Những đứa trẻ sinh ra trong trại giam
Đến Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân, Bình Định) những ngày này nắng như đổ lửa. Đại úy Nguyễn Thị Hồng Ái, Đội phó Đội Hồ sơ – Giáo dục Trại giam Kim Sơn, dẫn chúng tôi đến Phân trại 2, nơi có 4 em bé dưới 36 tháng tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây. 3 trong 4 em bé này được sinh ra khi mẹ chúng đang là phạm nhân thụ án ở trại giam.
Tặng quà 1.6 cho các cháu – Ảnh: Tâm Ngọc
Những cô gái mang con vào tù
“Em không biết sao em làm vậy nữa chị. Mà trước đó, em cũng đi tù một lần rồi chứ. Vậy mà trong lúc túng bấn, mà chủ yếu là lòng tham nổi lên, em lại trộm cắp. Lần vào tù này là do em trộm 3 cái điện thoại trị giá 1,9 triệu với 300.000 đồng tiền mặt. Án của em là 18 tháng, do chưa được xóa án tích nên dù đang mang thai gần 8 tháng, em vẫn phải vào tù”, phạm nhân Nguyễn Thị Thu Thùy (19 tuổi, ở xã Đức Lợi, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) phân trần khi chúng tôi hỏi chuyện.
Thùy kể, cô bỏ học từ lâu rồi học nghề may. Khi trộm điện thoại và tiền từ nơi mình đang làm, Thùy kể có khóc lóc, xin xỏ nhưng người ta bắt tại trận nên không tha. Vậy là ôm bụng bầu sắp sinh ngồi tù trong sự tủi hổ cùng cực. Tuy nhiên, khi vào Trại giam Kim Sơn, Thùy lại được các phạm nhân nữ cùng phòng hết sức sẻ chia. Ngày cô đi đẻ, có tới 3 cán bộ trại giam hộ tống và chăm sóc. Mọi vật dụng, đồ dùng đi sinh đều được cán bộ lo chu đáo. Thùy nói vui: “Chưa chắc ở ngoài em được vậy đâu vì em chưa có chồng. Cái thai này là của bồ em. Nhưng từ đó đến giờ, ảnh cũng không lên thăm mẹ con em lần nào…”
Cùng cảnh với Thùy là Nguyễn Thị Thanh Tịnh (22 tuổi, ở P.Đập Đá, TX. An Nhơn, Bình Định). Tịnh cùng bị án 18 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Trước đó, Tịnh đã có 3 tiền án, cũng tội trên. Ngày vào trại, Tịnh không hề biết mình đã có thai hơn 5 tháng. Cô còn ngô nghê hỏi các phạm nhân nữ khác trong phòng: “Sao bụng con có con gì cứ quậy quậy bên trong”. Khi được cho đi khám sức khỏe và biết mình có thai, Tịnh mới ngã ngửa. 22 tuổi, chưa chồng, không nghề nghiệp và vào tù khi bầu 5 tháng. Thậm chí, khi Tịnh vào tù, người yêu của Tịnh cũng không biết, càng không biết đến cái thai vì đang làm ngư dân lênh đênh trên biển đến mấy tháng mới về.
Đọc hồ sơ của Mai Trung Tiết Thảo (29 tuổi, thường trú ở xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) khiến người ta không khỏi rùng mình. Ba mẹ Thảo bỏ nhau, bỏ luôn con khi Thảo còn bé. Thảo sống cùng gia đình nhà nội một thời gian rồi bỏ ra ngoài tự sống. Chưa đầy 30 tuổi nhưng Thảo đã 2 lần bị xử tội trộm cắp tài sản, lần vào tù này là án 8 năm vì buôn bán ma túy. Thảo có chồng rồi ly hôn, sinh tất cả 4 đứa con với 4 người đàn ông. Ngày Thảo vào tù, đứa con nhỏ nhất là Mai Hồ Thanh Hải (sinh năm 2013, khi ấy mới 17 tháng tuổi) phải theo mẹ vào ở trong trại giam vì ở ngoài không có ai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Video đang HOT
Án tù lâu nhất là Phạm Thị Tanh (31 tuổi, người dân tộc H’rê ở H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) với mức 18 năm vì tội mua bán trẻ em, phụ nữ qua Trung Quốc. Tanh vào tù và không biết mình đã có thai được 2 tháng. Trước đó, Tanh từng bị bắt nhưng do có thai nên được hoãn thi hành án, cho về để sinh con nhưng bị sẩy thai rồi trốn luôn cho đến ngày bị bắt lại. Tanh từng là nạn nhân của nạn buôn người và rồi trở thành người của đường dây đó quay trở lại bản làng để làm việc xấu. Với mức án này, ngày Tanh ra tù thì con gái cũng đã lớn.
