Những cuộc vượt ngục gây chấn động trong lịch sử
Đào đường hầm bí mật, giả vờ làm thanh tra, lái trực thăng để cướp tù, trên thế giới từng xảy ra nhiều pha vượt ngục ngoạn mục, nhưng vận may của những tên tội phạm thường không kéo dài được lâu.
Đường hầm bí mật
Miệng hố dẫn xuống đường hầm bí mật của trùm ma túy. Ảnh: Reuters
Trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman, 58 tuổi, cầm đầu mạng lưới Sinaloa ở Mexico, chuyên buôn lậu ma túy và rửa tiền. Guzman cuối tuần trước trốn thoát nhà tù được canh phòng cẩn mật Altiplano. Trong buồng giam của ông ta, nhân viên an ninh phát hiện một hố sâu 10 m và có thang leo xuống dưới.
Hố này dẫn tới một đường hầm dài 1,5 km được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió. Đường hầm thông với một ngôi nhà chưa hoàn thiện phía ngoài nhà tù. Bên trong đường hầm, nhà chức trách tìm thấy một môtô được cải tiến để dùng trên đường ray.
Đây là lần thứ hai trùm ma túy vượt ngục thành công. Guzman được cho là đã trốn thoát khỏi nhà tù Puente Grande bằng cách trốn vào một giỏ giặt ủi năm 2001.
Co người chui qua lỗ nhỏ
Choi Gap-bok co người và chui qua lỗ đưa thức ăn trên chấn song. Ảnh: Joongang Daily
Theo Huffington Post, Choi Gap-bok, người Hàn Quốc luyện yoga trong 23 năm, ngày 12/9/2012 bị bắt vì tình nghi ăn cướp. Ông ta bị giam tại đồn cảnh sát ở thành phố Daegu.
Ông ta ở lại đó 5 ngày cho đến sáng sớm ngày 17/9, Choi thoa thuốc mỡ lên thân trên và co cơ thể, chui qua khe đưa đồ ăn ở chấn song. Toàn bộ cuộc đào thoát chỉ mất 34s.
Theo Korea Times, Choi cao khoảng 1,65 m. Lỗ mà ông ta chui qua cao khoảng 15 cm và rộng 45 cm. Ông ta trốn thoát khi ba người quản ngục đang ngủ. Tuy nhiên, 6 ngày sau đó, Choi bị bắt lại và bị giữ trong một buồng giam có khe đưa thức ăn nhỏ hơn nhiều.
Lái trực thăng cứu chồng
Video đang HOT
Tạp chí Paris Match năm 1986 đăng bức ảnh không chuyên ghi lại cảnh vượt ngục của đôi vợ chồng Vaujour. Ảnh: delcampe.com
Nadine Vaujour quyết tâm cứu chồng ra khỏi một nhà tù ở Paris nên bà ta đã học lái trực thăng. Chồng bà, Michel Vaujour, nhận án tù vì âm mưu giết người và cướp có vũ trang.
Michel năm 1986 cầm quả xuân đào được vẽ trông giống như lựu đạn để hù dọa lực lượng an ninh và chạy lên mái nhà tù. Nadine đến đón chồng bằng trực thăng và đưa ông ta đến một sân vận động. Họ hạ cánh và lái xe tẩu thoát.
Tuy nhiên, Nadine vài tháng sau đó bị phát hiện và bắt giữ ở tây nam nước Pháp. Michel tiến hành một vụ cướp ngân hàng thất bại và bị bắn vào đầu nhưng sống sót.
Giả làm thanh tra
Frank Abagnale năm 1978. Ảnh: The Denver Post
Khi một cảnh sát trưởng Mỹ để quên trát bắt giam, “siêu lừa” Frank Abagnale năm 1971 phối hợp với đồng lõa bên ngoài để thuyết phục lính gác nhà tù liên bang ở Georgia rằng, ông ta thực chất là một thanh tra nhà tù ngầm, đang đóng giả làm tù nhân để kiểm tra các quản ngục, chứ không phải là phạm nhân.
