Những điều chưa biết về Phương Mỹ Chi
Bí quyết giúp chị Bảy ghi điểm khi thi The Voice Kids, ước mơ giúp ba chữa bệnh, đỡ gánh nặng gia đình và những đổi thay cuộc sống của cô bé 10 tuổi khiến nhiều người không khỏi xúc động khi biết về em.
Học hát bằng bản năng
Trong gia đình Phương Mỹ Chi, cô Út Quế Như là người từng đi hát ở một số tụ điểm ca nhạc. Tuy nhiên, vì bệnh tình càng ngày càng nặng khiến thị lực ngày càng mờ dần, cô đã phải từ bỏ niềm đam mê ca hát từ khi còn rất trẻ.
Cô Út là người đầu tiên phát hiện ra khả năng hát nhạc dân ca của Mỹ Chi, cũng là người thầy dạy hát và định hướng cho “chị Bảy” thi thố tại The Voice Kids. Thế nhưng có một điều ít ai ngờ tới là cô Út không hề biết một chữ nhạc lý. Từ trước đến nay cô đều hát dân ca bằng bản năng có sẵn và chính cảm xúc thật của mình.
Chính vì vậy, ngay cả khi dạy Mỹ Chi hát dân ca, từ cách phát âm, thả chữ, lên cao, xuống giọng,… tất cả đều được cô Út truyền đạt lại bằng tai nghe và cảm nhận của một người yêu ca hát. Ngay cả cách Mỹ Chi truyền đạt cảm xúc vào bài hát cũng được cô Út chăm chút rất kỹ.
Và lạ lùng thay, chính cách học hát bản năng và không… khoa học này lại là vũ khí giúp cô bé 10 tuổi trở thành hiện tượng gây sốt tại The Voice Kids, khiến nhiều người mê đắm giọng ca ngọt lịm đầy tình cảm.
Tuy không biết một chữ về nhạc lý, cô Út vẫn dạy hát cho Phương Mỹ Chi bằng bản năng và giúp em trở thành “hiện tượng dân ca” tại cuộc thi The Voice Kids
“Tôi cũng nghe nhiều người nói học thanh nhạc sẽ giúp cho giọng hát khỏe hơn, tốt hơn và nhất là sau này không bị hư giọng. Gia đình cũng có kế hoạch sẽ cho Mỹ Chi đi học nhạc lý bài bản, nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ để cháu ổn định việc học ở trường trước tiên. Trong thời gian thi Giọng hát Việt nhí, Mỹ Chi đã phải nghỉ học hơn 4 tuần. Đây là lúc cháu cần được bổ sung kiến thức để theo kịp các bạn trên lớp. Đến khi mọi thứ ổn định, gia đình mới tính đến chuyện cho cháu học thanh nhạc” – cô Út chia sẻ.
Là người dạy dỗ và chỉ bảo Mỹ Chi từ những câu hát đầu tiên, cô Út cho biết, 2 tiết mục của “học trò” khiến cô thích và hài lòng nhất là Quê em mùa nước lũ (vòng Giấu mặt) và Đất phương Nam (vòng Đối đầu).
Chính cách hát rụt rè, lo sợ nhưng vẫn ngọt ngào của Phương Mỹ Chi ở đêm thi đầu tiên đã khiến cô lặng người khi nghe lại trên tivi. Cảm xúc của cô gần như vỡ òa khi thấy các HLV tranh nhau khen ngợi và bấm nút chọn “chị Bảy”.
Riêng vòng Đối đầu lại mang cho cô cảm xúc khá đặc biệt khi đây lại là vòng thi chọn 1 loại 2. Vì khả năng chiến thắng không cao nên từ lúc tập luyện, hai cô cháu đã rất lo lắng và quyết định sẽ dồn hết sức cho tiết mục này. Chính vì vậy, khi nghe Mỹ Chi được gọi tên vào vòng trong, cô Út đã vô cùng hạnh phúc và tự hào về sự nỗ lực của “trò cưng”.
