Những đặc sản vùng “đệ nhất danh trà” Thái Nguyên
Thái Nguyên không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, mà văn hóa ẩm thực cũng vô cùng độc đáo.
Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi trà Thái đượm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm, khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ còn nhớ mãi.
Sẽ không quá lời khi nói rằng, đến Thái Nguyên mà chưa được thưởng thức một chén trà Tân Cương vào buổi sớm mai, hay chưa mua được vài lạng chè móc câu mang về thì chưa thể gọi là đã đến Thái Nguyên.
Bạt ngàn đồi chè Tân Cương. Ảnh: langchethainguyen
Bánh chưng Bờ Đậu
Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ lâu nay có nghề làm bánh chưng rất nổi tiếng. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon vùng Định Hóa chín rền trên bếp nhỏ lửa, nổi bật với màu xanh và mùi thơm hấp dẫn.
Bánh chưng Bờ Đậu ngon và được nhiều người ưa chuộng là nhờ vào bí quyết riêng của người dân nơi đây, được giữ kín và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có thể nói, nếu đến Thái Nguyên mà chưa ăn bánh chưng Bờ Đậu thì coi như chưa biết rõ những nét đặc sắc về ẩm thực của vùng đất này.
Đặc sản bánh chưng Bờ Đậu. Ảnh: Văn Dũng
Cơm lam Định Hóa
Cơm lam là một món ăn giản dị của người dân Định Hóa, giản dị bởi nó gắn với những con suối nơi đầu nguồn và nương lúa bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút của đất ATK một thủa nhưng khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.
Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, đậm đà khó quên.
Video đang HOT
Ấn tượng cơm lam Định Hóa. Ảnh: Minh Đỗ
Nem chua Đại Từ
Nhắc đến nem chua, nhiều người chỉ thường nghĩ đến Thanh Hóa hay nem chua làng Vẽ (Hà Nội ), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) , Đông Ba (Huế)… mà ít ai biết trên đất Thái Nguyên cũng có một vùng làm nem chua ngon không kém, đó là Đại Từ.
Nguyên liệu chính làm nên món nem chua Đại Từ là thịt nạc, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi. Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa, là nướng bằng than củi hoặc cho vào nướng trong lò vi sóng hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được.
Bắt mắt nem chua Đại Từ. Ảnh: Quang Minh
Trám đen Hà Châu
Trong các sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân Phú Bình thì trám đen một trong những đặc sản nổi tiếng. Quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, nhân bên trong hạt trắng ngần. Theo người dân nơi đây, từ khi trồng trám đến khi cây cho quả phải mất 7 – 8 năm và trong mười cây trám giống thì chỉ có khoảng 3 – 4 cây là trám cái, còn lại là trám đực không có quả.
Người ta có thể dùng trám để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xôi trám, trám kho thịt, cá, gỏi trám và đặc biệt là món nham trám đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không thôi.
Trám đen là sản vật nổi tiếng của Thái Nguyên. Ảnh: MInh Đỗ
Đậu phụ Bình Long
Xóm An Long, xã Bình Long, huyện Võ Nhai được nhiều người biết đến bởi nghề làm đậu phụ thơm ngon truyền thống. Điểm đặc biệt của đậu phụ Bình Long đó là hình dáng bìa đậu.
Đậu Bình Long được ép trong khuôn lớn nên bìa đậu to bản, có hình vuông, không quá cứng và cũng không quá mềm. Đậu Bình Long ăn khá béo ngậy và rất thích hợp chấm cùng mắm tôm hoặc nước mắm ớt.
Hình dáng độc đáo của đậu Bình Long. Ảnh: dongbac.info
Tương nếp Úc Kỳ
Tương nếp Úc Kỳ có hương vị thơm ngọt đậm đà, nhuyễn đặc như mật và có màu vàng sậm hấp dẫn, là món quà ẩm thực theo chân du khách thập phương đi khắp đất nước.
Tương nếp ở đây được làm từ 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Tuy nhiên, chỉ có tương làm bằng gạo nếp Thầu dầu mới là ngon nhất, một nguyên liệu quan trọng tạo nên sự khác biệt của tương nếp nơi đây với những địa phương khác.
Tương nếp Úc Kỳ rất phổ biến trên thị trường. Ảnh: Minh Đỗ
Bánh Coóc mò
Bánh coóc mò là đặc sản, món truyền thống không thể thiếu trong dịp đầy tháng, thôi nôi của người Tày. Coóc mò có nghĩa là sừng bò, cái tên lạ lùng bắt nguồn từ hình dáng đặc biệt, có chóp nhọn giống như chiếc sừng bò. Nguyên liệu để làm coóc mò gồm lá dong, gạo nếp, lạc và một chút lạt mềm.
Điều đặc biệt của bánh coóc mò là không nhân nhưng càng nhai càng dễ cảm nhận vị thơm, béo, dẻo trong từng hạt nếp, rất dễ ăn, không hề ngấy. Ngày nay, bánh coóc mò được làm quanh năm và bày bán rất nhiều tại các chợ phiên ở vùng Võ Nhai, Định Hóa.
