Những điều cần biết khi mang thai sau 50 tuổi
Ngày nay, có rất nhiều người nổi tiếng làm mẹ ở độ tuổi trên 45. Không ai nói rằng phụ nữ cuối độ tuổi 40 và 50 không thể thụ thai, thế nhưng việc mang thai ở độ tuổi này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Khoa học ngày càng phát triển, điều đó đã giúp cho phụ nữ ở độ tuổi 55-65 làm được những điều mà trước đây họ không thể, đó là mang thai và sinh con. Làm sao để làm được điều này? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.
Khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ bắt đầu suy giảm khi phụ nữ lớn tuổi và kết thúc bằng giai đoạn tiền mãn kinh (12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt). Tuổi trung bình phụ nữ bắt đầu mãn kinh là khoảng 51 tuổi, sau giai đoạn này phụ nữ sẽ không còn khả năng sinh con nữa. Ở giai đoạn này, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có sự thay đổi và lượng kinh nguyệt cũng ít dần.
Thông thường, chất lượng trứng của người phụ nữ sẽ giảm dần theo độ tuổi. Do đó, con của những bà mẹ mang thai khi lớn tuổi sẽ có nguy cơ bị các bất thường về nhiễm sắc thể, gây dị tật bẩm sinh. Trong khi đó, đàn ông vẫn duy trì khả năng sinh sản trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì đứa trẻ sinh ra càng dễ bị các khiếm khuyết về di truyền.
Vậy làm thế nào để mang thai sau 50 tuổi? Một thai kỳ khỏe mạnh là gần như không thể. Chỉ có 0,01% phụ nữ mang thai sau 47 tuổi sinh thường. Do đó, cách duy nhất để mang thai là thụ tinh trong ống nghiệm và sử dụng trứng hiến tặng.
Việc mang thai ở tuổi sau 45 sẽ không giống với việc mang thai ở tuổi 20. Một phụ nữ 30 tuổi sẽ có 20% khả năng thụ thai trong một tháng bất kỳ, trong khi phụ nữ ở tuổi 40 là 15%. Ở tuổi 45, cơ hội có thai sẽ giảm xuống chỉ còn 1%. Thông qua việc sử dụng trứng hiến tặng và thụ tinh nhân tạo, cơ hội này sẽ tăng lên 70-75%.
Để có một thai kỳ bình thường và một bé cưng khỏe mạnh, trước khi thụ thai, bạn cần thực hiện một số bước chuẩn bị sau:
Hãy đến gặp bác sĩ sản khoa nếu bạn không thụ thai dù đã quan hệ tình dục nhiều lần trong 6 tháng. Hoặc nếu bạn gặp phải các vấn đề như rụng trứng, kinh nguyệt không đều hay khả năng sinh sản của bạn hoặc chồng bạn có vấn đề.
Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để kiểm tra xem buồng trứng và ống dẫn trứng của bạn có vấn đề gì hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người chồng làm xét nghiệm để kiểm tra các vấn đề về tinh trùng.
Nếu không có gì bất thường thì nhiều khả năng là do chất lượng trứng của bạn không tốt hoặc bạn đã vướng phải một số vấn đề về vô sinh. Lúc này, tùy thuộc vào sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thụ tinh trong ống nghiệm hay sử dụng trứng hiến tặng.
Với phương pháp sử dụng trứng hiến tặng và thụ tinh trong ống nghiệm, trước hết bạn sẽ phải siêu âm tử cung để chắc chắn bạn có thể mang thai và tiến hành xét nghiệm máu. Sau đó, bạn sẽ phải thực hiện một số bài kiểm tra tâm lý để đảm bảo bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai theo phương pháp này.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải khám nội khoa để kiểm soát các vấn đề như thiếu máu, tiểu đường, tim, phổi và một số biến chứng tồi tệ khác có thể gặp phải trong thai kỳ.
Video đang HOT
Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn sẽ được tiêm hormone estrogen và progesterone trong 4 tuần rưỡi để chuẩn bị cho việc thụ tinh. Sau khi trứng được cấy vào tử cung, người phụ nữ vẫn sẽ tiếp tục dùng estrogen trong 8 tuần nữa. Bên cạnh đó, bạn cũng phải tiêm progesterone cho đến tuần thứ 10 của thai kỳ.