Dù có đôi chút rụt rè và lo sợ khi hát Quê em mùa nước lũ, nhưng đây lại là tiết mục khiến cô Út xúc động và hài lòng nhất của Phương Mỹ Chi khi The Voice Kids Trong khi đó, việc Mỹ Chi dừng chân ở ngôi vị Á Quân The Voice Kids lại không khiến gia đình cảm thấy hụt hẫng hay thất vọng. Bởi trước đó, không một trong nhà lại nghĩ cô nhóc 10 tuổi hát dân ca này lại có thể đi xa đến thế.
“Giới trẻ bây giờ chỉ thích nghe nhạc ầm ĩ, sôi động rồi nhảy huỳnh huỵch. Có bao nhiêu người chịu nghe loại nhạc dân ca vừa già vừa ‘cổ lổ sỉ’ thế này đâu. Lúc đưa chị Bảy đi thi, gia đình cũng chỉ mong cháu được thỏa niềm đam mê ca hát, vào được 1, 2 vòng là vui lắm rồi.
Video đang HOT
Chúng tôi không ngờ Phương Mỹ Chi lại được nhiều người yêu mến và vào sâu đến thế. Vì vậy, Mỹ Chi đi đến vòng chung kết là đủ để mừng và bất ngờ lắm rồi, có làm Quán quân hay không cũng không quan trọng nữa. Nhất là khi cháu đang được mọi người yêu mến nhiều như thế. Đâu phải ai cũng may mắn có được cơ hội này”, cô Út cho hay.
Ba luôn là người đàn ông thầm lặng
Từ ngày cái tên Phương Mỹ Chi nổi lên như một hiện tượng, trong những câu chuyện hay lời kể của em, người ta chỉ thấy nhắc tới mẹ và cô Út. Không phải vì chị Bảy thương mẹ hơn mà vì ba của em là một người đàn ông rất trầm lặng, luôn luôn đứng phía sau và ủng hộ mọi quyết định của vợ dành cho con gái.
Với công việc làm thuê, chở hàng, mỗi sáng ông đã phải rời nhà từ rất sớm, đến tối khuya mới trở về. Công việc rất vất vả nhưng lương bổng mỗi tháng cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Ba mẹ và cô Út – những người quan trọng nhất trong cuộc sống của Mỹ Chi
“Làm lụm mệt mỏi nên về đến nhà là ba nó chỉ muốn lên giường ngủ một giấc. Mẹ Mỹ Chi là người thường xuyên ở nhà, mọi thứ liên quan đến việc trông nom, hay thậm chí việc đưa đón 2 chị em Mỹ Chi học đều do mẹ nó lo cả. Vì vậy, khi Phương Mỹ Chi tham gia The Voice Kids, lúc nào mẹ cũng phải ở bên cạnh để bảo ban, chăm sóc nó.
Tuy không nói nhiều về chuyện thi hát của con gái nhưng ba lúc nào cũng ở phía sau ủng hộ quyết định của hai mẹ con. Ba nó là người trầm tính, ít nói nhưng đôi lúc thấy con gái mệt mỏi tập tành, ông cũng quan tâm hỏi han, chia sẻ với con. Những đêm thi quan trọng cũng mặc kệt mệt mỏi để đi theo ủng hộ Mỹ Chi.
Vì ở với mẹ và cô nhiều hơn nên mỗi khi trả lời phỏng vấn, nó luôn nhắc tới đầu tiên khi được hỏi. Dù thời gian ở gần ba không nhiều như bên mẹ và cô Út nhưng qua tính cách Mỹ Chi thì có thể thấy được cháu nó thương ba lắm. Cháu nó còn mong sẽ đi hát thật nhiều, kiếm thật nhiều tiền giúp ba chữa bệnh, để ba nó không phải lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền nữa”, gia đình chị Bảy chia sẻ.
