãi đến năm 1992, khi anh tới Vancouver để học đại học, anh mới phát hiện ra những người Canada gốc châu Á khác trông giống mình.
Dù vậy vẫn còn những câu hỏi về nguồn gốc của Hobsons. Một tài liệu nói rằng anh có tên Vantot Guise Nguyen, và được sinh đâu đó trong khoảng1971, 1972 hoặc 1975.
Mãi đến năm 9 tuổi, Hobsons mới chính thức có được ngày sinh, khi bố mẹ đưa tới Ottawa để làm hộ chiếu. Cha của anh đã quyết định chọn ngày 24/5/1974, một phần theo ước đoán của bác sỹ, một phần để bày tỏ sự biết ơn Nữ hoàng Victoria.
Những câu chuyện tương tự không phải hiếm, Campbell, một “em bé” babylift khác đã dành nhiều thời gian và công sức để kết nối với những người đồng cảnh ngộ, cho biết.
Mặc dù mỗi em bé khi đó đều được đưa đi cùng giấy tờ tùy thân, nhiều tài liệu đơn giản chỉ được tập hợp vội vã cho đủ yêu cầu mà không chắc là giấy tờ thật, Campbell nói.
Campbell tình cờ phát hiện một người bạn babylift của mình năm 2003, khi kể về cuộc đời mình tại một nhà thờ ở Ontario. Một gia đình tại đó đã giúp kết nối Campbell với một trẻ mồ côi người Việt mà họ biết, có tên Trent Kilner.
Nhiều em nhỏ tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 17/4/1975, chuẩn bị cho chuyến bay di tản thứ hai trong chiến dịch babylift (Ảnh: Internet)
Kể từ đó đến nay, Campbell cho biết đã tìm thấy 47 trong số 57 trẻ mồ côi có mặt trên chuyến bay của mình. Nhiều người vẫn đang sống tại Ontario, nhưng không ít đã di tản đi khắp nơi.
“Họ là những người gần gũi nhất theo ý nghĩa một gia đình mà tôi từng nghĩ có thể tìm thấy”, Campbell nói. “Khi tìm thấy Trent cảm giác thật tuyệt vời. Với tôi đó là lần đầu tiên tôi gặp một ai đó thực sự hiểu việc tới Canada là thế nào với chúng tôi…
Không thực sự phù hợp trong thế giới mới, và cũng không phù hợp với cộng đồng châu Á bởi chúng tôi đã đánh mất văn hóa của mình. Chúng tôi mất đi ngôn ngữ của mình nên thực sự không phù hợp với bất kỳ cộng đồng nào. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi hợp với nhau”.
Kilner sau đó đã kết hôn với một trẻ mồ côi đồng cảnh ngộ khác, chị Lia Pouli, người cũng đã rời Sài Gòn những ngày tháng 4/1975 trên cùng chuyến bay. Họ gặp nhau năm 2005 và bắt đầu hẹn hò vài tháng sau đó. Đến năm 2008, hai người kết hôn và nay đã có 3 con.
Trong khi một số người tiếp tục với cuộc sống mới, Campbell không ngừng nỗ lực để tìm lại nguồn gốc của mình, và phát hiện ra sự thật rằng bố mẹ đẻ chưa từng có ý định bỏ rơi anh. Mà thực chất, anh bị đưa đi di tản do nhầm lẫn.
Do cha mẹ Campbell làm việc cho quân đội Mỹ, hàng ngày, họ gửi anh cùng hai người anh em khác vào cho các nữ tu tại một nhà thờ trông nom. Nhưng đến một ngày, khi họ trở về thì được thông báo con mình “đã sang Mỹ”.
Campbell cũng biết rằng, mẹ mình đã qua đời trong vòng tay cha năm 1987, với những lời cuối cùng là hãy tìm lại Campbell. “Những lời cuối cùng của bà nói với cha tôi là “hãy tiếp tục tìm kiếm Thanh. Tiếp tục tìm kiếm con chúng ta. Đừng từ bỏ, đừng từ bỏ”.
Năm 2006, thông tin về một cuộc họp mặt của những trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến tranh tại Ontario đã lan truyền về đến Việt Nam. Một người nhận là em trai của Campbell đã liên hệ với anh, và nói rằng cha của người này tin hai người có mối liên hệ với nhau. Kết quả kiểm tra ADN tháng 1/2007 đã xác nhận điều này.
“Tôi đã không nói lên lời”, Campbell nói. “Lúc đó tôi bàng hoàng, làm sao điều này có thể xảy ra?”
Đó là câu chuyện đem lại hy vọng cho những đứa trẻ mồ côi khác đang tự hỏi liệu họ có gia đình nào đó ở Việt Nam. Campbell hiện đang thuyết phục những đứa trẻ babylift giống mình làm một cuộc hành hương về Việt Nam vào năm 2025, dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch đã thay đổi cả cuộc đời họ.