Trẻ con không có tội
Đại úy Hồng Ái dẫn chúng tôi đến gặp các bé, chị còn mang theo quà của đơn vị nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 cho các bé vì “ngày lễ của trẻ con, có chút quà cho các cháu mừng”. Ngày lễ, Tết, Trung thu, thậm chí là ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ban Giám thị Trại giam cũng có quà gửi cho các bé và mẹ. Bé thì bộ quần áo, hộp sữa, hộp bánh, còn mẹ được nhận thêm phong bì 100.000 đồng để mua thêm thứ cần thiết. Đây là sự ưu tiên “vượt khung” mà đơn vị trích từ quỹ riêng để lo cho các cháu.
Vừa thoáng thấy bóng Trung tá Lê Tấn Dư, Phó giám thị Trại giam Kim Sơn, phụ trách Phân trại 2, bé Hải (2 tuổi), con trai của phạm nhân Mai Trung Tiết Thảo đã chạy lại ôm “ông ngoại” rồi sà ngay vào lòng ông nghịch điện thoại. Các bé khác thấy các cán bộ trại giam đến cũng hớn hở vui mừng. Đại úy Ái kể: “Mấy bé ở đây trộm vía trời thương, đứa nào cũng mập mạp, khỏe mạnh và rất ngoan. Cán bộ ở đây còn thường xuyên tặng quà cho các cháu, khi thì bánh, kẹo sữa, khi thì đồ chơi. Nghĩ cũng tội, sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo cho các cháu”. Mọi khoảng cách theo lẽ thường dường như đang nhường chỗ cho tình người, tình thương nhân văn sâu sắc ở đây, nơi trại giam này.
Trung tá Dư kể, sau khi phạm nhân Tanh sinh con, ông cứ suy nghĩ mãi về việc có nên làm đầy tháng đặt tên cho cháu hay không. Theo phong tục, một đứa trẻ khi được sinh ra dù giàu hay nghèo cũng được người nhà làm cho một lễ cúng đầy tháng kính cáo với ông bà về một thành viên mới được gia nhập vào cộng đồng. Mẹ cháu tuy là phạm nhân nhưng bé sinh ra nào có tội tình gì. Ông về hỏi vợ các thủ tục cúng tế thế nào, chuẩn bị mâm cúng ra sao để sắp đặt. Trung tá Dư kể lại: “Trưa đó đi làm về, thấy mâm cúng bày sẵn có đầy đủ gà, xôi, chè, trái cây, các nữ phạm nhân ôm nhau khóc ròng. Tôi đứng ra đọc bài khấn cho cháu Ánh”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết thêm, Ban Giám thị Trại giam đã quan tâm, sắp xếp cho phạm nhân nuôi con nhỏ công việc phù hợp, cho hầm xương heo lấy nước nấu cháo, nấu bột cho bé. Mỗi lần đến lịch tiêm phòng cho trẻ, trại điều xe ô tô chở các cháu xuống Trung tâm y tế huyện để tiêm; đau ốm đột xuất cũng được chở xuống dưới đó khám bệnh cho an tâm. Thượng tá Kỳ nói: “Anh em ở đây thường đùa rằng con của cán bộ chiến sĩ cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao như thế. Nói đùa vậy thôi, chứ trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm tội thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc, nhất là trong một môi trường vốn không dành cho trẻ như thế này”.
Tâm Ngọc
Theo Thanhnien
Những người xây cầu nhân ái
Họ là những nhà quản lí, cán bộ quản giáo, trinh sát, y, bác sĩ... nhưng đều có chung một nhiệm vụ là giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi để mỗi phạm nhân, trại viên, học sinh cải tạo tiến bộ, để khi hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Đó chính là cán bộ, chiến sỹ công tác trong lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - những người được trao sứ mệnh đi xây cầu nhân ái, giúp những người lầm lỡ hoàn lương.
Có lần, trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp về việc cải tạo những người lầm lỗi, đặc biệt là các đối tượng cộm cán, ông bảo rằng: "Việc trừng phạt những người phạm tội không đơn giản là loại họ ra khỏi đời sống xã hội, mà phải bằng chính tấm lòng của mình để giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình để phấn đấu vươn lên. Các đối tượng cộm cán cũng vậy, ngoài việc quản lí, giam giữ đúng pháp luật, còn nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp, khích lệ họ cố gắng cải tạo".
Quả vậy, việc xác định đúng đối tượng để có biện pháp quản lí, giáo dục phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Như việc Đại úy Hoàng Thị Hiệp, Phó đội trưởng thuộc Trại giam Ninh Khánh cảm hóa phạm nhân Chu Diệp Ngà, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 15 năm.
