Những dự đoán gây tranh cãi về tận thế
Thế giới sẽ phải đối mặt với điều gì trong tương lai? Cùng tìm hiểu điều này qua những giả thuyết gây tranh cãi về sự kết thúc của thế giới nhé!
1. Sách Khải Huyền
Khải Huyền (Apocalypse) là một từ ghép của tiếng Hy Lạp (Apokalupsis), có nghĩa là “vén màn cho thấy điều bí mật che khuất bên trong”. Sách Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của kinh Tân Ước, được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 (Thế kỉ thứ nhất). Cuôn sách ra đời trong bối cảnh Kitô giáo đang bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La Mã Domititan. Sách gồm 22 chương, ghi lại những mặc khải và thị kiến được diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng và biểu tượng.
Chính vì thế, rất nhiều các nhà học giả hiện đại trên thế giới đã dành cả cuộc đời để giải mã chuỗi những điều kỳ bí, khó hiểu trong sách Khải Huyền. Cho đến nay, đã có không ít những cuộc tranh cãi nổ ra xoay quanh ý nghĩa, thông điệp và nội dung mà cuốn sách truyền tải nhưng vẫn có một số quan điểm chung được mọi người chấp nhận. Đó là việc Trái Đất sẽ phải đối mặt với những sự tàn phá; con người sẽ phải gánh chịu những thiên tai như động đất, hỏa hoạn, bệnh dịch và thế giới sẽ phải trải qua cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác.
2. Kali Yuga
Theo quan điểm của người Ấn Độ cổ thời văn minh Vệ Đà (1600-100 trước Công nguyên) thì một thế giới hình thành, tồn tại và hủy diệt phải trải qua 4 chu kỳ là Satya Yuga (Cực thịnh-Vàng), Treta Yuga (Thịnh-Bạc), Dvapara Yuga (Suy tàn-Đồng) và Kali Yuga (Đồi trụy và tan rã-Sắt). 4chu kỳ này kết nối thành một vòng luân hồi và đi theo hướng từ giảm dần, tan rã đến sự sống nảy mầm, tái sinh.
Các Yuga có tổng thời gian là 12.000 năm Thiên thần (1 năm Thiên thần bằng 360 năm âm lịch), trong đó, thời kỳ Kali Yuga kéo dài 432.000 năm âm lịch. Từng chu kỳ Yuga liên quan đến một giai đoạn đạo đức tâm linh của con người. Khi mỗi chu kỳ thay đổi đều có sự suy giảm dần về đạo đức, trí tuệ, kiến thức, tuổi thọ, tình cảm và sức mạnh thể chất của con người. Do đó, thời Kali Yuga chỉ còn một phần đạo đức, 3 phần tội lỗi, tuổi thọ con người là 100 năm và cao trung bình 1,6 mét. Kinh sách Ấn Độ nói, vào chu kỳ Kali Yuga, Đức Krishna rời Trái đất để trở về cõi Thiên, khi đó ma vương Asuras sẽ đội mồ sống dậy, thế giới sẽ phải chịu một trận chiến bốc lửa, tất cả tội ác bị tiêu diệt để bắt đầu kỷ nguyên Satya Yuga.
3. Webbot
Webbot là một chương trình máy tính có khả năng dự đoán được các sự việc trong tương lai bằng cách gõ các từ khóa lên công cụ tìm kiếm. Dự án này được phát triển năm 1997 bởi Clif High và George Ure với mục đích ban đầu là dự đoán các xu hướng thị trường chứng khoán trên thế giới.
Nguyên tắc hoạt động của Webbot là dựa trên hình thức “trí tuệ đám đông” (một quá trình đưa thông tin có sự tham gia ý kiến của tập thể, thay vì một chuyên gia, cá nhân nào đó) cho phép tìm kiếm với hơn 300.000 từ khóa khác nhau. Mặc dù có nhiều dự đoán chưa đúng, nhưng thực tế đã công nhận Webbot dự đoán đúng cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, bệnh than năm 2001, thảm họa tàu con thoi Columbia 2003, động đất ở Ấn Độ Dương 2003 và siêu bão Katrina năm 2005.
4. Dải ngân hà thẳng hàng
Theo những dấu tích và tài liệu khảo cổ như Cây Thiêng và Mật mã Desden của người Maya, ngày đông chí năm 2012 (rơi vào ngày 21/12/2012), là ngày mặt phẳng Mặt Trời, mặt phẳng Trái Đất và mặt phẳng ngân hà giao nhau tại 8 điểm. Khi đó, hệ Mặt Trời, trong đó có Trái Đất, sẽ đi qua độ dày đĩa phẳng (mặt phẳng xích đạo) của dải ngân hà và xếp theo một đường thẳng với phần trung tâm của Thiên hà theo mặt phẳng chính.
Vào thời điểm đó, lực hấp dẫn tác động lên hệ Mặt Trời sẽ là cực đại. Nhiều thảm họa sẽ xuất hiện như bão Mặt Trời, Trái Đất đổi cực, loài người bị diệt vong… Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tháng 12 hàng năm, Trái Đất và Mặt Trời đều xếp thằng hàng với tâm giả định của dải ngân hà. Do Trái Đất cách xa tâm dải Ngân hà đến 2.500 triệu tỷ km, nên mức độ ảnh hưởng đến Trái Đất và con người gần như bằng 0.
