Những đề thi gây sốc vì đưa chuyện showbiz
Nhiều người còn cho rằng có thể “ca sĩ Lệ Rơi” sẽ vào đề thi Đại học năm nay.
Những đề thi nói về vấn đề thời sự đã là chuyện “xưa như Diễm”. Giờ đây, các nhân vật “hot” của showbiz lại trở thành nguồn cảm hứng mới cho các thầy cô giáo ra đề thử thách học sinh.
Một số ngôi sao và “hiện tượng” trong làng giải trí Việt được chọn làm đối tượng để dẫn dắt vào đề thi như Hoài Lâm, Ngọc Trinh, Bà Tưng, Kim Tan, hotgirl bánh tráng trộn… Thậm chí nhiều người còn cho rằng, có thể “ca sĩ Lệ Rơi” sẽ vào đề thi Đại học năm nay.
Hoài Lâm vào đề thi thử Đại học 2014
Hoài Lâm trở thành hiện tượng mới của showbiz Việt sau chương trình Gương mặt thân quen. Tiết mục của anh trong đêm chung kết đã tạo một hiệu ứng cộng đồng lớn. Đặc biệt, vừa qua, một đề thi thử Đại học môn Ngữ văn đã gây chú ý khi đưa trường hợp của anh vào làm đề bài.
Hoài Lâm vào đề thi thử Đại học.
Cụ thể, trong câu hỏi số 2 (3 điểm) của đề thi thử môn Văn khối D tại một trung tâm luyện thi có nêu:
“Đêm 14/6, Gala chung kết Gương mặt thân quen với sự chiến thắng tuyệt đối của chàng trai 19 tuổi Hoài Lâm. Nam ca sĩ này đã trở nên xuất thần khi hóa thân vào vai cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và Thanh Sang trong vở tuồng kinh điển Tiếng trống Mê Linh.
Bao nhiêu người đã khóc. Khóc vì nghĩ đến Thanh Nga, vì bộ môn nghệ thuật vẫn không bị mai một. Nhưng có lẽ, phần đông mọi người khóc vì không khí bi hùng của một thời kỳ vang bóng. Khi thái thú Tô Định bắt sống chồng của bà Trưng Trắc làm con tin, với lời đe dọa gửi đến nghĩa quân hoặc đầu hàng, hoặc chồng bà sẽ bị thiêu sống. Đứng trước sự lựa chọn sinh tử, bà vẫn ra quyết định mang tính sống còn cho cả dân tộc: ‘Nổi trống lệnh Mê Linh thúc giục nghĩa quân xông lên tấn công thành Luy Lâu, giành lại độc lập’. Người gánh vác vận mệnh cả dân tộc trên vai ấy đã dõng dạc cất lên lời tuyên ngôn đanh thép: ‘Nước Nam ta trường tồn đến muôn đời’.
Không khí ấy, con người ấy khiến cho anh/chị mở ra một góc nhìn như thế nào về lòng tự hào dân tộc của con người Việt Nam? Khí thế và lực nước ta còn yếu, theo anh/chị, tuổi trẻ phải có hành động thực tiễn nào để phát huy tinh thần đó trong bối cảnh hiện tại. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) thể hiện suy nghĩ của mình”.
Đề thi này nhận được nhiều chia sẻ thích thú và bất ngờ của các sĩ tử. Nội dung đề không chỉ gắn với hiện tượng ca sĩ Hoài Lâm vốn quen thuộc với giới trẻ mà còn khơi gợi được lòng tự tôn dân tộc trong tình hình thời sự căng thẳng.
Ngọc Trinh, Bà Tưng làm đề tài thi học sinh giỏi Văn
Khoảng tháng 9/2013, một đề thi học sinh giỏi thành phố lớp 12 cấp THPT năm học 2013-2014 của Thành phố Hải Phòng đã nhận được nhiều quan tâm của dư luận.
Đó cũng là thời điểm hiện tượng Bà Tưng mới xuất hiện gây nhiều bức xúc trong cộng đồng xã hội. Nhân sự việc này của showbiz, đề thi học sinh giỏi Văn đã nêu ra câu hỏi: “Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”.
Video đang HOT
Ngọc Trinh vào đề thi Học sinh giỏi Văn.
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề : “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
Nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra xoay quanh đề thi có ý tưởng bất ngờ này. Một số thí sinh cho rằng, Bà Tưng hay Ngọc Trinh là nhân vật nhiều tai tiếng, không nên đưa vào đề của học sinh giỏi. Số khác cho rằng, cần phát huy kiểu ra đề sát thực tế đời sống như vậy, để giúp học sinh tránh suy nghĩ ham vật chất.
