Những điểm khiến khán giả nhíu mày trong ‘Ông ngoại tuổi 30′
Dù nhận được nhiều lời khen, nhưng “Ông ngoại tuổi 30″ của Trịnh Thăng Bình và Kiều Trinh vẫn có nhiều điểm khiến khán giả không hài lòng.
Mặc dù được làm lại (remake) từ tác phẩm đình đám một thời, Scandal Makers của Hàn Quốc, song Ông ngoại tuổi 30 phiên bản Việt vẫn tạo nên sự thành công nhất định trong thị trường điện ảnh nội địa. Khai thác câu chuyện theo đề tài không mới nhưng lại chẳng bao giờ ngừng hot – đề tài về gia đình và sự nghiệp – bộ phim xem chừng vẫn khá tròn trịa cho đến những phút cuối cùng. Bên cạnh đó dàn diễn viên chính trong Ông ngoại tuổi 30 tuy không được đào tạo bài bản trong diễn xuất nhưng vẫn chiếm được cảm tình từ phía khán giả. Và thế là hết, bộ phim hầu như chỉ có vậy!
Như đã chia sẻ, Ông ngoại tuổi 30 vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền thân xứ Hàn để trở thành một tác phẩm hoàn hảo. Bằng chứng là bộ phim còn vướng một số lỗi mà hầu hết các phim Việt Nam đều gặp phải, khiến khán giả nước nhà phải nhíu mày khó chịu.
Đại từ xưng hô, lời nói quá văn vẻ, mỹ miều
Tại sao phim Mỹ thường rất thành công, dù là phim hài tâm lý hay hành động, khoa học viễn tưởng? Đó là vì khâu biên kịch và biên tập của họ đã lược bớt những đoạn lời thoại quá màu mè, văn vẻ, thay vào đó, họ thường đưa vào những câu từ bình dân, gần gũi bao gồm cả tiếng lóng, những cách thức giao tiếp mà người Mỹ vẫn hay dùng. Nếu đặt lên bàn cân các sản phẩm remake gần đây thì Tháng năm rực rỡ rõ ràng “rực rỡ” hơn hẳn, chính nhờ phần thoại trong phim không quá kịch và tiểu thuyết hóa. Hầu hết các tác phẩm còn lại, bao gồm cả Ông ngoại tuổi 30 đôi lúc lại khiến khán giả Việt phải chán ngán vì có phần lời thoại được xây dựng quá cứng nhắc, không giống như một cuộc đối thoại thông thường, dù các diễn viên đã cố gắng thể hiện rất tự nhiên.
Ví như một số lời thoại trong phân đoạn người yêu của cô gái Mi Trần (Kiều Trinh) bày tỏ sự ghen tuông trước mối quan hệ giữa cô và Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình). Đa phần các câu thoại đều bị quá đà do biên kịch quá tay, khiến một chàng trai chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi lại có thể có những phát ngôn khá “trật” tuổi và “trật quẻ”.
Cắt ghép cảnh không hợp lý ở giai đoạn hậu kỳ
Bất kỳ tác phẩm nào muốn trình chiếu đều phải trải qua giai đoạn hậu kỳ kỹ lưỡng để tạo ra thành quả sau cùng từ những thước phim thô trước đó. Thế nhưng với Ông ngoại tuổi 30, dường như giai đoạn hậu kì lại chính là giai đoạn khiến bộ phim trở nên kém hoàn thiện như mong đợi. Lấy ví dụ điển hình là tình tiết thấy vật nhớ người của ông ngoại trẻ Sơn Huy khi anh vô tình tìm được chú gà đồ chơi của cháu trai Phương Đông (bé Gia Bảo).
