Những doanh nghiệp có khả năng lãi tốt cuối năm – Kỳ 2: Khối chứng khoán có khả năng về đích sớm
Diễn biến khá thuận lợi của thị trường trong quý III/2018 đã phần nào giúp các công ty chứng khoán (CTCK) trở lại đà tăng trưởng hiệu quả hoạt động sau quý II bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán. Theo đó, nhiều CTCK tự tin về khả năng về đích sớm trong năm nay.
Thị trường quý IV được dự báo sẽ tích cực hơn quý III, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các công ty chứng khoán.
Kỳ 2: Khối chứng khoán có khả năng về đích sớm
Tuy không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho biết, trong quý III/2018, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đã hoàn thành nhiều giao dịch có doanh thu và lợi nhuận cao đáng kể so với 2 quý đầu năm, trong khi mảng môi giới dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng 10%.
Theo ông Hà, thị phần quý III của MBS ghi nhận sự cải thiện đáng kể, ước tính tăng 10% so với thời điểm cuối quý II, cho dù tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong kỳ có xu hướng giảm.
Cùng với đó, MBS kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong hoạt động dịch vụ tài chính, gắn việc tăng trưởng dịch vụ tài chính với tăng trưởng thị phần môi giới, đảm bảo doanh thu môi giới có sự tăng trưởng trong quý tới đây.
“Với kết quả khả quan trong quý III/2018, MBS có thể vượt xa đích chỉ tiêu kinh doanh đặt ra cho năm nay, bởi triển vọng của TTCK trong quý IV được dự báo sẽ còn tích cực hơn so với 3 quý đầu năm”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, do không còn nhiều áp lực về trích lập dự phòng, SHS đạt kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý III và khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 480 tỷ đồng của năm 2018 là rất cao.
“Ở giai đoạn hiện tại, chúng tôi tập trung phát triển Công ty theo hướng ổn định, không chạy theo những khoản đầu tư mang tính chất đột biến”, ông Tiến nói.
Cũng theo lãnh đạo SHS, diễn biến tích cực của thị trường tất yếu sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của khối CTCK, nhưng chỉ mang tính thời điểm. Về lâu dài, điều quan trọng là phải có những giải pháp cụ thể để đưa thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định, mà mấu chốt là sự liên thông giữa thị trường tiền tệ và TTCK.
Video đang HOT
Nhìn nhận về triển vọng TTCK trong quý IV/2018, ông Tiến cho rằng, những gì “xấu nhất” đã được phát ánh trong giai đoạn quý II và quý III vừa qua.
Với việc Việt Nam được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE, thị trường còn khả quan hơn trong quý cuối năm, tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các CTCK, nhất là hoạt động tự doanh.
Thông tin từ CTCK VPBank (VPBS) cũng cho thấy, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ trong quý III/2018 đều tăng mạnh, giúp VPBS có thể về đích trước thời hạn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lãi sau thuế của VPBS đạt lần lượt 791 tỷ đồng và 251 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 15%, nhưng lãi sau thuế tăng tới 192%.
Thực tế, nguồn thu của các CTCK chủ yếu đến từ 4 mảng hoạt động chính, đó là môi giới, kinh doanh vốn (margin), tự doanh và tư vấn tài chính.
Trong đó, tùy vào định hướng hoạt động mà mỗi CTCK sẽ chú trọng đến các nghiệp vụ riêng và mảng này sẽ hỗ trợ mảng kia tùy vào từng thời điểm. Hiện tại, hoạt động tự doanh không chỉ đơn thuần là hoạt động mua bán, mà còn là chất xúc tác để các CTCK đẩy mạnh hoạt động phân phối sản phẩm cho nhà đầu tư.
Theo thống kê của FinnPro, hoạt động tự doanh của khối CTCK đang chiếm trên 2,5% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Một số CTCK có hoạt động tự doanh lớn như CTCK TP. HCM (HSC), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK VNDirect (VND), CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)… cho biết, nguồn thu từ hoạt động tự doanh trong quý III/2018 tăng bình quân khoảng 15% so với quý II.
