Những dự án trên đất vàng trung tâm TPHCM của Bitexco hiện nay ra sao?
Khi nhắc đến cái tên Bitexco, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tòa tháp hình búp sen Bitexco Financial Tower tại quận 1, có nhiều công ty tài chính lớn trong và ngoài nước thuê văn phòng hoạt động tại đây.
Nhưng, bên cạnh tòa cao ốc trung tâm tài chính này, tập đoàn Bitexco hiện đang sở hữu nhiều khu đất vàng đa phần nằm ngay “trái tim” quận 1, xung quanh chợ Bến Thành.
Nằm đối diện chợ Bến Thành là khu tứ giác vàng do Bitexco đang sở hữu và xây dựng dự án Spirit Of Saigon (trước đây có tên The One).
Là một trong 20 ô phố được UBND Tp.HCM quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư từ năm 2007 và tập đoàn Bitexco đã tham gia thực hiện dự án, vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Dự án được khởi công từ năm 2012, sau một giai đoạn thi công phần hầm, đến nay chủ đầu tư bắt đầu thi công các tầng nổi.
Đối với dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) xin rút khỏi dự án.
Theo Luật đất đai, nếu sau ba năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố vừa có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Đa phần diện tích đất thuộc dự án đô thị Bình Quới – Thanh Đa đều là ao hồ. Hàng trăm người dân vẫn sống tạm bợ chờ được đền bù và bàn giao đất
Dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng dự án hơn 30.717 tỉ đồng, với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ P.28, Q.Bình Thạnh), sẽ được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội – kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.
Video đang HOT
Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco cho biết dù Công ty Emaar Properties PJSC xin rút, nhưng Bitexco vẫn quyết tâm thực hiện dự án. Đến thời điểm hiện tại, nếu được Chính phủ chấp thuận cho Bitexco làm chủ đầu tư dự án đô thị Bình Quới – Thanh Đa, Bitexco vẫn giữ nguyên quy mô, tiến độ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng như đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.
Nhiều người dân đang sinh sống nhờ vào nuôi trồng vì vùng đất này bốn bề là sông nước.
Ngoài ra, Bitexco cũng đã được giao đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinhvới điểm nhấn là 3 tòa nhà cao tầng không thua gì dự án Spirit of Saigon nhằm thu hút giới tài chính hùng mạnh về đây. Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất có hành lang giao thông thuận tiện của 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1.
Hiện Bitexco đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến công tác đền bù cho dự án. Công ty vẫn còn đợi phương án đền bù từ Ban bồi thường quận 1. Do vậy, các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được triển khai khi các công tác bồi thường đã được thực hiện.
Khu vực Nguyễn Cư Trinh hay còn gọi là khu Mả Lạng hiện đang có hơn 1.000 hộ thuộc diện giải tỏa trắng. Đây là bài toán khó cho tập đoàn Bitexco khi thực hiện công tác đền bù.
Được biết đây là dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn nhất của Quận 1 từ trước đến nay về cả diện tích lẫn số lượng nhà dân bị giải tỏa. Phương án đền bù lần 1 được tính toán vào năm 2009 lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hiện nay, chỉ có tập đoàn Bitexco là sở hữu nhiều khu đất vàng có diện tích lớn nhất ngay trung tâm quận 1, TP.HCM. Tuyến metro sắp tới cũng sẽ kết nối thông suốt với siêu đô thị Nguyễn Cư Trinh.
UBND TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Việc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án dựa trên cơ sở giảm quy mô dân số của toàn khu tứ giác Mã Lạng, đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố đã duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT). Tổng mức đầu tư bệnh viện mới là 1.030 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng tại vị trí giao lộ giữa Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh (quận 1), trong dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu đất Mả Lạng). Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2017 đến năm 2020. Sau khi hoàn thành, bệnh viện đa khoa có quy mô 300 giường hoàn chỉnh, hiện đại, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, ngang tầm các bệnh viện tại các nước tiên tiến trong khu vực, cơ sở vật chất hiện đại…
Được biết, năm 2007 tập đoàn Bitexco đã được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tổ hợp cao ốc văn phòng và khách sạn 5 sao trên khu đất 125 Lê Lợi. Đổi lại, Bitexco phải dành 1ha đất tại Mả Lạng nằm ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Quận 1) để xây dựng dự án bệnh viện đa khoa Sài Gòn mới hiện đại và quy mô hơn bệnh viện cũ.
Đến 2013, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM trình phương án chỉ định Bitexco làm chủ đầu tư dự án này theo hình thức hợp đồng BT.
