Những điểm chính trong bài phát biểu của ông Putin tại diễn đàn kinh tế St Petersburg
Theo kênh Al Jazeera, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập tới nhiều vấn đề, từ kinh tế Nga tới cuộc xung đột ở Ukraine, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) ngày 16/6.
Kinh tế Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 16/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tổng thống Putin, các xu hướng kinh tế vĩ mô của Nga đang tích cực, đạt được động lực và sức mạnh. Vào tháng 4 năm nay, tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 3,3% tính theo năm và đến cuối năm, con số này sẽ tăng thêm hơn 1%.
Ông Putin nói thêm rằng chính sách có trách nhiệm về tiền tệ và ngân sách của chính phủ Nga đã đảm bảo rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Nga đang ở mức thấp trong lịch sử, hiện ở mức 3,3%.
Xung đột ở Ukraine
Theo Tổng thống Putin, cuộc phản công của Ukraine sẽ thất bại khi quân đội nước này tìm cách tiến công theo nhiều hướng, bao gồm cả khu vực Đông Nam Zaporizhia. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các lực lượng vũ trang Ukraine không có cơ hội ở đây, cũng như ở các hướng khác… Tôi chắc chắn về điều đó”.
Theo ông Putin, Ukraine gần như đã dùng hết tất cả vũ khí của mình và sẽ sớm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ các đồng minh.
Trong khi đó, ngày 12/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết rằng cuộc phản công Nga diễn ra khó khăn, nhưng Kiev đang tiến lên phía trước và điều này là rất quan trọng. Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar thông tin trên Telegram rằng 7 khu dân cư đã được giải phóng và diện tích lãnh thổ mà phía Ukraine giành lại quyền kiểm soát lên tới 90 km2.
Cảnh báo NATO
Trong bài phát biểu, ông Putin cũng nói về vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine: “ Xe tăng phương Tây đang bốc cháy. Một số xe tăng đã bị phá hủy, gồm cả Leopard… Máy bay F-16 cũng sẽ bị đốt cháy, chắc chắn như vậy…”.
Ngoài ra, ông Putin cho rằng có nguy cơ nghiêm trọng là NATO bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột vũ trang này nếu gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Theo ông Putin, có khả năng F-16 sẽ được đặt ngoài Ukraine và chỉ xuất kích tham chiến trên không phận Ukraine. Trong trường hợp đó, Nga sẽ cần xem xét cách thức và địa điểm để tấn công các máy bay này.
Đầu đạn hạt nhân ở Belarus
Ông Putin xác nhận Nga đã gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật tới đồng minh Belarus, quốc gia có biên giới giáp Ukraine. Ông Putin nói: “Các đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển đến lãnh thổ Belarus… Đây là phần đầu tiên”.
Trước đó, hồi tháng 3, ông Putin đã công bố kế hoạch gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.
Ông Putin cũng cho biết: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn là có thể xảy ra về mặt lý thuyết. Đối với Nga, điều này có thể xảy ra nếu có mối đe dọa về toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của chúng tôi, cũng như sự tồn tại của nhà nước Nga”.
Ngày 16/6, phản ứng trước thông tin Nga đã gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng kho vũ khí hạt nhân tại Belarus.
Các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga
Bình luận về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Putin nói: “Về các cuộc tấn công vào các lãnh thổ ở biên giới Nga, đây là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng chúng tôi… để buộc chúng tôi phải chuyển một số đơn vị đã được triển khai ở các khu vực khác của tiền tuyến”.
Quan hệ Mỹ – Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 16/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nói về quan hệ song phương với Mỹ, Tổng thống Putin nói: “Thực tế chúng tôi không có cuộc liên lạc nào và không phải chúng tôi đã từ chối họ”.
Theo ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và ông sẽ không bảo ông Biden phải làm gì. Ông nói: “Hãy để ông ấy làm những gì ông ấy thấy phù hợp và chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi tin là vì lợi ích của Liên bang Nga và người dân Nga”.
Chính sách khí hậu
Tổng thống Putin đã chỉ trích châu Âu khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và ca ngợi chính sách khí hậu của Điện Kremlin. Ông nói: “Không giống nhiều quốc gia khác, chúng tôi đang thực hiện tất cả các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện trong lĩnh vực này. Thậm chí trước thời hạn”.
Ông nói thêm rằng một số nước gần đây đã tăng cường sản xuất điện từ than đá, bất chấp những tuyên bố ngược lại.
Đóng băng tài sản của Nga
Tổng thống Nga cho biết việc gửi các khoản tiền kiếm được ở Nga vào các tài khoản nước ngoài tiềm ẩn rủi ro không thể chấp nhận được, không chỉ đối với chính phủ mà cả các doanh nghiệp Nga.
Ông nói thêm rằng nhiều doanh nhân Nga đã trải qua rủi ro đó khi tài khoản và tài sản của họ đã bị đóng băng ở phương Tây.
