Những đứa trẻ chạy lũ ra thành phố mưu sinh
Trong đêm tối lạnh giá, trên các ngả đường thủ đô vẫn có những bước chân con trẻ âm thầm mưu sinh.
Với các em, mưu sinh cũng là cách quên đi buốt giá của những đợt gió lạnh đầu mùa của Hà Nội, quên đi tuổi thơ vất vả, cơ cực.
“Lũ đến chúng em ra đi”
Những đứa trẻ trong đêm tối.
20 giờ. Chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân) còn vắng lặng, thưa thớt người qua lại. Tranh thủ lúc những chuyến xe chở hàng chưa tới, thấp thoáng những đứa trẻ vạ vật trên thùng hàng, tranh thủ chợp mắt lấy sức chuẩn bị cho một đêm làm việc. Mặc cho những cơn gió lạnh đầu mùa, bọn trẻ vẫn ngủ ngon lành với manh áo mỏng, màn trời chiếu đất.
Ngồi sau một chiếc lán tạm bợ ở góc chợ, Nguyễn Văn Bình (14 tuổi) co ro tránh gió, mắt em nhìn xa xăm ra đường. Bình tâm sự, em mới ra Hà Nội theo lời “rủ rê” của mấy chị trong xóm. “Quê em lũ tràn về trôi hết nhà cửa, ở nhà không biết lấy gì mà ăn qua ngày, mùa màng mất trắng. Để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ, em ra Hà Nội kiếm sống được gần 2 tuần rồi”, Bình kể.
Sau đợt lũ kép tàn phá miền Trung vừa rồi, Bình cùng với một số bạn cùng quê ở Hưng Nguyên (Nghệ An) bỏ học, khăn gói ra Thủ đô kiếm sống. “Ở nhà khổ thế còn sống được, ngại chi việc nặng nhọc ở Thủ đô. Nghĩ thế nên em mới quyết định ra đây”, Bình nói. “Em không định trở về quê đi học à?”, tôi hỏi. “Không anh ạ. Quê nghèo, lại bị thiên tai, đi làm kiếm sống chứ tiền đâu mà đi học. Lúc em đi, nhà trường còn bị ngập nặng, không biết các bạn đã tới lớp được chưa?”, Bình nói mà ánh mắt xa xăm.
Cùng lứa với Bình còn có Thanh và Lương, tất cả đều là những “ma mới” theo sự dẫn lối của mấy đàn anh đàn chị có “thâm niên” làm thuê ở đây. Sau khi quốc lộ 1A được lưu thông sau đợt lũ vừa rồi, cả 3 đã khăn gói rời quê hương để mưu sinh ở Hà Nội. “Bọn em cũng biết ở quê nước đã rút nhưng chúng em không về đâu. Về không biết làm gì cho hết mùa mưa bão này, biết đâu lại lũ tiếp, bao nhiêu người đã bị nước cuốn đi”, Bình chép miệng ngao ngán.
Gia đình có 3 chị em, Bình là con út trong nhà. 2 chị gái vào Nam làm giày da xuất khẩu, rồi lần lượt lấy chồng trong đó. Còn lại Bình ở nhà đã biết làm ruộng phụ giúp bố mẹ từ thuở lên 9, lên 10. Nhà có mấy sào ruộng không đủ, bố Bình phải xuống thành phố Vinh làm phụ hồ, còn mẹ buôn bán chè xanh ở chợ làng. Cái nghèo, cái khốn khó cứ bám chặt lấy gia đình Bình mãi mà không chịu buông tha. Sau cơn lũ dữ cũng là thời điểm Bình phải bỏ quê, ra đi mưu sinh kiếm sống khi còn chưa đủ tuổi thành niên.
Giống Bình, Thanh cũng buồn thiu khi nói về hoàn cảnh của gia đình mình. Dù sao Bình cũng là con trai, còn cứng cỏi, chứ thân gái như Thanh, tuy nhiều hơn Bình vài tuổi nhưng không ít lo lắng khi nói về công việc của mình. “Lượm nhặt những thứ bỏ đi của dân thành thị kiếm sống, tối đến ngủ vật vạ. Thấy cám cảnh nhưng mà còn đỡ hơn bà con chúng em trong quê, những ngày lũ không có chỗ dung thân, chỗ ngủ cũng không có”, Thanh tâm sự.
