Những dòng sông kêu cứu
Hàng loạt sông ngòi chảy qua địa bàn TP.Thanh Hóa và các huyện lân cận đang “chết”, khiến cuộc sống của người dân ven bờ khổ sở vì ô nhiễm môi trường.
Thanh niên tình nguyện TP.Thanh Hóa thường xuyên phải thu gom rác trên các dòng sông – Ả: N.Minh
Theo phản ảnh của người dân, tình trạng ô nhiễm đang hoành hành ở các sông trên địa bàn TP.Thanh Hóa như: sông Thống Nhất, sông cầu Cốc, sông Hạc, kênh Nhà Lê…
Sông Thống Nhất đoạn chảy qua địa bàn thôn 7 và thôn 8 (xã Quảng Phú, TP.Thanh Hóa) bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Rác sinh hoạt, xác động vật do người dân xả xuống lòng sông, mắc lại ở các bãi lục bình, dồn ứ thành những bãi rác nổi, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều hộ dân phải đóng cửa suốt ngày để tránh mùi hôi thối. Việc làm ăn, buôn bán của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng. “Ngày trước, nhiều người vẫn ra sông đánh bắt tôm cá, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây không ai dám lội xuống nước vì sợ ngứa ngáy. Vào những hôm động trời, cá chết nổi trên mặt nước nhưng cũng không ai dám xuống vớt”, bà Nguyễn Thị Hòa, một cư dân thôn 7, xã Quảng Phú nói.
Con người “đầu độc” dòng sông
Dọc hai bên bờ sông cầu Cốc, sông Hạc từ lâu xuất hiện nhiều bãi rác thải sinh hoạt. Ở đoạn sông phía bắc cầu Cốc, chảy qua P.Đông Hương (TP.Thanh Hóa), đã tồn tại một bãi tập kết lâm sản với những bè luồng, nứa ngâm dưới lòng sông, khiến nước sông thường xuyên bị đổi màu đen kịt và bốc mùi nồng nặc. Thêm vào đó, hàng chục hộ dân vạn chài sinh sống trên sông cũng thường xuyên xả rác và chất thải xuống nước và chính họ là những người phải thường xuyên hứng chịu mùi hôi thối, ghẻ ngứa do nước sông bị ô nhiễm.
Video đang HOT
Bên cạnh rác thải sinh hoạt của người dân, nhiều dòng sông cũng đang bị chất thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất ven sông xả xuống. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đoạn kênh Nhà Lê chảy qua các xã Quảng Thắng, Đông Hưng, Đông Tân và TT.Nhồi (TP.Thanh Hóa) đang bị ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đá ốp lát. Hầu hết các cơ sở sản xuất đá dọc bờ sông, đều chưa có hệ thống xử lý chất thải, nên nước thải kèm bột đá đều xả thẳng xuống sông. Lượng bột đá sau đó lắng xuống hình thành những điểm tắc. Những khi trời mưa, nước không thoát kịp, dâng lên ngập đồng ruộng và các khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Dọn sạch lại tái diễn
Trước thực trạng trên, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Thành đoàn TP.Thanh Hóa đã nhiều lần huy động hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia dọn rác, làm vệ sinh môi trường trên các tuyến sông, đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Ngô Ngọc Hiểu, Bí thư Thành đoàn TP.Thanh Hóa, cho biết: “Mới đây, Thành ủy, UBND TP.Thanh Hóa đã giao công tác bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các dòng sông cho Thành đoàn phụ trách. Chúng tôi đang khảo sát, xây dựng phương án, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia dọn rác, làm vệ sinh môi trường trên các dòng sông, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi xuống các dòng sông”.
Đề cập đến các giải pháp lâu dài để bảo vệ các dòng sông, ông Lưu Trọng Quang, Phó giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa, cho biết, sở này sẽ chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tăng cường vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không xả rác, gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải trực tiếp hoặc xả nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn ra sông.
Ngọc Minh
Theo Thanhnien
Cứu sông Hậu
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm dòng sông Hậu, các lực lượng chức năng của TP.Cần Thơ đang quyết liệt vào cuộc để cứu lấy con sông này.
