Những điểm đáng chú ý trong đề xuất hoà bình ở Gaza của Ai Cập
Ai Cập đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa lực lượng Hamas, nhóm đồng minh vũ trang Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) trong nỗ lực hoà giải nhằm đạt được thoả thuận ngừng bắn vĩnh viễn cho cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza.
Quan chức Hamas, ông Osama Hamdan phát biểu tại một cuộc họp báo ở Beirut, Liban, ngày 12/11. Ảnh: Reuters
Dưới đây là những đề xuất khác nhau của Ai Cập.
Từ bỏ quyền lực
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết Cairo đang đề xuất Hamas và PIJ từ bỏ quyền lực ở Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết giới chức Hamas và PIJ đã bác bỏ đề xuất này. Các quan chức của hai bên cũng công khai phủ nhận đề xuất trên.
Lãnh đạo của hai bên đã nhiều lần khẳng định tương lai hậu xung đột ở Gaza phải do chính người Palestine quyết định, chứ không phải theo mệnh lệnh của nước ngoài.
Về phần mình, Israel đã yêu cầu tiêu diệt Hamas và PIJ. Trong đó, các trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng điều này đòi hỏi phải phá huỷ mọi khả năng quản lý và quân sự của tổ chức này.
Hiện chưa rõ liệu đề xuất xoá bỏ quyền lực của Hamas có đáp ứng được những đề xuất đó hay không.
Lệnh ngừng bắn nhiều giai đoạn
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. Ảnh: AFP
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cũng cho biết Cairo đang đề xuất một lệnh ngừng bắn nhiều giai đoạn. Trong đó, lệnh ngừng bắn tạm thời ban đầu kéo dài trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 tuần.
Lệnh ngừng bắn tạm thời này có thể được gia hạn.
Giới chức Palestine cho biết đây là lệnh ngừng bắn 3 giai đoạn. Trong thời gian ngừng bắn nhân đạo kéo dài 10 ngày đầu tiên, Hamas sẽ trả tự do cho tất cả phụ nữ, trẻ em và người già bị bắt giam.
Đổi lại, Israel sẽ trả tự do cho một số lượng tù nhân Palestine đã thỏa thuận, chấm dứt mọi cuộc giao tranh, di dời xe tăng ra bên ngoài lãnh thổ đông dân cư, cho phép cung cấp viện trợ y tế, thực phẩm, nhiên liệu và khí đốt nấu ăn.
Video đang HOT
Thoả thuận cũng cho phép người dân quay trở lại phía Bắc Gaza.
Ở giai đoạn thứ hai, Hamas sẽ phóng thích tất cả nữ binh sĩ Israel. Đổi lại, Israel sẽ thả một nhóm người Palestine khác đang bị bắt giam.
Hai bên cũng sẽ bàn giao các thi thể con tin vốn bị bắt giữ từ ngày 7/10.
Giai đoạn ngừng bắn thứ 3 có thể kéo dài một tháng và chờ đàm phán. Hamas sẽ trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ để đổi lấy số lượng tù nhân Palestine đã thỏa thuận.
Israel sẽ rút xe tăng khỏi Gaza và cả hai bên sẽ dừng mọi hoạt động thù địch.
Hamas từ chối ngừng bắn tạm thời
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Các nguồn tin Ai Cập cho biết cả Hamas và PIJ đang tổ chức các cuộc đàm phán riêng với các nhà hòa giải Ai Cập ở Cairo. Song họ sẽ không ngừng giao tranh trừ khi Israel chấm dứt các hành động thù địch.
Trong cuộc họp báo ở Liban, khi được hỏi về các sáng kiến được đưa ra cho lệnh ngừng bắn, ông Osama Hamdan, quan chức cấp cao của Hamas, nói với các phóng viên: “Có rất nhiều đề xuất đang được trình bày và chúng tôi đang giải quyết những ý tưởng đó trên cơ sở rằng chúng tôi muốn chấm dứt toàn diện hành động thù địch chứ không phải ngừng bắn tạm thời. Chúng tôi luôn hoan nghênh những ý tưởng có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn hoàn toàn”.
Hamas và PIJ cũng khẳng định thỏa thuận trao đổi tù nhân sẽ dẫn đến việc trả tự do cho tất cả người Palestine trong các nhà tù của Israel. Một quan chức cấp cao của nhóm PIJ nhấn mạnh bất kỳ cuộc trao đổi tù nhân nào cũng phải dựa trên nguyên tắc “Tất cả vì tất cả”. nghĩa là thả tất cả tù nhân Palestine ở Israel để đổi lấy tự do cho tất cả con tin bị Hamas và PIJ giam ở Gaza.