Thanh kể: “Bố bỏ 3 mẹ con theo người khác. Anh trai em làm bốc vác thuê ở chợ này mấy năm trước rồi, em mới cùng với Bình ra sau ngày quê bị lũ lụt. Làm vào nửa đêm về sáng, mấy ngày đầu mất ngủ, cả ngày cứ lờ đờ. Rồi cũng quen. Thời gian đầu, em chỉ mang những túi hàng nhè nhẹ cho các chủ đầu mối, sau đó bốc nặng dần. Mỗi đêm cũng kiếm được 30.000 – 40.000 đồng. Nhon góp được ít rồi, chờ có ai về quê, em tính mua cái áo gửi về cho mẹ và bà ngoại mặc mùa đông”. Ngồi cạnh đó, Bình hóng chuyện, nói với sang: “Nó là con gái làm việc này vất quá anh à, nhưng biết làm sao được. Thanh ra đây còn có anh trai, sớm tối anh em có nhau. Hạnh phúc chán. Em chẳng có ai thân thích”.
Chỉ vào vết bầm tím ở cẳng chân, Bình nói rằng đêm hôm kia mới bị ngã trong lúc đang vác rau, đau đến mức không đứng dậy được, anh em Thanh phải dìu ra phía sau lán chợ để nghỉ ngơi. Sau một ngày nghỉ ngơi, đêm nay Bình lại tiếp tục cuộc mưu sinh.
Đã hơn một lần, Bình bị bọn nghiện móc túi. Sau mỗi đêm thức trắng lao động mệt nhoài, Bình lại vạ vật xó chợ. Giấc ngủ chẳng lành bao giờ kể từ ngày Bình xa quê, không chăn, không chiếu và nỗi lo bị móc đi số tiền mới kiếm cứ ám ảnh em trong từng giấc ngủ.
Bình và Thanh cho biết, những đứa trẻ độ tuổi 14 – 15 như các em ra Hà Nội làm thuê khá nhiều nhưng sống tản mát khắp nơi. Đứa thì sống ở chợ đầu mối, đứa rửa bát cho nhà hàng, đứa lại trông xe cho các quán ăn đêm…
Video đang HOT
Những đôi chân nhỏ bước vào đời
Phục vụ khách.
Theo lời kể của những đứa trẻ mưu sinh ở chợ đầu mối Phùng Khoang, tôi tìm đến những quán ăn đêm. Quả thực ở những khu ăn uống ở phố Đê La Thành, chợ Đồng Xuân, Lý Văn Phức… là nơi mưu sinh của rất nhiều em.
22 giờ. Phố Lý Văn Phức vẫn đông đúc. Từ lâu nay, người ta vẫn gọi con phố nhỏ này là phố “chân gà” bởi cả phố chỉ độc kinh doanh chân gà với đủ các món.
Tôi bước vào một quán cuối phố, một em nhanh nhảu chạy đến dắt xe. “A! biển 37, chào anh đồng hương”, đứa bé nhanh miệng. “Ở đâu mà đồng hương?”, tôi hỏi. “Dạ! Em ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An”. “Bao nhiêu tuổi rồi, không ở nhà mà đi học, đi làm sớm thế?”. Thằng bé định không trả lời nhưng sau đó buột miệng: “Em sinh năm 1996, chị dẫn ra Hà Nội đi làm được thời gian rồi”. Thế rồi, câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng quát của ông chủ quán: “Dắt xe cho khách kìa!”.
Hồi lâu hỏi thăm mới biết em tên là Năng. Dáng người mảnh khảnh nhỏ thó, không ai nghĩ rằng Năng đã bước qua tuổi 15 với “thâm niên” 2 năm bôn ba đất Hà Nội. Mới đây, Năng đã “dắt mối” cho 2 bạn ở quê ra Thủ đô kiếm sống.
Có ngồi ở những quán chân gà này, thấy đội quân “thiếu nhi” chào mời, dắt xe cứ “mô tê răng rứa” nhặng xị cả với nhau mới tin lời Bình rằng, các em từ miền Trung “chạy lũ” ra đây. Công việc của các em rất giản đơn nhưng phải luôn tay, luôn chân dắt xe, chào mời, bê đồ ăn… cho khách. Thường, các em làm từ chiều cho đến đêm khuya, lúc nào hết khách mới được nghỉ.