Ngoài việc kiếm tiền chữa bệnh cho ba và phụ ba lo cơm áo gạo tiền, ngôi nhà ọp ẹp nằm trong con hẻm nhỏ với đại gia đình 18 người ở hiện nay cũng khiến Mỹ Chi nung nấu hy vọng mua nhà cho mẹ
Cuộc sống đổi thay từ khi nổi tiếng
Kể từ khi tham gia Giọng hát Việt và trở thành “hiện tượng dân ca” được hàng triệu người yêu mến, cuộc sống của cô nhóc 10 tuổi cũng đã có nhiều đổi thay so với trước đây. Em đã may mắn nhận được học bổng hơn một tỷ đồng, được tài trợ toàn bộ học phí và các chi phí mua sách vở, giáo trình từ lớp 5 đến lớp 12 tại trường tiểu học Quốc tế Tây Úc.
Trước đây khi học tại trường cũ Tuy Lý Vương, mỗi ngày Mỹ Chi chỉ đến trường nửa buổi. Chính vì vậy, em có nhiều thời gian ở bên gia đình, vui đùa cùng bạn bè và phụ mẹ bưng chè lúc rãnh rỗi. Nhưng hiện nay, việc học đã chiếm phần lớn thời gian của chị Bảy khi ngày ngày đều được mẹ chở đi học từ 6h sáng, đến tận chiều tối mới trở về nhà.
Trước đây Mỹ Chi thường dành thời gian rỗi chơi game trên máy vi tính nhưng giờ thời gian quá hạn hẹp, cô bé chỉ có thể ôm búp bê chơi một lát cho đỡ buồn rồi lại lao vào học hành, lúc thì trả lời phỏng vấn, khi thì đi quay hình, tập hát.
Quá bận rộn với việc học, đi hát và ghi hình, phỏng vấn, Mỹ Chi không còn thời gian rỗi để phụ mẹ bưng chè, giúp cô làm hủ tiếu,… như những ngày trước đây Trong thời gian thi The Voice Kids, gia đình cũng không cho phép Mỹ Chi lên Internet thường xuyên vì sợ em sẽ không chịu nổi khi đọc những lời nhận xét khó chịu từ cộng đồng mạng. Thay vào đó, mẹ và chị gái sẽ là người dõi theo tin tức, bình luận của khán giả, báo chí và “chắt lọc thông tin” giúp Mỹ Chi.
Trường học mới, bạn bè mới cũng khiến chị Bảy cảm thấy buồn và khó hòa nhập vào những ngày đầu tiên đến lớp. Nhưng dần dần cũng quen, nhất là khi cả trường mới lẫn trường cũ đều vận động mọi người bình chọn cho Phương Mỹ Chi. Ai nấy đều biết đến tên em và bạn bè chủ động tiếp cận làm quen ngày một nhiều. Tuy nhiên, cô bé vẫn đang tìm kiếm những mối quan hệ thân thiết hơn nữa để có người bạn ở bên, chia sẻ buồn vui khi học hành.
Kể từ khi Mỹ Chi nổi tiếng, gia đình em bỗng trở nên tấp nập, đông đúc hơn. Khách đến thăm, tặng quà cho chị Bảy cũng nhiều hơn. Ban đầu mọi thứ vẫn còn khá lạ lẫm nhưng dần dà cũng đã quen dần và việc mỗi ngày có một ai đó đến nhà tìm Mỹ Chi hay mua chè của mẹ cũng chẳng còn xa lạ.
Mỗi lần ra đường và nghe thấy ai đó mở nhạc mình hát, Mỹ Chi lại vô thức nở nụ cươi tươi trên môi và chỉ thốt lên vỏn vẹn 4 chữ: “Em thấy vui lắm!” để bày tỏ niềm hạnh phúc của em.
Hình ảnh ngây thơ, trong sáng của cô nhóc 10 tuổi khiến hàng triệu khán giả yêu mến
Đã chính thức trở lại trường học từ ngày 10/9 nhưng đến giữa tuần sau, chị Bảy sẽ lại xin nghỉ học vài ngày để đi Hà Nội biểu diễn.