Vấn đề ở đây chính là người xem còn chưa kịp nhớ ra Phương Đông có một chú gà luôn mang bên mình thì bộ phim đã vội vàng dẫn dắt mạch phim đến tình tiết “tức vật sinh tình”. Lẽ ra cả hai ông cháu phải có nhiều thời gian vui đùa bên nhau hơn, dĩ nhiên là cùng với chú gà, tự khắc những tình tiết về sau sẽ hợp lý mà thôi. Đây cũng là lí do vì sao những cảm xúc khi đẩy lên cao trào của Sơn Huy lại khiến người xem khó tính cảm thấy không tới, vì chẳng biết anh và hai mẹ con Mi Trần – Phương Đông có kỉ niệm gì đáng nhớ, hay tại sao con gà lại có tác động mạnh như vậy đến anh. Việc các tình tiết phim không được xử lý ổn thỏa sẽ khiến một bộ phim dù hay cách mấy cũng sẽ trở nên vụn vặt.
Diễn viên đôi khi hơi lố lăng trong diễn xuất
Nếu để hỏi yếu tố nào khiến bản Hàn Scandal Makers “ăn đứt” bản Việt Ông ngoại tuổi 30 thì có lẽ chính là diễn xuất. Nhiều ý kiến cho rằng dường như dàn diễn viên Ông ngoại tuổi 30 đang cố gắng vùng vẫy trong vô vọng khi được giao cho những “chiếc áo” vai diễn quá lớn.Chẳng hạn như cảnh Mi Trần (Kiều Trinh) vừa khóc vừa chạy đi kiếm Phương Đông trước sự thờ ơ đến đáng sợ của Sơn Huy, người lẽ ra cũng phải nháo nhào cùng cô đi tìm lại thành viên nhí trong gia đình. Có lẽ sự thật phũ phàng đó đã khiến cho Mi Trần phải tủi thân mà bật khóc. “Nhọ” thay, giọt nước mắt tủi hổ ấy không đủ cứu Kiều Trinh khỏi những ý kiến trái chiều từ phía công chúng. Một số người xem khó tính cho rằng Kiều Trinh đã khóc “lố” đến nỗi có thể cuốn trôi cả bầu trời nắng, trượt theo những nỗi buồn.
Tạm kết:
Dù hiện tại, Ông ngoại tuổi 30 không đủ sức cho cuộc đua tranh ngôi ông hoàng phòng vé, nhưng tác phẩm lại khá ổn về mặt nội dung truyền tải và diễn xuất ở mức trung bình, phù hợp với vị trí một phim giải trí cuối tuần để giải tỏa căng thẳng. Ông ngoại tuổi 30 hiện đang được trình chiếu chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Theo Saostar
Điều gì khiến 'Ông ngoại tuổi 30' bản Việt khác biệt so với phiên bản gốc?
Bộ phim remake từ tác phẩm Hàn Quốc "Scandal Maker" (2008) gây hứng thú cho người xem bởi nhiều tình tiết hài hước, gây cười. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả!
Scandal Maker là tác phẩm từng "làm mưa làm gió" tại thị trường điện ảnh xứ Kim Chi cũng như nhiều nước châu Á cách đây 10 năm. Được Việt hóa dưới bàn tay đạo diễn Võ Thanh Hòa, bộ phim mang tựa đề Ông ngoại tuổi 30 lên sóng vào cuối tháng 3, phim remake Tháng năm rực rỡ. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm Trịnh Thăng Bình, Hạ Vi, Kiều Trinh, bé Coca Hoàng Gia Bảo,...
Một điểm thú vị là cả Tháng năm rực rỡ và Ông ngoại tuổi 30 đều lấy nguyên tác Hàn Quốc, được sản xuất bởi đạo diễn - nhà biên kịch tài ba Kang Hyung Chul. Điều này khiến không ít người hâm mộ tỏ ra hào hứng, mong chờ Ông ngoại tuổi 30 tỏa sáng. Trên thực tế nhiều khán giả đã ngạc nhiên vì tất cả vượt ra ngoài sự mong đợi của họ khi thưởng thức bộ phim trong ngày ra rạp.