Năng bảo: “Ở đây có nhiều bạn từ quê ra nên cũng đỡ nhớ nhà. Ngoài việc trông xe, dắt xe cho khách, hôm nào vãn khách sớm, chúng em còn nhận luôn cả những việc khác mà chủ thuê ngoài, từ quét dọn cả đoạn phố cho đến rửa chân gà. Mỗi lần làm thêm được 5.000 – 7.000 đồng. Trừ tiền ăn tiêu ra, mỗi tháng em cũng đưa cho chị gái tiết kiệm được mấy trăm nghìn. Bọn bạn làm ở dưới chợ Đồng Xuân kiếm nhiều tiền hơn em trên này. Em không làm ở đó được vì người ta bắt phải biết đôi câu tiếng Anh để chào mời, dưới đó khách Tây nhiều mà. Em không được học đành chịu!”.
Biết con đường học hành của mình bị cắt giữa chừng, Năng có mơ ước ngày nào đó có vốn chút vốn liếng, 2 chị em sẽ về quê mở quán chân gà nướng. “Em thấy kinh doanh chân gà nướng rất lời, nhà em lại ở gần thị trấn. Biết được cách chế biến, có vốn là về mở quán ngay”, đứa bé nói mà mắt nhìn xa xăm. Năng bật mí, từ lúc ra Hà Nội, rất nhiều kẻ rủ rê em đi theo con đường trộm cắp. “Có đứa nói rằng đi đánh giày với nó, chỉ cần ăn cắp được của khách đôi giày có khi kiếm được cả nửa triệu bạc, bằng chúng em làm bạc mặt cả tháng. Nhưng em không dám”, Năng thật thà như đếm.
Trời về khuya, càng lạnh, càng vắng người, cũng là thời điểm mưu sinh của những mảnh đời bé nhỏ.
Theo GiađinhNet
Xơ xác trong những ngày lũ
"Ngoại ơi, cho chon ún thuốc", bé My xơ xác sau ba ngày chạy lũ
Vượt qua những đoạn đường ngập sâu cả mét, băng qua những cánh đồng đã thành sông, chúng tôi đã đến được những nẻo khuất của "nóc lũ" Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh).
Vật vã với bệnh tật trên nóc lũ
Vừa đặt chân đến xóm 10, xã Hương Sơn, huyện Vũ Quang, đã nghe lao nhao tiếng trẻ con khóc ỉ ôi. Nhếch nhác, bẩn thỉu, thò lò mũi xanh, chẳng đứa nào có lấy một tấm áo lành trong cái lạnh buôn buốt sau khi lũ rút.
Bé My quặt quẹo trên tay bà ngoại. Da xanh lướt, hai mắt thô lố chiếm hết cả khuôn mặt. Bà ngoại My - bà Ánh mếu máo: "Hắn" vừa đau bụng vừa nóng đầu 3 ngày nay. Chạy lũ, cả nhà chẳng biết cách chi kiếm thuốc cho "hắn" uống. Chừ cũng chẳng biết ra răng".
Nghe từ "thuốc" từ miệng bà ngoại, My ngọng líu lo: "Ngoại ơi, cho chon ún thuốc". Vừa nói, bé ôm bụng nhăn nhó.
Hỏi người lớn và cả trẻ con thì ở mấy gian phòng do nhà thờ Hương Sơn cho dân ở nhờ chạy lũ, không có ai không ốm. Nhẹ là cảm mạo, nặng là sốt lì bì.
Căn phòng ngay cổng nhà thờ chỉ rộng chừng 10 mét vuông, mà có đến 5 gia đình trú ẩn, gần bốn chục con người. "Già thì ngủ côi bàn, trẻ thì ngủ dưới đất" - bé Lan bảo vậy. Mùi ẩm mốc, mùi người cứ xộc thẳng vào mũi, không ốm với điều kiện thiếu ăn, ở nhếch nhác, mới là lạ.
Góc phòng, cụ Lạc năm nay hơn 80 tuổi nằm co ro trên 2 cái bài học sinh, ho khù khụ. Cụ bảo 3 ngày nay, chỉ húp được tí nước mì tôm, người cứ lạnh từng cơn, hầm hậm sốt. Mọi người lo cho cụ lắm, cái tuổi sắp gần đất xa trời, nay lại bệnh tật mà thiếu thuốc, thiếu ăn. Mới sáng hôm qua (18/10), mấy người đàn bà hàng xóm chẳng biết kiếm đâu ra nắm gạo nấu cho ông bát cháo. Ông tươi lên được một tí.
Cụ Lạc thiếp thiếp trên 2 cái bàn học sinh, hôm nay cụ vẫn sốt li bì
Ông Nguyễn Văn Khánh, bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn cho hay, hiện tại chính quyền chỉ có thể lo giải quyết cứu đói. Nước rút sẽ tính tiếp. Chuyện chăm sóc sức khỏe y tế cho dân chạy lũ, chính quyền vẫn chưa thể lo, vì xã ngập nhiều quá, chỗ nào cũng ngập.