“Ban đầu chúng tôi cũng đắn đo suy nghĩ dữ lắm, đi diễn xa mất nhiều thời gian, cháu lại phải xin nghỉ học. Nhưng Mỹ Chi nói cháu chưa từng ra Hà Nội lần nào, cũng muốn thử cảm giác được ngồi máy bay cho biết. Thấy Mỹ Chi rất thích thú với chuyến đi lần này nên gia đình đã quyết định nhận lời để đáp ứng nguyện vọng của cháu.”
Không chỉ thay đổi về giờ giấc sinh hoạt, ngay cả việc ăn uống của chị Bảy cũng có nhiều kiêng khem hơn trước kia. Mỗi lần cô bán bánh tráng trộn đi ngang nhà, Mỹ Chi lại lén mẹ mua một gói ăn cho thỏa cơn thèm. Hay khi mẹ không để ý, em lại vô tư uống nước đá cho đã cơn khát giữa tiết trời oi bức.
Dù rất nhiều lần Mỹ Chi bị mẹ la mắng vì không biết giữ giọng nhưng mẹ và gia đình chỉ nói cho em biết chứ không mạnh tay ngăn cấm. Bởi họ hiểu, dù sao “chị Bảy” cũng chỉ 10 tuổi và có quyền được vui chơi, tự do như các bạn đồng trang lứa.
Thời gian này, “hiện tượng dân ca” sẽ trở về với cuộc sống bình dị. Vì tuổi còn khá nhỏ nên mẹ và cô Út chưa có ý định để Mỹ Chi theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Gia đình sẽ không ôm đồm nhận show và chỉ cho em hát ở những nơi diễn thích hợp. Ngoài việc học, Mỹ Chi sẽ đi hát vào mỗi cuối tuần để nuôi giữ ước mơ ca hát và nung nấu ý định “mua nhà cho mẹ, chữa bệnh cho ba”.
Theo Khampha.vn
Nếu người Việt cũng chuộng dân ca như người Mỹ yêu nhạc đồng quê
Dòng nhạc dân ca và mang âm hưởng dân ca vẫn đã và luôn nằm sâu trong huyết quản người Việt; chỉ là chưa có ai biết cách đánh thức nó mà thôi.
The Voice Mỹ mùa thứ 4 đã công bố tên người chiến thắng vào hôm qua. Cô bé 16 tuổi của đội HLV Blake Shelton trở thành thí sinh trẻ tuổi nhất vinh danh tại đấu trường này. Sự việc chẳng có gì ầm ĩ nếu như Danielle Bradbery thực sự có tài năng nổi trội hơn các ứng viên khác khác; nhưng rất tiếc, chiến thắng của Danielle phần lớn là nhờ vào việc fan của chương trình hầu hết là những khán giả yêu chuộng dòng nhạc country.
Danielle Bradbery - Quán quân mới của The Voice Mỹ
Đây là mùa thứ 3 liên tiếp dòng nhạc country của Mỹ thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình trên thị trường âm nhạc (Cassadee Pope - quán quân The Voice US mùa 3 và Scotty McCreery - quán quân American Idol 2011). Nhạc country còn được xem là "dân ca của người Mỹ". Với giai điệu vô cùng êm dịu, nhẹ nhàng, tự nhiên, dễ nghe, dễ thuộc... nên hầu hết người Mỹ đều đặt rất nhiều tình cảm cho dòng nhạc này. Minh chứng rõ ràng nhất là trong hầu hết các cuộc thi danh tiếng của Mỹ, các thí sinh theo đuổi dòng nhạc country luôn tiến sâu hơn và giành chiến thắng trước các đối thủ khác.