Kim Tan, hotgirl bánh tráng trộn… vào đề thi Vật lý
Vào cuối năm 2013, đề thi Vật lý lớp 10 của một trường THPT ở Thanh Hóa đã tạo hứng thú cho cộng đồng mạng khi đề cập đến những vấn đề nóng hổi nhất showbiz lúc bấy giờ.
Các câu hỏi được đặt ra hài hước, dẫn dắt thú vị khi nói tới các nhân vật hot như anh chàng Kim Tan trong phim Hàn hay hotgirl bánh tráng trộn tại Đà Lạt, Việt Nam.
Trong câu 3 đề ra: “Mọi vật đều có sự hấp dẫn, từ cô bánh tráng trộn các em thích đến anh chàng Kim Tan các bạn gái mê mẩn, họ đều có sức hấp dẫn. Em hãy phát biểu và viết hệ thức của định luật vạn vật hấp dẫn để làm rõ luận điểm trên.”
Ngoài ra, những bộ phim nổi tiếng thế giới như Captain America hay Thần sấm (Thor) cũng được nhắc tới một cách khéo léo, tạo hứng thú cho học sinh khi làm bài.
Thầy cô giáo ra đề Vật lý này đã đưa ra câu 5: “Chiếc khiên củaCaptain America bán kính 60cm quay đều 10 vòng trong thời gian 1s. Tìm tốc độ dài và gia tốc hướng tâm của một điểm trên vành khiên”.
Kim Tan vào đề thi Vật Lý.
Và câu 6 cũng lấy đề tài phim thế giới để làm đề bài: “Chiếc búa của Thor rơi tự do từ độ cao 80m xuống mặt đất. Hãy tính thời gian vật rơi và vận tốc vật khi chạm đất”.
Văn hóa thần tượng đánh trúng tâm lý sĩ tử
Đề Văn khối D thi Đại học năm 2012 do Bộ giáo dục và đào tạo đưa ra đã đặt vấn đề văn hóa thần tượng làm trọng tâm câu hỏi. Trong câu 2 (3 điểm), đề ra: “Ngưỡng mộ thần tượng một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”.
Nhiều bạn trẻ đã rất tâm đắc với đề thi này. Họ cho rằng đây chính là một câu nói rất đúng để cảnh tỉnh với tình trạng giới trẻ Việt hiện nay có nhiều người đang cuồng mê thần tượng một cách thái quá.
Một sĩ tử đã xúc động chia sẻ, bạn đọc đề văn thấy rất đúng với tâm trạng của mình. Trong lúc làm bài, bạn chỉ nghĩ về hình ảnh của bố mẹ và những vùng quê nghèo. Để đưa con đến cổng trường thi Đại học là biết bao ông bố bà mẹ phải còng lưng vất vả, một nắng hai sương. Sĩ tử ấy đã bắt đầu câu đầu tiên trong bài văn của mình: “Thần tượng của tôi chính là bố mẹ”.
Theo Tiểu Nhi/Khám Phá
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thí sinh đừng bao giờ nghĩ đến việc gian lận
"Việc phát hiện gian lận trong thi cử không phải chỉ thực hiện trong quá trình thi mà còn cả trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh tốt nghiệp đã được cấp bằng, nếu có chứng cứ vi phạm qui chế thi thì thí sinh vẫn bị xử lý như thường...".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí về công tác phòng ngừa gian lận trong thi cho mùa tuyển sinh 2014.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Tăng cường quan sát những động tác bất bình thường của thí sinh!
Mùa tuyển sinh năm nào các Hội đồng tuyển sinh đều nâng cao tinh thần cảnh giác chống gian lận trong thi cử như thi hộ, thi kèm, phổ biến quy chế thi rất kỹ đến thí sinh nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra như trường hợp thi thuê vào ĐT Phòng cháy chữa cháy năm trước. Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa Thứ trưởng?
Trước hết là ý thức của thí sinh. Quy chế tuyển sinh qui định việc xử lý rất nghiêm đối với thí sinh thi kèm, thi hộ. Thí sinh cũng cần quán triệt kỹ rằng việc phát hiện gian lận trong thi cử không phải chỉ thực hiện trong quá trình thi mà còn cả trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh tốt nghiệp đã được cấp bằng, nếu có chứng cứ vi phạm qui chế thi thì thí sinh vẫn bị xử lý như thường. Vì vậy thí sinh phải ý thức được điều này để tự giác chấp hành qui chế thi, đừng bao giờ nghĩ đến việc thi kèm, thi hộ hay các hình thức gian lận trong thi cử khác.
Mặt khác, để ngăn chặn các hành vi thi kèm, thi hộ, các hội đồng thi cần quán triệt giám thị thực hiện nghiêm qui chế tuyển sinh, kiểm tra, đối chiếu kỹ càng ảnh trên thẻ dự thi, ảnh trên chứng minh nhân dân với danh sách ảnh và người thật của thí sinh. Những trường hợp nghi ngờ phải báo phụ trách điểm thi để xác minh làm rõ và xử lý. Khi bố trí thí sinh trong phòng thi, nếu thấy những số báo danh nghi ngờ thì giám thị bố trí những thí sinh liên quan ngồi lệch xa để tránh thi kèm.
Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số phương tiện kỹ thuật có khả năng lưu trữ, xem thông tin dữ liệu với hình dạng như đồng hồ đeo tay, máy tính... rất khó phát hiện. Bộ GD-ĐT đã có biện pháp nào để phòng ngừa tình trạng này chưa?
Những phương tiện nghe nhìn, truyền tin công nghệ cao cũng đã xuất hiện từ những năm trước. Bộ đã nhắc nhở các hội đồng thi tăng cường tập huấn giám thị để phát hiện những thiết bị lạ, quan sát những động tác bất bình thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi.
Qui chế cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không phát âm, phát hình trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác để chống tiêu cực. Nếu thí sinh lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực, mang những thiết bị công nghệ cao để gian lận khi làm bài nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ thi. Vai trò của giám thị trong phòng thi rất quan trọng. Những thiết bị công nghệ cao rất đa dạng nên nếu giám thị phát hiện thí sinh mang những thiết bị nghi ngờ mà tự mình không nhận dạng được thì báo cho điểm thi để xử lý.
Tạo cơ hội cho thí sinh chọn trường chọn ngành!
Như Bộ GD-ĐT đã thông tin, kỳ thi tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới như tuyển sinh riêng, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, cách xác định điểm sàn mới... Vậy đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT có bổ sung thêm điểm gì mới? Thí sinh được lợi gì từ những thay đổi mới này?
Những sửa đổi qui chế tuyển sinh năm nay đã được Bộ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận và ban hành từ rất sớm để thí sinh biết và các trường chủ động triển khai. Năm nay có 62 trường có đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ xác nhận phù hợp với qui chế và tiến hành tuyển sinh riêng. Các trường tuyển sinh riêng đều dựa vào xét tuyển kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông với ngưỡng xét tuyển hợp lý để đảm bảo chất lượng đầu vào. Để tham gia xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng thí sinh nên theo dõi thông báo trên trang thông tin điện tử của các trường liên quan về thời hạn nộp hồ sơ, những giấy tờ cần bổ sung, thời gian xét tuyển, thời điểm công bố kết quả...
Việc điều chỉnh qui định ưu tiên đối tượng và khu vực nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học của thí sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Sau hơn 10 năm kể từ khi thực hiện kỳ thi tuyển sinh chung, tình hình kinh tế xã hội ở một số địa phương đã phát triển tốt hơn nên việc điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo sự công bằng. Điều chỉnh năm nay chủ yếu liên quan đến khu vực 1 được xác định theo xã khó khăn nơi thí sinh thường trú và địa điểm của trường Trung học phổ thông nơi các em theo học. Bộ đã tổng hợp và gửi đến các trường danh sách trường THPT và xã khó khăn thuộc khu vực 1 để các trường rà soát điều chỉnh diện ưu tiên, đảm bảo quyền lợi của thí sinh theo qui định.
Về điểm sàn, thay vì chỉ có một mức điểm sàn duy nhất như trước đây, năm nay Bộ sẽ công bố nhiều mức điểm xét tuyển để các trường tùy theo uy tín, sức hút thí sinh của mình mà lựa chọn mức xét tuyển phù hợp. Ngoài ra, năm nay Bộ còn qui định việc nhân hệ số 2 điểm thi môn chính do các trường xác định. Những năm trước các trường cũng nhân hệ số môn thi chính nhưng chỉ được áp dụng đối với những thí sinh đã có kết quả thi trên điểm sàn. Theo qui định mới, các trường có thể xác định mức điểm xét tuyển đã nhân hệ số môn thi chính với điều kiện điểm bình quân của mức này không thấp hơn điểm bình quân mức xét tuyển cơ bản Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn. Với qui định mới, những thí sinh có kết quả 3 môn thi thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản tối thiểu nhưng có điểm môn chính cao cũng có thể trúng tuyển.
Những điều chỉnh này một mặt giúp cho các trường chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp đối với từng ngành nghề đang đào tạo và mặt khác, đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh chọn trường, chọn ngành và chọn cách thi phù hợp với năng lực sở trường.
Thí sinh hồi hộp trước giờ thi.
Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông
Trong mỗi kỳ thi, vấn đề đề thi luôn được các thí sinh và xã hội quan tâm. Được biết, năm nay, Bộ GD-ĐT có thay đổi về cách ra đề thi. Vậy thay đổi đó như thế nào thưa Thứ trưởng?
Nói chung đề thi năm nay sẽ ra theo hướng đổi mới đã được thí sinh và dư luận xã hội đánh giá là tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học những năm gần đây và đặc biệt là trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua. Đề thi sẽ không bắt thí sinh phải nhớ nhiều chi tiết một cách máy móc, không học thuộc lòng theo khuôn mẫu có sẵn nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Kiến thức đề thi nằm trong khung chương trình phổ thông, không quá dài, quá khó, không đánh đố thí sinh. Đề thi ngoại ngữ chỉ có phần trắc nghiệm như năm ngoái, không có phần viết như đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Vậy đến thời điểm này công tác chuẩn bị tuyển sinh 2014 đã sẵn sàng chưa, thưa Thứ trưởng? Ông có lưu ý gì tới các Hội đồng thi và thí sinh?
Đến giờ phút này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 đã hoàn tất. Các cụm thi liên trường Hải Phòng, Vinh, Qui Nhơn, Cần Thơ và các hội đồng thi của các trường đã sẵn sàng đón thí sinh đến dự thi đợt 1 trong vài ngày tới. Các địa phương đã chỉ đạo các sở ngành, các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà, lên phương án sẵn sàng xử lý những tình huống bất thường xảy ra như bão lụt, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đoàn Thanh Niên, Hội Sinh viên đã tổ chức ra quân tình nguyện tiếp sức mùa thi, giúp cho thí sinh từ nơi xa đến tìm được chỗ ăn ở phù hợp để yên tâm thi tốt.
Đối với các hội đồng thi, việc tập huấn giám thị trước khi làm nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng. Năm nào cũng có sai sót do giám thị chủ quan, không nắm vững qui chế tuyển sinh. Mặt khác, các hội đồng thi phải đặc biệt lưu ý lịch thi các môn, tuyệt đối không để xảy ra việc bóc nhầm đề thi. Đợt 1 ít môn thi nhưng đợt 2 và đợt 3 rất nhiều môn nên phải quan tâm điều này để tránh sự nhầm lẫn. Khi bóc đề thi, giám thi phải tuân thủ đúng qui trình qui định trong qui chế.
Đối với thí sinh, còn vài hôm nữa là đến ngày thi, các em nên nghỉ ngơi để ổn định tâm lý và sức khỏe, đặc biệt là những em từ nơi xa đến thành phố để dự thi. Đề thi tuyển sinh có tính phân loại cao nên các em cần lựa những câu dễ làm trước, những câu khó làm sau và cố gắng tối đa làm được càng nhiều càng tốt. Thời gian trong phòng thi rất quí báu để các em thể hiện năng lực của mình. Ranh giới giữa đậu và rớt nhiều khi rất mong manh nên các em tận dụng tối đa khoảng thời gian này để làm bài và kiểm tra lại bài làm thật cẩn thận.
Năm nào cũng có nhiều thí sinh bình đình chỉ thi vì mang theo điện thoại di động. Khi mang theo điện thoại vào phòng thi thì dù vô tình hay cố ý, dù điện thoại đang ở chế độ tắt hay mở thí sinh cũng đều bị đình chỉ thi ngay lập tức. Đây là điều các em phải hết sức lưu ý.
Bình tĩnh, tự tin và đi thi với tinh thần thoải mái sẽ giúp các em thành công trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay!
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân trí
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thí sinh cần bình tĩnh để làm bài có kết quả tốt nhất Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhắn nhủ: "Khi đi thi các em thí sinh cần phải hết sức bình tĩnh, đừng quá căng thẳng và như thế sẽ giúp các em thành công trong kỳ thi này". Trao đổi với PV Dân trí bên lề hội nghị giao ban ngành giáo dục...