Trong vài tuần, ông ta và đồng lõa ở bên ngoài đã tạo dựng được bằng chứng ngoại phạm và giành được lòng tin của lính gác. Họ cho phép Abagnale ra ngoài nhà tù để gặp đồng lõa trong một chiếc xe hơi. Abagnale trốn thoát nhưng hai tháng sau đó bị bắt lại ở Washington, DC. Ông ta ngồi tù 4 năm ở Virginia trước khi được ân xá.
Abagnale sau đó trở thành cố vấn an ninh cho FBI. Năm 2002, chuyện đời ông được đưa lên màn ảnh rộng trong bộ phim “Hãy bắt tôi nếu có thể” của đạo diễn Steven Spielberg.
Trốn thoát nhà tù khét tiếng
Từ trái sang, Frank Lee Morris, Clarence Anglin and John Anglin khi còn trẻ và khi trung niên. Ảnh: Reuters
Nhà tù Alcatraz được coi là nhà tù không thể trốn thoát ở Mỹ. Nó nằm trên hòn đảo ở giữa vịnh San Francisco, nhằm cách ly tù nhân khỏi thế giới bên ngoài bằng dòng nước lạnh lẽo.
Tuy nhiên, năm 1962, Frank Morris và anh em John và Clarence Anglin, những người bị kết án tù chung thân vì cướp bóc và các tội danh khác đã vượt ngục thành công. Họ làm những chiếc đầu hình nộm được gắn tóc người thật để đánh lừa lính gác tuần tra ban đêm. Họ dùng thìa kim loại và máy khoan tự chế từ máy hút bụi để mở rộng lỗ thông hơi và chui vào đó.
“Sau đó, họ leo xuống ống thoát ở cuối phía bắc trại giam và nhảy xuống nước”. Văn phòng nhà tù cho biết. “Họ sử dụng áo mưa của nhà tù để làm thành áo phao và một chiếc phao bè”.
Nhiều thập kỷ sau, vẫn chưa rõ họ có sống sót ra khỏi vịnh San Francisco hay không. Morris và anh em nhà Anglin được cho là mất tích và có thể là đã chết đuối.
Dùng súng gỗ khống chế cảnh sát
John Dillinger. Ảnh: FBI
John Dillinger được coi là kẻ thù quốc gia số một của Mỹ khi ông ta cùng băng đảng cướp hơn 20 ngân hàng và vài trạm cảnh sát trong những năm 1930. Ông ta bị bắt giữ tại Tuscon, Arizona tháng 1/1934 và đưa đến nhà tù Lake County ở Crown Point, Indiana.
Ngày 3/3/1934, Dillinger cùng với một tù nhân khác được cho là đã sử dụng một khẩu súng giả được làm bằng gỗ và “nhuộm” đen bằng xi đánh giày. Ông ta dí súng vào người lính gác, đoạt chìa khóa của người này và thoát ra. Vụ vượt ngục này trở thành một trong những pha ngoạn mục nhất trong lịch sử, tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng súng mà Dillinger dùng là thật và được bí mật tuồn vào.
Dillinger còn dùng chiếc xe mới của cảnh sát trưởng để làm phương tiện trốn thoát. “Nếu tôi nhìn thấy John Dillinger, tôi sẽ bắn chết anh ta với chính khẩu súng lục của tôi”, Time dẫn lời cảnh sát trưởng Crown Point Lillian Holley nói. Cuối năm đó, các nhân viên FBI tiêu diệt Dillinger bên ngoài một nhà hát ở Chicago.
Phương Vũ
Theo NY Times/ CNN
Trùm ma túy vượt ngục Mexico có thể lấy lại ngôi bá chủ
Joaquin "El Chapo" Guzman có thể lấy lại ngai vàng là trùm ma túy hàng đầu Mexico và mở rộng địa bàn, khi ông ta không còn đối thủ xứng tầm nào có thể cản đường.
Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman. Ảnh: AP
Tuy vụ bắt giữ Guzman hồi tháng 2/2014 được cho là chiến thắng lớn cho chính phủ, mạng lưới Sinaloa của ông ta vẫn là tổ chức tội phạm lớn nhất Mexico và vẫn đang hoạt động.
Trong khi các đối thủ đang ngồi tù, Guzman hôm 11/7 trốn thoát khỏi một nhà tù an ninh cẩn mật ở Mexico, thông qua đường hầm bí mật dài 1,5 km.
"Cuộc tẩu thoát ngoạn mục càng gia tăng tiếng tăm cho Chapo Guzman", Mike Vigil, từng làm việc tại Cơ quan Xử lý Ma túy Mỹ (DEA) nhận xét. "Ông ta được các thành viên trong mạng lưới yêu mến và họ sẽ mở rộng vòng tay chào mừng ông ta trở lại".
Đối tác chính của Guzman trong Sinaloa, Ismael "El Mayo" Zambada, được cho là đã thay Guzman điều hành nhóm khi ông ta vắng mặt. Nếu lực lượng an ninh không bắt được Guzman trong vài ngày, ông ta có thể sẽ trở lại với "ngai vàng" của mình.
Zambada sẽ vui vẻ từ bỏ "ngôi vương" vì ông ta không có hứng thú với công việc nguy hiểm đó, Vigil nói. Khi Guzman trở lại nắm quyền, bạo lực sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở Mexico, còn Mỹ sẽ tràn ngập ma túy, cựu quan chức DEA nói.
Không có đối thủ xứng tầm
Băng đảng duy nhất có thể ngáng đường Guzman là New Generation, có trụ sở tại Jalisco, tây Mexico, do Nemesio "El Mencho" Oseguera cầm đầu. New Generation từng là phe cánh của Sinaloa và chưa rõ liệu băng đảng này có quay sang chống lại chủ cũ hay không.
"Những tổ chức khác đã tan rã và làm việc thành các nhóm nhỏ tại các thành phố", Tomas Zeron, giám đốc điều tra tại văn phòng tổng chưởng lý nói.
"Không giống như thời điểm vài năm trước khi Guzman bị bắt, mạng lưới Sinaloa giờ không có đối thủ nào xứng tầm", chuyên gia an ninh Patrick Corcoran viết. "Logic cho thấy rằng đây là thời điểm hoàn hảo để Guzman xây dựng lại vị thế bá chủ cho nhóm, và lấy lại các địa bàn từng bị mất".
"Chapo Guzman là một kẻ chinh phục, ông ta muốn kiểm soát tất cả việc buôn bán ma túy ở Mexico", Vigil nói.
Tuy nhiên, một số người cho rằng sự trở lại của Guzman sẽ không thay đổi đáng kể thực trạng buôn bán ma túy nói chung. "Hoạt động của tội phạm có tổ chức không phụ thuộc vào việc kẻ cầm đầu có bị bắt giữ hay không", Dwight Dyer, một chuyên gia an ninh và từng là quan chức tình báo Mexico nhận định.
Điều này phụ thuộc vào "năng lực chống tội phạm của chính phủ liên bang và tiểu bang", ông nói.
Phương Vũ
Theo AFP
Chân dung trùm ma túy có biệt danh 'gã lùn' Dù mù chữ nhưng Joaquin "El Chapo" Guzman lại nắm trong tay mạng lưới buôn ma túy khắp toàn cầu trị giá hàng tỷ đô và hệ thống đường hầm tinh vi khiến cảnh sát lao đao suốt hơn một thập kỷ. Joaquin "El Chapo" Guzman. Ảnh: borderlandbeat Guzman được gọi là "El Chapo", nghĩa là "gã lùn", vì chỉ cao 1,65 m....