Trong khi đó, Israel đã để ngỏ khả năng thực hiện một lệnh ngừng bắn tạm thời, nhưng đã bác bỏ yêu cầu của phong trào Hồi giao Palestine về việc chấm dứt chiến tranh và rút lực lượng khỏi Gaza.
Giai đoạn cuối cùng
Một nguồn tin Ai Cập cho biết ý tưởng về một chính quyền Gaza thời hậu chiến đã được đề xuất. Giới chức Palestine cho biết vấn đề này không phải là một phần hay một điều kiện của đề xuất ngừng bắn.
Ai Cập cũng đã thúc đẩy các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ kỹ trị nhằm xử lý viện trợ cứu trợ và tái thiết Gaza cũng như tổ chức một cuộc bầu cử lập pháp.
Giai đoạn cuối cùng của đề xuất sẽ chứng kiến việc Israel rút quân khỏi Gaza và cho phép người dân sơ tán trở lại quê hương.
Trở ngại của đề xuất hoà bình
Cựu phóng viên kênh NBC News, ông Martin Fletcher nhận định kế hoạch hòa bình của Ai Cập là đề xuất toàn diện đầu tiên trong nỗ lực chấm dứt xung đột Israel – Hamas. Ông Fletcher mô tả kế hoạch này giống như “tia sáng” trong cuộc khủng hoảng khu vực.
Theo ông Fletcher, kế hoạch hòa bình này là cơ hội tốt nhất để mở cánh cửa đối thoại giữa hai bên, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang gây thảm họa nhân đạo ở Gaza.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với kế hoạch hòa bình này lại đến từ chính Israel và Hamas.
Trong đó, Thủ tướng Israel Netanyahu dường như rất lạnh nhạt với sáng kiến này. Ông không bình luận trực tiếp về các bước trong kế hoạch, song nói rằng sẽ quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến của Israel ở Gaza.
“Chúng ta sẽ mở rộng cuộc chiến trong những ngày tới và đây sẽ là trận chiến lâu dài. Nó chưa tới gần thời điểm kết thúc”, ông nói.
Giới quan sát cho rằng đề xuất của Ai Cập không đáp ứng được mục tiêu cao nhất mà Israel đề ra là xóa sổ Hamas. Yêu cầu rút toàn bộ quân khỏi Gaza dường như cũng đi ngược lại quyết tâm của Israel là duy trì kiểm soát quân sự hậu xung đột ở dải đất.
Ông Gershon Baskin, người từng thay mặt Israel đàm phán thỏa thuận thả con tin, cũng cho rằng thỏa thuận này “thực sự là chiến thắng đối với Hamas và người Israel rất khó chấp nhận nó”.
Cuộc xung đột kéo dài đã tàn phá phần lớn Gaza. Theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành, cuộc xung đột còn cướp đi sinh mạng của hơn 21.000 người Palestine và khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân của vùng lãnh thổ này phải sơ tán. Các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo 1/4 dân số Gaza đang chết đói và số lượng hàng viện trợ ít ỏi được phép vào vùng lãnh thổ Palestine bị bao vây này chỉ như “muối bỏ biển”.
Chính quyền Israel cho biết, hơn 200 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo hôm qua đã được phép vào dải Gaza, trong đó gần 1/3 là qua cửa khẩu Kerem Shalom. Được phép mở cửa từ hôm 17/12, cửa khẩu này đã giúp tăng gấp đôi lượng thực phẩm và thuốc men đến dải Gaza.
Phản ứng lạnh nhạt của các bên về kế hoạch hòa bình Gaza của Ai Cập
Phong trào Hồi giáo Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã bác bỏ đề xuất của Ai Cập mà theo đó, Hamas sẽ từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Times of Israel ngày 25/12, thông tin trên do hai nguồn tin Ai Cập xác nhận.
Cụ thể, Hamas và PIJ cho biết họ không sẵn lòng thảo luận bất cứ nhượng bộ nào đối với Israel ngoài việc thả khoảng 130 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Một quan chức Hamas phát biểu với Reuters ngày 25/12: "Hamas tìm cách chấm dứt hành vi gây hấn của Israel nhằm vào người dân của chúng tôi, chấm dứt các vụ thảm sát và diệt chủng. Chúng tôi đã thảo luận với Ai Cập về biện pháp để làm điều đó".
Quan chức này cho biết thêm: "Chúng tôi cũng nói rằng viện trợ cho người dân phải tiếp tục và phải tăng lên, phải đến được với toàn bộ người dân ở miền Bắc và miền Nam. Sau khi hành động gây hấn chấm dứt và viện trợ tăng lên, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về việc trao đổi tù nhân".
Về phần mình, báo chí Israel cũng đưa tin rằng nước này đã không từ chối thẳng thừng đề xuất của Ai Cập và các quan chức cho rằng đề xuất có thể làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.
Ngày 25/12, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã công khai nhắc lại lập trường của Israel rằng quân đội nước này sẽ không ngừng chiến đấu ở Dải Gaza cho đến khi lật đổ Hamas. Ông nói với các binh sĩ đang hoạt động ở Gaza: "Chúng ta không dừng lại... Cuộc chiến này sẽ đi đến tận cùng. Cho đến khi chúng ta kết liễu họ".
Theo ông Netanyahu, Israel đang thực hiện mọi nỗ lực để đưa các con tin đang bị Hamas bắt giữ ở Dải Gaza về nước, đồng thời nói rằng làm như vậy đòi hỏi phải có áp lực quân sự để thành công. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không dừng lại và sẽ không dừng lại cho đến khi chiến thắng bởi vì chúng ta không còn mảnh đất nào và con đường nào khác".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel, ông Bezalel Smotrich đã kiên quyết bác bỏ đề xuất của Ai Cập. Ông nói rằng Nội các Chiến tranh Israel không có thẩm quyền phê chuẩn kế hoạch như vậy, đồng thời nhấn mạnh rằng đảng của ông sẽ không là đối tác trong một chính phủ đồng ý chấm dứt chiến tranh hoặc cho phép các quan chức Chính quyền Palestine tham gia quản lý Gaza. Ông Smotrich nói: "Nội các Chiến tranh không có nhiệm vụ ngừng chiến tranh trước khi đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh... Cả Qatar và Ai Cập đều sẽ không can thiệp vào tương lai ở dải đất này. Chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm. Bất cứ ai nghĩ rằng Nhà nước Israel sẽ đồng ý với một số kế hoạch thành lập một chính phủ gồm những chuyên gia mà có sự tham gia của Hamas và Chính quyền Palestine, dưới vỏ bọc của các quan chức kỹ trị, đều đang sống trong ảo tưởng".
Kế hoạch hòa bình của Ai Cập
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 19/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Kế hoạch mà Ai Cập đề xuất có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là tạm dừng giao tranh trong hai tuần, có thể kéo dài đến ba hoặc bốn tuần, để đổi lấy việc thả 40 con tin bị bắt cóc từ Israel. Đổi lại, Israel sẽ thả 120 tù nhân Palestine. Trong thời gian này, giao tranh sẽ dừng lại và viện trợ nhân đạo sẽ vào Gaza.
Giai đoạn thứ hai sẽ là cuộc đàm phán quốc gia Palestine do Ai Cập bảo trợ nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các phe phái Palestine, chủ yếu là giữa Chính quyền Palestine do đảng Fatah lãnh đạo và Hamas, sau đó tiến tới thành lập một chính phủ kỹ trị ở Bờ Tây và Gaza. Chính phủ này sẽ giám sát tái thiết Dải Gaza và mở đường cho các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống của người Palestine.
Giai đoạn thứ ba sẽ gồm một lệnh ngừng bắn toàn diện, thả các con tin Israel còn lại để đổi lấy một số lượng tù nhân an ninh Palestine có liên quan đến Hamas và PIJ đang bị Israel giam giữ. Israel sẽ rút lực lượng khỏi các thành phố ở Dải Gaza và cho phép người dân Gaza trở về nhà.
Ngày 25/12, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza, cũng như những nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại vùng đất của Palestine.
Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm, ông Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2720 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và bền vững nguồn viện trợ nhân đạo ở Gaza, đồng thời kêu gọi thành lập một cơ chế của LHQ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và giám sát hàng viện trợ nhân đạo.
Trong những ngày qua, các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn mới đi kèm với việc trả tự do cho các con tin vẫn diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Các cuộc đàm phán này được tiến hành thông qua các đối tác trung gian nước ngoài như Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Hồi tháng 11, Hamas và Israel đã ngừng bắn trong khoảng 1 tuần, tạo điều kiện cho 80 con tin phía Israel và 240 tù nhân người Palestine được trả tự do. Thỏa thuận do Qatar làm trung gian, với sự trợ giúp của Mỹ và Ai Cập.
Tình hình tại Dải Gaza đang ngày càng bất ổn và mất an ninh, trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đang xảy ra tại dải đất ven biển. Ngày 24/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại về hệ thống y tế bị tàn phá ở Dải Gaza và nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn. Hiện chỉ có 9 trong số 36 bệnh viện trên toàn Gaza hoạt động.
Lần đầu thủ lĩnh Hamas tuyên bố công khai, thề không đầu hàng Thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya Sinwar tuyên bố họ đang "đè bẹp" binh sĩ Israel, trong khi lãnh đạo cấp cao khác ở Qatar đang đánh giá đề xuất hòa bình của Ai Cập. Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ vụ thảm sát tại Israel ngày 7/10, thủ lĩnh...