Cốt truyện dễ thương, ý nghĩa vẫn không thiếu tiếng cười
Bộ phim xoay quanh nhân vật Huy Sơn (Trịnh Thăng Bình) - một chàng MC tự nhận mình là người nổi tiếng, đang trên đà thăng tiến của sự nghiệp. Nhà sang, xe đẹp, công việc ổn định, mỹ nhân theo đuổi, những tưởng cuộc sống của quý ông tuổi "băm" đã đến độ chín muồi. Bỗng nhiên một ngày, thế giới hoàn hảo của Huy Sơn hoàn toàn đảo lộn bởi sự xuất hiện của cô con gái My Trần (Kiều Trinh) cùng cháu ngoại 5 tuổi Phương Đông (bé Coca Hoàng Gia Bảo) - hậu quả của hai lần vấp ngã sau mối tình đầu.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một buổi sáng thức dậy, bạn từ người độc thân bỗng trở thành trưởng bối của một gia đình ba thế hệ? Chưa kể, tình tiết phim càng thêm phần éo le khi My Trần là nhân vật chính trong câu chuyện người mẹ đơn thân quyết tâm tìm cha trên đài radio do Huy Sơn làm MC. Bên cạnh đó, cô gái trẻ tuổi mới đôi mươi cũng ấp ủ giấc mơ âm nhạc, đăng ký tham gia cuộc thi tài năng tại nơi cha mình làm việc. Dưới ánh mắt như "hổ rình mồi" của tay săn tin Bồng Bềnh (Tùng Leo), cả ba dần làm quen với cuộc sống ồn ào của "người một nhà", đồng thời vướng phải không ít rắc rối "dở khóc dở cười".
Trailer chính thức của bộ phim.
Tính từ thời điểm phát hành Scandal Maker tại Hàn Quốc tới nay đã tròn 10 năm, thế nhưng dường như Ông ngoại tuổi 30 vẫn không ngừng đem lại những phút giây thư giãn đầy ý nghĩa cho khán giả khi ra rạp. Lý do một phần nằm ở bối cảnh xảy ra tình huống còn khá gần gũi với làng giải trí Việt thời điểm hiện tại.
Không thể phủ nhận thời đại hoàng kim của các ngôi sao, chương trình ca nhạc Việt chậm hơn làng giải trí xứ Kim Chi đến cả thập kỷ. Điều này vô tình tạo nên lợi thế cho Ông ngoại tuổi 30, bởi câu chuyện của gia đình anh chàng nổi tiếng Sơn Huy khá mới mẻ, hấp dẫn đối với khán giả. Bên cạnh đó, kịch bản phim dù không đổi nhiều nhưng vẫn khéo léo đan xen một số tình tiết, mảng miếng hài hước rất Việt Nam, tạo sự chân thật, tăng thêm hứng thú cho người xem.
Tiếng cười trong phim bật ra ngẫu nhiên, bởi những hành động, lời nói không chủ đích của dàn nhân vật. Tuy nhiên, tác phẩm cũng không thiếu phân đoạn cảm động, đáng suy ngẫm, dễ dàng lấy đi nước mắt của khán giả. So với kịch bản gốc, phiên bản Việt hóa của Ông ngoại tuổi 30 được Huỳnh Lập chấp bút có phần duyên dáng hơn nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa và không bao giờ thiếu đi tiếng cười.
Dàn diễn viên chính "vừa quen, vừa lạ" trong vai trò mới
Ở phiên bản gốc, vai chính ông ngoại "tuổi băm" được giao cho nam diễn viên Cha Tae Hyun. Khoan nói tới vẻ ngoài có phần láu cá, rất "tay chơi" phù hợp với vai diễn; kinh nghiệm làm nghề nhiều năm đã đủ khiến để Cha Tae Hyun "trổ tài" duyên dáng hơn bao giờ hết. Sang đến bản Việt, khán giả khá bất ngờ khi đạo diễn Võ Thanh Hòa lựa chọn Trịnh Thanh Bình cho vai chính Huy Sơn, trong khi nam ca sĩ vẫn chưa từng một lần thủ vai chính trong phim điện ảnh.
