Những đứa trẻ không biết “mùi” trung thu
(Dân trí) – Trên mọi nẻo đường phố Sài Gòn, đèn sao đã rực rỡ, tiếng trống ếch đã rộn ràng. Lẩn khuất trên những con phố ấy vẫn có những đứa trẻ chưa từng một lần biết “mùi” Trung thu.
Trong ánh đèn phố thị, một bé gái ngửa tay xin tình thương của khách qua đường.
Cậu nhóc Thắng (11 tuổi) với tập vé số trên tay, kể: “Con ở Kiên Giang, ba con mất từ khi con còn bé, mẹ đi lấy chồng rồi. Hai năm nay con lên thành phố đi bán vé số cùng với một nhóm bạn trong cảnh cũng gần như con… Những ngày ở quê con còn được chơi với các bạn trong đêm Trung thu, nhưng từ khi lên đây đến giờ con phải lo kiếm tiền để nuôi bà nội”. Học hết lớp 3 thì mẹ đi lấy chồng, chẳng còn ai lo cho, Thắng phải lao mình vào dòng đời mưu sinh.
Vòng về bến đò trên dòng sông Tân Thuận, tôi bắt gặp một đám trẻ nheo nhóc “đầu bù tóc rối” đang đứng nhăn nhó trên những chiếc ghe đậu bên bờ. Chúng là con của một số gia đình đã nhiều năm sống lênh đênh trên ghe thuyền. Những đôi mắt tròn xoe chăm chú nhìn người khách lạ nhưng không một lời chào hỏi.
Bến đò này là điểm tập trung của hàng chục chiếc ghe lớn nhỏ khác nhau, buôn bán chủ yếu là nông sản như chuối, dừa nước, dưa hấu… Nhiều chiếc ghe chỉ cập bến để trao đổi hàng hóa, nhưng có một số lớn thì đóng đô cố định lại đây, ăn ở ngay trên thuyền. Chủ của những chiếc ghe đều là người miền Tây, đến từ các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Long An…
“Ở quê không đất đai cũng không nghề ngỗng gì nên chúng tôi lên đây làm ăn. Cái nghề lênh đênh trên sông nước bạc lắm chú ạ! Cả gia đình chỉ ở trên chiếc ghe bé xíu thế này thôi, vợ chồng nghèo nên con cái cũng có được học hành gì đâu.” – Anh Tuấn ném cái nhìn nặng trĩu xuống dòng sông đang lững lờ trôi, chép miệng tâm sự. Một năm trước đây, cũng trên dòng sông này, đứa con gái mới lên 2 của anh đã bị dòng nước nuốt chửng khi cháu mới chỉ tập tễnh những bước đi đầu đời.
Hỏi về việc mua sắm tết Trung thu cho các con, chị Mỹ Thoa, vợ anh Tuấn chua chát nói: “Làm còn không đủ bữa ăn thì tiền đâu mà mua bánh mua quà cho chúng. Mình cũng buồn và biết các con thua thiệt nhưng đành chịu thôi”. Thấy người lớn nói về Trung thu, bé Nguyễn Văn Quý con chị Mỹ Thoa ngây thơ hỏi “Tết Trung thu là gì hả chú?”.
Hai em Toàn và Minh năm nay đã 13 tuổi thì vui vẻ cho biết: “Mấy năm trước vào đêm trung thu bọn em thường rủ nhau thức, chờ vớt những chiếc đèn họ thả trôi trên sông để chơi, nhiều chiếc còn có cả tiền trong đó nên thích lắm. Đêm trung thu năm rồi, các bạn trong phường có mang quà ra cho tụi em, có nhiều cái bánh ăn rất ngon. Các bạn được ba mẹ đưa đi chơi ở nhiều nơi lắm anh ạ…!”.
Nhiều đứa trẻ trên dòng Tân Thuận chưa từng biết Tết Trung thu
Chia tay với những em nhỏ trên dòng sông Tân Thuận, tôi trở lại “xóm ngụ cư” của những đứa trẻ lượm ve chai sống bên Hầm đá thuộc ấp Tân Lập, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương. Những người sống ở đây đều là dân tứ xứ, từng làm nhân công khai thác đá. Sau khi hầm đá ngừng hoạt động, họ dựng tạm những ngôi nhà, cố gắng bám trụ lấy mảnh đất này. Trước kia, họ là người lao động tự do, không đăng kí hộ khẩu nên những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh vì thế các em cũng chẳng đủ điều kiện để được đến trường.