Với mức án dài, Ngà chán nản, thường xuyên vi phạm kỷ luật, không muốn lao động. Nhưng bằng tấm lòng của mình, chị Hiệp đã tìm hiểu hoàn cảnh, trích lương của mình giúp Ngà đóng tiền hình phạt bổ sung; tặng quà Ngà lúc ốm đau, lễ, Tết.
Tấm lòng của Đại úy Hiệp đã khiến Ngà cảm động, cố gắng cải tạo tốt, được giảm án về trước thời hạn. Khi đã trở về cộng đồng, Ngà vẫn thường xuyên liên lạc với chị Hiệp, kể về cuộc sống hiện tại của mình, tuy khó khăn nhưng lương thiện, đồng thời không quên cảm ơn người cán bộ giáo dục đã giúp mình hoàn lương.
Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Ninh Khánh làm thủ tục trao giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân
Còn như bác sĩ, Thượng tá Ngô Kim Thảo - người hơn 30 năm gắn bó với Trại giam Gia Trung đã cùng đồng đội không ngại hiểm nguy, vất vả chăm sóc các phạm nhân, bởi đối với anh và những người làm công tác y tế trong trại giam thì việc chăm sóc tốt sức khỏe cho phạm nhân, cũng là giúp họ làm lại cuộc đời.
Đặc thù của y tế trại giam là thường xuyên cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe phạm nhân, trong đó một số phạm nhân do nghiện ma túy, mắc các bệnh mạn tính, nan y thường bi quan, chán nản nên không hợp tác trong điều trị hoặc manh động, chống phá, tự gây thương tích để khước từ cải tạo, hoặc chống đối, dùng vũ khí, máu nhiễm HIV đe dọa, tấn công cán bộ, chiến sỹ và cán bộ y tế. Nhưng chưa một lần Thượng tá Thảo và những người làm công tác y tế ở trong Trại giam Gia Trung than thở, bởi đó không chỉ là công việc, mà còn là lương tâm, đạo đức của những người "dính" nghiệp này.
Từ năm 2010 đến nay, Trại giam Gia Trung đã có 32 đồng chí phơi nhiễm, 12 đồng chí mắc bệnh lao, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sỹ nói chung, cán bộ y tế nói riêng. Điều kiện về cơ sở vật chất bệnh xá của Trại còn hạn chế, tuy vất vả, các anh, chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ở Trại giam Thủ Đức, công luôn được đổi mới theo phương châm thuyết phục, cảm hóa kết hợp với giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục công dân gắn với đào tạo nghề. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cũng được duy trì thường xuyên và xem đây là biện pháp tốt giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý trong quá trình học tập, cải tạo...
Mỗi một chiến công, mỗi một tấm gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân là một sự hy sinh thầm lặng, biểu trưng cho phẩm chất cao quý của người chiến sỹ Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp...
5 năm qua, các đơn vị trong Tổng cục đã được tặng thưởng 5 Huân chương Độc lập hạng ba, 9 Huân chương Quân công các hạng, cùng hàng trăm huân, huy chương, Cờ thi đua và Bằng khen; hàng chục chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 10 nghìn lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Nhưng, với họ, trên những danh hiệu, việc giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi trở thành người có ích trở thành nghĩa vụ thiêng liêng. Bởi công tác trong lực lượng này, các anh, chị hiểu, nếu một người tiến bộ, một gia đình, một cộng đồng sẽ bớt đi một nỗi đau...
Trong 5 năm 2010 - 2015, các đơn vị trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục đã tổ chức hàng ngàn lớp dạy nghề, truyền nghề cho hàng trăm ngàn lượt phạm nhân.
Nhiều phạm nhân khi được đặc xá, hết thời hạn chấp hành hình phạt tù trở về đã phát huy tốt tay nghề được học để tăng gia, sản xuất, tạo thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Lực lượng chức năng đã tổ chức xét tha, xét giảm, xét đặc xá cho hàng trăm nghìn lượt phạm nhân, trong đó có hơn 300.000 lượt phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; gần 11.000 lượt trại viên, trên 5.700 lượt học sinh được giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt có 43.589 phạm nhân cải tạo tiến bộ được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Theo Công An Nhân Dân
Thiếu niên sát hại bé bán vé số tươi cười sau tuyên án Nghe HĐXX tuyên án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của cơ quan công tố, Nam tỏ ra vui mừng, nhanh chân theo cảnh sát ra xe tù về trại giam. Sáng 20/4, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Danh Quốc Nam (14 tuổi) 7 năm 6 tháng tù vì tội Giết người và Cướp tài sản. Theo cáo trạng, Nam và...