Không phủ nhận rằng lựa chọn có phần táo bạo, mạo hiểm cũng thành công tạo nhiều điểm nhấn cho bộ phim. Trước hết, bản thân Trịnh Thăng Bình dù chưa được thử sức vai chính trong phim điện ảnh, nhưng đã không còn là gương mặt xa lạ trên sóng truyền hình. Anh chàng từng đảm nhận vai phụ và để lại ấn tượng qua một số bộ phim như Tam nam vẫn phú, Có lẽ nào ta yêu nhau,... Bên cạnh đó, việc thường xuyên quay MV ca nhạc cũng giúp nam ca sĩ có nhiều kinh nghiệm hơn khi đối diện ống kính máy quay.
Sự xuất hiện đầu tiên với vai trò diễn viên chính ở Ông ngoại tuổi 30 là một thử thách lớn đối với Trịnh Thăng Bình, cũng là trải nghiệm thú vị đối với khán giả lựa chọn thưởng thức bộ phim. Bởi lẽ ở cương vị một người nổi tiếng, nam ca sĩ hiểu biết khá sâu sắc về con người, diễn biến tâm lý của nhân vật khi biến cố xảy ra. Ngoài ra, diễn xuất tự nhiên, đúng theo những gì vốn có đậm chất Trịnh Thăng Bình giúp nhân vật Huy Sơn mang màu sắc mới lạ, khác biệt so với bản gốc Cha Tae Hyun.
Mặc dù vậy, kinh nghiệm diễn xuất còn non nớt khiến nam diễn viên có đôi chỗ còn bị nhận xét hơi "over", đặc biệt ở nửa đầu phim. Tuy nhiên, càng về sau, anh chàng càng thể hiện phong độ tốt hơn, cách biểu đạt lời thoại cũng có nhiều cảm xúc. Với vai diễn không hề dễ dàng như Huy Sơn, phải thay đổi cảm xúc, nội tâm liên tục, thì sự tiến bộ của Trịnh Thăng Bình trong từng cảnh quay được đánh giá cao và xứng đáng được ghi nhận.
Vào vai nhân vật cô con gái My Trần, Kiều Trinh sở hữu ngoại hình có nhiều nét tương đồng với nữ diễn viên Park Bo Young của bản gốc. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu "hot girl trà sữa" và bé Coca Hoàng Gia Bảo thủ vai chính trong một bộ phim. Nói cách khác, Ông ngoại tuổi 30 là bệ phóng táo bạo cho dàn diễn viên trẻ triển vọng đua nhau thử sức.
Khác với hình tượng cô nàng Phương "xù" trong Em chưa 18, My Trần của Kiều Trinh có vẻ hiền lành, bớt đanh đá hơn, song vẫn giữ nguyên nét nhí nhảnh, đáng yêu của cô nàng tuổi đôi mươi. Cặp mẹ con My Trần - Phương Đông đơn thuần, dễ thương khi ở bên "ông ngoại" Huy Sơn nhiều mưu mẹo, láu cá, tạo ra bộ ba "người một nhà" có một không hai hấp dẫn, gợi nhiều tiếng cười thoải mái cho người xem.
Ngoài ra, Ông ngoại tuổi 30 còn có sự góp mặt của một số diễn viên phụ khác như Hạ Vi, Võ Cảnh, Lou Hoàng, Jolie Phương Trinh, Tùng Leo, Hoàng Rapper,... Mặc dù phân đoạn của mỗi người không nhiều nhưng họ đều tạo nên điểm nhấn thú vị, mang lại nhiều gam màu cho phim.