Mặt khác, hiện nay, khoản đầu tư tự doanh đã được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và việc hạch toán các khoản đầu tư được chia thành 2 loại: Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Với cách hạch toán này, nếu các khoản chênh lệch giảm trên 20% thì buộc các CTCK phải hạch toán trích lập dự phòng, nhưng nếu có lãi thì khoản này sẽ không thể hiện trên báo cáo tài chính. Đây được ví như “của để dành” của các CTCK.
Lãnh đạo HSC cho biết, khi xây dựng kế hoạch 2018, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm 2017. Do đó, nếu hoàn thành được kế hoạch năm 2018 thì coi như đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ với tỷ lệ tương tự.
Nửa đầu năm 2018, HSC đạt doanh thu hơn 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 472 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 50% và 58% kế hoạch cả năm. Dù chưa công bố con số lợi nhuận quý III/2018, nhưng theo HSC, khả năng sẽ tăng khoảng 15% so với quý II.
Cũng chưa công bố chi tiết, nhưng theo chia sẻ của ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK VietinBank (CTS), lợi nhuận quý III sẽ cao hơn đáng kể so với quý II, giúp Công ty tự tin hoàn thành vượt mức so với kế hoạch kinh doanh năm 2018 đề ra.
“Chúng tôi tin vào xu hướng tăng trưởng của TTCK trong quý cuối năm, cũng như thời gian tới, nhất là khi cơ hội nâng hạng đang đến rất gần, giúp thị trường thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước”, ông Đức nói.
Thực tế, lợi nhuận của khối CTCK thường phụ thuộc vào diễn biến của TTCK và nhìn vào biến động của thị trường có thể hình dung được hiệu quả kinh doanh của khối này.
Tuy nhiên, không ít CTCK cho rằng, không chỉ điều kiện thị trường, mà có nhiều yếu tố khác tác động đến hiệu quả kinh doanh, nhất là với những CTCK có hoạt động tư vấn đóng vai trò chi phối.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, tính đến hết quý III/2018, VCBS đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm. Dù vậy, theo VCBS, vẫn cần lưu ý về các rủi ro, cũng như các yếu tố bất định hiện hữu trên thị trường, sẽ là quá sớm nếu khẳng định sẽ vượt xa kế hoạch cả năm từ thời điểm này.
Yếu tố có thể kỳ vọng lúc này là việc TTCK Việt Nam đang trong tâm lý tích cực chờ đợi được nâng hạng. Cùng với đó, tâm lý lo ngại về tỷ giá và lãi suất trong nước được giải tỏa, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đưa thị trường trở về trạng thái cân bằng. Khi thị trường lấy lại sự cân bằng và tăng trưởng sẽ là cơ hội để các CTCK sớm vượt đích.
Kỳ 3: Điểm sáng hiệu quả khối doanh nghiệp dệt may
Hoàng MInh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Thoái vốn ỳ ạch ở Habeco, ai chịu trách nhiệm?
Công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang được ví von như "mắc nghẹn" bởi những vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Cùng với những sai phạm đã tồn tại ở Habeco, khả năng giải quyết nhanh các vấn đề để thúc đẩy việc thoái vốn thành công là khá khó khăn.
Sự sụt giảm mạnh của sản phẩm bia chai Hà Nội dẫn tới kết quả kinh doanh của Habeco không đạt được các chỉ tiêu đặt ra. Ảnh: PV
Kinh doanh sụt giảm, nhiều sai phạm
Lý giải cho công tác thoái vốn chậm chạp và còn bề bộn mà chưa thể giải quyết được tại Habeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng chỉ ra điểm vướng mắc lớn nhất là hợp đồng đã ký với đối tác Carlsberg cho phép đối tác này được ưu tiên mua trước cổ phần Nhà nước tại Habeco. Ông Hải cũng từng "bật mí" để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã phải "lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ". Nhưng xem ra các giải pháp đều chưa hiệu quả khi cho tới nay, thời gian đã khá lâu mà vấn đề có vẻ vẫn chưa sáng sủa hơn. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Habeco là BHN đã liên tục sụt giảm trong suốt 6 tháng đầu năm mất khoảng 32% giá trị (ở mức giá 91.500 đồng/cổ phiếu). Tính đến ngày 27.9, giá tham chiếu của BHN trên thị trường chứng khoán còn giảm sâu hơn về mức 86.000 đồng/cổ phiếu. Về mặt kinh doanh, trong Báo cáo đánh giá hoạt động SXKD 2017 và kế hoạch 2018 hồi tháng 6 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Habeco thừa nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm trước.