Ưu điểm của việc mang thai sau 50 tuổi
1. Người mẹ sống lâu hơn
Phụ nữ có con sau 50 tuổi thường sống lâu hơn, dù họ thụ thai tự nhiên hay thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
2. Tài chính
Đây là giai đoạn mà tài chính của cả hai vợ chồng đều đã ổn định. Thậm chí, một nghiên cứu còn nhận thấy rằng thu nhập của người phụ nữ thường tăng từ 9 đến 10% mỗi năm nếu họ trì hoãn việc có con. Việc làm cha mẹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, đặc biệt là những cha mẹ đơn thân. Do đó, giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy vấn đề tài chính thoải mái hơn.
3. Có nhiều kinh nghiệm hơn
Một trong những ưu điểm của việc mang thai trễ đó chính là bạn đã biết được rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước. Bên cạnh đó, tâm lý của bạn đã vững vàng hơn rất nhiều, do đó bạn sẽ dễ dàng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của cha mẹ.
Những hạn chế của việc mang thai sau 50 tuổi
Bên cạnh những lợi ích thì việc mang thai sau 50 tuổi cũng đem đến nhiều bất lợi:
1. Rủi ro về sức khỏe
Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro tồn tại. Mang thai muộn khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… Ngoài ra, bạn còn dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác.
2. Các vấn đề về thể chất
Việc mang thai sẽ khá vất vả đối với những phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thời kỳ mang thai cũng khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.
3. Đối với thai nhi
Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền. Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi.
4. Tài chính
Nếu như ở độ tuổi sau 50 bạn đã có tài chính ổn định thì bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác. Bạn vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc dù đã lớn tuổi trong khi những người bạn khác đã bắt đầu nghỉ hưu. Liệu bạn có thể có đủ sức khỏe để kiếm tiền và chăm sóc con được hay không? Thậm chí, những căn bệnh tuổi già còn tăng thêm gánh nặng cho bạn nữa đấy.
5. Tuổi tác làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở
Ngoài việc tăng nguy cơ sinh mổ và tiền sản giật, tuổi tác cũng làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và sinh con. Phụ nữ trên 35 tuổi phải đối mặt với nguy cơ bị sẩy thai và sinh non. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhất định gặp phải các biến chứng này. Đôi khi, những biến chứng ấy không hề xảy ra nhưng bạn vẫn nên tìm hiểu.
6. Xuất huyết nặng
Các bà mẹ lớn tuổi thường sẽ bị chảy máu quá nhiều. Thông thường, những bà mẹ lớn tuổi mang thai thường phải ở lại bệnh việc lâu hơn và con của họ thường phải nằm ở khu chăm sóc đặc biệt. Trẻ sơ sinh có thể gặp phải các vấn đề về chuyển hóa như lượng đường trong máu thấp.
7. Các vấn đề khi sử dụng trứng được hiến tặng
Những phụ nữ sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng có thể gặp nguy hiểm. Bởi người hiến thường là những phụ nữ trẻ, trong khi người sử dụng lại là những phụ nữ lớn tuổi, do đó dễ dẫn đến các bệnh về di truyền.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích cho mình. Quyết định là do bạn, hãy cân nhắc thật kỹ nhé.
Theo Hellobacsi
Lật tẩy 6 lời đồn về mang thai chị em không nên tin
Vợ chồng bạn đang rất mong con và tìm hiểu đủ các cách mà vẫn chưa có tín hiệu nào. Hãy kiểm tra lại xem bạn có mắc phải những lời đồn về mang thai hay không. Nếu có, bạn hãy điều chỉnh lại để nhanh chóng có tin vui nhé.
Hiện nay, tình trạng vô sinh cũng khá phổ biến. Theo Hiệp hội vô sinh quốc gia Resolve, ước tính 1 trong 8 cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ gặp khó khăn khi mang thai. Thế nhưng, họ lại nhận được những lời khuyên không chỉ vô ích mà đôi khi là sai. Sau đây Hello Bacsi sẽ giúp bạn làm rõ 6 lời đồn về mang thai mà chị em có thể đã nghe qua và làm theo.