Đường ống xả nước thải đưa ra lòng sông Ba Láng tại Công ty TNHH Thuận Hưng bị phát hiện - Ảnh: PC49 cung cấp
Sau nhiều tháng "mật phục", lúc 22 giờ ngày 4.9, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP.Cần Thơ) bắt quả tang công nhân của Công ty TNHH Phương Duy (trụ sở tại KCN Trà Nóc 2, Q.Ô Môn) xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Hậu. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này xả thải ra sông.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Trinh, Trưởng PC49, thời gian gần đây các doanh nghiệp dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với lực lượng kiểm tra nhằm xả chất thải chưa qua xử lý xuống các kênh, rạch trên sông Hậu.
Trước đó, PC49 đã phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Huy Việt - Tây Đô (P.Thuận An, Q.Thốt Nốt) và Công ty TNHH Thuận Hưng (P.Ba Láng, Q.Cái Răng) lén lút xả thải bằng "quy trình" rất công phu. Công ty Huy Việt - Tây Đô (chuyên sản xuất cồn, thực phẩm, khí CO2...) cho bơm nước thải chưa qua xử lý xuống xà lan, đợi đến tối đem xả ra sông Hậu (đoạn P.Trung Kiên) qua 2 đường ống bằng kim loại có gắn van được lắp đặt ở đuôi xà lan. Còn Công ty Thuận Hưng (chuyên gia công, sản xuất, chế biến hàng thủy sản đông lạnh) thì bị bắt khi đang xả nước thải không qua xử lý bằng hệ thống ngầm ra sông Ba Láng (một nhánh của sông Hậu, thuộc Q.Cái Răng).
Theo một trinh sát PC49, việc lắp đặt máy bơm, ống ngầm có van xả đã được công ty này thực hiện thời gian dài và có sự chỉ đạo rất chặt chẽ từ ban giám đốc đến người thực hiện. Do đó, khi phát hiện, lực lượng kiểm tra phải thuê công nhân đào khắp khu vực sản xuất mới xử lý triệt để hệ thống ống ngầm.
Đào tìm đường ống ngầm xả thải ra sông của một doanh nghiệp
Tại hội nghị sơ kết ngành tài nguyên - môi trường TP.Cần Thơ vào tháng 7.2015, bà Đỗ Thị Ngọc Hoa, Trưởng phòng TN-MT Q.Ô Môn, cho biết mặc dù lực lượng chức năng từ T.Ư đến địa phương đã nhiều lần xử phạt Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu, song công ty này vẫn tiếp tục xả nước thải có màu đen, hôi thối ra tuyến kênh giáp ranh giữa P.Long Hưng (Q.Ô Môn) và xã Thới Hưng (H.Cờ Đỏ).
Ngày 29.7.2015, Sở TN-MT TP.Cần Thơ chủ trì cuộc họp cùng với Công an TP.Cần Thơ, Phòng TN-MT H.Cờ Đỏ làm việc, yêu cầu công ty này phải chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn; nếu tái phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Sở TN-MT TP.Cần Thơ nhìn nhận, hiện các KCN tập trung thải ra khoảng 30.000 m3 nước/ngày đêm, cộng với nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư khoảng 70.000 m3/ngày đêm thải trực tiếp ra sông, rạch. 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng kiểm tra 49 đơn vị tại các KCN trên địa bàn thì tất cả đều vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy, tại rạch Sang Trắng 1 cách KCN Trà Nóc 2 khoảng 200 m, hàm lượng COD (mức độ hiện diện chất hữu cơ trong nước) vượt chuẩn cho phép từ 5 - 6 lần. Trong khi đó, ở rạch Sang Trắng 2, nơi cách xa KCN hơn thì hàm lượng hữu cơ vượt tiêu chuẩn 4 - 6 lần.
Mai Trâm
Theo Thanhnien
Chủ tịch Đà Nẵng giải quyết vụ công nhân môi trường "kêu cứu" Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng tiến hành đại hội đồng cổ đông thành lập công ty cổ phần trong tháng 9 năm 2015. Trước thời điểm đại hội đồng cổ đông lần đầu, không được tuyển dụng mới, bổ nhiệm cán bộ trong công ty. Sau khi...