Những xâu bánh coóc mò làm quà. Ảnh: Văn Dũng
Tôm cuốn Thừa Lâm
Người dân thôn Thừa Lâm, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) có một món ăn độc đáo và lâu đời là món tôm cuốn tổng hợp. Nguyên liệu để làm món ăn này đều là những thứ dân dã, gồm tôm nhỏ bằng ngón tay út, trứng gà (hoặc trứng vịt) rán và giò lụa thái chỉ.
Các loại rau cuốn kèm gồm cần ta, hành lá cả củ, mùi tầu, tía tô, xà lách…Riêng cần ta và dọc hành phải trần qua nước sôi cho mềm, sau đó cuốn quanh các nguyên liệu như hình bó mạ. Khi ăn, móm tôm cuốn có thể chấm kèm với nước mắm chanh ớt chua ngọt.
Món ăn này mới được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bầu chọn là vào Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của cả nước trong giai đoạn 2011-2016.
Món tôm cuốn dân dã và bắt mắt. Ảnh: dattiecothainguyen.blogspot.com
Nếu có dịp về mảnh đất “Đệ nhất danh trà”, du khách đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng này để có một hành trình ấn tượng và trọn vẹn.
Ngọt ngào chiếc nem Lai Vung miền sông nước
Nem Lai Vung đã đi vào lòng người miền Tây và nổi tiếng với vần thơ quen thuộc""Ai về Đồng Tháp mà xem/ Lai Vung, con gái gói nem xắt bì". Đến với miền sông nước Đồng Tháp, du khách thế nào cũng kiếm chục nem về làm quà cho bà con cô bác gia đình.
Theo Quốc lộ 1 A xuôi từ Sài Gòn về Cần Thơ, qua Mỹ Thuận là du khách thấy dọc hai bên đường nhiều hàng quán bày bán nem Lai Vung. Loại nem gói bằng chuối xiêm, hình vuông, được buộc thành chục, thành trăm.
Tương truyền rằng, những ông tổ của nghề làm nem lúc đầu làm ra món ăn này chủ yếu để cúng kiến, giỗ tiệc, lễ tết. Sau này thấy ăn ngon miệng, dễ làm nên nhiều nguời dân Lai Vung quyết định học cách làm nem để bán. Và cũng từ đó, nem Lai Vung đã nổi tiếng và đi vào lòng người miền Tây. Khách bộ hành thế nào cũng kiếm chục nem về làm quà cho bà con cô bác.
Nem Lai Vung - Đồng Tháp (nguồn: Internet)
Đoạn quốc lộ này có nhiều ngả rẽ vô (vào) tận trung tâm Lai Vung - nơi có làng nem trứ danh, gia truyền.
Cách làm và chế biến nem khá công phu, tùy bí quyết riêng của từng gia đình truyền lại tự bao đời. Nhưng đã nói là nem thì điểm chung là được chế biến từ thịt heo.
Ngọt ngào chiếc nem hồng tươi (nguồn: Internet)
Để có được chiếc nem Lai Vung, thịt làm nem phải là thịt nạc lóc cho kỳ hết mỡ, xắt miếng nhỏ rồi đưa vào cối đá quết nhuyễn với đường, muối,... Theo kinh nghiệm ở Lai Vung, người ta ước lượng gia vị vừa ăn. Da heo (bì lợn) được lạng nhỏ thành từng miếng, trộn với thính (gạo rang vàng, xay nhuyễn), không quên rắc vài hột tiêu để nguyên chứ không đâm nát, cùng với vài miếng tỏi xắt mỏng.
Nem được gói bằng lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc thêm các cuộn lá chuối loại bánh tẻ. Nhờ hơi mát của các loại lá cây này, nem sẽ dần lên men chua trong vài ba ngày tùy theo lá gói dày hay mỏng. Người ta cột nem bằng dây chuối. Đây là những tàu chuối đã khô rũ trên cây, người ta cắt về, tuốt bỏ lá, ngâm sơ qua nước cho mềm rồi chẻ nhỏ vừa buột. Ngày nay, người ta còn thường buộc nem bằng dây lát (lạt) hoặc dây nylon, ...
Khi tháo ra ăn, bỏ lớp lá chuối là miếng nem với hương vị chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo khi thưởng thức. Nem có màu đỏ hồng, chưa ăn, nhìn đã thấy thèm tê lưỡi. Đúng như lời ai đó cất lên bên chiếc võng đưa em, dịu nhẹ:
"Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say..."
Những món không ăn khi tới Thanh Hóa là bạn đã sống phí một đời Những món không ăn khi tới Thanh Hóa là bạn đã sống phí một đời, hãy bỏ túi ngay để thưởng thức. Mảnh đất Thanh Hóa có rừng có biển, có danh lam thắng cảnh cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú dồi dào. Từ những sản vật quê hương, người dân Thanh Hóa đã sáng tạo nên những đặc sản thơm ngon...