Những điều kiêng kỵ trong ứng xử ở ASEAN
Với nền văn hóa – xã hội lâu đời và đa dạng, các thị trường ở Đông Nam Á đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm vững các nguyên tắc ứng xử xã giao nếu muốn thành công.
Vái chào là nét xã giao đặc trưng của Thái Lan – Ảnh: Fox News
Theo nhiều chuyên gia, sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ nâng cao vị thế của hiệp hội trong cấu trúc kinh tế khu vực và thế giới, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp bên ngoài lẫn giữa các thành viên ASEAN.
Giới đầu tư hy vọng khi ASEAN tiến tới một thị trường chung, các luật lệ, quy định và tiêu chuẩn kinh doanh sẽ được đồng nhất, dẫn đến môi trường làm ăn ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nắm vững về thủ tục, thị trường thôi vẫn chưa đủ. Đông Nam Á nói chung và các nước thành viên nói riêng có nhiều truyền thống và quy tắc ứng xử mà một nhà đầu tư cần phải tôn trọng để đảm bảo thành công.
Tờ USA Today dẫn lời David Clive Price, diễn giả nổi tiếng người Anh chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư tại châu Á, khuyên những doanh nghiệp quan tâm tới thị trường ASEAN phải tìm hiểu các quy tắc tôn giáo và tín ngưỡng ở nước sở tại, các quan niệm về tôn ti trật tự, các giá trị gia đình và tập thể, vì các yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các hoạt động khác trong khu vực, bao gồm kinh tế. Mặt khác, từng nước ASEAN lại có những nét khác nhau trong ứng xử và xã giao, đòi hỏi doanh nghiệp của từng thành viên muốn sang nước bạn làm ăn không thể “ỷ y” mà cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo chuyên gia Price, tốt nhất là tìm trợ lý là người địa phương hoặc một người sống lâu năm, có kinh nghiệm về các phong tục tập quán ở nước đó.
Khi chào hỏi đối tác, Việt Nam và một số nước trong khối đã quen với cách bắt tay của phương Tây. Người Philippines đôi khi còn tỏ ra khá thân mật, đàn ông có thể vỗ vai nhau sau khi bắt tay còn phụ nữ thì hôn lên má. Ngược lại, nhiều người theo đạo Hồi ở Brunei, Malaysia và Singapore ngại bắt tay người khác phái và chỉ cúi chào. Người Thái thì vẫn luôn gìn giữ cách vái chào theo kiểu truyền thống, người nhỏ hơn hay chức vụ thấp hơn vái chào trước và cúi sâu hơn để thể hiện sự kính trọng.
Hợp tác làm ăn không thể thiếu những buổi tiệc hay ăn trưa làm việc cũng như tặng quà. Indonesia, với dân số 240 triệu người, là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Do đó, tiệc mời đối tác tại đây tuyệt đối không được có thịt heo, quà tặng không nên là thức uống có cồn và bất kỳ thực phẩm nào mang tặng phải có dấu “halal” dành cho người Hồi giáo.
Video đang HOT
Theo USA Today, người tặng quà cũng nên để ý đến ý nghĩa màu sắc ở từng nước để chọn giấy gói phù hợp. Ví dụ màu đen và xanh dương là màu tang ở Singapore cũng như không được ưa chuộng ở Thái Lan. Người Thái thích màu vàng và người Indonesia cũng tin các màu vàng, đỏ mang lại may mắn còn người Philippines hầu như không kiêng kỵ về màu sắc.
Bên cạnh đó, người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần mỗi ngày nên doanh nghiệp làm việc tại các nước này nên tìm hiểu để tránh tổ chức hội họp vào những giờ đó.
Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thường mở đầu cuộc họp bằng những cuộc trò chuyện nhỏ đôi khi không liên quan đến công việc. Vì thế, doanh nghiệp Việt muốn tìm cơ hội tại Singapore cần lưu ý rằng ở nước này, cuộc họp thường đi thẳng vào vấn đề ngay từ đầu. Và nếu như người Việt khi trao danh thiếp thường nhìn mặt nhau để thể hiện sự tôn trọng, Singapore lại xem đó là bất lịch sự. Họ chỉ nhìn thoáng vào mắt đối tác rồi cúi xuống, có thể nhìn vào danh thiếp.
Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ về các quy tắc thương lượng trong kinh doanh, cũng như thói quen trao tặng quà trong quá trình này. Một số khảo sát cho thấy người Campuchia và Singapore xem việc tặng quà trong một cuộc gặp gỡ doanh nghiệp là hối lộ. Ngược lại, tặng các món quà nho nhỏ cho quan chức chính phủ và các nhân vật chủ chốt trong một công ty là chuyện bình thường tại Myanmar.
Đặc biệt, do đặc thù về lịch sử và chính trị nên một doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt hơn ở lần gặp gỡ đối tác đầu tiên nếu cho thấy được mình đã có quan hệ với một quan chức chính phủ nào đó của nước sở tại.
Nỗ lực đơn giản cuối cùng để tạo thiện cảm, theo chuyên gia Price, là cố học vài câu tiếng địa phương để dùng khi chào nhau và đệm vào các cuộc trò chuyện để tạo không khí thân mật.
Thùy Vi
Theo Thanhnien
Cộng đồng kinh tế ASEAN là thị trường lớn thứ tư thế giới
Ngày 20.11, các Hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 khai mạc vào hôm nay 21.11.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi ăn tối thân mật với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 20.11 - Ảnh: Lam Yên
Dẫn đầu đoàn VN là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bên lề hội nghị, thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có buổi trò chuyện với báo giới Việt Nam về ích lợi của việc thành lập Cộng đồng chung ASEAN cuối năm nay.
Việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN sẽ dựa trên ba trụ cột ở ba lĩnh vực: chính trị- an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội.
Về mặt chính trị-an ninh, đây là cơ hội rất lớn thể hiện quyết tâm của các nước ASEAN đóng vai trò chủ động trong việc đề ra các giải pháp đối với các vấn đề hoà bình và an ninh trong khu vực. Trong đó, đương nhiên Biển Đông sẽ trở thành vấn đề quan tâm chung.
Về văn hoá - xã hội, chúng ta có thể thúc đẩy về mặt giáo dục, cụ thể là các vấn đề liên quan đến quy định về chuẩn giáo dục của các nước hay việc tạo điều kiện cho việc di cư của người lao động giữa các nước ASEAN với nhau.
Về kinh tế, làm sao có một cơ sở sản xuất chung, một thị trường chung để tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN, giảm chênh lệch về sự phát triển giữa các nước thành viên. Việc nào sẽ tạo cho ASEAN sức cạnh tranh cao hơn so với các khối kinh tế khác bên ngoài cũng như tạo sự phát triển đồng đều giữa các thành viên.
Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chậm nhất vào năm 2050 Đông Nam Á sẽ là thị trường lớn thứ tư trên thế giới.Việc hình thành AEC là sự ra đời của một khu vực tích hợp - một tập thể trong nền kinh tế toàn cầu, đánh dấu sự khởi đầu mới cho hơn 630 triệu người trong khối.
Đề nghị Singapore tạo điều kiện nhập cảnh cho công dân Việt Nam
Trong ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan. Theo đó, bên cạnh việc nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường kết nối doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, cảng biển, du lịch..., Việt Nam còn đề nghị Singapore hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để công dân Việt Nam nhập cảnh Singapore nhanh chóng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi việc xúc tiến đàm phán và ký kết Hiệp định đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Singapore.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bữa ăn tối thân mật với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur - Malaysia)
Theo Thanhnien
Con đường không dễ dàng để có thị trường chung Ngày 31/12/2015, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời. Để đạt mục tiêu thành lập một thị trường chung theo mô hình Liên minh châu Âu (EU), các chuyên gia cho rằng AEC còn phải vượt qua nhiều thách thức. Cộng đồng Kinh tế ASEAN. (Ảnh: 123rf.com) Khu vực Đông Nam Á với 634 triệu dân là khối thương mại...