Điểm nhấn đặc sắc về mặt âm thanh
Trong khi phần hình ảnh của Ông ngoại tuổi 30 bản Việt được nhận xét chuyển đổi chưa thực sự linh hoạt, chưa đồng đều về ánh sáng thì khoản âm thanh lại nhận được "cơn mưa" lời khen từ giới chuyên môn và phần đông khán giả ra rạp. Nội dung tình cảm xen lẫn sự hài hước và cảm động khiến diễn biến phim đòi hỏi sự thay đổi linh hoạt về nhạc phim. Bên cạnh đó, vì gia đình Sơn Huy có truyền thống âm nhạc nên mỗi ca khúc mà nhân vật thể hiện cũng chứa đựng nhiều màu sắc, ý nghĩa riêng với từng cột mốc trong phim.
Đây vô tình lại là lợi thế đối với Trịnh Thăng Bình, vì bản thân anh vốn chính là một ca sĩ. Không chỉ tự mình thể hiện ca khúc chủ đề, anh chàng còn tham gia sáng tác nó - Tâm sự tuổi 30 dựa trên cảm xúc từ bộ phim. Ngoài ra, bản phối lại ca khúc Ước gì do My Trần thể hiện cũng được xem là vô cùng phù hợp với tình cảm, hoàn cảnh trong phim.
Ở một số tình tiết, "ông ngoại" Sơn Huy và cháu trai Phương Đông còn được thể hiện khả năng đàn guitar và piano thiên bẩm khiến người xem ngây ngất. Phần nhạc phimnói chung được đánh giá cao và nhận được phản hồi tích cực không hề thua kém so với phiên bản gốc từ Hàn Quốc.
Tâm sự tuổi 30 - Trịnh Thăng Bình.
Thu về nhiều lời khen, nhưng Ông nội tuổi 30 vẫn không tránh khỏi một số "hạt sạn". Điển hình, tình tiết nửa đầu phim khá dài dòng, chiếm thời lượng lớn khiến sự việc cha con Sơn Huy bị bại lộ giải quyết rất chóng vánh, chưa đủ thuyết phục người xem. Dù kịch bản đã được chỉnh sửa nhiều nhưng đôi chỗ còn khiên cưỡng, chưa phù hợp với văn hóa, cách nhìn của người Việt Nam. Không chỉ vậy, diễn xuất của Trịnh Thăng Bình vẫn chưa thật sự trọn vẹn; Kiều Trinh xử lý tình huống không mang được phong thái người mẹ một con cũng là điểm trừ khiến tình huống cảm động của phim không chạm tới trái tim người xem một cách triệt để. Sự xuất hiện của Hạ Vi, Lou Hoàng chỉ như "bình hoa di động", không có điểm đặc sắc về diễn xuất gây thất vọng đối với sự mong chờ của khán giả.
Nhìn chung, Ông ngoại tuổi 30 vẫn là một bộ phim đáng xem trong năm 2018. Đặc biệt có một số chỗ còn nhỉnh hơn hẳn so với phiên bản gốc từ Hàn Quốc. Mặc dù chưa thực để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, nhưng phim vẫn đáp ứng tốt vai trò giải trí, trở thành lựa chọn không tồi cho gia đình, bạn bè ở nhiều lứa tuổi khác nhau ra rạp thư giãn dịp cuối tuần.
Phim hiện đang chiếu tại tất cả cụm rạp trên toàn quốc, bắt đầu từ 30/3/2018.
Theo Saostar
'Ông ngoại tuổi 30': Phim được nhưng vẫn chưa đã Tuy nhiên, khán giả Việt có thể tạm an tâm về chất lượng khi lựa chọn "Ông ngoại tuổi 30" để đến rạp vào tuần này. Sau Tháng Năm Rực Rỡ (Sunny) được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng Việt hóa thành công và đang oanh tạc phòng vé suốt 3 tuần qua thì Scandal Maker/ Speed Scandal - một nguyên tác khác cùng...