Từ đầu năm 2018 tới nay, Habeco liên tiếp trải qua các cơn sóng gió khi Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị trong công tác quản lý, điều hành vi phạm các quy định của Nhà nước từ đó KTNN đã đề nghị Habeco cần phải sớm sửa chữa khắc phục những vi phạm này.
Đối với công tác tài chính, KTNN cũng phát hiện hàng loạt vấn đề tại Habeco như có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn, có tình trạng phân loại, trình bày báo cáo tài chính chưa chính xác, đối chiếu xác nhận nợ chưa đầy đủ, không sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư phát triển theo chiều sâu mà chủ yếu đem gửi ngân hàng... KTNN cũng chỉ ra nhiều khoản chi tại Habeco không được chặt chẽ...
Giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Habeco, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng khẳng định "yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người. Người đứng đầu rất quan trọng không chỉ là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại". Điều đó đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự chủ chốt tại Habeco thời gian qua.
Vướng mắc lớn hay thiếu quyết tâm?
Quay trở lại công tác thoái vốn Nhà nước tại Habeco, những vấn đề về nhân sự và kinh doanh kém hiệu quả cũng có thể là tác nhân gây ra sự chậm trễ, nhưng cũng không loại trừ khả năng nghi vấn "có động cơ" trong việc để kết quả kinh doanh thụt lùi trong vài năm trở lại đây - PGS.TS Vũ Trí Dũng - Đại học Kinh tế Quốc dân từng nêu khi đề cập về vấn đề này.
Trao đổi cùng PV Báo Lao Động ngày 27.9, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Phát triển và Cải cách Doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, về khía cạnh doanh nghiệp họ lo ngại mất thương hiệu, mất quyền điều hành, kiểm soát khi cổ đông chiến lược vào thâu tóm doanh nghiệp, nhưng cũng phải thấy rằng, việc thu hút cổ đông chiến lược là rất cần thiết và có thể khắc phục các lo ngại bằng các thỏa thuận thông qua các hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp của Habeco và Carlsberg rõ ràng chưa tìm được tiếng nói chung vì vậy làm chậm trễ quá trình thoái vốn, trong khi có các đối tác khác có khả năng hơn chưa được quan tâm xem xét. Khi cứ tập trung vào một cổ đông mà không thỏa thuận được dẫn đến kéo dài thời gian thoái vốn.
Nhưng ở phía còn lại cũng cần xem lại chính sách Nhà nước về việc CPH Habeco là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia, đây không phải là ngành Nhà nước cần nắm giữ. Câu chuyện ở đây không chỉ là doanh nghiệp mà trách nhiệm còn ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công Thương. Quyết định 58 của Chính phủ đã khẳng định Nhà nước không kinh doanh ngành lĩnh vực bia, vì vậy việc cố ý nắm giữ quá lâu cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này có cần thiết hay không? Cần phải xem lại trách nhiệm thực hiện, lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Trong khi đó, cùng lĩnh vực như thế, Sabeco (Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn) họ bán cổ phần và thu lại lợi ích cho Nhà nước rất lớn.
Hoạt động kinh doanh của Habeco cũng liên tiếp gặp khó khăn, dù đơn vị này cho rằng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng sản lượng tiêu thụ bia các loại chỉ đạt 88,4% so với kế hoạch năm. Habeco đã thúc thủ hay buông xuôi thị trường nào? Lý do gì dẫn tới tình trạng ấy? Cần phải tìm ra lời giải để vực dậy doanh nghiêp này nếu muốn công tác thoái vốn đạt được thành công như "người anh em" cùng ngành Sabeco.
ĐỨC THÀNH
Theo laodong.vn
Vàng trong nước tăng giá cùng chiều thế giới Sau phiên đứng giá ngày hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay (18/9) đã bật tăng trở lại trong bối cảnh giá vàng thế giới hồi phục và lấy lại được phần nào mức sụt giảm vào cuối tuần trước. Ảnh minh họa. Khảo sát lúc 8h45 sáng nay (18/9), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá...