Những đại án nghìn tỷ khó thu lại được tiền thiệt hại
Hơn 1.100 tỷ đồng phải thu hồi trong vụ Vinashin, 360 tỷ với vụ án Dương Chí Dũng hay 14.000 tỷ đồng tại vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang khiến cơ quan thi hành án “đau đầu” vì tài sản kê biên có giá trị rất nhỏ.
Đại án tiêu cực xảy ra tại Vinashin
Theo bản án ngày 30/8/2012 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, cựu Chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 8đồng phạm bị xác định cố tình mua tàu, bán vỏ tàu và nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu khi không được phê duyệt, gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Với việc bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Bình phải chịu án 20 năm tù; những người còn lại nhận án từ 3 đến 19 năm.
Các bị cáo phải bồi thường hơn 1.100 tỷ đồng, riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thi hành án dân sự tính đến đầu năm 2016, số tiền phải thu mới 2,4 tỷ đồng.
Các bị cáo trong vụ án Vinashin tại tòa. Ảnh: TTXVN.
Ngoài tài sản cơ quan thi hành án đã kê biên, hiện nhà chức trách chưa tìm thấy tài sản nào khác của đương sự. Tổng cục cho rằng nguyên nhân của sự “bất lực” là do trong quá trình điều tra, xét xử vụ án các cơ quan chức năng đã không phong tỏa và kê biên hết tài sản theo đúng quy định. Vì thế đến giai đoạn thi hành án, việc xác minh, xác định tài sản gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Vinalines
Ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) bị Tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan, tuyên án tử hình với cáo buộc phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Video đang HOT
Bị xác định là đồng phạm giúp sức, ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) cũng phải nhận án tử. 8 người liên quan vụ án bị tuyên các mức án từ 4 đến 22 năm tù.
Ông Dũng, Phúc và các đồng phạm bị cáo buộc đã chi cả chục triệu USD mua ụ nổi cũ sản xuất từ năm 1965, để nhận “lại quả” từ bên bán. Hiện “đống sắt vụn” này chưa một lần đưa vào sử dụng, hậu quả vụ án được xác định rất nghiêm trọng.
Bị án Dương Chí Dũng.
Theo bản án, ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng. Các bị cáo khác liên đới bồi thường tổng cộng gần 150 tỷ đồng.
Tổng số tiền phải thu hồi của vụ án là hơn 360 tỷ đồng, song đến tháng 2/2016 cơ quan thi hành án mới thu được hơn 19 tỷ. Theo Tổng cục thi hành án dân sự, việc xử lý tài sản kê biên để đấu giá đang được xúc tiến. Tuy nhiên khó có thể thu hồi được số tiền tòa tuyên bởi những tài sản kê biên có giá trị nhỏ hơn nhiều, chưa kể nhiều tài sản lại chung với người khác.
Vụ Huỳnh Thị Huyền Như
Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam, Vietinbank chi nhánh TP HCM) bị cáo buộc vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư bất động vào năm 2007. Từ năm 2010, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Huyền Như dùng nhiều mánh để có được hơn 4.000 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức.
“Siêu lừa” Huyền Như phải nhận mức án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. 22 đồng phạm khác nhận án từ 1 đến 20 năm tù.
Theo bản án phúc thẩm ngày 7/1/2015 của TAND Tối cao tại TP HCM, Huyền Như (án tù chung thân) và 22 bị cáo phải bồi thường tổng cộng trên 14.000 tỷ đồng. Trong số này, tiền phải thu hồi cho ngân sách nhà nước tới hơn 11.000 tỷ đồng; tiền thi hành cho các tổ chức, cá nhân gần 3.000 tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như khi bị đưa ra xét xử.
Hơn một năm qua, các đương sự mới nộp hơn 3,4 tỷ đồng án phí, nộp công quỹ hơn 163 tỷ đồng và bồi thường 15 tỷ đồng cho một chi nhánh ngân hàng. Vụ án còn tới gần 14.000 tỷ đồng chưa thể thi hành.
Như hai vụ đại án trên, nguyên nhân chủ yếu là các tài sản kê biên không đủ bù đắp số tiền phải thu. Cơ quan thi hành án đang tiếp tục đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển giao bản chính giấy tờ nhà, đất liên quan các tài sản mà tòa án đã tuyên kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án… Cục Thi hành án dân sự TP HCM sẽ tiếp tục xác minh truy tìm tài sản của đương sự.
Bảo Hà
Theo VNE
Các luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ "đại án" Agribank
Sau 4 ngày xét xử, hôm qua (25/12), đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội đã luận tội, đề nghị mức án lên đến 22 năm tù đối với cựu Tổng giám đốc Agribank - Phạm Thanh Tân. Trong khi đó, các luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Kiểm sát viên khẳng định có đủ cơ sở kết tội các bị cáo. Ảnh chụp qua màn hình.
Giám đốc chi nhánh bị đề nghị 30 năm
Theo kiểm sát viên, quá trình điều tra vụ án và diễn biến trong phiên xử, có đủ căn cứ khẳng định nội dung truy tố trong cáo trạng là đúng. Các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn đối với tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống tài chính, mất niềm tin của người dân đối với các ngân hàng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) bị xác định đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, phải chịu trách nhiệm về thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng của Chi nhánh Nam Hà Nội. Cũng theo kiểm sát viên, bị cáo Lương thiếu thành khẩn nên cần xử lý nghiêm khắc. Cấp phó Chử Thị Kim Hiền bị xác định giúp sức tích cực cho bà Lương, phải liên đới chịu trách nhiệm về 2.000 tỷ đồng thiệt hại. Đối với cựu Tổng giám đốc Agribank - Phạm Thanh Tân, cơ quan truy tố khẳng định, ông Tân đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Agribank, hậu quả do bị cáo Tân gây ra nằm trong tổng thiệt hại với Cty liên doanh Lifepro Việt Nam.
Đại diện cơ quan truy tố đề nghị đến 22 năm tù đối với bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu Tổng giám đốc Agribank); 30 năm tù đối với Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền. Các bị cáo còn lại nhận mức án đề nghị từ 36 tháng đến 16 năm tù.
Cán bộ ngân hàng bị lừa?
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Thị Bích Lương cho rằng bị truy tố theo 2 tội danh Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ quyền hạn là chưa thỏa đáng. Bà Lương chỉ thừa nhận đã thiếu trách nhiệm vì đã quá tin tưởng vào cơ quan chức năng.
Ở hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền cho vay, bà Lương cho hay, đã làm đúng các quy định trong ngành ngân hàng.
Bào chữa cho bị cáo Lương, luật sư Nguyễn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hậu quả vụ án do các đối tượng người nước ngoài gây ra, bà Lương và ngân hàng chỉ là nạn nhân bị lừa đảo. Cũng theo luật sư Chiến, ngay bản cáo trạng cũng khẳng định hành vi lừa đảo của các đối tượng ở nước ngoài. Do vậy, khi chưa bắt được các đối tượng này nhưng lại quy kết cho bị cáo Lương và các bị cáo khác phạm tội là chưa đầy đủ, thuyết phục. Cũng theo luật sư Chiến, hiện có 80 triệu USD trong tài khoản các đối tượng nước ngoài nhưng các cơ quan tố tụng chưa phong tỏa được là một thiếu sót.
Từ những lập luận này, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tương tự, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Lương) cho rằng cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều nội dung chưa được làm rõ.
Theo luật sư Phúc, trong vụ án có nhiều tài liệu liên quan thể hiện bằng tiếng nước ngoài, chưa được dịch ra tiếng Việt. "Đây là một thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng" - bà Phúc khẳng định. Cũng theo luật sư Phúc, việc cơ quan tố tụng tách các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài ra khỏi vụ án, qua đó xét xử nhóm các bị cáo hiện tại là không đầy đủ.
Luật sư Phúc cho rằng, bị cáo Lương không phạm tội Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về khoản "lại quả" 3 tỷ đồng từ doanh nghiệp, bị cáo Lương cho rằng không chỉ đạo bà Hiền liên hệ với Lê Minh Hiếu (lãnh đạo các doanh nghiệp Lifepro Việt Nam), và Hiếu cũng chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo từ đối tác nước ngoài.
Theo Bảo Thắng (Tiền Phong)
Đề nghị thu hồi siêu xe Bentley 3,5 tỉ đồng "lót tay" Agribank yêu cầu Hội đồng xét xử "đại án" thu hồi tài sản cho ngân hàng cũng như tịch thu siêu xe Bentley trị giá 3,5 tỉ đồng mà Phạm Bích Lương nhận "lót tay". Ngày 23-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục ngày xét xử thứ 3 vụ đại án tham nhũng làm thất thoát gần 2.500 tỉ đồng tại Ngân hàng...