Người lớn của 35 gia đình ở xóm, đa phần đều làm phụ hồ, việc lượm ve chai hàng ngày của các em nhỏ cũng là nguồn thu nhập lớn trong nhà. Dường như cái nghèo, cái đói đã trói chân họ nên dù là tết Cổ truyền hay tết Trung thu cuộc sống cũng vẫn bình lặng như bao ngày. Đám trẻ cũng đã quen với cảnh khổ nên cũng chẳng đòi hỏi gì ở cha mẹ.
Video đang HOT
Không được học hành, nhưng lũ trẻ trong xóm lại biết lo toan “sự đời” trước tuổi. Khoác cái bao dài hơn người trên vai, làn da đen cháy nắng, Tèo (12 tuổi) anh cả của nhóm trẻ nhặt rác cho biết: “Bọn em dậy đi lượm từ sáng sớm, nếu đi trễ thì người ta lượm hết. Kiếm được tiền bọn em đều đưa cho mẹ mua gạo…”. Để kiếm được nhiều “chiến lợi phẩm” cả nhóm lượn khắp làng Đại học sau đó bách bộ dọc quốc lộ 1A hoặc xa lộ Hà Nội. Tính ra quãng đường các em đi trong ngày lên đến hàng chục km.
Lũ trẻ cần mẫn đi lượm ve chai, bất kể nắng mưa.
Mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 10 nghìn đồng từ những loại phế liệu đã thu lượm, nên chuyện có được vài chiếc bánh để “phá cỗ” trong đêm Trung thu với các em chỉ là mơ ước. “Hôm qua, thằng Tý (6 tuổi) nó đi qua chỗ người ta bán bánh cứ đứng nhìn hoài. Tối về nó đòi mẹ em mua bánh thì bị đánh cho mấy roi… Năm trước bọn em được các anh chị sinh viên đến cho quà và dẫn đi xem múa lân, vui lắm. Ngày mai, chẳng biết các anh chị ấy có đến nữa không”, cu Thương buột miệng nói.
Mong ước nhỏ nhoi của những em nhỏ này là có được một chiếc đèn ông sao để đi chơi trong đêm trăng. “Nếu có bánh nướng hay bánh dẻo nữa thì càng vui anh ạ. Em thích ăn bánh nướng lắm nó vừa béo lại vừa bùi… Em mới được ăn có 2 lần à! Năm nay bọn em sẽ xin mẹ cho đi xem múa lân hoặc chia nhau ra chơi trận giả. Nếu kiếm được nhiều tiền em sẽ mua thật nhiều lồng đèn, bánh nướng, bánh dẻo để chia cho các bạn.”. Minh vừa dứt lời thì Hùng đã chen vào “Chưa năm nào em được bố mẹ cho đi chợ để mua đồ chơi. Bọn em thường lấy ống bơ cắt ra rồi cho nến vào thắp để làm đèn. Mặt nạ bọn em cũng dùng nhựa và cắt rồi khoét thành lỗ để đeo…”.
Trở về thành phố, dưới ánh đèn nhá nhem của đô thị, vẫn thấp thoáng bóng dáng của những đứa trẻ lê la chìa tay xin khách qua đường. Đêm nay, khi hội trăng rằm vào lúc tưng bừng náo nhiệt nhất cũng là lúc nhiều em thơ đang co quắp dưới mái hiên trên các vỉa hè.
Vân Sơn
Nghẹn lòng trước cảnh con 5 tuổi chăm mẹ ung thư
(Dân trí) - Đôi bàn tay bé xíu, vừa xúc cơm vừa đỡ đầu mẹ, bé Trường nhẹ nhàng đút từng thìa cho mẹ rất thuần thục. Một năm nay, mọi việc chăm sóc người mẹ bị bệnh nan y đang lay lắt những ngày cuối đời đều do cậu bé chưa tròn 5 tuổi này lo hết.
Chối bỏ con thơ vì vợ mang căn bệnh tử thần
Dưới cái nắng chói chang của miền đất Tây Ninh, chúng tôi tìm đến nơi ở của mẹ con cô giáo Võ Thị Mến ở ấp Ninh Lộc, xã Ninh Sơn, Thị xã Tây Ninh. Trong nhà căn nhà mục nát và chắp vá, đập vào mắt chúng tôi một hình ảnh nát lòng - một đứa trẻ chưa tròn 5 tuổi đang đút từng thìa cơm cho người mẹ nằm thoi thóp trên chiếc võng cũ. Thấy khách đến, đứa bé mặc bộ đồ lấm lem vội khoanh tay lễ phép cúi chào rồi quay lại tiếp tục đút cơm cho mẹ.
Bé Trường đút cơm cho mẹ một cách thuần thục khi em chỉ mới gần 5 tuổi
Không khí tĩnh lặng buổi trưa bị phá tan bởi tiếng khóc nghẹn ngào của cô Mến khi vô tình chúng tôi hỏi đến cha bé Trường.
Do hoàn cảnh nghèo khó nên mãi đến năm 40 tuổi cô giáo Mến mới tìm cho mình được hạnh phúc với một người đàn ông góa vợ. Một năm sau (năm 2004), bé Mai Xuân Trường chào đời. Thằng bé kháu khỉnh và giống cha như đúc. Lúc ấy cô cứ tưởng số phận đã mỉm cười với mình.
Nhưng thật éo le, niềm hạnh phúc đó không kéo dài được lâu. Khi bé Trường được hơn 2 tuổi cũng là lúc cô Mến phát hiện mình mang căn bệnh hiểm nghèo.
Năm 2006, cô Mến thấy ngực mình đau buốt, chạy chữa khắp nơi nhưng cũng không tìm ra bệnh. Đến khi xuống bệnh viện ở TPHCM mới rụng rời, cô bị ung thư ngực đã di căn. Cũng lúc ấy, cô chịu thêm một niềm đau còn lớn hơn, người chồng lẳng lặng bỏ đi không một lời từ biệt.
Khi chăm mẹ xong, chú bé háo hức moi trong tủ ra khoe với chúng tôi những tấm hình được chụp hồi đầu năm. Mân mê những tấm hình, bé Trường chỉ vào bộ quần áo mới nguyên trong tủ, khoe: "Mẹ nhờ dì mua mất tận 30.000 đồng đấy. Nhưng cũng từ đó đến nay con chưa mặc, còn để dành".
Mẹ ốm. Cha bỏ đi. Bé Trường thua thiệt đủ đường. Một năm nay, khi căn bệnh của mẹ trở nên trầm trọng, không thể đi lại, thì tất cả công việc trong nhà đều đến tay bé. Ngày qua ngày, Trường dần quen với công việc nhà và trở thành trụ cột của gia đình khi chưa tròn 5 tuổi.
Chúng tôi hỏi Trường thường làm gì giúp mẹ, bé nhanh nhảu trả lời: "Con biết vo gạo, nấu cơm, nhiều thứ lắm". Người nhỏ xíu, mỗi lần bắc cơm chú bé phải trèo lên chiếc ghế rồi mới với tay tới chỗ cắm điện. "Thấy con nhỏ tiếp xúc với điện nguy hiểm nhưng cũng đành nhìn con làm vì người không thể ngồi dậy được", cô Mến thở dài.
Cậu bé 5 tuổi này mấy năm nay đều tự chăm lo cho bản thân mình: tự tắm rửa, tự ăn, tự chơi, tự học. Nhìn chúng bạn được ba mẹ đón đưa, được chơi đủ trò trong trưa nắng, thèm lắm nhưng cu cậu không dám đi chơi xa, chỉ quẩn quanh bên mẹ, "ở nhà còn xoa dầu, bóp tay cho mẹ đỡ đau".
Vừa cho mẹ ăn, bé Trường vừa bóp tay cho mẹ
"Thầy thuốc nhỏ" này còn thuộc nằm lòng những bài thuốc dân gian sắc cho mẹ. Chưa ý thức được mức độ hiểm nghèo của căn bệnh mà mẹ đang mang, Trường chỉ nghĩ "có thuốc cho mẹ uống là khỏi bệnh" nên hằng ngày, khi dì rảnh, Trường lại nhờ dì dắt đi tìm lá thuốc.