Về các doanh nghiệp nước ngoài ở Nga, ông Putin nói: “Tôi sẽ nói rằng nếu các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay trở lại, đến thị trường của chúng tôi và chúng tôi ngày càng nghe thấy những cuộc bàn luận như vậy thường xuyên hơn, thì chúng tôi sẽ không đóng cửa với bất kỳ ai. Các bạn biết rõ rằng chúng tôi chưa bao giờ đẩy bất kỳ ai ra khỏi thị trường hoặc nền kinh tế của chúng tôi”.
Nhân dân tệ có thế chỗ USD tại Nga?
Nhân dân tệ đã vượt qua USD trở thành tiền tệ được giao dịch nhiều nhất ở nước Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây tiếp tục ảnh hưởng đến giao dịch của các ngân hàng Nga.
Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg từ báo cáo hàng ngày trên Sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên trong tháng 2, khối lượng giao dịch đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế Nga đã vượt qua USD. Còn theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong tháng 2, Nga là nền kinh tế có khối lượng giao dịch nhân dân tệ lớn thứ 4 trên thế giới (không tính Hồng Kông). Con số này thậm chí tiếp tục tăng trong tháng 3.
Quy mô đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế Nga
Trước xung đột Nga-Ukraine, hơn 60% xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng USD và euro, trong khi nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đầy 1%. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), sau 1 năm chiến sự, hai đồng tiền mà Nga gọi là "độc hại" nói trên đã giảm tỷ trọng còn chưa đầy một nửa thanh toán cho hàng xuất khẩu của nước này, trong khi đồng nhân dân tệ đã tăng lên, chiếm tới 16%.
Tháng 3 vừa qua, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có động thái mang tính chất "phê chuẩn" việc tăng cường sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế của Nga khi phát biểu rằng ông ủng hộ "việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latin".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hồi tháng 3. Ảnh REUTERS
Hãng Reuters đưa tin Bộ Tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ mà quỹ tài sản có chủ quyền của nước này có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt quốc tế. Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, trong năm 2023, Nga sẽ chỉ mua nhân dân tệ để nạp đầy quỹ tài sản có chủ quyền của nước này.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tỷ trọng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của Nga là lớn bất thường. Trong khi đó, chưa đầy 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là tài sản bằng nhân dân tệ, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trung Quốc được lợi ra sao khi phương Tây cấm vận Nga?
Các ngân hàng Nga cũng tiến hành nhiều giao dịch bằng nhân dân tệ hơn và hiện có tới hơn 50 ngân hàng Nga đang cung cấp dịch vụ tiền gửi nhân dân tệ với mức lãi suất cao hơn tiền gửi bằng USD. Tuy nhiên, theo Financial Times, hiện nay nhân dân tệ mới chỉ chiếm 2% tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp ở Nga. Điều này phần nào cho thấy nhiều người Nga vẫn chưa thực sự tin tưởng vào loại tiền này với tư cách một kênh dự trữ giá trị.
Nguyên nhân của sự dịch chuyển
Việc nhân dân tệ đang ngày càng được Nga sử dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, việc Mỹ "vũ khí hóa" USD đã giúp nhân dân tệ của Trung Quốc hưởng lợi khi dần trở thành giải pháp thay thế trong thanh toán và dự trữ ngoại hối của Nga; buộc Moscow và các doanh nghiệp nội địa phải chuyển từ việc giao dịch bằng USD và euro sang những loại tiền tệ khác, nhất là nhân dân tệ.
Đầu năm 2023, Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi các hoạt động thị trường từ USD sang nhân dân tệ với tỷ lệ tối đa. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho SWIFT. Lượng giao dịch bình quân hằng ngày qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã tăng gần 50% kể từ khi chiến sự nổ ra, lên tới 21.000 giao dịch/ngày trong tháng 1. Trong khi đó, người dân Nga cũng dần chuyển tài sản sang rúp hoặc những loại tiền "thân thiện" khác nhằm tránh rủi ro từ các lệnh trừng phạt.
Nhân viên ngân hàng Trung Quốc đếm tiền nhân dân tệ bên cạnh các tờ USD. Ảnh AFP
Thứ hai, khối lượng giao dịch bằng USD ít đi do giá dầu và sản lượng xuất khẩu sụt giảm làm doanh thu giảm theo. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với dầu mỏ Nga đã khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh, theo đó thúc đẩy sự dịch chuyển sang sử dụng nhân dân tệ. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng đã chuyển sang xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc bằng rúp và nhân dân tệ, thay vì USD.
Thứ ba, kinh tế Trung Quốc và Nga ngày càng xích gần lại với nhau và có nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ khiến cho lượng giao dịch bằng nhân dân tệ ngày càng tăng. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Nga vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực này với Nga.
Thứ tư, đã từ lâu Tổng thống Putin luôn muốn tìm cách độc lập khỏi USD và những biến động chính trị trong thời gian qua càng đẩy nhanh quá trình này.
Tổng thống Putin dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Nga Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước này trong những năm tới sẽ đạt tăng trưởng tích cực. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) tại Kyrgyzstan ngày 9/12, ông Vladimir Putin cho hay GDP của Nga sẽ...