Những điểm du lịch hấp dẫn gần Hà Nội
Leo núi Ba Vì, cắm trại trên đỉnh Hàm Lợn, câu cá ở Đồng Mô, ngồi xe bò dạo quanh Bằng Tạ, đạp xe ở làng cổ hay du thuyền trên hồ Đại Lải là những gợi ý cho kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh khu vực ngoại thành Hà Nội.
Rời xa không khí ồn ào, náo nhiệt của thủ đô, tìm về và trải lòng cùng với thiên nhiên khoáng đạt ở những điểm du lịch gần Hà Nội sẽ giúp bạn có một kỳ nghỉ trọn vẹn và ý nghĩa bên gia đình, bè bạn.
Vườn quốc gia Ba Vì
Vượt qua những con đường núi vòng vèo uốn lượn, với nhiều khúc cua hiểm trở và cái lạnh quanh năm của núi rừng, trên những cung đường vòng vèo lưng núi, bạn sẽ thấy một bên là cây rừng rậm rạp ngút ngàn với hệ sinh thái đa dạng, một bên là khoảng không bao la với màu trắng xóa của mây trời không phân định.
Khí hậu mát mẻ quanh năm cùng cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ hai bên đường sẽ giúp bạn quên đi những muộn phiền trong cuộc sống và hòa mình vào cảnh vật.
Cách Hà Nội 53 km, vùng núi Ba Vì mang vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ có nhiều lựa chọn dành cho bạn khám phá như cắm trại trong rừng nguyên sinh, tắm suối ở Ao Vua, Đầm Long, Suối Tiên, Khoang Xanh, Thiên Sơn – Suối Ngà… leo núi lên đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Thượng trên đỉnh non Tản giữa rừng già.
Núi Hàm Lợn
Từ cao tốc Nội Bài đi khoảng 40 km nữa, bạn sẽ đến được với đỉnh núi Hàm Lợn nằm trên dãy Độc Tôn ở Sóc Sơn, Hà Nội. Dưới chân núi Hàm Lợn là hồ Núi Bàu rất rộng, nằm giữa những đồi thông, keo xanh mướt và khá hoang sơ, thích hợp để cắm trại qua đêm.
Là điểm đến mới, hấp dẫn dành cho những bạn trẻ thích khám phá, muốn đi gần Hà Nội và hầu bao có hạn. Ảnh: DiscoveryChange
Bạn có thể tự chuẩn bị đồ nướng và cắm trại qua đêm trên đỉnh Hàm Lợn hoặc ven hồ Núi Bàu. Ở đây có dịch vụ cho thuê trại và củi khô với giá sinh viên. Nếu may mắn, vào sáng sớm bạn có thể được chứng kiến sương mù giăng phủ trên mặt hồ như những làn khói lãng đãng rất ấn tượng. Tuy nhiên, đường vào hồ khá khó tìm, bạn nên hỏi thăm người dân để có những chỉ dẫn chính xác.
Đồng Mô
Rời xa những tiện nghi hiện đại của phố phường, đến với khu du lịch sinh thái Đồng Mô, du khách sẽ dễ dàng quên đi cảm giác nóng bức ngột ngạt cũng như guồng quay hối hả của công việc hàng ngày và nhanh chóng hòa lòng mình cùng với thiên nhiên, tận hưởng sự nghỉ ngơi, tĩnh tại đến bất ngờ.
Cách Thủ đô Hà Nội gần 40 km về phía Tây, nằm trong quần thể Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi đây được coi là điểm du lịch Hà Nội giá rẻ, lý tưởng cho chuyến dã ngoại dành cho gia đình.
Giá thuê trại trong ngày là 300.000 đồng/ngày, qua đêm là 600.000 đồng/đêm. Ảnh: Minh An
Sẽ thật thú vị khi được cùng gia đình thân yêu quây quần cắm trại ven bìa rừng, tham gia những hoạt động lý thú như trèo thuyền, câu cá, đào măng… và thưởng thức những món nướng đặc sản của Sơn Tây như gà đồi, cá hồ nướng…
Tam Đảo
Video đang HOT
Tam Đảo một trong những địa điểm du lịch gần Hà Nội rất thu hút du khách bởi những con đường lên xuống ngoằn ngoèo và nhiều khúc cua tay áo. Sẽ thú vị hơn cả nếu bạn tổ chức chuyến phượt để đi cùng nhóm bạn và dừng chân ở bất kỳ đâu để ngắm cảnh đẹp hai bên đường.