Chiến thắng của Danielle Bradbery một lần nữa lại không được sự đồng tình của hầu hết các khán giả. Thậm chí có những khán giả đã nói rằng "đây không phải là một cuộc thi về tài năng, mà về sự yêu thích". Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một điều rằng, thị trường Mỹ luôn chắp cánh cho những tài năng trẻ tỏa sáng; luôn coi trọng dòng nhạc quê hương đặc trưng của họ và nó luôn có một vị trí bất di bất dịch trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc.
Để so sánh mức độ ảnh hưởng của dòng country Mỹ với dân ca Việt Nam thì thật quá khập khễnh. Nhưng ở đây chúng ta có thể học hỏi và suy nghĩ về cách mà họ đã phát triển dòng nhạc dân ca của họ. Cách họ đối xử và biến nó thành một ngành hái ra tiền trên toàn thế giới.
Không nói đâu xa, đã khá lâu rồi dòng nhạc dân ca và mang âm hưởng dân ca của Việt Nam đang bị bỏ rơi, không được khán giả quan tâm phát triển đúng mức. Những ca sĩ đeo đuổi dòng nhạc này may mắn nổi tiếng như Cẩm Ly, Quốc Đại, Thanh Thúy, Bích Phượng, Đình Văn... cũng rất khó tìm được lượng khán giả mới (thị trường tiêu thụ sản phẩm) mà chỉ quanh quẩn với một lượng fan trung thành nhất định.
Cẩm Ly
Một nguyên nhân khác cho việc nhạc dân ca không thể cạnh tranh, không thể đến được gần hơn với khán giả chính là do tư duy thị trường của những nhà quản lý, nhà sản xuất âm nhạc hiện nay. Việc những tài năng bước ra từ các cuộc thi Tiếng hát truyền hình sẽ đi về đâu nếu không có người đỡ đầu, tìm thị trường cho họ phát huy? Hay việc một số ca sĩ, tài năng trẻ được đào tạo bài bản từ trường lớp chuyên trị nhạc dân ca nhưng các ông bầu của họ thì muốn họ tiến thân bằng loại nhạc thị trường. Mà một khi nghề nghiệp không được trao dồi thường xuyên thì việc gìn giữ được thanh sắc cho nhạc dân ca là điều không thể.
Phương Mỹ Chi gây ấn tượng mạnh tron cuộc thi Giọng Hát Việt nhí với ca khúc dân ca Quê em mùa nước lũ
Khẳng định rằng người Việt Nam rất yêu nhạc dân ca của mình không kém gì người Mỹ yêu nhạc đồng quê. Một ví dụ thật sinh động đó là việc thí sinh của The Voice Kids Việt Nam năm nay - Phương Mỹ Chi đang gây sốt cho cộng đồng chỉ bằng một Hit "Quê em mùa nước lũ". Rõ ràng, dòng nhạc dân ca và mang âm hưởng dân ca vẫn đã và luôn nằm sâu trong huyết quản người Việt; chỉ là chưa có ai biết cách đánh thức nó mà thôi.
Xúc động với ca khúc Quê em mùa nước lũ - Phương Mỹ Chi
Nên chăng, chúng ta nên tìm cách đưa dòng nhạc dân ca vào thị trường nhiều hơn, tạo cho khán giả có thói quen thưởng thức thể loại âm nhạc dân tộc và dùng nó để đánh thức lòng tự hào của người Việt. Để nhạc dân ca được sánh ngang với các dòng nhạc khác trên một sân khấu âm nhạc ngiêm túc, chứ không chỉ là những bài hát chen ngang vào một chương trình lớn chỉ với mục đích để thay đổi khẩu vị.
Theo Tiin
Đan Trường hóa 'chàng ngốc' trong MV mới Nam ca sĩ đóng vai chàng trai nông dân nhặt được cây lúa thần trong video nhạc dân ca mới có tên 'Ngốc ơi'. Trong những ngày cuối năm, tuy bận rộn với việc tung ra 2 album nhạc dân ca vol.27 - "Người hai quê" và vol.28 - "Ngày và đêm", cũng như chuẩn bị cho đêm nhạc "Ngày và đêm" nhưng...