Những di tích đẹp như mơ, du khách nhất định phải khám phá dịp 10/10
Nếu du khách có dịp đến Hà Nội vào những ngày thu tháng 10, hãy dừng chân ghé thăm cầu Long Biên, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà Hát Lớn…, những di tích gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).
Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử…
Phố phường Hà Nội tưng bừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Hà Nội đang trong những ngày thu đẹp nhất khi khắp Thủ đô cờ hoa tung bay kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Nếu du khách đến Hà Nội vào dịp này xin hãy ghé thăm những “nhân chứng lịch sử” để được sống lại không khí hào hùng của dân tộc và check in những bức ảnh đẹp không góc chết.
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ được khởi công xây dựng từ năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và mất 7 năm để hoàn thành. Ngày 10/10/1954, lễ thượng cờ Tổ quốc tại Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng, đánh dấu mốc son cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cột cờ Hà Nội đã trở thành biểu tượng và là điểm thu hút khách du lịch khi dừng chân ở Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội có chiều cao 33m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44m; được xây dựng gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Cửa hướng Đông phía trên có hai chữ Nghênh Húc, nghĩa là đón ánh sáng ban mai. Cửa Tây với hai chữ Hồi Quang, tức là Ánh sáng phản chiếu; cửa Nam với hai chữ Hướng Minh ý nói hướng về ánh sáng; riêng cửa Bắc không có chữ đề.
Cột cờ nổi bật giữa không gian thành phố bởi nét cổ kính và lá quốc kỳ tung bay trên đỉnh
Lá quốc kỳ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước 4m x 6m. Bất kể lúc nào lá cờ bị bạc màu hay bị rách sẽ được thay ngay lập tức để giữ gìn một biểu tượng thiêng liêng của đất nước.
Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long
Đây chính là nơi Quân đội ta tập trung khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Đoan Môn nổi bật với ba tầng lầu uy nghi, tráng lệ.
Video đang HOT
Đoan Môn đẹp nên thơ trong nắng mùa thu.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Đoan Môn nói riêng và Hoàng Thành Thăng Long nói chung luôn là địa điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước.
Để thu hút khách tham quan, nhiều tour du lịch khám phá Hoàng thành Thăng Long đã được tổ chức.
Đến đây du khách có thể tham quan Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu – Tĩnh Bắc Lâu, Chính Bắc Môn – Cửa Bắc, khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Cổng Hành Cung, những công trình kiến trúc kiểu Pháp, Nhà D76…
Ga Hà Nội
Khánh thành vào năm 1902, cùng năm với cầu Long Biên, ga Hà Nội là một trong những ga lớn và quan trọng nhất của đường sắt Việt Nam.
Ga Hà Nội một trong những cơ sở đầu tiên quân đội Việt Nam tiếp quản từ Pháp và trở thành nhân chứng lịch sử cho ngày 10/10.
Với người dân Hà Nội Ga Hà Nội đã trở thành biểu tượng. Tiếng còi tàu đã trở thành ký ức khó phai mờ đối với những người từng sống ở thập niên 90. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, ga Hà Nội được đầu tư đồng bộ với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hay hệ thống quản lý đặt chỗ bán vé tự động…
Với du khách, ga Hà Nội không chỉ là điểm đến của một cuộc hành trình. Đây còn là nơi để chiêm ngưỡng, vẻ đẹp của một loại hình giao thông đường bộ.
Đặc biệt, nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong các chuyến du lịch. Những năm gần đây, người trẻ có xu hướng du lịch bằng tàu hỏa để vừa đi vừa ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và cực “nghệ” của mảnh đất hình chữ S.
Cầu Long Biên
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 – 1902. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô. Cây cầu cũng là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Trải qua năm tháng, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác mà trở thành một phần không thể thiếu của người dân Thủ đô.
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu Long Biên trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội và thu hút nhiều khách du lịch tham quan. Nhiều lễ hội và chương trình văn hóa được tổ chức tại đây để chào mừng các sự kiện lớn của thành phố.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng vào năm 1901. Đây là một công trình kiến trúc pha trộn giữa nhiều phong cách. Trong đó, dáng vẻ tân cổ điển thể hiện rõ nhất ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng được lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí ở bên trong vô cùng độc đáo, tinh tế.
Tất cả những thiết kế tinh tế, độc đáo mang đến cho Nhà hát Lớn Hà Nội một không gian trang trọng, rực rỡ và đầy sức cuốn hút, ấn tượng với du khách tham quan.
Nhà hát Lớn Hà Nội – Điểm hẹn quen thuộc của du khách khi đến với Thủ đô
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, Nhà Hát Lớn còn là nhân chứng lịch sử. Vào 15h ngày 10/10/1954, hồi còi tại Nhà hát Lớn Hà Nội báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vang lên trước khi người dân Thủ đô hướng về Cột cờ Hà Nội để thực hiện nghi lễ chào cờ.
Đến nay, Nhà Hát Lớn là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là điểm check in lý tưởng cho khách du lịch khi tham quan Hà Nội.