Đã ba ngày chạy lũ, nhà vẫn ngập băng, chưa thể về. Chẳng biết bệnh tình của bé My, ông Lạc có nặng thêm không?
Đêm kinh hoàng và người vác tù và hàng tổng
Đêm 16/10 là đêm kinh hoàng của cả làng Hương Giang, xã Phúc Đồng, Hương Khê. Có lẽ cũng vì thói quen "sống chung với lũ", nghe nước lên là dọn đồ đạc lên "chạn" (Gác cao lưng chừng nhà) thế là xong. Bởi lâu lắm, cả trăm năm nước mới lên đến mức ấy.
Ai có ngờ nước cứ lên vùn vụt, ngập cả "chạn", rồi dần ngập lên tận nóc nhà. Cánh đồng trước mặt nước lũ đã phủ qua ngọn...cột điện.
Chỉ một đêm nước ngập nóc nhà và trùm luôn cả cột điện, ruộng thành sông
Thế là người trẻ cõng người già, người khỏe dìu người yếu dắt díu nhau chạy lũ như ong vỡ tổ. Cứ chỗ nào cao là đến, sống được cái đã. Lên được chỗ cao, thoát được cái hung dữ muốn nuốt chửng tất cả của dòng nước lũ, mọi người trong làng kiểm lại, may quá chẳng thiếu một ai.
Chạy tháo thân, thóc, gạo để hết trên "chạn" chẳng đem theo cái gì. Thế là đói. Lực lượng cứu hộ có đến, có chuyển mì tôm, nhưng cũng chẳng đủ. Mọi người chia nhau từng qua ngày.
Chuyện đáng nói là, với mỗi làng, mỗi xóm lực lượng cứu hộ chỉ đến được một điểm, vì canô to, không tiếp cận được, cố tiếp cận thì sập nhà dân. Tức là, mì tôm chỉ được đưa đến một chỗ, rồi từ đấy người dân tự chuyển cho nhau.
Nhận mì tôm đem phát cho cả làng, khi về nhà mình chẳng có gói nào
Ở cái làng Hương Giang ấy, thuyền lại ít, mảng, bè tự chế cũng chẳng dám mon men ra dòng nước lũ. Chẳng nhẽ cứ để mì tôm đấy, còn cả làng đói? Nghĩ vậy, anh em nhà anh Thuận lặng lẽ lấy thuyền chuyên chở mì tôm, nước sạch đến tận từng nơi người dân lánh nạn. Đi lại như con thoi trên dòng nước lũ, phân phát mì tôm cho tất cả mọi người. Lúc quay về hai anh mới nhớ, nhà mình chẳng có gói nào.
Đến hôm qua 18/10, khi con nước đã bắt đầu "đứng" và giảm dần, anh em nhà Thuận vẫn làm cái công việc "vác tù và hàng tổng" ấy, dù nhà hai anh nước xô xiêu vẹo, vợ con kêu í ơi. "Nhà mình có thuyền, cũng chở người đi lánh lũ, giờ không ra nhận mì gói, nước uống cho người làng thì ngại lắm. Còn không đem về nhà mình là do...quên" - Thuận bảo vậy.
Một số hình ảnh PV ghi lại được tại huyện Vũ Quang và Hương Khê, Hà Tĩnh
Nóc nhà này bị trôi 200 mét, từ xóm 10, xã Hương Sơn ra đến bờ sông Ngàn Phố
Nước vẫn ngập nửa cột điện, 2 em nhỏ vô tư chèo thuyền nghịch nước
Sống gần trăm tuổi chưa thấy trận lũ lịch sử như thế này
Để cứu đói cho dân, ông Nguyễn Thanh Bình, BT Tỉnh ủy Hà Tinh đứng xếp hàng chuyển mì tôm
Theo Bee
Căn gác mưa! Dường như mưa ngoài kia cũng đang thấu được tâm sự của cô... (Ảnh minh họa) Một mình trên căn gác nhỏ, lòng cô trĩu nặng một tâm sự. Nhìn ra ô cửa nhỏ, lòng cô cũng như những cơn mưa nặng hạt đang rơi ngoài kia. Mưa dường như xối vào lòng cô nỗi cô đơn, lạnh giá. Bật chiếc radio quen...