Campbell biết một tổ chức tại Mỹ đã lên kế hoạch cho một chuyến đi như vậy trong năm nay, nhưng chỉ có vài người Canada tham gia. “Chúng tôi đã lỡ chuyến tàu trong dịp này. Nhưng đến dịp lần thứ 50, chúng tôi sẽ không để nó đi mất. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đưa nhiều người sang Việt Nam, và khả năng là rất cao”, Campbell tin tưởng.
Thanh Tùng
Theo Dantri/Canadian Press
"Bé gái" đến Úc trong hộp đựng giày khắc khoải tìm lại cội nguồn Việt
Được một gia đình Úc nhận nuôi khi còn đỏ hỏn, và nhỏ đến mức lọt thỏm trong một chiếc hộp đựng giày, chị Le Thi Ha, một trong những đứa trẻ từng được di tản khỏi Sài Gòn năm 1975 giờ đã 40 tuổi và đau đáu tìm lại gốc gác ở quê nhà.
Ngày 5/4/1975, khi bà Gillian Diggins lần đầu gặp Le Thi Ha - cô con gái bà nhận nuôi - tại sân bay Adelaide, cô bé nhỏ đến độ trên vành tai, vai và lưng vẫn còn lông măng, một dấu hiệu cho thấy cô bé bị đẻ non nhiều ngày.
Tại thời điểm đó, Ha cân nặng chỉ 2,25kg, và nhỏ đến mức được đặt lọt vào trong một chiếc hộp đựng giày, trên hành trình hơn 6.000 km từ miền Nam Việt Nam sang Úc.
Le Thi Ha trong một bức ảnh cũ chụp năm 1975 (Ảnh: NVCC)
"Chúng tôi khi đó nghe nói các trại trẻ mồ côi trộn Vegemite (một loại thực phẩm làm từ bã bia sau khi lên men) với nước để bón cho lũ trẻ ăn bởi họ không đủ tiền mua sữa bột, nhưng con bé vừa mới ra đời nên vẫn chưa kịp bị suy dinh dưỡng", bà Diggins nhớ lại.
"Con bé đúng là một giấc mơ. Sau này nó cũng phổng phao nhưng lúc đó vô cùng yếu ớt. Nó không hề khóc và xinh đẹp tuyệt vời. Tôi khi ấy không thể tin được mình lại có cô con gái nhỏ bé này".
Le Thi Ha, giờ đây mang tên Chantal Doecke, cùng các con. (Ảnh: adelaidenow)
Le Thi Ha, giờ đã là bà Chantal Doecke với 4 đứa con, ngày đó nằm trong số trẻ em bị bỏ rơi được di tản trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch "Không vận trẻ em" (Babylift), đã đưa được gần 3.000 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rời khỏi miền Nam Việt Nam tới các nước khác trong đó có Mỹ, Pháp, Canada và Úc trong thời gian từ 3/4 đến 26/4/1975.
Le Thi Ha (trái) chụp ảnh cùng các anh chị em sau khi được nhận nuôi (Ảnh: NVCC)
Giờ đây, 40 năm sau, Doecke đang muốn tìm lại gốc gác của mình, với manh mối duy nhất là tờ giấy khai sinh do chính quyền cũ cấp mà nay đã không còn hồ sơ lưu trữ.
Tất cả những gì chị biết đó là mình bị bỏ lại tại bệnh viện Từ Dũ.
"Mẹ đã sinh ra tôi và bỏ đi. Chắc chắn rằng bà biết không thể bỏ chạy với một đứa bé sơ sinh còn non yếu", Doecke nói. "Tôi không tin rằng còn tồn tại bất kỳ thứ giấy tờ nào. Đáng buồn là nhiều trẻ được nhận nuôi như tôi đều có chung cảnh ngộ đó. Khi ấy không có thời gian để nghĩ đến các chi tiết, mà tất cả chỉ muốn "hãy đưa con tôi đi."
Tất cả hy vọng giờ đây được đặt vào một dự án xét nghiệm ADN mang tên Chiến dịch đoàn tụ, với mục tiêu giúp những em bé được đưa đi trong chiến dịch Babylift tìm lại gia đình ruột thịt của mình.
Rất nhiều trẻ nhỏ đã được đưa khỏi miền Nam Việt Nam những ngày cuối chiến tranh (Ảnh: Internet)
"Khi lớn lên, tôi biết rằng mình là con nuôi, nhưng không thực sự hiểu nhiều về điều này", Doecke cho biết thêm. "Thậm chí khi đã ở tuổi vị thành niên, khi có ai đó hỏi liệu tôi có muốn tìm lại cha mẹ mình hay không, tôi cũng nói rằng tôi có một người cha và một người mẹ rồi".