Khám phá Việt Nam: Kiến trúc độc đáo ở Nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình
Nhà thờ đá Phát Diệm là công trình kết hợp hài hòa, đặc sắc giữa nghệ thuật kiến trúc phương Đông và phương Tây, thu hút du khách gần xa khi đến Ninh Bình.
Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở Ninh Bình. (Nguồn: Tổ quốc)
Nhà thờ đá Phát Diệm là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Công trình tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhà thờ đá Phát Diệm được Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục (tức Cụ Sáu) - người được bổ nhiệm làm Chánh xứ Phát diệm vào năm 1865 cho xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn chỉnh phác thảo họa đồ và tập trung tài lực, vật lực.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ, trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá; phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. (Nguồn: Tổ quốc)
Nhà thờ được làm bằng chất liệu chủ yếu là đá và gỗ. Trên từng phiến đá, phiến gỗ như nở hoa khoe sắc với các đường nét khắc trạm tinh xảo. Đáng chú ý nhất là nghệ thuật điêu khắc đá vô cùng mềm mại, uyển chuyển, có những mảnh đá chỉ dày 3,5cm.
Cả khu kiến trúc gồm có 9 vỉ kèo với 9 giai thợ khác nhau, do vậy mỗi vỉ kèo mang một nét văn hóa riêng biệt, thể hiện khiếu thẩm mỹ phong phú của những người thợ thủ công lành nghề.
Hơn nữa, nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá mà không cần đến lõi bê tông cốt thép. Phần khó nhất của công trình này là việc xử lý nền móng. Do Kim Sơn vốn là vùng đất bãi bồi lầy lội nên Chánh xứ Phê rô Trần Lục phải cho khai thác và vận chuyển hàng ngàn tấn đá từ một quả núi ở Thanh Hóa đưa về chống lún, trong đó có những khối đá nặng đến 20 tấn. Đồng thời, cụ Lục cũng cho khai thác và vận chuyển hàng mấy trăm cây gỗ lim từ rừng núi Nghệ An về xây dựng công trình.
Phương Đình gồm 3 tầng được dựng lên bởi những phiến đá lớn, có kết cấu tam quan thường thấy trong kiến trúc của người Việt. (Nguồn: Tổ quốc)
Tuy nhiên, điều làm cho các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư say mê ở quần thể Nhà thờ Phát Diệm, là kiểu kiến trúc đình chùa phương Đông kết hợp hài hòa với lối kiến trúc Gothic của phương Tây. Cụ Sáu là người đã thiết kế, sáng tạo ra nhà thờ với những chi tiết vô cùng mới lạ. Cũng có thể do cụ không phải là người theo đạo Thiên chúa mà theo đạo Phật nên trong bản thiết kế của mình, cụ đã có sự kết hợp rất tài tình giữa kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc mái uốn cong như mái đình trong đạo phật.
Tinh hoa nghệ thuật ở nhà thờ đá Phát Diệm còn thể hiện rõ sự hài hòa giữa nghệ thuật chạm khắc đá và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam như biểu tượng thánh giá (biểu trưng đạo Công giáo) ngự trên đài sen (biểu trưng Phật giáo), những chữ "vạn" của nhà Phật khắc trên mấy đóa hoa mân côi, các phù điêu đá, gỗ chạm khắc hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh; trong đó các vị thánh trang phục theo kiểu Việt nhìn thật sống động mà gần gũi, quen thuộc như xem tranh dân gian; cột đá chạm hình hoa sen biểu hiện các giai đoạn "sinh - lão - bệnh - tử" theo triết lý nhà Phật.
Nhà thờ chính tòa được khởi công xây dựng năm 1891 với tên chính thức là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Bên trong nhà thờ lớn có 52 cột đỡ, sắp xếp thành 6 hàng, chia không gian nhà thờ thành 9 gian. (Nguồn: Tổ quốc)
Ấn tượng hơn nữa là Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, cung thánh sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế, công phu nhưng vẫn tạo cảm giác thật dịu dàng, yên bình bởi thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông "trời tròn, đất vuông". Nơi đây còn có một câu Kinh thánh được chạm khắc lên đá bằng Việt ngữ thời sơ khai.
Có thể nói, Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm là sự giao thoa, sự kết hợp hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông. Công giáo mang đức tin đến cho con người nhưng phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tạo nên sự bình an, che chở, đây cũng là biểu tượng của sự gặp gỡ giữa công giáo và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam từ rất sớm.
Nhà thờ này được khởi công xây dựng từ năm 1883 với tên nguyên thủy là Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ. Nhà thờ làm hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa với các phù điêu trang trí rất sinh động... (Nguồn: Tổ quốc)
Trải qua hơn 130 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn được giữ gìn nguyên trạng cho đến ngày nay. Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.
Tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm không chỉ là nơi giáo dân đến cầu nguyện mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Hàng năm, nhà thờ đá Phát Diệm thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá.
Khám phá những 'địa chỉ đỏ' trên dãy Trường Sơn Dọc theo đường 20 Quyết Thắng, du khách được tham quan, tìm hiểu về nhiều di tích lịch sử, cuộc sống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên đường Trường Sơn. Du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống của người Ma Coong khi tham gia hành trình đặc biệt này. Ảnh: Oxalis Holiday. Bên cạnh những hang động kỳ...