Khu vực trước Bệnh viện Sài Gòn – chợ Bến Thành đang là đại công trường thi công nhà ga ngầm tuyến metro và dự án của Bitexco trong tương lai sẽ kết nối thông suốt với các nhà ga này
Theo quy hoạch, khu đất vàng tại bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũ có tổng diện tích 5.443m2, sẽ được xây dựng dự án BĐS cao cấp với chiều cao từ 40-45 tầng. Dự kiến sau khi hoàn thành và chuyển giao bệnh viện mới, thành phố sẽ giao mặt bằng khu đất 125 Lê Lợi có diện tích 5.443,2m2 cho nhà đầu tư thực hiện dự án tổ hợp cao cấp này để hoàn vốn theo đúng quy định.
Với dự án mới này của Bitexco, quanh vòng xoay Bến Thành gồm có chợ Bến Thành, ga ngầm metro Bến Thành, dự án mới 125 Lê Lợi và dự án The One Tp.HCM của Bitexco là tháp đôi 48-55 tầng, được đánh giá sẽ là khu sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi các dự án đi vào hoạt động…
Đăng Khải
Theo Nhịp sống kinh tế
Nhà đầu tư ngoại rút khỏi dự án "khủng" vì thiếu đất sạch
Sau hơn 2 thập kỷ "ngủ say" trên giấy, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn chưa thể khởi động vì doanh nghiệp nước ngoài rút lui. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, nhà đầu tư rút lui vì họ cần đất sạch, trong khi đó TPHCM muốn làm việc này thì phải qua nhiều thủ tục và tốn thời gian.
Rút kinh nghiệm bài toán đất sạch
Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TPHCM diễn ra ngày 28/7, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đã thông tin đến báo chí về việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo ông Sử Ngọc Anh, dự án đã kéo dài từ năm 1992 cho đến nay. Chủ trương của TP là tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng nhưng đã kéo dài hơn 20 năm. Trải qua nhiều giai đoạn, sau này dự án được giao cho Bitexco và họ liên danh với tập đoàn Emmar Properties PJSC.
Bán đảo Thanh Đa nằm giữa bốn bề sông nước
"Tại sao tập đoàn này lắm tiền nhiều của mà người ta rút? Ở đây có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Họ cần đất sạch, đơn giá cụ thể. Trong khi mình muốn định giá đất người dân đang ở thì qua nhiều thủ tục. Trong quá trình đàm phán, họ xin rút khỏi dự án. Dự án này không thể một sớm một chiều làm được", ông Anh nói.
Ông Sử Ngọc Anh cho biết, sau khi nhà đầu tư rút thì chỉ còn lại tập đoàn Bitexco và TP có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Trước câu hỏi của báo chí về năng lực của Bitexco liệu có thể đảm đương nổi dự án vì hiện tại đơn vị này được giao nhiều dự án "đất vàng" nhưng chưa triển khai, ông Sử Ngọc Anh cho biết vấn đề này cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng thừa nhận: "Cái khó của chúng ta là trả lời câu hỏi khi nào giao đất cho nhà đầu tư, tổng mức đầu tư là bao nhiêu, chi phí cụ thể thế nào... Chúng ta đang vướng vấn đề này". Theo ông, bài học kinh nghiệm cho thấy thu hút được đầu tư là phải nhờ vào đất sạch.
Ông Hoan cho biết quan điểm của TP là tiếp tục triển khai dự án để có khu dân cư khang trang hiện đại. Việc này vừa phục vụ cho người dân tại chỗ và cho đầu tư phát triển.
"Thanh Đa là dự án lớn, đòi hỏi phương án khả thi, nhà đầu tư có năng lực. Hiện nay mình đang rất khó khăn. TP đã báo cáo Thủ tướng để chọn nhà đầu tư. Quan điểm của TP là để nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án. Nếu quay lại thì hết 5 năm nữa để có nhà đầu tư mới, lại đi một vòng thủ tục", ông Hoan nhấn mạnh.
Dự án "đắp chiếu" hơn 20 năm
Theo quy hoạch, nhiều dự án kết nối giao thông giữa bán đảo Thanh Đa với vùng lân cận
Được biết, năm 1992 dự án Thanh Đa - Bình Quới được UBND TPHCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của UBND quận Bình Thạnh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.
Quốc Anh
Theo Dantri
Khu đô thị sinh thái 30.000 tỷ ở TP HCM 'lỗi hẹn' Được chỉ định đầu tư khu đô thị Bình Quới Thanh Đa nhưng công ty bất động sản của Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất xin rút. Sáng 19/7, làm việc với đoàn công tác do Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan dẫn đầu, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết, dự...