Đây thực sự là điểm nghỉ dưỡng, du lịch gần Hà Nội giá rẻ và lý tưởng cho gia đình bạn sau những ngày làm việc, học hành căng thẳng. Ảnh: Lâm Văn Dũng
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 8 0km, đến với “Đà Lạt xứ Bắc” bạn sẽ được trải nghiệm 4 mùa trong 1 ngày, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Đừng quên thưởng thức món ngọn su su xanh mướt được trồng vô cùng phổ biến tại nơi đây.
Hồ Quan Sơn
Ngày cuối tuần được thả mình bồng bềnh cùng con đò nhỏ lang thang trên hồ Quan Sơn sẽ làm người ta dễ quên đi cái nắng nóng oi ả của mùa và quên đi cuộc sống bon chen thường nhật chốn thị thành.
Chỉ với 120.000 đồng để thuê một chiếc thuyền nhỏ, bạn sẽ được ngao du sơn thủy, ghé thăm các đảo tự nhiên nơi có khỉ, nai, cáo… sinh sống hoang dã trong tự nhiên. Ảnh: Linh Linh
Quan Sơn là một khu hồ rộng khoảng 850 ha thuộc địa phận của 5 xã, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 50 km. Xuôi theo quốc lộ 21B, đến thị trấn Tế Tiêu, Ứng Hòa đi thẳng về phía Hòa Bình thêm 5 km bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những dãy núi đá trùng điệp của thiên nhiên soi mình dưới làn nước xanh mát. Đến đây bạn có thể ghé thăm các đỉnh núi đá: Mõm Nghé, Đá Bạc, Quai Chèo, Hoa Quả Sơn, núi Chim, Chùa Cao… thăm khu vườn trồng cây ăn quả vùng Thung Mơ, Thung Cống. Ngoài ra, du khách còn được chơi các môn thể thao nước, bơi thuyền và thưởng thức các món thủy sản như cá, tôm, cua, ốc núi tươi sống.
Làng cổ Đông Ngạc
Tạm xa không khí náo nhiệt, ồn ào của trung tâm Hà Nội, một ngày đạp xe đến với làng khoa bảng, bạn sẽ được trở về với không gian, đường nét kiến trúc và những di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị từ cách đây hàng trăm năm.
Đình làng, nhà thờ họ, giếng nước, sân đình và những mái chùa Đông Ngạc cổ sẽ đưa bạn trở về với tuổi thơ, khơi gợi nỗi nhớ da diết trong lòng những người con xa quê. Ảnh: Vũ Ngọc Khiêm
Đây sẽ là một chuyến du lịch đặc biệt dành cho những người thích hoài cổ bởi bước qua cổng làng rêu phong, trên con đường lát gạch nghiêng, bạn sẽ đến với không gian hoàn toàn khác, yên bình và cổ kính. Đừng quên thưởng thức những món ăn mang đậm hồn quê Việt như giò, nem, mộm hoa chuối…
Rừng tự nhiên Bằng Tạ
Khu du lịch rừng tự nhiên Bằng Tạ nằm trên một quả đồi thấp, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 65km về phía Tây, cách khu du lịch Ao Vua 14 km và hồ suối Hai 3,8 km.
Sẽ thật thú vị nếu bạn ngồi trên xe bò kéo, cưỡi ngựa hoặc đi bộ để thỏa sức ngắm nhìn và tìm hiểu cuộc sống của các loài thú ở đây. Ảnh: Điền Gia Dũng.
Đến với rừng nguyên sinh Bằng Tạ, du khách không được phép đi các loại động cơ để tránh làm kinh động đến những loài động vật hoang dã. Ngoài việc được hít thở bầu không khí trong lành, thưởng thức các đặc sản của vùng rừng núi Ba Vì bạn còn có thể tham quan quần thể làng của dân tộc Mường, ngủ đêm tại nhà sàn và tham gia các hoạt động như đốt lửa trại, uống rượu cần, nghe ca múa nhạc dân tộc…
Hồ Đại Lải
Cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 25 km, hồ Đại Lải là địa chỉ đáng lưu tâm cho chuyến du lịch gần Hà nội dành cho bạn.
