Những dự báo về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột
Phần lớn lãnh thổ phía Đông và phía Nam của Ukraine hiện nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Nga, bao trùm cả những cảng biển quan trọng để nước này xuất khẩu ngũ cốc.
Một tòa nhà dân cư bị ảnh hưởng bởi xung đột tại miền Đông Ukraine. Ảnh: NYT
Đáp lại, phương Tây đã tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moskva với mục đích buộc Điện Kremlin phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng. Dù vậy, giới phân tích cho rằng có ít khả năng cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc.
Dưới đây là những phân tích của hãng tin AFP về cuộc xung đột này:
Xung đột có thể kéo dài bao lâu?
Kể từ xung đột nổ ra ngày 24/2, cả hai bên đều phải chịu những thiệt hại về con người và của cải, nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Xe tăng Nga tại chiến trường miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev cho rằng trong trường hợp này, không bên nào có thể giành chiến thắng. Và chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể kéo dài nhiều năm. Ông Kalachev nói với AFP: “Thời gian không đứng về phía Ukraine, và nền kinh tế của nước này có thể bị phá vỡ”.
Trong khi đó, bà Marie Dumoulin, Giám đốc tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây cũng sẽ khiến một trong hai bên khó có thể thoái lui. Bà Dumoulin nói: “Cả hai bên đều cho rằng họ vẫn có thể giành lấy lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc”.
Ukraine có thể tiếp tục kháng cự?
Với nguồn vũ khí quân sự và dữ liệu tình báo từ châu Âu và Mỹ, các lực lượng Ukraine có thể làm giảm tốc – song không thể ngăn chặn – các lực lượng Nga ở Donbass và dọc theo bờ Biển Đen.
Và cho đến nay, việc ông Zelensky đề nghị phương Tây gửi những vũ khí tối tân và mạnh hơn đều không thành công.
Các binh sĩ Ukraine ở vùng Mykolaiv, cách chiến tuyến của Nga vài km. Ảnh: NYT
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu Dimitri Minic tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris cho rằng tinh thần của người Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà phương Tây viện trợ.
Việc thời tiết chuyển lạnh cũng sẽ thử thách Kiev khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, cắt điện, hệ thống sưởi dừng hoạt động và những khó khăn khác. Bà Dumoulin cũng lưu ý rằng 40% trường học ở Ukraine vẫn phải đóng cửa khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9.
Nền kinh tế Nga có trụ vững?
Bất chấp việc Moskva đã tính toán sai về khả năng kháng cự của Ukraine, quân đội Nga dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Các đồng minh của Ukraine đã tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng cách cắt đứt nguồn doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu và buộc nhiều công ty phương Tây phải rời bỏ thị trường Nga.
Thế nhưng, nguồn doanh thu xuất khẩu, chủ yếu từ dầu, khí đốt, than đá và các mặt hàng khác của Nga không chỉ tăng lên mà còn vượt quá mong đợi.
Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã rút lui khỏi thị trường Nga. Ảnh: AFP
Người dân Nga vốn hứng chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kể từ khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Bên cạnh đó, chính phủ Nga đã sớm tìm ra nguồn cung cấp mới cho các thành phần công nghiệp và vật liệu khác từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc châu Á.
Chris Weafer, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Macro-Advisory cho biết: “Nền kinh tế, ngành công nghiệp và con người Nga đã có 8 năm để điều chỉnh. Ngày nay, đất nước và người dân của họ đã được chuẩn bị tốt hơn và có khả năng tự cung tự cấp cao hơn”.
Tuy nhiên, sức tác động toàn diện của các lệnh trừng phạt có thể bắt đầu ảnh hưởng nặng nề trong những năm tới, nếu như Nga chuyển nguồn vốn từ đầu tư sang chiến tranh, cũng như bị các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục xa lánh.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev khẳng định: “Chúng ta sẽ cảm nhận được tác động đầy đủ trong khoảng 5 năm nữa”.
Một quân nhân Nga làm nhiệm vụ canh gác nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Những kết cục tiềm tàng
Nếu cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn trong mùa đông năm nay và kéo dài sang năm 2023, phần lớn tình hình sẽ phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có giữ vững ủng hộ hay không, nhất là khi các cử tri cảm thấy chi phí – nhất là giá nhiên liệu và lương thực tăng – đang trở nên quá cao.
Ông Dumoulin tin rằng “nếu phương Tây bỏ mặc Ukraine, sẽ đến lúc Moskva buộc Kiev phải chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Nga”.
Và nếu các đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí, lợi thế quân sự của Nga có thể bị xói mòn dần.
Truyền thông phương Tây thay đổi cách đưa tin về tình hình xung đột Nga - Ukraine
Cho đến nay, có rất ít cơ hội cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về hòa bình giữa Moskva, Kiev, Washington và Brussels.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bucha, ngoại ô Kiev ngày 4/4/2022. Ảnh: Reuters
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 6/8, trong thời gian diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine, quan điểm về những gì đang diễn ra của phương Tây bắt đầu dần thay đổi: nếu ở giai đoạn đầu, không có nghi ngờ gì về chiến thắng của Kiev, Moskva bị lên án và bị áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn, giờ đây họ có cái nhìn thực tế hơn về các lực lượng Ukraine. Mọi người đều hiểu rằng nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật - quân sự mạnh mẽ từ các nước NATO, quân đội Ukraine có lẽ đã bỏ cuộc từ lâu.
Như một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 23/7: "Tại Ukraine, quân đội Nga đang đối đầu không chỉ với lực lượng vũ trang Ukraine, mà còn với toàn bộ phương Tây, vốn cung cấp cho Kiev một khối lượng hỗ trợ quân sự kỷ lục".
Đồng thời, những người đứng đầu bộ quốc phòng các nước phương Tây cũng phải thừa nhận rằng kho vũ khí của họ không phải là vô hạn và họ không thể giúp Ukraine mãi. Đặc biệt, điều này đã được phát biểu bởi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christina Lambrecht. Trung tướng Alfons Mais, Tư lệnh Lục quân quân đội Đức (Bundeswehr), trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Handelsblatt vào ngày 24/7, cho rằng "Nga thực tế có nguồn lực vô tận. Đây là một cuộc xung đột làm 'tiêu hao và kiệt quệ lực lượng'. Vấn đề đặt ra là Ukraine liệu có thể cầm cự được bao lâu nữa".
Tuy nhiên, cách truyền thông phương Tây đưa tin về tình hình ở Ukraine lại hoàn toàn khác. Bài viết ngày 25/7 của tờ báo Anh có ảnh hưởng The Times, trong đó chỉ trích cách mà các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin về tình hình Ukraine, có thể được coi là phơi bày một phần sự thật về cuộc xung đột này.
Ấn phẩm lưu ý rằng nhiều nhà báo cố tình che giấu sự thật về cuộc xung đột, những thành công của lực lượng Nga được che đậy, trong khi những "chiến công" của quân đội Ukraine được tung hô. Tác giả của bài báo cho rằng "độc giả buộc phải tin rằng phía Nga hoàn toàn bất lực, quân đội của họ được huấn luyện kém và không tuân thủ kỷ luật, chiến thuật lỗi thời và các sở chỉ huy của họ bị tấn công bởi sự dũng cảm của binh sĩ Ukraine với sự hỗ trợ của pháo binh phương Tây.
Trong một bài báo trên tờ New York Times ngày 27/7, các chuyên gia Mỹ Samuel Sharap và Jeremy Shipiro cho rằng "cùng với sự hỗ trợ vật chất dành cho Kiev, Mỹ và các đồng minh cần mở ra các kênh tương tác với Nga và tìm ra một thỏa hiệp về tình hình ở Ukraine, với mục tiêu phải là một lệnh ngừng bắn".
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phương Tây đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với những gì đang xảy ra ở Ukraine. Các quan chức Mỹ và Anh cho rằng không có điểm (đồng) nào trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva, đồng thời tiếp tục cổ vũ giới lãnh đạo Ukraine với cam kết cung cấp thêm vũ khí để tiếp tục chiến đấu và phát động một cuộc phản công tiềm tàng. Về vấn đề này, theo NATO, quân đội Ukraine nên thực hiện một chiến dịch phản công trước giữa tháng 9.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích quân sự phương Tây đã phải thừa nhận rằng, lực lượng vũ trang Ukraine hiện chưa có đủ quân số cần thiết cho hành động trên (vấn đề huấn luyện chiến đấu và sự hiệp đồng chiến đấu của họ là yếu tố cơ bản), cũng như thiếu vũ khí và đạn dược. Ngay cả cơ quan tình báo Anh MI6, vốn cho đến gần đây người đứng đầu của tổ chức này vẫn chắc chắn rằng Ukraine đã sẵn sàng cho các hành động phản công, cũng trở nên kiềm chế hơn trong các tuyên bố và dự báo của họ.
Các binh sĩ Ukraine nhận tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh: AFP
Nhìn chung, đến cuối tháng 7, theo ước tính của giới quân sự và cộng đồng chuyên gia phương Tây, Ukraine đã không thể lật ngược tình thế trên các mặt trận hay chuyển sang các hoạt động phản công, ít nhất là ở một số khu vực nhất định. Cho đến nay, các chiến thắng của phía Ukraine bao gồm việc pháo kích vào các kho đạn và nhiên liệu ở hậu phương của Nga, các cứ điểm, vị trí triển khai pháo binh và phòng không, cũng như cơ sở hạ tầng đường bộ của các lực lượng Nga.
Việc xuất hiện các thông tin gần đây cho rằng Ukraine sẽ thực hiện phản công theo hướng Kherson, mà các chính trị gia Ukraine tuyên bố là một cuộc tấn công quyết định chuẩn bị giải phóng miền Nam Ukraine, được các nhà phân tích quân sự nước ngoài giải thích theo hai cách. Theo ý kiến của họ, tuyên bố về một cuộc tấn công hoặc là để biện minh cho nguồn cung cấp quân sự liên tục từ phương Tây sang Kiev, hoặc nó sẽ không diễn ra trong khu vực này, mục đích có thể nhằm nghi binh và cuộc tấn công của Ukraine sẽ diễn ra ở một khu vực hoàn toàn khác, ví dụ, theo hướng Donetsk hoặc Kharkov.
Kinh tế Ukraine "cạn nguồn lực" quá nhanh
Là một phần của đánh giá về diễn biến tình hình quân sự - chính trị ở Ukraine, cùng với thành phần quân sự là ưu tiên trong chương trình nghị sự, phương Tây bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực kinh tế và tài chính của Kiev.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế Ukraine đang xấu đi với tốc độ ngày càng tăng. Tỷ trọng của các doanh nghiệp ngừng hoạt động đang tăng đều đặn và những doanh nghiệp vẫn còn "trụ vững" sẽ không tồn tại lâu nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Vào ngày 26/7, công ty Naftogaz của Ukraine đã thông báo về một vụ vỡ nợ kỹ thuật xảy ra do hết thời hạn thanh toán cho các chủ sở hữu Eurobond.
Theo các nhà kinh tế và tạp chí tài chính phương Tây, như tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin ngày 27/7, "việc công ty năng lượng quốc doanh Ukraine Naftogaz vỡ nợ sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền trong nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này".
Giám đốc đầu tư của công ty quản lý Abrdn (Anh), Victor Szabo, cho rằng: "Bất chấp sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, nước này 'đốt cháy' các nguồn lực của mình quá nhanh, vì nhu cầu của họ trong các lĩnh vực xã hội và quân sự đang tăng lên chóng mặt. Các khoản viện trợ từ bên ngoài chỉ đơn giản là không có thời gian để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nếu điều này tiếp tục, đến mùa Thu, nó có thể trở thành một thảm họa đối với Kiev".
Về mặt tài chính, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các "nhà tài trợ" phương Tây và tình hình cũng phức tạp bởi thực tế là các đối tác châu Âu - Đại Tây Dương sẽ buộc phải tập trung vào giải quyết các vấn đề tài chính nội bộ của họ, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng hỗ trợ cho Kiev.
Cơ sở hạ tầng và kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột. Ảnh: THX
Các chuyên gia phương Tây cũng đã chú ý đến một số thay đổi trong xã hội Ukraine liên quan đến hoạt động đặc biệt. Theo tình báo quân sự Ba Lan, động lực của quân đội Ukraine đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Các lực lượng được tuyển quân bổ sung cho các đơn vị, bị cưỡng chế nhập ngũ, chưa sẵn sàng và không muốn chiến đấu. Người đến tuổi nhập ngũ trốn cơ quan đăng ký nhập ngũ, tìm cách xuất cảnh. Có một sự chia rẽ giữa phần phía tây của Ukraine và các vùng lãnh thổ khác. Cư dân của các khu vực phía Tây sẵn sàng hướng sang các quốc gia Đông Âu mà họ có mối quan hệ lịch sử và nơi họ đã đi du lịch để kiếm tiền kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập (Ba Lan, Hungary, Romania), hơn là hướng về khu vực Donbass, nơi xa lạ với họ.
Như vậy, theo phương Tây, diễn biến của tình hình quân sự - kinh tế ở Ukraine có lẽ đã trở nên thực tế hơn (có thể dự đoán được) so với trước đây. Với khả năng cao, Kiev sẽ không thể đánh bại Nga trong điều kiện hiện tại. Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược của phương Tây, nền kinh tế nước này ngày càng suy yếu và không có khả năng tự cung cấp thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang.
Tình hình ở các nước phương Tây trong bối cảnh các vấn đề kinh tế đang tồn tại cũng sẽ có tác động đáng kể đến mức độ và thời gian hỗ trợ Ukraine. Nhiều khả năng tình hình không có lợi cho Kiev có thể bắt đầu thay đổi vào mùa Thu, có thể sự mệt mỏi vì sự không chắc chắn kéo dài sẽ bắt đầu trải qua không chỉ ở phương Tây, mà còn ở Ukraine.
Theo các nhà phân tích chính trị nhạy bén ở châu Âu và Mỹ, giải pháp đúng đắn duy nhất để chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể là đối thoại hòa bình giữa các bên tham chiến, hoặc tốt hơn, theo một hình thức mở rộng hơn, với sự tham gia của phương Tây. Vấn đề là hiện nay có rất ít cơ hội cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Moskva, Washington và Brussels, với những tuyên bố của phương Tây trước đó và những bước đi không thân thiện trên thực tế. Tuy nhiên, vì lợi ích của cả phương Tây, Nga và Ukraine, các bên liên quan nên bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả nghiêm trọng và khó lường hơn.
Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Con dao hai lưỡi Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang làm cho nền kinh tế Nga nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nhưng cũng khiến phương Tây chịu tổn thất không ít. Wu Zhenglong, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, bình luận trên trang web chinausfocus.com mới đây rằng, kể từ khi cuộc xung đột Nga -...