"Tội cháu nhất là những khi Tết hoặc Trung thu, nhìn những đứa trẻ khác được bố mẹ chở đi chơi, mua quà. Con mình chỉ biết nhìn theo các bạn...", cô Mến nghẹn lời. Những lúc như vậy, Trường chỉ ôm mẹ mà nói: "Con không cần quà đâu. Mẹ dành tiền trị hết bệnh, mẹ đừng chết nghe mẹ!".
Dấu chấm hết cho một cô giáo có tâm với nghề
Cô Võ Thị Mến, năm nay 45 tuổi, nguyên là giáo viên dạy địa trường THCS Nguyễn Tri Phương (TX Tây Ninh). Đầu năm 2007, cô Mến bị đau ở vùng ngực và tay trái, khám mới phát hiện mình bị ung thư đang di căn không thể phẫu thuật được. Các bác sĩ điều trị cũng chỉ cho thuốc uống để ngăn chặn sự phát triển của khối u, nhưng vẫn không giảm. Hiện cô và con trai, bé Mai Xuân Trường, 5 tuổi đang tá túc tại nhà người chị thứ hai ở 271/3 ấp Ninh Lộc, Ninh Sơn, TX Tây Ninh (Điện thoại: 01264902397).
Mười tám năm đứng trên bục giảng, biết bao thế hệ học trò qua lớp của cô.
Suốt 18 năm đi dạy, cô Mến luôn được xếp loại lao động giỏi. Nếu cô dạy thêm 2 năm nữa thì có lẽ nay đã nhận được giấy chứng nhận Nhà giáo ưu tú với 20 năm cống hiến rồi. Ấy vậy mà từ khi nghỉ dạy đến nay đã một năm, cô Mến vẫn chưa nhận được giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm.
Khẽ nén tiếng rên trong những cơn đau giằng xé trong xương trong thịt, cô Mến nghẹn ngào kể lại: Bệnh phát càng nặng, cơn đau dồn dập, chi phí thuốc men tốn kém vô cùng. Cả tháng lương giáo viên không đủ chi cho một lần xuống thành phố trị bệnh. Khối u di căn gây lở loét nên cô đành phải nghỉ dạy.
Cô Mến với những tấm bằng chứng nhận lao động giỏi những năm còn đi dạy
Cắn răng chịu đựng khi cơn đau hành hạ, không kiếm đâu ra tiền chữa trị, cô bấm bụng bán nền nhà nhỏ là chỗ trú mưa nắng của hai mẹ con, được tổng cộng 32 triệu. Nhưng số tiền này cũng nhanh chóng đội nón ra đi theo những đơn thuốc.
Tiền không, nhà cửa không, hai mẹ con dắt díu nhau về tá túc tại nhà người chị thứ hai vốn cũng không gì khá giả hơn.
Trong căn nhà chắp vá, chỗ lành ít hơn chỗ thủng, cô Mến khóc suốt trong buổi trò chuyện cùng chúng tôi. "Nỗi khổ cực, đau đớn của tôi chỉ biết kêu trời cho thấu, nhưng tôi "đi" không đặng, vì bé Trường còn bé quá"...
Bữa cơm của mẹ con bé Trường chỉ có canh và nước tương
Chúng tôi ra về trong nỗi day dứt "chết không đặng" của cô giáo Mến và bước chân lon ton gọi với theo của cu Trường "Lần sau xuống, cô chú... cho con... một hình siêu nhân nghen!".
Chút vòi vĩnh rụt rè của "người đàn ông trụ cột" 5 tuổi như lưỡi dao cứa vào lòng chúng tôi. Đằng sau sự can đảm của "người đàn ông trụ cột" kia, vẫn là tâm hồn của một đứa trẻ...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Cô Võ Thị Mến - 271/3 ấp Ninh Lộc, Ninh Sơn, TX Tây Ninh (Điện thoại: 01264902397). 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 SWIFT Code : ICBVVNVX106 Tại : Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
Lê Phương - Trung Kiên