Những gia đình có trẻ nhỏ cũng không cần lo lắng vì tại đây có rất nhiều trò chơi hấp dẫn cho trẻ em như trượt cỏ, trượt ván, câu cá… Ảnh: Ngoisao.vn
Tại đây, bạn có thể đi du thuyền để ngắm cảnh, khám phá vùng hồ Đại Lải, thăm quan khu Hang Dơi, Giếng Trời, câu cá hồ, cắm trại… Cũng có thể đi dạo trong những cánh rừng thông bạt ngàn, thăm bản người Sán Dìu, nghe hát Soọng cô, luồn rừng qua đèo Nhe sang đất Thái Nguyên hoặc rẽ sang núi Mỏ Quạ, khám phá những dấu tích lâu đài thành quách cổ và thưởng thức các món ăn dân tộc đặc sắc.
Theo VNE
Kinh hãi nhìn hơn chục con hổ được nuôi sát khu dân cư
Hơn chục con hổ dữ được một gia đình ở Thanh Hóa nhốt nuôi trong một khu đất rộng chừng gần 1ha ngay sát khu dân cư từ nhiều năm qua khiến nhiều người dân hoang mang, sợ hãi.
Đi mua gỗ mua được hổ
Có lẽ nhắc đến đàn hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, hiện công tác ở Hà Nội), không ai ở cái xứ Thanh này là không biết. Bởi gia đình ông Chiến đã nổi tiếng vì cái nghề nuôi hổ trái phép từ năm 2006. Mãi đến tận cuối năm 2012, gia đình ông Chiến mới được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt hổ trong thời gian 5 năm.
Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân, chúng tôi mới có thể tiếp cận được đàn hổ dữ của gia đình ông Chiến. Trại nuôi hổ của gia đình này rộng khoảng 1ha, xung quang được bao bọc bằng những bức tường xây và các thanh sắt phía trên cao khoảng 5m. Bên trong trại được chia thành 5 khu nuôi nhốt khác nhau và được ngăn bằng những cuộn lưới thép.
Hổ nuôi nhốt trong chuồng ngăn cách nhau bằng những rào dây thép
Theo ông Nguyễn Văn Tư (anh rể ông Chiến và là người chăm sóc đàn hổ), vào năm 2006, khi ông Chiến lên xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tìm mua gỗ về làm nhà thì thấy có một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về. Ông Chiến liền mua lại số hổ trên mang về nhà nuôi.
Ông Tư cho biết: "Hồi đó chú Chiến mua về 15 hay 16 con gì đó, lúc mới mua về chúng chỉ nặng khoảng 3 - 4 kg/con. Cuối năm 2008 có 2 con bị bệnh chết. Năm 2010 và 2012 có thêm 3 con nữa chết nên hiện nay trang trại còn có 11 con, nặng nhất hơn 2 tạ, nhỏ nhất khoảng 1,5 tạ".
Cũng theo ông Tư, thức ăn của chúng chủ yếu là đầu gà công nghiệp được anh Chiến thu gom ở một số lò mổ trên địa bàn Hà Nội rồi vận chuyển về Thanh Hóa. Một tháng đàn hổ 11 con này ăn hết khoảng hơn 1,5 tấn thức ăn.
Thời gian đầu đưa về, gia đình ông Chiến làm chuồng nuôi ngay trong nhà giữa làng khiến không biết bao nhiêu gia đình mất ăn mất ngủ vì sợ hãi tiếng gầm rú của những "Chúa sơn lâm" giữa đêm khuya. Mãi tới năm 2010, đàn hổ này mới được gia đình ông Chiến chuyển ra khu đất phía ngoài của xã, cách khu dân cư chừng vài trăm mét.
Trại hổ với hơn chục con hổ dữ được nuôi gần khu dân cư như thế này liệu có an toàn?
Mặc dù đàn hổ được nuôi từ bé nhưng ông Tư vẫn cảnh báo chúng tôi nên đứng xa chúng vì trong đàn có một số con rất dữ.