5. Đảo cực địa từ
Nhà địa chất học Gregg Braden đã từng tuyên bố rằng từ trường của Trái Đất đã giảm 38% trong 2.000 năm qua. Nghĩa là cứ mỗi thế kỷ đã trôi qua, từ trường giảm 1,9%, và tốc độ suy giảm đã tăng lên 6% trong thế kỷ 20. Xét về mặt lý thuyết, khi từ trường giảm đến mức 0, cực của Trái đất sẽ đảo ngược (hiện tượng đảo cực địa từ). Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được từ trường sẽ tăng hay giảm trong tương lai vì Trái Đất đã từng xảy ra hiện tượng đảo cực cách đây 780.000 năm trước. Tuy nhiên, quá đảo cực đó lại kéo dài từ vài nghìn năm đến 35 triệu năm.
Theo học thuyết Dynamo, sự đảo cực địa từ được cho là kết quả của sự chuyển động hỗn độn của kim loại lỏng trong lõi Trái Đất. Khi hiện tượng đảo cực xảy ra, không những la bàn bị rối loạn mà Trái Đất, con người và vạn vật còn bị các hạt điện tích từ Mặt Trời (còn gọi là gió Mặt Trời) bắn xuống. Lượng bức xạ trên bề mặt Trái Đất tăng khủng khiếp, con người sẽ bị ung thư da nhanh chóng, sinh vật sẽ nhanh chóng bị đốt cháy, héo khô.
6. Dịch bệnh
Dịch bệnh xảy ra khi phần lớn dân cư một vùng bị nhiễm cùng một loại bệnh trong cùng một thời điểm. Khi mức độ lây lan rộng khắp trên một khu vực địa lý từ quốc gia đến nhiều người gia thì dịch bệnh được gọi là đại dịch. Trên thế giới đã xảy ra nhiều dịch bệnh và đại dịch như bệnh dịch hạch (1300-1400), sốt phát ban (1501-1587), bệnh thương hàn và sốt vàng da (1865-1873), bệnh than (2001), dịch SARS (2002) và HIV (1980 cho đến nay).
Ước tính, có đến 20 triệu đến 100 triệu người trên thế giới đã thiệt mạng vì các dịch bệnh và đại dịch kể trên. Theo giới khoa học, trong vòng 100 năm, dịch bệnh có xu hướng tăng nhanh do sự vận chuyển gia súc, gia cầm từ quốc gia này đến quốc gia khác cũng như nhu cầu du lịch của con người ngày càng thường xuyên hơn.
7. Siêu núi lửa
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 500 núi lửa đang hoạt động. Trong đó, có ba siêu núi lửa ở Mỹ, siêu núi lửa Lake Toba ở Indonesia, Taupo ở New Zealand, Aira Caldera ở Nhật Bản. Siêu núi lửa có khả năng phun trào những đợt magma lớn, có bán kính khoảng 1.000 km/lần phun.
Nhiều nhà địa chất tin rằng, siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ có nhiều khả năng sẽ phun trào một đợt tiếp theo, lần phun trào gần đây nhất là cách đây 640.000 năm. Theo ước tính, siêu núi lửa Yellowstone đã và đang trải qua khoảng 1.500 cơn động đất lớn nhỏ mỗi năm, đây chính là nhân tố khiến Yellowstone chuẩn bị phun trào.
Nếu sự kiện này xảy ra, ít nhất một nửa nước Mỹ sẽ bị dòng nham thạch nuốt chửng. Khoảng hơn 2.000 triệu tấn axit sulfuric được phát ra, tro núi lửa còn sót lại trong bầu khí quyển sẽ gây ra sự tàn phá nền nông nghiệp của thế giới, nạn đói sẽ xảy ra. Con người sẽ cùng lúc hứng chịu sự nhiễm độc của không khí và chết đói hàng loạt.
8. Bão Mặt Trời
Bão Mặt Trời là một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “thời tiết vũ trụ” cận Trái Đất. Bão Mặt Trời hoạt động trên nhiều hình thức khác nhau, trong đó quan trọng nhất là “lóa mặt trời” (Solar flare) và “đám mây plasma và từ trường quanh Mặt trời bắn ra hạt phân tử” (CME). Sức mạnh của “lóa mặt trời” chia làm ba cấp: Class C, Class M và Class X (lớn nhất). Cả hai hình thức lóa mặt trời và CME đều xuất hiện do có sự gián đoạn của từ trường trong vùng khí quyển bao quanh Mặt Trời.
Ngoài lóa mặt trời và CME, bão Mặt Trời còn phát ra tia gamma, xung điện từ, gây nên hậu quả khủng khiếp lên bề mặt Trái Đất. Bão Mặt Trời có thể làm nhiễu hoạt động của hệ thống viễn thông, rối loạn hệ thống định vị GPS, đánh sập các vệ tinh chủ chốt, gây mất điện trên diện rộng và có khả năng giết chết hàng triệu người cùng sinh vật trên Trái Đất.
Theo iOne