1. Phải "lên đỉnh" thì mới thụ thai
Cực khoái luôn là điều kiện cần và đủ để một cặp vợ chồng hạnh phúc trong chuyện gối chăn. Thế nhưng, đây không phải là một yếu tố cần thiết để có thể thụ thai. Khi người vợ đạt cực khoái, tử cung co thắt sẽ giúp tinh trùng di chuyển về phía các ống dẫn trứng nhanh hơn. Còn khi không thể đạt cực khoái, tinh trùng vẫn phải chạy đua để tìm gặp trứng và thụ tinh. Do đó, chuyện có lên đỉnh hay không, không có tác động gì đến chuyện thụ thai.
2. Cho con bú có thể tránh thai
Đây là lời đồn về mang thai rất phổ biển mà chắc hẳn chị em thường nghe và tin tưởng. Tuy cho con bú mẹ có thể làm kinh nguyệt đến chậm hơn nên giảm khả năng thụ thai nhưng đây không phải là biện pháp tránh thai hiệu quả.
Theo các chuyên gia, để biết liệu việc cho con bú có giảm đáng kể khả năng sinh sản hay không, bạn cần có các yếu tố sau:
Hoàn toàn không có kinh nguyệt sau khi sinh con (ra máu lốm đốm cũng không được tính)Cho con bú mẹ 100%, bú tích cực 2 - 3 giờ/cữ và bú cả ngày lẫn đêm. Không cho bé ăn bất kỳ loại thức ăn hoặc nước nào khác ngoài sữa mẹ.
Vì vậy, nếu không muốn thụ thai trong giai đoạn mới vừa sinh con, bạn hãy cẩn thận và lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp với mình nhé.
3. Giơ cao chân sau khi quan hệ sẽ dễ có con hơn
Nhiều người cho rằng khi giơ chân cao sau khi quan hệ sẽ giúp tinh binh gặp trứng nhanh và dễ dàng hơn. Thực tế, khi làm việc này, bạn chỉ cảm thấy mỏi chân mà không có tác dụng gì. Tinh trùng có thể di chuyển đến tử cung sau khi được xuất ra ngoài, bất kể bạn đang ở vị trí nào.
4. Phải thực hiện tư thế truyền thống để có con
Dù bạn đang cố gắng có con nhưng cũng không có nghĩa rằng bạn phải "yêu" chồng bằng tư thế truyền thống để có thể thụ thai. Đối với một số người, tư thế truyền thống có thể gây nhàm chán và muốn thử những tư thế khác. Nếu đang trong tình huống này, bạn cứ làm những gì mình thích vì thụ tinh vẫn sẽ diễn ra khi chồng bạn có sự thâm nhập đủ sâu. Tuy nhiên, bạn nên chú ý khi sử dụng dầu bôi trơn vì sản phẩm này có thể không thân thiện với tinh trùng nên dẫn đến việc khó có thai.
5. Uống thuốc tránh thai trong thời gian dài làm chậm quá trình có thai
Đây là một trong những lời đồn về mang thai không đúng. Tùy thuộc vào loại thuốc tránh thai mà bạn đã sử dụng. Hàng trăm ngàn trường hợp được ghi nhận cho thấy kinh nguyệt vẫn quay trở lại đúng thời điểm sau khi ngưng sử dụng thuốc tránh thai.
6. Nhận con nuôi rồi mới có thai được
Suy nghĩ này hoàn toàn vô lý nhưng vì hy vọng nào đó mà không ít gia đình đã tin vào điều này. Có thể sau khi nhận con nuôi, một số gia đình đã có thể sinh con ruột nhưng đây có thể là do ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, khi nhận nuôi một đứa trẻ chỉ vì mục đích này, bạn có thể sẽ không có tình yêu thương và chăm sóc thật sự với con nuôi. Do đó, khi nghĩ đến việc nhận con nuôi, bạn phải suy nghĩ thật kỹ rằng mình có thể yêu thương bé hết mình và có thể dạy dỗ bé tốt như con ruột của mình không rồi mới đưa ra quyết định.
Theo Hellobacsi
Sự thật về việc uống kháng sinh có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai Đã có rất nhiều lời đồn về việc uống kháng sinh có thể ảnh hưởng đến việc thụ thai. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này là đúng. Khi có ý định mang thai, bạn sẽ cần phải chú ý rất nhiều vào chế độ ăn để tăng cơ hội thụ thai và giúp bé...