Đúng như lời ông Tư nói, trong số 11 con hổ chỉ có một nửa trông hiền lành như đã được thuần; số còn lại dữ tợn như loài hổ hoang dã. Nhìn thấy người lạ, chúng gầm rú rồi lao đến như muốn phá tan chiếc rào thép để ra ngoài.
Chính vì sự hung dữ của đàn hổ nên việc nuôi hổ cách khu dân cư không xa cùng với việc giáp ranh với nhiều xã lân cận khiến chính quyền địa phương cũng như Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân không khỏi lo lắng. Nếu đàn hổ dữ xổng chuồng, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Ông Trịnh Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, cho biết: "Kể từ ngày đàn hổ này được nuôi nhốt ở địa phương, người dân cũng có nhiều ý kiến lo sợ đàn hổ xổng chuồng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi đàn hổ chuyển ra khu vực cồn Tàu Voi, không thấy người dân có ý kiến gì. Tuy nhiên, khu vực nuôi nhốt hiện nay chỉ cách đê Cầu Chày khoảng 300m, nếu vỡ đê nước tràn vào thì nguy cơ hổ thoát ra ngoài là rất lớn".
Những con hổ hung dữ này nếu xổng chuồng hậu quả sẽ khôn lường
Khó kiểm soát!
Sau hai lần bị xử phạt vì nuôi hổ trái phép (năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt gia đình ông Chiến 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép; năm 2008 UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tư 30 triệu đồng vì nuôi 5 cá thể hổ trái phép), đến năm 2012 không hiểu vì lý do gì đàn hổ này lại được Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt.
Việc nuôi hổ từ năm 2006 đến nay, gia đình không được phép buôn bán, giết mổ hay sử dụng cho mục đích du lịch. Số hổ nuôi từ những năm đó đến nay theo gia đình là chưa sinh sản. Không hiểu vì lý do gì gia đình ông Chiến vẫn chấp nhận bị phạt tiền và mỗi năm mất đi cả trăm triệu đồng để nuôi đàn hổ?
Việc kiểm soát không để tráo đổi các cá thể hổ là rất khó
Điều đáng nói là việc kiểm soát được lực lượng kiểm lâm khẳng định là rất khó vì phương án gắn chíp vào hổ mới chỉ lên phương án mà chưa thể thực hiện; đường từ Hạt xuống trại hổ lại xa.
Trao đổi với PV, ông Hà Duy Thủy, Hạt phó Hạt kiểm lâm Thọ Xuân cho biết: "Mỗi tháng, chúng tôi đều cử người xuống kiểm tra số lượng hổ, công tác đảm bảo môi trường, an toàn chuồng trại; đồng thời tuyên truyền cho gia đình nếu hổ ốm đau, bệnh tật phải báo cáo để xử lý".
Ông Thủy cũng cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là có thể kiểm soát được số lượng con trong trại nhưng không thể kiểm soát được từng cá thể vì không thể tránh khỏi việc gia đình tráo đổi cá thể hổ vào trang trại. Việc gắn chíp vào hổ chưa thực hiện được nên chỉ có thể tuyên truyền vào ý thức người dân.
Khi hỏi về mục đích nuôi hổ của gia đình ông Chiến, ông Thủy nói: "Không biết anh Chiến nuôi hổ để làm gì? Việc tráo đổi hổ đưa đi nơi khác tiêu thụ cũng có thể xảy ra nhưng chưa bắt được quả tang".
Trước đó, được biết có nhiều cán bộ của Hội Bảo vệ động vật hoang dã, Trung tâm Cứu hộ động vật, Vườn thú có về thăm đàn hổ của gia đình ông Chiến và có ý định đưa đàn hổ đi nhưng do giá cả đền bù chưa thống nhất nên các bên vẫn không thỏa thuận được cho tới bây giờ.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Đi dọc miền Tây Thanh Hóa Vùng đất này được ví như miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh, cảnh đẹp hùng vĩ hiện lên như khúc độc hành của riêng sông Mã. Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu, đứa con gái 25 tuổi ngồi bó gối trong thành phố, cảm giác "nhớ rừng" quay quắt về một miền xa vắng ít nắng, nhiều mưa. Vậy...