Những điều bất thường của thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia
Có thể phải mất nhiều tháng nghiên cứu và khảo sát dưới biển để các nhà khoa học xác định được nguyên nhân gây ra thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 28/9 tại Indonesia khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng.
Chưa lý giải được nguyên nhân
Theo Guardian, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân chính xác của thảm họa.
Trận động đất xảy ra ngày 28/9 tại Indonesia không phải là động đất đẩy (thrust earthquake), loại động đất gây ra phần lớn các vụ sóng thần, khi những mảng kiến tạo di chuyển theo chiều dọc lên xuống khiến nước bị thế chỗ.
Thay vào đó, trận sóng thần gây ra bởi động đất trượt (strike-slip fault), khi các mảng kiến tạo di chuyển theo chiều ngang. Theo giáo sư Phil Cummins tại Đại học Australia, những trận động đất loại này thường chỉ gây ra sóng thần nhỏ.
Một nhà thờ bị hư hại gần bãi biển Talise ở thành phố Palu, Sulawesi, Indonesia.(Ảnh: HOTLI SIMANJUNTAK / EPA-EFE / EPA)
Cũng có ý kiến cho rằng trận động đất ngày 28/9 có thể đã gây ra nứt vỡ dưới đáy biển làm nước bị chiếm chỗ khiến sóng thần xảy ra. Sự nứt vỡ này có thể xảy ra gần khu vực vịnh Palu, gần bờ hoặc xa hơn về phía biển.
Thông thường sóng thần gây ra bởi các trận động đất cách bờ hàng trăm km, độ rung hiếm khi cảm thấy được trên mặt đất. Trong khi đó trận động đất ở Indonesia có tâm chấn trên đất liền. “Rất bất thường khi xuất hiện một thảm họa kép như thế này” – ông Cummins nói.
Hệ thống cảnh báo sớm có hoạt động không?
Có những ý kiến cho rằng cơ quan khí tượng Indonesia BMKG có thể đã rút cảnh báo sóng thần quá sớm, trước khi những cơn sóng tấn công Palu, vì vậy phải chịu trách nhiệm cho một phần thiệt hại về người. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phao sóng thần làm nhiệm vụ phát hiện động đất, sóng thần trong hệ thống cảnh báo sớm có thể đã không được sử dụng trong 6 năm liền và bị hỏng.
Dù vậy, theo ông Cummins và Adam Switzer – đến từ Đại học Nanyang, Singapore, thảm họa này không phải là thất bại của công nghệ mà là của giáo dục. Không giống như sóng thần năm 2004 hủy hoại Nam Á, trận sóng thần lần này không phải gây ra bởi động đất xa hàng trăm km ngoài biển. Nó là trận sóng thần gây ra từ động đất gần bờ và theo ước tính, chỉ diễn ra khoảng 30 phút sau động đất. “Đối với người dân trên bãi biển và trong thành phố, trận động đất nên được coi là cảnh báo sớm cho sóng thần” – ông Switzer nói.
“Việc tập trung vào lỗi kỹ thuật ở đây là sai lầm vì nó là một trận sóng thần xảy ra ở địa phương. Trong trường hợp này bạn không thể phụ thuộc vào hệ thống cảnh báo mà phải tìm lên chỗ đất cao ngay lập tức. Họ không thể chờ đến khi có còi hoặc báo động mà phải di chuyển ngay lập tức. Vấn đề là, từ những gì tôi thấy trong video được ghi lại, nhiều người không làm điều đó.” – Cummins nói thêm.
Ông cho rằng dù người dân không biết họ cần phải sơ tán ngay hay họ không nghĩ có chuyện gì sẽ xảy ra thì điều đó cũng cho thấy người dân Sulawesi không được cung cấp đầy đủ kiến thức về cách ứng phó trong những trường hợp này và đó là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng.
Tại sao thiệt hại lại lớn tới như vậy?
Một số ước tính cho rằng sóng thần đã di chuyển với tốc độ 800 km/h ở Palu và chậm lại đáng kể trước khi vào bờ. Sóng dâng cao 6 m ở một số khu vực và đổ bộ khoảng 1 km vào đất liền.
Một số ý kiến cho rằng hình dáng hẹp của vịnh Palu khiến cơn sóng tập trung và bị khuếch đại về sức mạnh. Vịnh Palu là một vịnh rất sâu nên có thể khiến sóng thần di chuyển với tốc độ cao, ông Cummins nói.
Video: Lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia
(Nguồn: The Guardian)
PHƯƠNG ANH
Ác mộng sau sóng thần ở Indonesia
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 2-10 ra lệnh huy động thêm nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong trận động đất và sóng thần hủy diệt vừa qua trên đảo Sulawesi, xem đây là một trong những ưu tiên chính lúc này.
Tại cuộc họp của chính phủ, ông Widodo cho biết đã ra lệnh Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia cử thêm cảnh sát và binh sĩ đến các địa phương bị ảnh hưởng, một số đã bị cô lập do đường sá bị phá hủy, lở đất và cầu bị sập.
Tính đến ngày 2-10, thảm họa động đất, sóng thần đã khiến ít nhất 1.347 người thiệt mạng và 799 người bị thương. Hầu hết người thiệt mạng là cư dân TP Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500 km về phía Đông Bắc. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho cho biết số thương vong mới nhất chưa tính đến các cộng đồng Sigi và Balaroa. Điều này có nghĩa con số thương vong nhiều khả năng còn tăng lên.
Trang Stuff nhận định tình hình đang ngày càng trở nên tuyệt vọng tại những khu vực bị tàn phá nặng nề ở miền Trung đảo Sulawesi - nơi người dân thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Chính phủ đã ra lệnh cứu trợ bằng đường hàng không nhưng trên các con đường đổ nát ở Palu, người ta không thấy nhiều dấu hiệu của sự giúp đỡ.
Dân chúng lấy hàng từ một nhà kho ở TP Palu - Indonesia hôm 1-10.Ảnh: REUTERS
Người dân tranh nhau lấy nhiên liệu từ một chiếc xe bồn ở TP Palu Ảnh: THE JAKARTA POST
Trong khi đó, những người sống sót dường như ngày càng mất kiên nhẫn. Ở Palu, người ta bắt gặp nhiều tấm bảng "Chúng tôi cần thức ăn", "Chúng tôi cần giúp đỡ" và những đứa trẻ xin tiền trên đường phố. Theo kênh Al Jazeera, hạ tầng hư hại đang tạo ra cơn ác mộng về hậu cần đối với nhà chức trách và lực lượng cứu hộ đang nỗ lực đưa các mặt hàng thiết yếu đến Palu.
Các phóng viên hãng tin Reuters đã chứng kiến khoảng 100 người vừa la hét vừa ẩu đả, giành giật các món đồ như áo quần, các vật dụng vệ sinh, chăn mền và nước uống tại một cửa hàng. Nhiều người chộp lấy tã lót trong khi một người đàn ông giành lấy một nồi cơm chạy ra cửa. Những món hàng xa xỉ nằm vương vãi trên sàn nhà giữa những mảnh kính vỡ. Khoảng 20 cảnh sát có mặt tại hiện trường nhưng không làm gì. Chính phủ đã giảm nhẹ nỗi lo về chuyện hôi của khi khẳng định các nạn nhân thảm họa có thể lấy các nhu yếu phẩm và các cửa hàng sẽ được đền bù sau.
Tình hình tại Donggala - một thị trấn 300.000 dân gần tâm chấn trận động đất hơn - thậm chí còn đáng lo hơn bởi phần lớn hoạt động cứu hộ đang được dành cho Palu. Theo AP, nỗi thất vọng đã biến thành sự phẫn nộ khi cư dân tại Donggala kêu gọi Tổng thống Widodo quan tâm đến họ nhiều hơn trong lúc hạ tầng hư hại nặng nề khiến mọi nỗ lực cứu hộ gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả thảm họa trên, một loạt trận động đất, mạnh từ cấp độ 5,2 đến cấp độ 6,3 đã làm rung chuyển đảo Sumba của Indonesia hôm 2-10. Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG), động đất đã làm sập một cây cầu ở Wula Waijelu, tỉnh Đông Nusa Tenggara và khiến người dân địa phương hoảng loạn. Tạm thời, chưa có thương vong nào được ghi nhận.
Lục San
Theo nld.com.vn
Động đất, sóng thần tại Indonesia: Số người thiệt mạng tăng lên 1.234 người Ngày 2/10, Cơ quan Ứng phó thiên tai Indonesia cho biết số người chết vì thảm họa động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) đã tăng lên con số 1.234. Trận động đất 7,5 độ Richter hôm 28/9 đã gây ra những đợt sóng thần cao đến 6 m, lũ lượt ập vào bờ và càn quét TP Palu, phía tây của...