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi Doecke 20 tuổi, và có đứa con đầu lòng. Khi cùng nhìn hình ảnh của mình và con qua gương, chị tự hỏi "trông con giống mình y hệt, vậy mình thì giống ai?"
Suốt những năm tháng lớn lên tại Úc, Chantal đã tìm cách che giấu nguồn gốc châu Á của mình bằng cách nhuộm tóc, che phủ da bằng những hình xăm để tránh sự phân biệt và kỳ thị.
Giấy khai sinh là manh mối duy nhất Le Thi Ha có để tìm lại gốc gác của mình (Ảnh: NVCC)
"Bằng cách thay đổi diện mạo, tôi có thể giấu được vẻ ngoài châu Á khỏi những cái nhìn chằm chằm từ xung quanh".
Năm 2004, Le Thi Ha và mẹ nuôi cuối cùng cũng đến Sài Gòn mà nay đã là TP. Hồ Chí Minh, và không khỏi ngỡ ngàng bởi những cảm xúc bất chợt ùa về.
"Đó đúng là một kỷ niệm đáng nhớ", chị kể lại. "Đó đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ và tôi không có bất kỳ tìm hiểu gì trước khi lên đường. Nó đã thôi thúc một cái gì đó bên trong tôi, một khát khao được trở lại nhiều lần nữa để biết được nhiều hơn".
3 năm sau, Ha trở lại trong chuyến đi lần hai, và cùng mẹ nuôi tới thăm viện phụ sản Từ Dũ. "Mẹ đẻ của tôi hẳn phải có ít tiền nên mới bỏ tôi trong bệnh viện", Ha nói. "Tôi là đứa trẻ duy nhất ở bệnh viện đó bị bỏ rơi vào thời điểm đó".
Chantal chụp ảnh cùng các anh chị em nuôi tại Adelaide. (Ảnh: adelaidenow)
Các nhân viên bệnh viện ngày ấy cho biết có một y tá vẫn còn làm việc từng có mặt trong những ngày diễn ra chiến dịch Babylift, một người có thể nhớ lại điều gì đó. Nhưng vào ngày Ha đến thăm, người y tá này lại nghỉ làm trong khi Ha phải trở về Úc vào hôm sau.
"Rất nhiều trẻ mồ côi được nhận nuôi sau chiến dịch Babylift cảm thấy oán giận, cho dù vào thời điểm đó không có nhiều lựa chọn", bà mẹ có 4 con chia sẻ. "Tôi thì không oán giận gì. Tôi biết vì sao mẹ bỏ tôi lại - bà ấy không thể rời khỏi Sài Gòn với một đứa con mới sinh. Tôi muốn tìm lại ai đó, biết tôi trông giống ai. Tôi muốn tìm hiểu những gương mặt trong gia đình đó và tìm những nét tương đồng về tính cách", Chantal chia sẻ.
"Tôi cần biết nhiều điều. tất cả những người đến trong chiến dịch Babylift xem nhau như anh chị em. Nước Úc là nơi tôi đang sống nhưng giờ tôi cảm thấy nhà tôi là ở Việt Nam. Khi bước xuống máy bay tôi thấy những khuôn mặt châu Á, và không còn cảm thấy là kẻ lạc lõng nữa".
Là một đầu bếp chuyên nghiệp, Chantal hiện đang học làm y tá và bà đỡ, với giấc mơ được làm ở khu vực nông thôn, hoặc khi lũ trẻ đủ trưởng thành, chị sẽ làm việc đâu đó tại Việt Nam.
"Lần cuối cùng ở Việt Nam tôi đã đi xem một chương trình ca nhạc", Chantal nói. "Tôi ngồi đó với chị dâu và đột ngột có một luồng cảm xúc trào dâng khiến tôi bật khóc. Thật không kìm nén nổi. Nơi này rõ ràng đã khiến cảm xúc trong tôi trỗi dậy suốt những năm qua. Giờ tôi xem một cuốn phim tài liệu, hay một bộ phim, tôi vẫn rơi nước mắt. Khi đi quanh đất nước ấy, bạn vẫn sẽ thấy dấu vết của chiến tranh còn hằn lên những con người và mảnh đất nơi ấy".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Những hình ảnh trong chiến dịch "không vận trẻ em" cách đây 40 năm Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi chính quyền Mỹ đưa gần 2.700 trẻ em Việt Nam rời Sài Gòn trong chiến dịch mang tên "không vận trẻ em", nhiều em bé năm xưa đã lớn và trở lại Việt Nam tìm hiểu cội nguồn. Ngày 3/4/1975, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ...