Những đám tang bất thường ở Italy
Đối với nhiều gia đình, đại dịch Covid-19 đã cướp đi cơ hội nói lời tạm biệt cuối cùng với người thân của họ.
“Đại dịch này giết con người hai lần”, Andrea Cerato, nhân viên dịch vụ tang lễ ở Milan nói. “Đầu tiên, nó tách bạn khỏi người thân. Sau đó, kể cả khi bạn qua đời, cũng không ai khác được lại gần. Các gia đình đau khổ và khó chấp nhận điều này”.
Do Covid-19, chính phủ Italy yêu cầu người dân ngừng tổ chức đám tang. Nhiều bệnh nhân chết đơn độc trong bệnh viện mà không có gia đình hay bạn bè ở bên. Người đã mất không thể truyền bệnh song virus vẫn sống trên quần áo họ nhiều tiếng. Điều đó có nghĩa, thi thể bệnh nhân được niêm phong ngay lập tức.
“Rất nhiều gia đình hỏi chúng tôi liệu họ có được nhìn người thân lần cuối không. Nhưng điều này hoàn toàn bị cấm”, Massimo Mancastroppa, nhân viên dịch vụ tang lễ ở Cremona chia sẻ. Mỗi ngày, ông chôn cất ít nhất một bệnh nhân qua đời vì Covid-19 và mọi thứ diễn ra trong im lặng.
Nhân viên tang lễ vận chuyển quan tài của một bệnh nhân qua đời vì virus corona vào nghĩa trang ở Bergamo. Ảnh: Flavio Lo Scalzo/Reuters.
Trước tình huống chưa từng có, nhân viên tang lễ trở thành gia đình, bạn bè, thậm chí là linh mục của những bệnh nhân qua đời vì nCoV bởi hầu hết thân nhân của họ đều bị cách ly.
“Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm”, Andrea nói, “Chúng tôi gửi gia đình họ ảnh chụp quan tài sẽ dùng cho người mất, sau đó đem thi thể từ bệnh viện đi chôn hoặc hỏa thiêu. Các gia đình không có lựa chọn nào khác ngoại việc tin chúng tôi”.
Điều khó nhất với Andrea là không thể làm dịu nỗi đau của các gia đình mất người thân. Thay vì nói với họ những gì mình có thể làm, Andrea giờ đây liệt kê những điều ông không được làm.
“Chúng tôi không thể mặc đồ mới, chải tóc và trang điểm cho người đã khuất. Chúng tôi không thể giúp họ trông đẹp và thanh thản hơn. Điều đó thật buồn”, Andrea nói. Đã 30 năm làm nhân viên tang lễ, ông thấy “thật tệ” khi các gia đình không thể nắm tay, vuốt má hay ngắm người thân lần cuối.
Cũng để tránh phát tán dịch bệnh, các vật dụng cá nhân giờ đây không được chôn cất cùng người đã khuất. Nhiều gia đình cố đưa cho nhân viên tang lễ những lời nhắn, bài thơ, bức tranh như những món đồ này đều bị bỏ lại.
Trường hợp bệnh nhân qua đời ở nhà, nhân viên tang lễ được phép vào trong để đưa thi thể ra với điều kiện mang đủ đồ bảo hộ gồm kính, khẩu trang, găng tay và áo trùm. Với các gia đình, cảnh tượng này không hề dễ nhìn.
Chưa kể, việc tiếp xúc với thi thể người bệnh buộc nhiều nhân viên tang lễ ở Italy phải tự cách ly hoặc đóng cửa dịch vụ. Đối với những cơ sở còn hoạt động, nỗi lo lớn nhất là không đủ đồ bảo hộ để tiếp tục.
“Chúng tôi có đủ đồ bảo hộ cho một tuần nữa. Nếu hết, chúng tôi sẽ không thể làm việc”, Andrea nói. “Chúng tôi là một trong những nhà tang lễ lớn nhất đất nước nên không thể tưởng tượng được những nơi khác đối phó như thế nào”.
Về phần mình, Massimo cố làm những gì có thể. Nếu điều kiện cho phép, ông chở các quan tài đến nhà thờ, sau đó mở nắp và nhờ một linh mục làm lễ trong vài giây.
“Nhiều người coi chúng tôi chỉ là những kẻ vận chuyển linh hồn”, Massimo thở dài. “Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tất cả những gì chúng tôi muốn là để người chết ra đi một cách tử tế”.
Tính đến chiều 26/3, Italy ghi nhận hơn 7.500 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Thu Nguyệt
Thư nước Mỹ: Khi người Việt ở California tổ chức đám tang online
Giữa mùa dịch Covid-19, khi chính quyền yêu cầu "trú ẩn tại chỗ", người Việt tại Mỹ cũng tổ chức các đám tang online.
Đám tang online
Tôi ở California (Mỹ) trong những ngày mà chính quyền tiểu bang ban bố lệnh "Trú ẩn tại chỗ" ("Shelter in place") đối với toàn bộ người dân, để ngăn ngừa đại dịch do virus corona gây ra.
"Shelter in place" có nghĩa là người dân không được phép ra đường, trừ những lý do như đi bệnh viện (khám bệnh) hay mua thực phẩm. Mỗi người dân phải giữ khoảng cách với người khác tối thiểu 6 feet (2m).
Cuộc sống của người dân thực sự bị đảo lộn vì quy định này. Song vì an toàn chung, hầu hết người dân rất tự giác chấp hành. Tuy vậy, nhiều nhu cầu cuộc sống của người dân bắt buộc phải diễn ra trong mùa dịch.
Đám tang online tổ chức giữa mùa dịch Covid-19. (Ảnh: ABC)
Chị Diễm có mẹ vừa mới qua đời do bệnh tuổi già. Chị muốn thực hiện di nguyện của người đã khuất, là được tổ chức lễ tang tại nhà thờ, nơi mà lúc còn sống mẹ chị thường lui tới để cầu nguyện.
Khi mọi công việc đã chuẩn bị xong xuôi, bất ngờ chính quyền có lệnh "Shelter in place".
Điều đó khiến chị Diễm thực sự bối rối, vì ngày tổ chức tang lễ đã định. Theo quy định chung của chính quyền, sẽ không có quá 10 người tham dự lễ tang của bà cụ thân sinh.
Thông qua một người bạn, tôi gặp chị Diễm và gợi ý với chị về một đám tang online.
Điều đó có nghĩa là mọi nghi thức của đám tang vẫn được thực hiện ở nhà thờ, có sự ban phước và làm lễ của các cha xứ. Nhưng chỉ khác biệt ở chỗ là người thân trong gia đình hay bạn bè của chị sẽ chứng kiến lễ tang qua màn hình điện thoại hoặc máy tính.
Đây là phương án tốt nhất cho chị Diễm lúc này. Ngay lập tức chị nhờ chúng tôi hỗ trợ gia đình tổ chức buổi lễ tang online cho người mẹ quá cố.
Công việc chuẩn bị đối với chị Diễm vẫn không có nhiều thay đổi. Chị vẫn phải đặt lịch với nhà thờ, mời cha xứ tới làm lễ.
Công việc của nhóm chúng tôi là lên kế hoạch ghi hình, livestream trên kênh YouTube cho buổi lễ.
Mọi việc diễn ra thuận lợi, có lẽ là có sự "phù hộ" của mẹ chị.
Chị Diễm gửi cho mọi người bản cáo phó. Nhưng khác với bản cáo phó thông thường là có thêm đường link "private" (riêng tư) của buổi lễ.
Bạn bè và người thân gửi lời chia buồn cho chị Diễm qua những dòng tin nhắn/comment trên YouTube.
Đám tang kết thúc. Mọi việc diễn ra thật khác lạ, nhưng cả chị, gia đình và bạn bè đều cảm thấy hạnh phúc vì đã làm đúng di nguyện của bà cụ, nhưng cũng vừa tuân thủ quy định của chính quyền tiểu bang.
Cầu nguyện nhà thờ qua mạng
Những ngày này, anh Nguyên, một đồng nghiệp của tôi cũng ca thán về việc anh là một người Công giáo ngoan đạo, nhưng không thể tham dự các buổi lễ của Giáo xứ Santa Clara vào ngày Chủ Nhật hàng tuần.
Anh thực sự cảm thấy buồn và day dứt.
Tôi bèn nói với anh rằng, anh nên đề nghị với Cha xứ giảng đạo online.
Nhiều nhà thờ ở Mỹ tổ chức cầu nguyện online. (Ảnh minh họa)
Anh Nguyên bèn đem đề xuất đó nói với Cha Cường, là Cha xứ nhà thờ Christ The King Catholic Church, ở thành phố San Jose, California.
Cha Cường rất vui và mong muốn tôi tổ chức một buổi cầu nguyện online cho Giáo dân xứ quận hạt Santa Clara.
Sau khi bàn bạc với cả nhóm, tôi liền thông báo với Cha xứ là buổi Thánh Lễ Chúa Nhật IV mùa chay sẽ được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình, kênh YouTube, Facebook, trên website và ứng dụng OTT.
Cha Cường rất vui và nói với tôi rằng, thay vì 6 nhà thờ trong quận hạt tổ chức riêng biệt thì Thánh lễ này cả 6 Cha xứ sẽ tập hợp cùng nhau để tổ chức chung.
Các giáo dân không cần đến nhà thờ mà vẫn được nghe các Cha giảng đạo trực tiếp trên nhiều thiết bị mà họ có như tivi, máy tính, điện thoại.
Sau khi nhà thờ phát đi thông báo, nhiều người dân tỏ ra rất vui mừng. Họ thường xuyên gọi điện cho chúng tôi để hỏi về lịch phát sóng buổi lễ.
Đối với họ, đây là việc chưa từng có trong tiền lệ. Nhưng nó lại thực sự hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Vì nó vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh lại không phải ra đường đến nhà thờ, vừa tuân thủ yêu cầu chính quyền tiểu bang.
Người dân chuẩn bị chén thánh, bánh lễ và ngồi cùng nhau trước màn hình tivi đợi buổi lễ diễn ra.
Video: Cầu nguyện online sẽ được tổ chức tại Indonesia?
Công việc chuẩn bị của chúng tôi diễn ra khá vất vả, gấp gáp và cũng không kém phần nguy hiểm.
Đầu tiên là do lệnh "Shelter in place", nên việc đi lại của chúng tôi có thể bị phạt, nếu không giải thích được lý do ra đường.
May mắn là chúng tôi đều có thẻ phóng viên của Mỹ. Và nơi chúng tôi làm việc là đài truyền hình, nằm trong danh mục các công ty được phép làm việc mùa dịch.
Tiếp nữa là, ở California lúc này, ai cũng có thể bị lây nhiễm Covid-19.
Nhưng với đam mê và niềm vui phục vụ cộng đồng, chúng tôi đành chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định là sẽ bảo hộ thân thể thật kỹ để có thể làm việc trong điều kiện an toàn tối đa.
Buổi Thánh lễ diễn ra tốt đẹp và đã mang lại niềm vui cho mọi người, cũng như cho êkip thực hiện.
Cha Cường và các Cha xứ khác đã gửi tới chúng tôi những lời cầu chúc và cảm ơn. Chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Cuộc sống nhiều khi phải vượt lên nghịch cảnh như vậy.
NGUYỄN NGỌC TUẤN
'Khi ác mộng này kết thúc, tôi sẽ làm cho bố một lễ tang đàng hoàng' Đám tang của bệnh nhân chết vì dịch Covid-19 ở nhiều nước được giản lược hết mức có thể, thậm chí người thân đôi lúc còn không thể có mặt vì đang bị cách ly. Cuộc đời dài của Alfredo Visioli, hưởng dương 83 tuổi, kết thúc bằng một nghi lễ giản đơn tại nghĩa trang gần quê nhà Cremona. Ngay cả con...